Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

Bao giờ Trung Quốc đuổi kịp Mỹ?



us_china_flags-100525862-primary.idge

Trung Quốc có những khó khăn nào khi đuổi và vượt Mỹ? Nhà quan sát kinh tế tài chính Trung Quốc Vương Doanh Doanh cho rằng khoảng cách lớn Trung Quốc thua kém Mỹ không chỉ thể hiện ở các số liệu thống kê kinh tế nhìn thấy được, cũng không ở quốc lực tổng hợp và sức mạnh quân sự đâu đâu cũng có thể cảm nhận thấy, mà thể hiện ở văn hóa chế độ — một yếu tố quan trọng hơn nhiều so với các số liệu kinh tế và quốc lực tổng hợp! Quan điểm này đáng được chú ý.
Tạp chí Time nổi tiếng của Mỹ trong một bài viết có tựa đề “Thế kỷ Trung Quốc” thậm chí còn nói sự trỗi dậy hòa bình của Trung Quốc đã là một hiện thực, thế kỷ XXI chắc chắn là thế kỷ của Trung Quốc…. Không ít người Trung Quốc thấy thế mà vui mừng, kích động, nhảy cẫng lên reo hò… Nghiễm nhiên việc Trung Quốc vượt Mỹ là chuyện đang tới gần ngày một ngày hai, “Chắc chắn thế kỷ XXI là thế kỷ của Trung Quốc!”
Về vấn đề này, trước hết chúng ta hãy bình tâm phân tích xem xét phải chăng Trung Quốc đã có sức mạnh đuổi và vượt Mỹ hay chưa.
Đầu tiên xin nói về GDP
Hàm lượng vàng [gold content] của GDP Trung Quốc luôn luôn ở mức độ cực thấp. Nói như vậy không phải là Trung Quốc không có những xí nghiệp và công ty kiếm tiền rất giỏi. Mọi người đều biết: ngành bất động sản Trung Quốc kiếm tiền giỏi nhất trong các đồng nghiệp trên thế giới; các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc cũng kiếm tiền giỏi nhất trong ngành ngân hàng trên toàn cầu.
Ông Chu Quang Diệu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, có nói tại Washington rằng về chất lượng tăng trưởng, Trung Quốc còn thua kém Mỹ một khoảng cách rất lớn. Trung Quốc vẫn là nước đang phát triển, còn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách mở cửa để nâng cao chất lượng tăng trưởng, sao cho dân chúng được hưởng cuộc sống tốt hơn.
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc bằng khoảng 6.629 USD, tương đương mức năm 1892 của người Mỹ, cũng tức là nói khoảng cách niên đại về GDP đầu người giữa Trung Quốc với Mỹ là vào khoảng 109 năm.
Nhìn từ phạm vi toàn cầu, kết quả so sánh GDP theo ngang giá sức mua hối đoái [tức sức mua tương đương, viết tắt PPP] thường có chênh lệch rất lớn với kết quả so sánh GDP theo cách sử dụng hối suất thị trường.
Vì vậy dùng phương thức ngang giá sức mua hối đoái để so sánh sự chênh lệch về mức sống thực tế của hai nước tuy có tính hợp lý nhất định, nhưng nếu dùng để so sánh quy mô thực tế nền kinh tế hai nước thì có tính dẫn dắt sai.
Giới học giả kinh tế hiện nay chưa có phương thức tính hoàn toàn nhất trí về cách so sánh GDP, cho dù là cách tính theo sức mua thì cũng có nhiều loại tiêu chuẩn, và tồn tại các khiếm khuyết như coi nhẹ hàng hóa phi mậu dịch. Về mặt này học giả các nước chưa có sự đồng thuận.
Thậm chí nhà kinh tế Derek Scissors của viện American Enterprise Institute còn cho rằng ở bất kỳ thời điểm nào, dùng sức mua ngang giá để so sánh GDP giữa các quốc gia với nhau đều không có ý nghĩa quá lớn.
Theo số liệu của IMF, nếu tính theo hối suất thực tế thì GDP năm 2014 của Mỹ là 17.400 tỷ USD, của Trung Quốc là 10.400 tỷ USD, chênh lệch giữa hai nước hãy còn khá lớn.
Có thể lấy sự phát triển của Nhật Bản để làm thí dụ phân tích khả năng này. Nhật là hàng xóm của Trung Quốc, nước này có rất ít tài nguyên thiên nhiên, mật độ dân số lại rất cao, thí dụ diện tích bình quân đất trồng trọt của người Nhật ít hơn người Trung Quốc, lại càng ít hơn người Mỹ — chỉ bằng 1/16. Năm 1950, GDP đầu người của Nhật là 112 USD, của Mỹ là 1582 USD, tức chỉ bằng 1/14 mức của Mỹ. Đến năm 1990, GDP đầu người của Nhật lên tới 24.713 USD, của Mỹ là 23.055 USD, Nhật đã vượt Mỹ 1658 USD. Nghĩa là Nhật chỉ dùng hơn 40 năm để đuổi kịp Mỹ.
Như vậy vào năm 1950, thua kém tương đối về kinh tế giữa Nhật với Mỹ là 14 lần. Năm 2002, thua kém tương đối về kinh tế giữa Trung Quốc với Mỹ là 35 lần, lớn hơn chỉ tiêu này giữa Nhật với Mỹ năm 1950 — lớn hơn 2,5 lần. Như vậy Trung Quốc muốn đuổi kịp Mỹ sẽ cần mất nhiều thời gian hơn, tính toán một cách đơn giản thì cần khoảng 100 năm.
Khoảng cách thua kém lớn về hàm lượng vàng của GDP giữa Trung Quốc với Mỹ thể hiện rõ ở sự chênh lệch lớn về lợi nhuận của các công ty Trung Quốc và Mỹ có tên trong bảng danh sách 500 công ty mạnh nhất toàn cầu [danh sách này xếp hạng theo doanh thu]:
Trong số 128 công ty Mỹ đứng trong danh sách 500 công ty mạnh nhất toàn cầu năm 2014, có 24 công ty thuộc vào danh sách 50 công ty có lãi nhất, với tổng lợi nhuận lên tới 798,7 tỷ USD, chiếm 40% tổng lợi nhuận của 500 công ty mạnh nhất toàn cầu.
Trong số 91 công ty Trung Quốc đứng trong danh sách 500 công ty mạnh nhất toàn cầu có tới 16 công ty thua lỗ nặng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của 500 công ty mạnh nhất Trung Quốc chưa bằng một nửa tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của 500 công ty mạnh nhất nước Mỹ. Còn có một sự thật nghiêm trọng hơn: so với năm ngoái, lợi nhuận của các công ty Trung Quốc này xuất hiện xu thế tụt dốc, trong khi lợi nhuận của các công ty Mỹ lại có xu thế tiếp tục đi lên.
Xin nêu vài thí dụ rúng động lòng người như sau:
Công ty Apple năm 2014 có mức doanh thu xếp thứ 15 trong số 500 công ty mạnh nhất toàn cầu nhưng lợi nhuận của Apple lên đến 37 tỷ USD, lớn hơn cả tổng lợi nhuận của ba công ty Trung Quốc có thứ hạng cao trong danh sách 500 công ty mạnh nhất toàn cầu cộng lại, là Công ty Hóa dầu Trung Quốc [Sinopec Group] xếp thứ 3, Công ty Dầu mỏ Nhà nước Trung Quốc [China National Petroleum Corp., CNPC] thứ tư và Mạng Điện Quốc gia [State Grid Corp.] thứ 7.
Chỉ riêng một công ty Apple thì có ý nghĩa như thế nào đối với nước Mỹ? Số liệu của công ty J.P. Morgan cho thấy: quý IV năm ngoái Apple bán được 8 triệu chiếc điện thoại thông minh iPhone5, giả thử giá bán lẻ cũng bằng giá iPhone4S, tức 600 USD một chiếc, sau khi trừ đi 200 USD là tổng giá trị các chi tiết máy phải nhập khẩu, thì mỗi chiếc iPhone5 đóng góp được 400 USD cho GDP nước Mỹ. Riêng một quý IV thôi, những chiếc điện thoại di động iPhone kiểu mới này đã làm cho GDP nước Mỹ tăng thêm 3,2 tỷ USD, tính ra cả năm là 12,8 tỷ USD, tương đương với 0,33% tăng trưởng GDP. Dự tính tăng trưởng GDP của Mỹ năm 2014 là 2%. Điều đó có nghĩa là mỗi chiếc ĐTDĐ Apple đóng góp 1/6 lượng tăng GDP của nước Mỹ.
Xin thêm một thí dụ nữa là công ty dầu mỏ Exxon Mobil Corporation (Exxon), xếp thứ 5 trong danh sách 500 công ty mạnh nhất toàn cầu, có doanh thu 40,7 tỷ USD, lợi nhuận khoảng 3,2 tỷ USD.
Thế còn Công ty Dầu mỏ Nhà nước Trung Quốc CNPC xếp thứ tư trong số 500 công ty mạnh nhất toàn cầu thì sao? Doanh thu năm 2014 của CNPC là 43,2 tỷ USD, nhiều hơn Exxon 2,5 tỷ USD, thế nhưng lợi nhuận lại chỉ có 1,8 tỷ USD, kém Exxon những 1,4 tỷ! Cùng là công ty dầu mỏ thế mà chênh lệch về lợi nhuận lại lớn như vậy đấy.
Điều tồi tệ hơn nữa là: nhiều công ty Trung Quốc có mặt trong danh sách 500 công ty mạnh nhất thế giới và 500 công ty mạnh nhất Trung Quốc lại là những đại gia thua lỗ nặng trong trung hạn và dài hạn, hoặc trường kỳ sống nhờ trợ cấp của Chính phủ — điều này thể hiện đầy đủ trong “Bảng xếp hạng các vua hưởng trợ cấp”. Trang mạng people.china ngày 1/9/2014 có đăng bài dưới tựa đề “2030 công ty niêm yết được hưởng trợ cấp của nhà nước trong nửa đầu năm nay; trong đó Công ty Dầu mỏ nhà nước CNPC liên tục là “vua hưởng trợ cấp”. Bài báo cho biết: tính cho đến ngày 3/4 năm nay Trung Quốc cả thảy có 1934 công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đã công bố báo cáo tình hình kinh doanh năm 2013, trong đó có 1350 công ty được nhà nước trợ cấp, chiếm tỷ lệ cao tới 70%. Tổng số tiền trợ cấp là 71,6 tỷ Nhân dân tệ (NDT). Trong đó Công ty Dầu mỏ nhà nước CNPC một lần nữa đứng đầu bảng với số tiền trợ cấp là 5,174 tỷ NDT, Công ty Hóa dầu Trung Quốc Sinopec Group được trợ cấp 790 triệu NDT, đứng thứ tư. Trong gần 10 năm nay, “Hai thùng dầu” này đã nhận được số tiền trợ cấp 125,883 tỷ NDT từ nhà nước Trung Quốc.
Có một hiện tượng đáng suy ngẫm: hầu hết các công ty Trung Quốc thua lỗ có tên trong danh sách 500 công ty mạnh toàn cầu và danh sách 500 công ty mạnh của Trung Quốc đều là công ty quốc doanh. Hầu hết các “Vua trợ cấp” trường kỳ sống dựa vào trợ cấp của nhà nước đều là công ty nhà nước. Thí dụ trong 10 công ty được trợ cấp nhiều nhất năm 2013 có 7 công ty quốc doanh.
“Bảng xếp hạng 500 công ty thua lỗ nhất thế giới”, “ Bảng xếp hạng 500 công ty thua lỗ nhất Trung Quốc” và  ”Bảng xếp hạng các vua hưởng trợ cấp” trên thực tế đã trở thành hình ảnh thu nhỏ hàm lượng vàng GDP Trung Quốc và tình trạng phát triển kinh tế Trung Quốc.
Bây giờ hãy xét về lĩnh vực quân sự
Khoảng cách thua kém về quân sự giữa Trung Quốc với Mỹ cũng rất lớn. Năm thứ hai sau khi thành lập nước CHND Trung Hoa, tức năm 1950, chúng ta đã đưa quân sang Triều Tiên đọ sức với quân đội Mỹ, giành được chiến quả ngang nhau, làm cả thế giới rúng động. Một số người nước ta thường căn cứ vào chuyện đó để cho rằng nếu trong chiến tranh Chống Mỹ giúp Triều, Trung Quốc đã có thể chống được Mỹ thì so sánh lực lượng hiện nay càng có lợi cho chúng ta. Thực ra đó là sự hiểu lầm do chưa nắm được lịch sử phát triển khoa học kỹ thuật quân sự.
Đầu thập niên 1990, các trang bị chiến đấu chủ yếu của Trung Quốc như tên lửa, máy bay, xe tăng, pháo chỉ tương đương trình độ thập niên 50 của Mỹ. Sau thập niên 90, Trung Quốc có nhập khẩu một số trang bị chiến đấu tiêu biểu cho trình độ những năm 80 của Liên Xô, như máy bay Su-27, tàu ngầm Kilo, tên lửa phòng không S-300, và trong vài năm chúng ta đã tiêu hóa, hấp thu được các kỹ thuật đó, trình độ trang bị được nâng cao đáng kể.
Trong những năm gần đây tính năng trang bị vũ khí thông thường của Trung Quốc về tổng thể đã vượt trình độ của Liên Xô trước ngày tan rã, một số ít trang bị còn vượt xa, thế nhưng về lĩnh vực động cơ máy bay và máy bay lớn thì còn chưa bằng trình độ thời kỳ cuối của Liên Xô, lại càng khó có thể sánh được với trình độ hiện đại của Mỹ.
Trong thập niên 90 thế kỷ XX, chi phí quân sự hàng năm của Mỹ bình quân lên tới hơn 200 tỷ USD, trong đó có hàng chục tỷ chi cho phát triển kỹ thuật quân sự. Còn Trung Quốc mãi cho tới thế kỷ XXI, cùng với sự tăng cường sức mạnh kinh tế, chúng ta mới nâng cao khá lớn đầu tư vào quốc phòng.
Năm 2011, kinh phí quốc phòng được Trung Quốc công bố là 610 tỷ NDT, tương đương gần 100 tỷ USD, nhưng vẫn chưa bằng 1/6 của Mỹ; kinh phí nghiên cứu khoa học kỹ thuật lại càng ít hơn, không thể so được.
Giáo sư Từ Diệm ở Đại học Quốc phòng Trung Quốc có viết bài cho rằng những năm gần đây tác phong nông nổi rất thịnh hành trong xã hội Trung Quốc, khiến cho một số người trẻ dễ bị xúi bẩy, hình thành tâm trạng quá khích. Vì thế càng cần thiết bình tâm, khách quan nói rõ thực lực kinh tế, quân sự của Trung Quốc.
Tiếp tục xem xét các ngành công nghiệp
Qua phân tích chi tiết, có thể thấy ưu thế về mặt sản lượng của Trung Quốc chủ yếu là trong các ngành kỹ thuật thấp còn phương Tây với Mỹ vẫn dẫn dắt các ngành kỹ thuật cao.
Hãy xem sản xuất công nghiệp của Trung Quốc, chip máy tính và hệ điều hành chủ yếu nhập từ Mỹ, động cơ cấp cao nhập từ Nga, vật liệu tổng hợp và công nghệ số chủ yếu nhập từ Nhật. Điều đó cho thấy trên các lĩnh vực vi điện tử, vật liệu quang điện mới, cơ sở công nghiệp hàng không, Trung Quốc vẫn còn yếu kém, chỉ riêng ngành thăm dò vũ trụ là có thể đạt mức tiên tiến thế giới, nhưng vẫn còn kém Mỹ một khoảng cách khá lớn.
Quân đội hiện đại là một đoàn thể có mật độ tập hợp cao các ngành khoa học kỹ thuật. Năng lực nghiên cứu khoa học quốc phòng và trình độ nền công nghiệp của một nước sẽ quyết định trình độ trang bị, cuối cùng quyết định sức mạnh quân sự của nước đó.
Những năm gần đây lực lượng nghiên cứu khoa học của Trung Quốc được phát triển rất nhanh. Năm 2011 phi thuyền Thần Châu lắp ghép thành công với trạm Thiên Cung, có thể nhanh chóng xây dựng được trạm vũ trụ, nhưng về tổng thể cũng chỉ tương đương trình độ thập niên 1980 của Mỹ và Liên Xô.
Về thị trường chứng khoán
Cách đây không lâu, công ty Alibaba [của Trung Quốc] niêm yết thành công trên thị trường chứng khoán New York [phát hành cổ phiếu bằng dollar Mỹ tại Sở Giao dịch chứng khoán New York, kết quả đạt mức vốn hóa bằng 231 tỷ USD]. Tin này làm cho không ít đồng nghiệp trong nước giận dữ bầm gan tím ruột, dư luận Trung Quốc lên án vì sao thị trường chứng khoán A [A stock market, tức thị trường cổ phiếu phát hành bằng đồng Nhân dân tệ] của Trung Quốc không giữ chân được Alibaba.
Một số người trong ngành cho rằng nếu Alibaba đã có thể niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ thì họ đủ sức niêm yết trên thị trường chứng khoán A mà hoàn toàn không xem xét khoảng cách chênh lệch giữa hai thị trường Mỹ và Trung Quốc.
Việc thị trường chứng khoán Mỹ có thể kết nạp Alibaba chẳng những được quyết định bởi cơ chế IPO của họ mà còn bởi môi trường toàn bộ thị trường, trong đó bao gồm các biện pháp giám sát quản lý thị trường nghiêm ngặt. Còn thị trường chứng khoán A về mặt này lại không thể so đọ được với thị trường chứng khoán Mỹ; thị trường chứng khoán A của chúng ta lạc hậu trên tất cả các mặt.
Điều đáng chú ý là Trung Quốc đang tiến hành một cuộc cải cách có tính lịch sử nhằm thay đổi cơ cấu kinh tế “có tiếng mà không có miếng”, như tiến hành đơn giản hóa bộ máy, phân quyền xuống cấp dưới, cải cách đầu tư, cải cách chế độ thuế v.v… những biện pháp này đang cởi trói cho nền kinh tế thị trường lâu nay chịu nhiều trói buộc. Nền kinh tế Trung Quốc đang tìm kiếm động lực phát triển mới.
Thế nhưng khoảng cách lớn thua kém Mỹ không chỉ thể hiện trên các số liệu thống kê kinh tế nhìn thấy được, cũng không thể hiện trên mặt quốc lực tổng hợp và sức mạnh quân sự có thể cảm nhận thấy ở khắp nơi, mà sự thua kém đó thể hiện trên mặt văn hóa chế độ, một lĩnh vực quan trọng hơn so với các số liệu kinh tế và quốc lực tổng hợp!
Toàn thế giới đều công nhận nước Mỹ lớn mạnh. Nhưng cái lớn mạnh nhất của nước Mỹ không phải ở chỗ họ có hoàn cảnh địa lý rộng bao la và tài nguyên giàu có được thiên nhiên ưu đãi, cũng không phải ở chỗ họ có nhiều tàu sân bay hạt nhân, tàu ngầm hạt nhân, tên lửa vượt đại châu và lực lượng quân đội mạnh nhất thế giới.
Cái lớn mạnh ấy cũng không phải là ở chỗ họ có nhiều thương hiệu nổi tiếng toàn cầu như Boeing, Apple, Microsoft, Cisco, Oracle, Intel, Pfizer, JP Morgan, IBM, Chevron, Nike, Hollywood, Disneyland, NBA, Coca-Cola, Pepsi, McDonald’s, KFC v.v…mà là ở chỗ họ có một cơ chế tự sửa sai vững mạnh do các bậc khai quốc tiên hiền thiết kế; là ở chỗ họ có một môi trường nhân văn tốt đẹp có thể làm cho tài hoa của những thiên tài vĩ đại như Edison, Bill Gates, Steve Jobs và nhiều chủ nhân giải Nobel có thể được phát huy hết mức, có thể khiến cho các nhân tài tinh hoa toàn thế giới đổ xô vào nước họ, có thể cho ra đời những thương hiệu vĩ đại khiến cho một quốc gia chỉ chiếm 5% số dân thế giới mà sở hữu gần 45% sức sản xuất kinh tế và 40% sản phẩm khoa học và công nghệ cao của toàn cầu!
Từ những lý lẽ nói trên có thể không khó tưởng tượng được rằng khoảng cách Trung Quốc thua kém Mỹ đâu chỉ có vài chục năm!
Nguyễn Hải Hoành  lược dịch và ghi chú.
Nguồn: 中美差距到底有多大 中国赶超美国究竟有多难作者:中国财经观察人士 王盈盈


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: