Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập đối mặt nguy cơ đổ bể tan tành vì vấn đề Triều Tiên


Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập đối mặt nguy cơ đổ bể tan tành vì vấn đề Triều Tiên
Giấc mộng Trung Hoa là tư tưởng hoài cổ của ông Tập với mong muốn trở lại thời kỳ hoàng kim của các triều đại hùng mạnh nhất như Hán, Đường, Minh và Thanh. Ảnh CNN
Hiện tại, một cuộc xung đột nếu xảy ra ở bán đảo Triều Tiên có thể làm ông Tập chệch hướng trên con đường thực hiện lời hứa đưa Trung Quốc vào thời đại Giấc mộng Trung Hoa.
Áp lực về Triều Tiên
Sau các vụ thử tên lửa, dù phải chịu các lệnh trừng phạt, Triều Tiên lại tiếp tục tuyên bố thử nghiệm bom H và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa qua Nhật Bản. Theo Diplomat, sự phô trương sức mạnh hạt nhân của Triều Tiên trước các nước láng giềng và những đối thủ ở xa hơn như Mỹ sắp đạt được kết quả toàn diện.
Tờ này cũng cho rằng, với ông Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung Quốc ĐCSTQ, những bước tiến của Triều Tiên để trở thành một quốc gia hạt nhân đã đặt Bắc Kinh vào một thử thách khó khăn tại thời điểm mà Trung Nam Hải muốn tập trung cho những vấn đề khác giúp tăng vị thế của Trung Quốc tại khu vực và quốc tế hơn.
Trong khi đó, trước đây là chính quyền Tổng thống Barack Obama, hiện nay là chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tăng áp lực buộc Trung Quốc phải giải quyết khủng hoảng Triều Tiên hoặc sẽ phải đối mặt với những hậu quả nhất định.
Tuy nhiên sự phụ thuộc của Triều Tiên vào Trung Quốc vẫn gây nhiều tranh cãi. Mới đây, nhà sử học Mitchell Lerner đã chỉ ra những giai đoạn lịch sử đáng chú ý như những năm 1960, Triều Tiên khẳng định sự độc lập và thẳng thừng chống lại sức mạnh từ Bắc Kinh.
Ông cũng chỉ ra rằng quan hệ hai nước đã xấu hơn kể từ sau cuộc xung đột những năm 1990. Sự đổi mới của Trung Quốc trong quan hệ với các nước phương Tây và Hàn Quốc đã gây lo ngại cho Triều Tiên về việc có thể bị cô lập và bao vây toàn bộ xung quanh bởi các nước đối địch với mình.
Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập đối mặt nguy cơ đổ bể tan tành vì vấn đề Triều Tiên - Ảnh 1.
Quan hệ Trung-Triều được cho đang xấu đi sau loạt vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng. Ảnh: Bí thư Ban Bí thư Trung ương ĐCSTQ Lưu Vân Sơn (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Vì vậy, Lerner cho rằng Mỹ nên xem xét lại một loạt các biện pháp, ngay cả những biện pháp đơn phương với những rủi ro đáng kể như áp dụng lệnh trừng phạt cứng rắn, ngăn chặn các chương trình rửa tiền của Triều Tiên, các hình thức tác chiến điện tử mới và tổ chức một cuộc tấn công quân sự.
Các chuyên gia khác nhấn mạnh sự miễn cưỡng của Trung Quốc trong việc can thiệp vào chương trình hạt nhân của Triều Tiên xuất phát từ những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Về mặt này, lãnh đạo Trung Quốc chủ yếu đối mặt với hai vấn đề.
Thứ nhất, nếu chiến tranh xảy ra trên bán đảo Triều Tiên có thể khiến hàng triệu người tị nạn từ Triều Tiên vượt qua sông Áp Lục, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế và an ninh quốc gia Trung Quốc, và có thể để lại một đất nước hạt nhân hoang tàn nằm ngay cạnh biên giới.
Thứ hai là nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất với phần thắng thuộc Hàn Quốc, khi đó một đồng minh của Mỹ sát sườn biên giới phía bắc với Trung Quốc sẽ đe dọa đến an ninh quốc gia và những tham vọng của Bắc Kinh tại Thái Bình Dương.
Theo Diplomat, những giả định và lo ngại trên lý giải vì sao nhiều học giả và chuyên gia cho rằng Bắc Kinh muốn duy trì hiện trạng, chống lại việc lật đổ Triều Tiên.
Đây cũng là lý do tại sao, Bắc Kinh chống lại các hành động quân sự hoặc các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng, thay vào đó khuyên các nước theo đuổi các cuộc đàm phán nhằm giảm bớt căng thẳng, đưa quan hệ vói giữa Triều Tiên lại trạng thái cân bằng.
Giấc mộng Trung Hoa khốn đốn
Tuy nhiên, phản ứng của Trung Quốc đối với cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy Bắc Kinh đang dần coi Bình Nhưỡng là mối đe dọa chủ yếu.
Chỉ vài ngày sau vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa qua Nhật Bản, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải tuyên bố: “Trung Quốc sẽ không chấp nhận Triều Tiên trở thành quốc gia hạt nhân”. Phát biểu của ông Thôi là một cảnh báo nghiêm khắc đối với Triều Tiên và đặt ra một giới hạn rõ ràng cho tham vọng hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng.
Hiện tại, một cuộc xung đột ở bán đảo Triều Tiên có thể làm ông Tập chệch hướng trên con đường thực hiện lời hứa đưa Trung Quốc vào thời đại Giấc mộng Trung Hoa. Ông Tập đã thường xuyên sử dụng khái niệm này trong các bài phát biểu chính thức kể từ khi lên nắm quyền vừa để phổ biến những cải cách, chính sách đối ngoại và nâng cao quyền lực cá nhân, Diplomat bình luận.
Mặc dù đây là định hướng tương lai, khái niệm Giấc mộng Trung Hoa cũng là một tư tưởng hoài cổ của ông Tập với mong muốn trở lại thời kỳ hoàng kim của các triều đại hùng mạnh nhất như Hán, Đường, Minh và Thanh.
Trong những giai đoạn đỉnh cao đó, Triều Tiên là một quốc gia láng giềng thân thiện chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc qua Nho giáo, thi ca, và đồ gốm.
"Bán đảo Triều Tiên là một mắt xích trong Giấc mộng Trung Hoa, cũng như nó từng thể hiện sự vĩ đại của các vương triều Trung Quốc trong quá khứ", Diplomat viết.
Về mặt kinh tế, trong thời điểm kinh tế Trung Quốc vẫn đang tăng trưởng nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, bất kỳ cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên nào xảy ra cũng có thể gây những tác động xấu. Giấc mộng Trung Hoa có tham vọng lớn hơn nhiều việc chỉ tiếp tục những tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc tại nước này.
Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập đối mặt nguy cơ đổ bể tan tành vì vấn đề Triều Tiên - Ảnh 2.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tăng áp lực buộc Trung Quốc phải giải quyết khủng hoảng Triều Tiên hoặc sẽ phải đối mặt với những hậu quả nhất định. Ảnh CNN
Tờ này nhận định, trong vài năm trở lại đây, ông Tập vẫn tin rằng vị trí và quyền lực của mình trong đảng hiện nay và tương lai sẽ còn cao hơn những người tiền nhiệm dựa vào những lời hứa sẽ đưa Trung Quốc trở lại vị trí thống trị về chính trị và văn hóa ở châu Á.
Những tham vọng của ông Tập thể hiện rất rõ trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), việc xây dựng quân đội và những yêu sách chủ quyền trên biển Đông.
Nhờ đó, Trung Quốc đã có ảnh hưởng lớn hơn với các nước láng giếng ở Trung Á, Pakistan, Philippines và nhiều nước khác. Nhưng sự trỗi dậy quyền lực của Trung Quốc đang gặp phải những trở ngại từ Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Con đường vươn tới tầm thống trị của Trung Quốc cần phải đảm bảo hòa bình khu vực và tránh một cuộc xung đột toàn diện với Mỹ.
Cuộc khủng hoảng về vấn đề Triều Tiên xảy ra vào thời điểm Trung Quốc dường như đã có được sức mạnh toàn cầu nhưng cũng còn nhiều thách thức phức tạp và nghiêm trọng phải đối phó trong vài thập kỷ tới.
Những sáng kiến tập trung vào Giấc mộng Trung Hoa như Con đường Tơ lụa hay sự chuyển đổi nền kinh tế có thể sẽ bị suy giảm nếu thiếu sự đầu tư nguồn lực hay sự quan tâm từ chính quyền khi cuộc xung đột Triều Tiên nổ ra.
Tuy nhiên, như tình hình vài năm qua, những thách thức thường xuyên từ Triều Tiên đã gây tổn thất cho chính quyền Bắc Kinh. Những cuộc thử tên lửa của Triều Tiên đã buộc Seoul chấp nhận một thỏa thuận triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), khiến Trung Quốc phản đối kịch liệt.
Mặc cho những chính sách tẩy chay để đáp trả lại hành động của Hàn Quốc, Trung Quốc không thể ngăn được việc gia tăng lực lượng quân sự của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên nếu chính quyền Bình Nhưỡng vẫn đe dọa an ninh khu vực.
Tuyên bố của Tổng thống Trump về việc dùng cách cắt giảm thương mại với Trung Quốc để gây áp lực khiến nước này không hỗ trợ tài chính cho Triều Tiên có thể không xảy ra. Nhưng mục đích của Washington muốn hạn chế Bắc Kinh hỗ trợ về chính trị cho Bình Nhưỡng sẽ làm giảm vị thế của ông Tập và Trung Quốc trên trường quốc tế.
Tệ hơn nữa, những cuộc phóng tên lửa qua các hòn đảo hoặc vùng biển của Nhật Bản sẽ buộc Thủ tướng Shinzo Abe cân nhắc nhu cầu tăng cường sức mạnh quân sự, một viễn cảnh có thể làm cho những chính sách chủ quyền của Trung Quốc với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khó khăn hơn nhiều.
Một số chuyên gia cho rằng một trong những động lực chủ yếu sau những khiêu khích của Triều Tiên là khiến Trung Quốc lo sợ và buộc phải tiếp tục hỗ trợ cho nước này.
"Việc theo đuổi chương trình hạt nhân để đảm bảo sự sống còn của chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Triều Tiên đang xung đột với những mong muốn của Tập Cận Bình về việc tạo dựng một nước sân sau ổn định", Diplomat phân tích.
"Nếu cuộc xung đột nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, quân đội Trung Quốc sẽ tiếp tục giữ vai trò như trong Chiến tranh Triều Tiên và ngăn cản quân đội Mỹ tiến đến gần sông Áp Lục. Trung Quốc làm như vậy không phải để bảo vệ Bình Nhưỡng mà muốn duy trì một nước phên dậu cho mình", tờ này nhấn mạnh.
Những động thái gần đây của Bắc Kinh sau cuộc thử tên lửa gần nhất của Bình Nhưỡng, như các cuộc diễn tập của PLA, ngầm ám chỉ với cả Triều Tiên và Mỹ rằng Trung Quốc sẵn sàng đối đầu với cả hai nước trong một cuộc xung đột có thể xảy ra tương lai.
Hiện tại, chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ theo đuổi các cuộc đàm phán và hy vọng giữ nguyên hiện trạng để ngăn Triều Tiên làm chệch hướng Giấc mộng Trung Hoa. Nhưng những lợi ích chiến lược và tầm nhìn dài hạn của Trung Quốc sẽ khiến Bắc Kinh phải tìm kiếm những hướng giải pháp để Bình Nhưỡng chấp nhận các chính sách từ Trung Quốc.
Diplomat cho rằng, nếu trong thập kỷ tới, Triều Tiên vẫn đe dọa đến tham vọng theo đuổi Giấc mơ Trung Hoa, Bắc Kinh sẽ phải thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: