Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2017

Tấn công Syria, một mũi tên nhiều đích của ông Trump ?


CÔNG CHÍNH

Cuộc tấn công được triển khai khi Tổng thống Mỹ đang tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc gửi đi tín hiệu rằng ông Donald Trump không ngại tiến hành các hành động quân sự đơn phương.

Diễn biến xung quanh vụ Mỹ tấn công Syria bằng tên lửa hành trình diễn ra hết sức dồn dập và kịch tính. Quyết định tấn công được đưa ra chưa đầy 72 giờ đồng hồ kể từ khi xảy ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Syria mà Washington và các đồng minh quy trách nhiệm cho lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad vào ngày 4/4. Và tin tức về việc Tổng thống Trump cân nhắc hành động quân sự được tiết lộ chỉ vài giờ trước khi các tên lửa được tàu khu trục Mỹ phóng đi vào sáng 7/4.

Nói là làm

Thông điệp trực tiếp từ hành động quân sự bất thình lình của Mỹ trước hết nhằm vào chính quyền của Tổng thống Assad, rằng Mỹ sẽ không dung thứ việc sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc chiến ở Syria. Mục đích đầu tiên của hành động quyết đoán này là răn đe lực lượng của ông Assad tiến hành các vụ tấn công tương tự vụ họ bị cáo buộc là thủ phạm.

Ngoài ra, Mỹ còn thể hiện rằng nước này không ngại sẵn sàng can dự sâu hơn nữa vào cuộc chiến ở Syria nếu cần thiết, như phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson: “Nó thể hiện rõ ràng rằng tổng thống sẵn lòng thực hiện hành động quyết đoán khi cần”

Sáng 7/4, các khu trục hạm Mỹ ở Địa Trung Hải đã bắn hơn 50 tên lửa hành trình Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria, theo Reuters.

Với mục tiêu răn đe như thế, nhiều khả năng đây là đợt tấn công duy nhất của Mỹ nhằm vào lực lượng Syria, ít nhất trong khoảng thời gian trước mắt. Lý do là tín hiệu đã được gửi đi khi những quả tên lửa Tomahawk phá hủy các căn cứ không quân Syria. Tuy nhiên, hành động của Mỹ cũng tiềm ẩn khả năng nước này phải dấn sâu hơn nữa nếu lực lượng Syria phớt lờ thông điệp cảnh báo và tiếp tục tiến hành các hành động “không thể dung thứ” trong mắt chính quyền Mỹ.

Thông điệp này dĩ nhiên không chỉ đơn thuần gửi đến Syria mà cả các quốc gia và lực lượng được xem là đồng minh của ông Assad như Nga, Iran và Hezbollah. Tín hiệu với Moscow là Mỹ sẽ không ngại ra tay ngay cả khi hành động của họ kéo theo nguy cơ xung đột trực tiếp với một cường quốc hạt nhân. Điều này rõ ràng giúp trấn an các đồng minh ở châu Âu đang lo ngại sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Tương tự, trước thực tế các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông ngày càng mất lòng tin vào Washington dưới thời chính quyền Barack Obama, cuộc tấn công cũng phục vụ như một sự tái cam kết với các nước đồng minh rằng Mỹ sẽ tiếp tục duy trì vai trò “sen đầm” ở khu vực.

Tín hiệu cho châu Á-Thái Bình Dương

Ngoài bối cảnh liên quan đến cuộc chiến Syria, quyết định của Tổng thống Trump nhiều khả năng còn ẩn chứa nhiều thông điệp khác, đặc biệt khi chính quyền non trẻ của ông đang đối mặt với thách thức an ninh ở nhiều nơi trên thế giới.

Cuộc tấn công diễn ra khi ông Trump đang tiếp đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại resort Mar-a-Lago, bang Florida. Đây là chuyến thăm nhằm mục đích định hướng quan hệ giữa hai nước trong thời gian tới, cũng như giải quyết nhiều vấn đề khúc mắc giữa Washington và Bắc Kinh.

Vấn đề nổi cộm hiện nay là chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Cuộc hội đàm thượng đỉnh Mỹ-Trung diễn ra ngay sau khi Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tầm trung. Phản ứng trước động thái của Bình Nhưỡng, Ngoại trưởng Tillerson chỉ đưa ra một thông điệp không thể ngắn gọn hơn: “Mỹ đã nói quá đủ về vấn đề này. Chúng tôi sẽ không bình luận gì thêm”. Tín hiệu ẩn chứa trong thông điệp của ông Tillerson là không như thời “kiên nhẫn chiến lược” của chính quyền Barack Obama, Mỹ từ lúc này sẽ không nói nữa mà hành động.

Diễn biến kịch tính xảy ra khi các cố vấn an ninh quốc gia Mỹ gấp rút nhóm họp cùng ông Trump để “bật đèn xanh” cho vụ tấn công ngay trước tiệc chiêu đãi ông Tập Cận Bình. Và hành động của Mỹ ở Syria là thông điệp không thể nhầm lẫn gửi đến Bình Nhưỡng rằng Mỹ sẽ không ngại hành động dứt khoát với các phương án quân sự sẵn có nếu lợi ích của mình bị đe dọa. Tương tự Triều Tiên là Iran, một quốc gia mà chính quyền của ông Trump luôn nhìn vào với sự nghi kỵ, liên quan đến nỗ lực phát triển hạt nhân của Tehran trước đây.

Tín hiệu này dĩ nhiên cũng được gửi đến Trung Quốc, quốc gia bị Washington cho là không làm đủ để kiềm chế chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Cũng như Mỹ gây áp lực với Nga về Syria, tín hiệu gửi đến Bắc Kinh là Mỹ không ngại và sẵn sàng hành động đơn phương với bất kỳ vấn đề gì bị cho là đe dọa an ninh và lợi ích Mỹ. Động thái của Mỹ củng cố độ khả tín của tuyên bố cách đây vài ngày của ông Trump rằng nếu Trung Quốc không giải quyết vấn đề Triều Tiên thì Mỹ sẽ ra tay.

Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, thông điệp này còn mang tính trấn an đối với các đồng minh của Mỹ trong khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản, các nước nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Một tín hiệu quan trọng không kém được gửi đến cho ông Tập Cận Bình là quyết tâm của Mỹ trong vấn đề động chạm đến lợi ích khác là các tranh chấp ở Biển Đông và Hoa Đông, rằng Mỹ sẽ không ngồi yên nếu các quyền tự do hàng không và hàng hải ở các vùng biển này bị đe dọa, thậm chí nếu phải hành động trong thời gian rất ngắn.

Trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về việc Trung Quốc có ý định tiếp quản vai trò siêu cường số 1 của Mỹ trên trường quốc tế. Các quả Tomahawk được phóng vào Syria còn thể hiện sức mạnh quân sự vượt trội của Mỹ bởi khó có quốc gia nào sở hữu năng lực hoạch định và triển khai cuộc tấn công trong thời gian ngắn như thế.

Với một mũi tên trúng rất nhiều đích như vậy, phản ứng của các quốc gia trên thế giới trước vụ tấn công vào Syria sẽ ẩn chưa cách nhìn nhận của họ với thông điệp bất ngờ của Mỹ.

Theo Báo Thanh Niên

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: