Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 10, 2017

Donald Trump sẽ phát động chiến tranh ?


Những chiếc trực thăng CH-53 chuẩn bị cất cánh từ chiến hạm USS Kearsarge của Mỹ ngày 18/09/2017.

Le Figaro hôm nayđặt vấn đề « Donald Trump có đang chuẩn bị cho việc Hoa Kỳ tham chiến hay không ? ». Với lời đe dọa « hủy diệt toàn bộ » Bắc Triều Tiên, đối đầu với sự bành trướng của Trung Quốc tại Châu Á-Thái Bình Dương và của Iran tại Trung Đông, người đứng đầu Nhà Trắng đang tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ, nhưng để phục vụ cho chiến lược nào ?
Tăng 100 tỉ đô la ngân sách quốc phòng

Thượng viện Hoa Kỳ vừa thông qua ngân sách 692 tỉ đô la cho Lầu Năm Góc trong năm 2018, cũng gần tương đương với con số của Hạ viện là 696 tỉ. Việc Quốc hội cho tăng ngân sách gần 100 tỉ đô la so với năm 2016 – năm cuối cùng trong nhiệm kỳ Obama – và vượt quá cả yêu cầu của tổng thống Trump 37 tỉ đô la, là hết sức ngoạn mục. Vì sao lại như thế, trong khi chi quân sự Mỹ hiện còn nhiều hơn cả 15 quân đội lớn nhất trên thế giới cộng lại ?

Trong chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump đã hứa hẹn « xây dựng lại một quân đội mạnh hơn bao giờ hết », xóa bỏ mức trần chi quân sự do một đạo luật năm 2011 ấn định. Theo Budget Control Act, ngân sách này cho năm 2018 chỉ là 608 tỉ đô la, trong đó có 60 tỉ cho can thiệp bên ngoài. Cơ quan tư vấn bảo thủ American Enterprise Institute (AEI) tính toán rằng cần thêm từ 250 đến 300 tỉ đô la trong bốn năm tới. 

Với số tiền này, ông Trump sẽ tăng thêm 60.000 binh sĩ cho lục quân, thêm 78 chiến hạm mới và  50.000 lính cho hải quân, khoảng 100 chiến đấu cơ và 43.000 lính cho không quân, tăng cường thủy quân lục chiến.

Lính nhảy dù Mỹ tập trận ngày 09/10/2017.
Quân đội Mỹ đang có ưu thế vượt trội

Trong khi đó, ưu thế quân sự tối thượng của Mỹ không ai tranh cãi được. Quân đội đứng nhì thế giới là Trung Quốc có 500 xe tăng hiện đại (Type 99) thì Mỹ có đến 8.700 chiếc M1. Trong số 8.400 trực thăng chiến đấu trên thế giới, có đến 6.400 chiếc là của Mỹ ; và Hoa Kỳ hiện có 10 hàng không mẫu hạm, bằng tổng số của các nước khác cộng lại. 

Tuy nhiên, các lãnh đạo quân sự than phiền về tình trạng trang thiết bị xuống cấp, huấn luyện không đến nơi đến chốn sau nhiều năm bị siết chặt ngân sách. Hải quân cho rằng vụ đụng tàu mới đây làm 17 thủy thủ thiệt mạng là do « việc điều đi công tác ngày càng lâu hơn, rút ngắn thời gian huấn luyện, bảo trì giảm hoặc trì hoãn ».

Think tank bảo thủ Heritage Foundation cảnh báo, lục quân Mỹ là « yếu kém », còn hải quân, không quân, thủy quân lục chiến và vũ khí nguyên tử chỉ ở mức chấp nhận được. US Air Force, bị cắt giảm 20.000 quân năm 2014, đang yếu nhất kể từ năm 1948 : tuổi thọ trung bình của các chiến đấu cơ là 28, và còn thiếu 700 phi công.

Đô đốc Scott Swift trong một cuộc họp báo tại căn cứ Pearl Harbor.
Trật tự thế giới tự do dưới sự lãnh đạo của Mỹ

Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, nguyên tắc được ấn định cho quân đội Mỹ là phải có khả năng tham gia cùng lúc hai cuộc chiến lớn. Nhưng những mối đe dọa ngày càng đa dạng hơn - từ khủng bố, hỏa tiễn đạn đạo cho đến tin tặc – cộng với sự thiếu vắng một địch thủ chính như thời còn Liên Xô cũ gây phức tạp thêm cho việc tính toán. Donald Trump đang phân vân trước việc duy trì 800 căn cứ quân sự Mỹ và lực lượng tại 150 nước.

Tình hình căng thẳng hiện nay với Bắc Triều Tiên khiến giả thiết xảy ra xung đột trong vài tháng tới có thể thành sự thực. Chính quyền Trump cũng muốn đối đầu mạnh mẽ hơn với Iran. Trung Quốc và Nga tiếp tục được coi là mối đe dọa tại Biển Đông, Đông Âu và Cận Đông. Trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Trump còn thêm Cuba và Venezuela vào danh sách. Đã ba năm liên tiếp, Heritage Foundation nhận định « trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo từ cuối Đệ nhị Thế chiến có nguy cơ bị phá vỡ ». Có điều, chẳng biết ông Donald Trump có muốn duy trì trật tự đó hay không.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu về Bắc Triều Tiên tại New Jersey ngày 08/08/2017.
Chủ thuyết quân sự nào cho Donald Trump ?

Từ khi bước vào Nhà Trắng, tổng thống Trump đã ra lệnh bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk vào Syria, thả quả siêu bom MOAB xuống quân Al Qaida ở Afghanistan, và gởi thêm 3.000 quân tăng viện đến nước này. Ông tăng cường chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Syria, đẩy mạnh hoạt động của lực lượng đặc biệt ở Yemen, cho máy bay không người lái tấn công ở Cận Đông và Somalia. Đối với một tổng thống trước khi đắc cử từng tố cáo việc can thiệp quân sự của Mỹ là « hoàn toàn lãng phí », và hứa hẹn sẽ « thương lượng như điên » với Bắc Triều Tiên, đây là một sự quay ngoắt 180 độ. 

Cho đến nay, Donald Trump vẫn chưa xác định các mục tiêu chiến lược và các điều kiện sử dụng đến vũ lực. Quan hệ đối ngoại của ông chỉ tuân theo hai nguyên tắc : không đoán định trước, và đàm phán trên vị thế của kẻ mạnh. Robert Kaplan của Center for a New American Security nhận xét đó là « một chính sách con buôn không có tầm nhìn thực tế », khác xa với việc « bảo vệ trật tự thế giới tự do của phương Tây » như tất cả những người tiền nhiệm. 

Dưới thời Obama, các nguyên tắc can thiệp rất khắt khe, với chỉ đạo thận trọng « Không được làm những điều ngốc nghếch ». Còn ông Trump dường như thích câu châm ngôn cổ điển « Luật pháp trong tay người mạnh nhất ». Ngược với việc tăng ngân sách quân sự, chính quyền Trump muốn giảm 25% ngân sách ngoại giao và viện trợ nhân đạo, còn khoảng 37,6 tỉ đô la, không đầy 5,5% so với quân đội. Theo Havard Political Review, đây là « cái lý của kẻ mạnh, được khoác lên chiếc áo chủ thuyết ». 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: