HOÀNG HẢI VÂN
(Đọc “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” của Masanobu Fukuoka)
(Đọc “Cuộc cách mạng một-cọng-rơm” của Masanobu Fukuoka)
Có thể gọi ông Masanobu Fukuoka, tác giả cuốn sách, là người nông dân vĩ đại nhất hành tinh cũng không có gì là lạm dụng từ ngữ. Ông là người đạt đến cảnh giới vô vi trong nông nghiệp và là vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên.
Nhưng bạn không nên để tựa đề cuốn sách đánh lừa. “Cuộc cách mạng một - cọng - rơm”, nhưng chẳng có “cuộc cách mạng” nào ở đây cả. Cuốn sách chỉ là những ghi chép của một người làm nông khiêm nhường rón rén trước thiên nhiên vườn ruộng, như thể mỗi một từ được viết ra tác giả đều sợ làm tổn thương đất đai cây cỏ.
Bạn cũng sẽ thất vọng nếu có ý định tìm trong cuốn sách này những tri thức về nông nghiệp, dù là nông nghiệp hữu cơ hay nông nghiệp tự nhiên. Bởi vì đối với ông Fukuoka, tri thức là hữu hạn, còn thiên nhiên cây cối là vô cùng, cái hữu hạn không thể thâu tóm được cái vô cùng.
Cuốn sách cũng không nhằm góp phần làm đa dạng hóa kiến thức của bạn về thiên nhiên và cuộc sống. Bạn sẽ thấy tác giả của nó không hề có ý định như vậy.
Trong kho tàng sách vở của nhân loại, trừ cuốn Pháp bảo đàn kinh của Lục tổ thiền tông Huệ Năng, hiếm có cuốn sách nào như cuốn sách này, khi mà tác giả không hướng người đọc theo tư tưởng và quan niệm của người viết sách mà hướng người đọc vào chính bản thân họ trong mối quan hệ tương tác với môi trường sinh ra và nuôi dưỡng họ.
Viết về nông nghiệp nhưng ông Fukuoka không để người đọc dính mắc vào các kiến thức trồng trọt và chăn nuôi, cũng không dính mắc vào chính cuốn sách của ông. Người ta bảo phương pháp Fukuoka là thiền trong nông nghiệp là vì vậy.
Đọc cuốn sách này và gấp nó lại, bạn sẽ không còn nghĩ ông Fukuoka đã viết những gì, nhưng bạn sẽ nhận ra vô số những điều mà trước đây do những tri thức học ở sách vở, trong trường lớp đã biến thành định kiến trong đầu bạn khiến cho bạn không nhận ra. Bạn sẽ nhìn cái cây không phải là giống thực vật vô tri được mô tả trong sách trồng trọt mà là cái cây có tâm hồn. Bạn sẽ thú vị nhớ lại, trong câu chuyện cổ tích Một người mẹ, nhà văn Andersen đã từng bảo mỗi một cái cây đều có một số phận, mỗi cái cây đều có một trái tim. Và bạn sẽ hiểu vì sao ông Fukuoka lại nói chỉ có những đứa trẻ mới nhìn được thiên nhiên như thiên nhiên vốn có.
Bạn sẽ hiểu vì sao trong những khu rừng tự nhiên cây cối vẫn phát triển xanh tốt cùng với thú hoang và côn trùng mà không cần ai chăm sóc, không cần đến thuốc thú y hay thuốc bảo vệ thực vật, trong khi chúng ta trồng trọt chăn nuôi lại phải cày xới đất đai và dùng không biết bao nhiêu là thứ thuốc men hóa chất. Muôn loài dựa vào nhau để sống, chúng nuôi dưỡng nhau, chế ước nhau và loại bỏ những gì cần loại bỏ để duy trì sự sống vĩnh hằng trên trái đất.
Con người dù tự cho mình là thứ gì đi chăng nữa thì trước hết cũng là một sinh vật, nếu tách rời khỏi sự tuần hoàn của thiên nhiên thì sẽ không tồn tại. Chúng ta vốn là như thế nhưng chúng ta không muốn nghĩ thế. Chúng ta nghĩ chúng ta đứng trên muôn loài, chúng ta phải chiếm hữu, chúng ta phải cải tạo, chúng ta phải bắt muôn loài phục vụ cho nhu cầu của chúng ta. Chúng ta được dạy dỗ để làm việc đó.
Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhận ra những tri thức mà lâu nay chúng ta được trang bị không phải để sống thuận với thiên nhiên mà để chống lại thiên nhiên. Những tri thức đó khiến cho đầu óc chúng ta bị mê chấp, chúng ta không nghĩ rằng tạo hóa chỉ cho phép mỗi loài được nhận phần dành cho chúng để duy trì một sự sống cân bằng, nếu lạm dụng lập tức sẽ bị trả giá. Bệnh tật chính là lời cảnh báo đầu tiên.
Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường hoàn nguyên của con người. Đó là sự buông bỏ tất cả những gì chống lại thiên nhiên và trái với thiên nhiên để quay về với thiên nhiên, để con người trở lại là một thành tố của thiên nhiên.
Sự hoàn nguyên bắt đầu từ việc ăn ở. Bạn sẽ nhận ra bệnh tật là sự phản ứng của cơ thể trước sự ăn ở trái với tự nhiên của con người. Chân lý giản đơn để thoát khỏi bệnh tật là chỉ thụ hưởng những gì mà tự nhiên ban tặng. Sự trải nghiệm của ông Fukuoka cho bạn thấy cái để phòng ngừa bệnh tật nằm ngay trong chính thức ăn, thuốc men và thức ăn là hai mặt của một sản vật. Rau quả trồng bằng kỹ thuật canh tác hiện đại có thể ăn được nhưng không có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, dù là rau quả “sạch”. Còn rau quả mọc tự nhiên hoặc trồng trong một môi trường tiệm cận với tự nhiên thì vừa là thức ăn vừa là những vị thuốc.
Các nhà nông học coi cách làm nông nghiệp của ông Fukuoka là phương pháp canh tác tự nhiên. Cứ tạm cho là như vậy, dù bản chất của nó không phải là một phương pháp. Phương pháp của ông là không có phương pháp nào cả, là buông bỏ, là vô vi, là tiến tới không làm gì hết. Nhưng để buông bỏ, để không làm gì hết là điều không hề dễ. Đó là sự phá chấp mà Đức Phật đã phải dùng đến Kinh Kim Cang, hàm ý là phải dùng đến một thứ rắn chắc như kim cương mới có thể tiêu diệt được sự chấp mê trong đầu óc con người.
Các nhà Phật học coi phương pháp canh tác của ông Fukuoka là Thiền trong nông nghiệp, là sự ứng dụng Phật pháp trong nông nghiệp. Cũng cứ tạm coi như vậy, dù những ghi chép của ông Fukuoka không dính mắc với một “pháp” nào và bản thân Thiền vốn không dính mắc, dù là dính mắc với thiền, với chính sự yên tịnh.
Cho nên tốt nhất là đọc xong cuốn sách này, bạn hãy quên nó đi, khi ấy một đám mây mù như được vén lên và bạn sẽ nhìn thiên nhiên khác trước, bản thân mình cũng khác trước. Bạn sẽ thú vị thốt lên “À, thì ra là như vậy”. Nhưng nếu như bạn vẫn còn dính mắc với cuốn sách, dù là tin theo hay có ý định phản biện, đám mây mù kia sẽ lại phủ xuống.
Cuốn sách của ông Fukuoka được viết bằng tiếng Nhật. Bản dịch tiếng Việt này được dịch từ bản dịch tiếng Anh. Do dịch từ một bản dịch trung gian nên sự sơ sót là khó tránh khỏi, nhưng chúng tôi nghĩ nhóm dịch thuật đã hết sức cố gắng và đã chuyển tải một cách căn bản nội dung và cả những ẩn ngữ mà tác giả muốn gửi gắm.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét