Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2017

Du lịch nghỉ dưỡng đang làm tổn hại đa dạng sinh học!


Bài và ảnh Lê Quỳnh
Người Đô Thị - Trước hàng loạt các dự án du lịch nghỉ dưỡng đang ồ dạt “sống” nhờ vào những giá trị thiên nhiên tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn hiện nay, thì yếu tố bảo tồn đa dạng sinh học lại gần như “tắt thở”. Bài viết này nhằm góp một tiếng nói cho cuộc tọa đàm “Khu bảo tồn thiên nhiên trước làn sóng phát triển du lịch ở Việt Nam” do Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp Tạp chí Rừng và môi trường vừa tổ chức.

“Vẽ” quy hoạch du lịch

Đi theo con đường quốc phòng mới có cách nay khoảng sáu năm, chúng tôi tới khu vực Hố Sâu. Một thung lũng núi - rừng - biển tuyệt đẹp hiện ra giữa ánh nắng chiều! Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) cho biết, Hố Sâu là khu rừng nguyên sinh còn nguyên vẹn nhất của bán đảo Sơn Trà. Khu vực có độ cao 70m so với mực nước biển. Loài voọc chà vá chân nâu tập trung chủ yếu ở đây.

Tuy nhiên, theo thông tin chúng tôi có được, trong quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2016, đã có dự án du lịch nghỉ dưỡng “cắm” vào khu vực rừng nguyên sinh này.

Cụ thể, tại Hố Sâu (thuộc bãi Bắc mở rộng) và bãi Ôm sẽ có 325 buồng khách sạn được xây dựng trên 269 ha; với dự kiến 56.000 khách lưu trú đến năm 2030. Theo quy hoạch, đây là cụm nghỉ dưỡng có tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ cao nhất, tập trung vào thị trường đặc biệt cao cấp, bên cạnh sáu cụm nghỉ dưỡng - trung tâm dịch vụ du lịch khác rải khắp Sơn Trà (gồm: Hồ Xanh - Bãi Bụt; bãi Trẹm; bãi Rạng; Ghềnh Đa - Mũi Nghê; Tiên Sa; Tây Nam Suối Đá; tuyến trục số 2 xuống bãi Bắc).

Cũng vậy, nằm trọn trong khu vực mặt biển phía Nam bán đảo Sơn Trà, dự án Công viên Đại dương Sơn Trà (tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư) sử dụng 100 ha kể cả mặt đất và mặt nước tại bán đảo Sơn Trà, đã từng được các nhà khoa học cảnh báo là “cần cẩn trọng”. 

Báo cáo của Viện Hải dương học Nha Trang cho thấy, trong vòng 10 năm qua, khu vực xung quanh bán đảo Sơn Trà đã bị giảm 90% cỏ biển, 42% san hô bị biến mất, và có những vùng đã bị mất trắng hoàn toàn.

Theo các nhà khoa học, không thể cứ nói đến Sơn Trà là chỉ nói đến phần trên cạn, bởi hệ sinh thái từ rừng xuống biển phải liên tục. Trong quy hoạch tổng thể du lịch Sơn Trà, các công trình được phép xây dựng xung quanh chân núi Sơn Trà ở độ cao dưới 200m so với mực nước biển.

Gần đây, báo cáo Thủ tướng, chính quyền Đà Nẵng đã đề xuất hạ độ cao này xuống dưới 150m. Tuy nhiên không thấy đề xuất này dựa trên cơ sở nào. Ông Trần Hữu Vỹ cho rằng, các đề xuất dự án đều phải khẳng định trong dự án có chú trọng bảo tồn đa dạng sinh học hay không? Bởi đa dạng sinh học không có giới hạn về độ cao dưới hay trên 100m. Mỗi đai độ cao có tính đa dạng riêng, thành phần hệ động thực vật khác nhau.

Chưa kể, diện tích rừng cạn của bán đảo Sơn Trà không lớn (chưa tới 4.000ha), nên việc xây dựng các công trình xung quanh chân núi Sơn Trà sẽ chia cắt mạnh hệ sinh thái tự nhiên, mất đi đa dạng sinh học đặc thù tại khu vực giáp giữa rừng với biển, giữa hệ sinh thái giao thoa nước ngọt của các con suối với bờ biển, chia cắt tính kết nối giữa hệ sinh thái cạn với biển.

Đồng thời vùng đệm khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà bị tác động mạnh sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả bảo tồn vùng lõi (rừng đặc dụng). Vì vậy, diện tích, hình thức xây dựng, hình thức cung cấp dịch vụ... phải hài hòa, thân thiện với môi trường.

Trao đổi với Người Đô Thị, nhiều nhà khoa học nhận định, sở dĩ để Sơn Trà xảy ra tình trạng “nóng” trên, một trong những nguyên nhân là quy hoạch tổng thể du lịch Sơn Trà đã chiếm quyền đi trước các quy hoạch ngành lâm nghiệp và quy hoạch đa dạng sinh học, thay vì ngược lại. Quy hoạch của ngành lâm nghiệp giúp phân khu đâu là khu bảo vệ nghiêm ngặt, phục hồi sinh thái (là để phục hồi rừng chứ không phải phá rừng), khu dịch vụ hành chính.

Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học với các phân vùng loài, xác định, khoanh vùng bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng; nâng cao chất lượng và tăng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ... Chỉ khi có hai quy hoạch chi tiết này, quy hoạch tổng thể du lịch mới được xây dựng. Tuy nhiên đến nay, cả hai quy hoạch này đều chưa có.

Mới hơn 10 tỉnh quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học

Trước bối cảnh đa dạng sinh học cả nước bị suy thoái nghiêm trọng, tháng 1.2014, Chính phủ ban hành Quyết định 45 phê duyệt quy hoạch tổng thể đa dạng sinh học cả nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó, các tỉnh thành cần lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học. Khi có dự án phát triển được đầu tư tại các khu rừng tự nhiên, thông qua các quy hoạch này, các dự án sẽ được chọn lọc kỹ càng hơn, tránh làm tổn hại, mất mát đa dạng sinh học.“Tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, bảo tồn đa dạng sinh học là hoạt động ưu tiên, vì vậy mọi hoạt động khác ở đây cần dựa trên ưu tiên này” - ông Lưu Hồng Trường, Viện Sinh thái học miền Nam nói.

Tuy nhiên, dù chưa có quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, hàng loạt dự án du lịch nghỉ dưỡng, núp bóng dưới tên “sinh thái”, đã và đang được xây dựng trong nhiều khu bảo tồn, vườn quốc gia cả nước. Đa số dự án đã bị nhiều nhà khoa học, chuyên gia, dư luận lên tiếng phản đối. Quần thể du lịch nghỉ dưỡng vui chơi giải trí Fansipan đã được đặt chễm chệ trên đỉnh Fansipan - nóc nhà Đông Dương, nằm trong vườn quốc gia Hoàng Liên.

Dự án khác: một khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng rầm rộ khởi công với hàng loạt hạng mục trong vườn quốc gia Tam Đảo. Huế thì đang xin đầu tư dự án khu du lịch sinh thái tâm linh nghỉ dưỡng cáp treo tại vườn quốc gia Bạch Mã với quy mô 315 ha, đi thẳng vào giữa khu bảo tồn nghiêm ngặt. Dự án này do một nhà đầu tư “chưa lộ mặt” thực hiện, dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng, trong đó có mục tiêu “làm sống dậy” các biệt thự nghỉ dưỡng thời Pháp tại đây...

Việt Nam xếp thứ 16 trên thế giới về mức độ đa dạng tài nguyên sinh vật. Trong đó, các hệ sinh thái biển, rừng và đất ngập nước là một chỉnh thể thống nhất. Việt Nam còn có phần nội thủy và lãnh hải rộng khoảng 226.000km2, với hàng nghìn đảo lớn nhỏ và nhiều rạn san hô phong phú, là nơi sinh sống của hàng nghìn loài động vật, thực vật có giá trị.

Theo Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, du lịch sinh thái đang trở thành ngành kinh tế đầy tiềm năng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Điều này có được nhờ tính đa dạng về hệ sinh thái bao gồm rừng, biển, đất ngập nước; sự phong phú về các loài và nguồn gen sinh vật. Dịch vụ sinh thái - môi trường cùng các kiến thức truyền thống và văn hóa địa phương về quản lý và sử dụng tài nguyên, khiến đa dạng sinh học có vai trò và giá trị lớn trong bảo đảm an ninh lương thực và phát triển kinh tế-xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Anh Cường, Cục trưởng Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, đến nay cả nước chỉ mới có “trên 10 tỉnh thành đã làm quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, và hơn 10 tỉnh đang trong quá trình làm quy hoạch này”. Một trong các nguyên nhân là... không có kinh phí. “Chúng tôi muốn làm, nhưng không có tiền”, ông Vương Quảng Châu, Phó giám đốc vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi có dự án quần thể du lịch cáp treo Fansipan, cho biết.

Trong khi đó, các dự án du lịch nghỉ dưỡng đang có xu hướng đầu tư mạnh vào các hệ thống có giá trị đa dạng sinh học này. Ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và thiên nhiên cho rằng, hơn nửa thế kỷ trước, các vườn quốc gia và khu bảo tồn bắt đầu được thành lập nhằm giữ lại những giá trị sinh thái, đa dạng sinh học và làm “của để dành” cho mai sau.

Vì vậy, cần nói lại cho rõ: hệ thống vườn quốc gia, khu bảo tồn được lập ra trước hết không phải phục vụ mục đích du lịch, nghỉ dưỡng. Các chức năng đó chỉ là phụ trợ với điều kiện không ảnh hưởng đến mục đích tối thượng của hệ thống này! 
***

Cáp treo vào thẳng khu bảo vệ nghiêm ngặt

Trao đổi với Người Đô Thị, bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên GAIA cho rằng, việc mở cáp treo lên đến Hải vọng đài trong vườn quốc gia Bạch Mã, hoặc quy hoạch khu du lịch đón tiếp số lượng khách lớn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các loài động thực vật rừng Bạch Mã, bởi Hải vọng đài nằm ở độ cao 1.400m, ngay giữa khu bảo vệ nghiêm ngặt. 

Theo bà Huyền, Việt Nam đã có nhiều ví dụ về tác động không tốt của du lịch đến thiên nhiên, như vườn quốc gia Tam Đảo. Thác Bạc ở vườn quốc gia Tam Đảo trước đây vốn trong xanh, tuyệt đẹp, nhưng đến nay, nước chảy xuống Thác Bạc là nước thải sinh hoạt từ thị trấn Tam Đảo, hôi thối, đầy bọt xà phòng... không ai dám tắm nữa.

Vì vậy, nếu phát triển du lịch ồ ạt trên đỉnh núi mà không quản lý tốt, thì các thác nước bắt nguồn từ đỉnh Hải vọng đài sẽ đều bị ô nhiễm, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ động thực vật trong khu vực. Đấy là chưa kể, khách du lịch đổ tới đây ngày càng ồ ạt...

“Quan điểm của GAIA, chỉ nên tiếp tục các hoạt động du lịch thực sự sinh thái, không nhắm vào số lượng nhiều, mang lại trải nghiệm ý nghĩa cho khách du lịch đồng thời góp phần bảo tồn thiên nhiên”, bà Huyền nói.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: