Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Về làng gốm Bát Tràng


Một góc làng Bát Tràng. Ảnh: HM

Tôi thăm Bát Tràng vài lần kể từ thời bao cấp đưa tây Ba Lan – Liên Xô thăm bằng cái Lada nổ như xe tăng rồi sau đó thời đổi mới bằng Toyota và cuối tuần rồi đi bằng xe bus hết 7000đ/lượt.

Sau mỗi thập kỷ có thể thấy sự đổi thay, từ chiếc bát ăn cơm thô kệch, méo mó, nhưng quí như vàng được phân phối, đến khi đồ gốm trở thành nghệ thuật, bình, bát đĩa được xuất khẩu. Nhà hàng sang trọng có bộ đồ gốm trông hơi thô lại trở thành độc đáo và được du khách ưa chuộng.
Năm 2000 sang nhà anh chị Lê Vũ – Thanh Hà ở Virginia chơi, thấy trong bếp và nhà vệ sinh có những đĩa gốm vẽ những cô gái nude tinh tế rất đẹp. Hỏi ra biết được do anh chị về Bát Tràng mua của họa sỹ gốm Lê Quang Chiến khi đó giầu số 1 ở làng nghề này.
Năm 2002 tôi về làng đó và mua một tranh giá 50$ treo trong nhà tắm cho oai, ra vẻ ta đây biết chơi. Lần rồi về làng hỏi thăm được biết, họa sỹ đã qua đời mấy năm rồi. Tự nhiên về nhà mình thấy cái bức tranh gốm trở nên độc đáo lạ.
Tranh gốm của Lê Quang Chiến mua 50$ năm 2002. Ảnh HM chụp từ buồng tắm 🙂
Bát Tràng cách Hà Nội khoảng 10 km và đi xe bus số 47A từ bến Long Biên cực dễ, 20 phút sau đã đến làng sau khi được mãn nhãn khu Ecopark đẹp như cổ tích nhưng cũng không ít đau buồn vì đất của người nông dân nơi đây.
Qua cầu Chương Dương, rẽ theo phía phải dọc đê sông Hồng uốn lượn với những vườn ổi, bưởi, roi, chuối xanh mướt hai bên đường, làng quê thật thanh bình vì trốn được sự ồn ã của chốn thị thành.
Về làng gốm nhiều lần nhưng tôi không biết rằng nơi đây lại có gốc từ phủ Trường Yên, trấn Thanh Hóa, nay là xã Yên Thành, huyện Yên Mô, Ninh Bình. Nơi đây có loại đất sét trắng rất tốt cho nung gốm nên phát triển nghề này.
Khi Lý Công Uẩn dời đô (1010) từ Hoa Lư ra Thăng Long thì dân Yên Mô đi theo và lập làng bên Bát Tràng ngày nay vì nơi này có cùng loại đất sét trắng.
Bát Tràng (鉢場)có chữ Bát (鉢) là bát ăn của nhà sư, chữ Tràng (場) nghĩa là “cái sân lớn”là mảnh đất dành riêng cho chuyên môn. Theo các cụ trong làng kể lại, chữ Bát bên trái là bộ “Kim-金” ví với sự giàu có, “本-bản” có nghĩa là cội nguồn, nguồn gốc. Dùng chữ Bát như vậy để khuyên răn con cháu “có nghề có nghiệp thì cũng không được quên gốc”. Hiện nay, tại các đình, đền và chùa ở Bát Tràng đều vẫn còn các chữ Bát Tràng được viết bằng chữ Hán là 鉢場 (Wiki).
Tương truyền có 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của Yên Mô là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đi theo vua Lý Công Uẩn và đến làng mới cùng với họ Nguyễn mở lò gốm hình thành nên làng Bát Tràng ngày nay.
Điều thú vị là nhiều địa danh và nghề ở Trường Yên theo Lý Công Uẩn ra đây. Hoa Lư có chùa Nhất Trụ thì Hà Nội có chùa Một Cột, chợ Rền, cầu Đông, cửa Bắc… cấu trúc cố đô Hoa Lư và thành Thăng Long có nhiều điểm tương đồng.
Qua hơn một ngàn năm, Bát Tràng thành một làng nghề truyền thống nổi tiếng Việt Nam, một điểm du lịch hấp dẫn. Với máy móc hiện đại, thay vì dùng củi, than, nay dùng gas có điều khiển nhiệt độ, gốm sứ trở thành thương hiệu và không kém bất kỳ các đồ gốm thế giới.
Do trình độ marketing và đường đi lại hơi khó khăn, làng nghề trông hơi manh mún với các cửa hàng hơi lộn xộn, nên bán khá rẻ. Hàng gốm trên đem bán ở Nhật hay Tây Âu chắc chắn sẽ được ưa chuộng, giá gấp 10 lần. Khách Nhật mê mẩn gốm xứ này.
Có điểm son là du khách có thể tham gia nặn gốm, tự biên tự diễn, tự vẽ, chủ nhà nung luôn tại chỗ, rồi gửi bưu điện hoặc lấy ngay nếu không cần nung kỹ.
Một cửa hàng thấy các bạn thanh niên trẻ say sưa nặn các loại bình to nhỏ, quay thủ công, nhúng tay vào nước rồi bôi lên đất sét, trông khá diệu nghệ.
Bạn trẻ chân giầy chân trần… yêu gốm. Ảnh: HM
Nhà khác là hai mẹ con mê mẩn với đất nặn mà chưa biết ra hình gì. Cháu bé 5-6 tuổi chi đó tự quay cối và vê ra hình thù do cháu tưởng tượng.
Không hỏi giá nhưng tham gia như thế chỉ trả số tiền biểu tượng vài chục ngàn. Vài tiếng lòng vòng quanh làng xem được ối thứ hay.
Người bạn mua vài lọ hoa be bé làm kỷ niệm, tôi mua cái ấm trà song ẩm (2 người) xinh xinh, dưới trôn có chữ Bát Tràng như một đóng góp cho làng có gốc Trường Yên quê “mềnh”.
Trên đường về, ngồi xe bus cũng vui. Thấy bác cỡ 70 lên xe ngồi cạnh liền bắt chuyện. Kể vừa đi Bát Tràng về, bác vui lắm vì bác sống gần đó. Bác tự hào ở làng quê, rôi chuyên cung cấp rau quả sạch cho con cháu bên Hà Nội.
Chả hiểu sao lại quay sang đất đai khi nhắc tới Ecopark. Từng là người tham gia mấy cuộc chiến từ Nam ra Bắc tới Campuchia, bác không khỏi đau khi nhắc đến ruộng của nông dân đang biến thành nhà cao tầng.
Bác bảo mấy tỷ phú đô la đã làm giầu bằng cách nào. Đó là buôn đất, mua rẻ như rau, bán đắt như vàng. Một sào đất đền bù vài chục triệu sau vài năm thành vài chục tỷ, làm gì mà không giầu. Máu đổ, nước mắt rơi là phải.
Bác than với sự phát triển lộn xộn như hiện nay thì đất nhà nông sẽ hết. Qua sân bay Gia Lâm, mình hỏi, còn máy bay cất cánh không ạ?
Giời ạ, sắp thành của đại gia nào rồi. Sao bác biết? Sao mà không biết, dân quanh đây cái gì cũng biết, không nói ra thôi.
Rồi bác hỏi, anh có biết tướng gì bị bắt không. Mình bảo, không biết ạ. Ôi giời, anh chẳng đọc gì cả, hay anh ở nước ngoài mới về, rồi nhìn mình từ đầu đến chân như người từ hành tinh khác.
Ở quê mà bác vanh vách mọi thứ trên đời, từ ông này bà kia đang bị đánh, đến đất đai, dự án to nhỏ.
Thế hệ tương lai của nghề gốm. Ảnh: HM
Bác bảo, thế hệ bác đi chiến đấu vì ngày mai hạnh phúc và công bằng, hôm nay sao khác vậy hả anh.
Tôi lắc đầu bảo, dạ ở xa chẳng biết gì, nhưng em yêu làng Bát Tràng gốc Ninh Bình. Họ lấy đất đâu thì lấy nhưng đừng động vào làng của em để lần sau mà dư tiền em sẽ mua thêm tranh gốm có thiếu nữ cởi truồng.
HM. 1-4-2017. Bát Tràng.
PS. Nếu về bằng xe bus 47 tới bến Long Biên mà đói, chịu khó qua đường, tìm đến phố Yên Ninh (số nhà 34) có quán Miến Lươn ngon tuyệt. Ăn xong thấy yêu đồng quê hơn. 
HM

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: