Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 8 tháng 4, 2017

Hoa kiều - Vũ khí kinh tế bí mật của ông Tập Cận Bình


05.04.2017  

Trung Quốc đang hướng tới việc tạo ra một đặc khu kinh tế mới nhằm khai thác sức mạnh tài chính, công nghệ và kiến thức của cộng đồng Hoa kiều ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tin rằng, người Trung Quốc ở nước ngoài đóng vai trò rất lớn trong việc định hình nền kinh tế và chính trị của đất nước.
Trong lịch sử, vai trò của Hoa kiều đã rất lớn - Ảnh minh họa
Quan điểm này rõ ràng được minh chứng bởi những đóng góp to lớn của Hoa kiều tại Philippines, Indonesia và những nơi khác đã tạo ra sự tăng trưởng ngoạn mục cho kinh tế Trung Quốc từ khi ông Tập nên nắm quyền. Nó ngày càng củng cố vai trò lãnh đạo của ông Tập ở nền kinh tế thứ 2 thế giới.

Nhiều trong số những Hoa kiều có nguồn gốc từ tỉnh Phúc Kiến, nơi ông Tập từng 17 năm đảm trách các chức vụ cấp cao trong chính quyền. Năm 1985, ông Tập trở thành Phó thị trưởng Thành phố Hạ Môn trước khi trở thành Thị trưởng Phúc Châu, thủ phủ tỉnh Phúc Kiến và sau đó là lãnh đạo cao nhất của tỉnh này năm 2002.


Zhuang Guotu, GS danh dự Đại học Hạ Môn, chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu vai trò của người gốc Hoa với kinh tế Trung Quốc.

Để tìm hiểu về vai trò của Hoa kiều trong chính sách của Chủ tịch Tập Cận Bình, Nikkei đã có cuộc phỏng vấn Zhuang Guotu, 64 tuổi, giáo sư danh dự Đại học Hạ Môn và cũng là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Những nghiên cứu của Zhuang giúp chính phủ xây dựng các chính sách về người Trung Quốc ở nước ngoài. Đích thân Chủ tịch Tập Cận Bình viết phần giới thiệu trong một cuốn sách của Zhuang.

Người Trung Quốc ở nước ngoài có vai trò gì trong chính sách của ông Tập?

Số người Trung Quốc sống ở nước ngoài, bao gồm cả những người đã đổi quốc tịch, là khoảng 60 triệu. Con số này tiếp tục tăng thêm cùng với lượng lớn du học sinh. 60 triệu người tương đương với dân số quốc gia đông dân thứ 25 trên thế giới và họ sở hữu số tải sản tương đương quốc gia đứng ở vị trí thứ 8. Điều đó cho thấy, những người này có thể tạo ra ảnh hưởng tương tự một quốc gia phát triển. Chúng tôi ước tính họ sở hữu hơn 2,5 ngàn tỉ USD.

Những Hoa kiều giàu có nhất đến từ Phúc Kiến, nơi ông Tập từng có 17 năm công tác. Họ có mặt ở Philippines, Indonesia hay Singapore. Ở Thái Lan, phần lớn Hoa kiều có nguồn gốc từ thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông, nơi có văn hóa khá gần gũi với Phúc Kiến. Hiện tại, Hoa kiều đang tham gia vào hầu hết các dự án phát triển kinh tế ở Hạ Môn và Phúc Châu, vì vậy ông Tập đánh giá rất cao vai trò của họ.


Phố người hoa ở Anh.

Chính sách của Bắc Kinh với Hoa kiều ra sao?

Trong lịch sử, vai trò của Hoa kiều đã rất lớn. Tôn Trung Sơn, người lãnh đạo cuộc cách mạng năm 1911 lật đổ triều đại hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, là người từ di cư tới Hawaii, Mỹ. Đặng Tiểu Bình, người dẫn đầu quyết tâm cải cách và mở cửa Trung Quốc năm 1978, cũng đã đề cao vai trò của Hoa kiều với đất nước.

Vì sao ông Đặng làm thế? Đó là vì thu hút đầu tư. Ông Đặng đã tạo ra những đặc khu kinh tế để chào đón phần lớn những Hoa kiều. Nếu không nhờ người Trung Quốc sống ở nước ngoài, quá trình cải cách và mở cửa ở Trung Quốc có lẽ sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn so với những gì đã diễn ra.

Năm 1984, ông Tập Trọng Huân, bố của Chủ tịch Tập Cận Bình, là chính trị gia đầu tiên nêu ra vai trò của Hoa Kiều. Ông Tập Trọng Huân nhấn mạnh Hoa kiều được trang bị khả năng quản lý tài chính, công nghệ và kinh doanh nên Bắc Kinh cần lôi kéo để họ đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng kinh tế của đất nước.

Sau khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” nhằm phát triển cơ sở hạ tầng dọc hành lang kinh tế Á-Âu, bao gồm cả trên bộ và trên biển. Tuyến đường bộ có ý nghĩa quan trọng với an ninh quốc gia Trung Quốc trong khi tuyến đường trên biển có vai trò hơn thế vì nó còn đi qua những khu vực có đông Hoa kiều sinh sống.

Để con đường trên biển thành công, ông Tập cần các quốc gia nằm trên con đường trở thành đối tác của Trung Quốc. Mục tiêu này có thể thành công hay không phụ thuộc vào người di cư Trung Quốc và các kiến thức về tình hình địa phương và điều hành kinh tế của họ ở các quốc gia đó. Họ đóng vai trò là người hướng dẫn, trung gian và trực tiếp đưa ra các sáng kiến.

Trung Quốc đang hướng tới việc tạo ra một đặc khu kinh tế mới nhằm khai thác sức mạnh tài chính và công nghệ của những cộng đồng đó.


Phố người hoa ở Mỹ.

Hiện tại, ông Donald Trump đang là Tổng thống Mỹ. Hoa kiều có vai trò như thế nào trong chính sách của Trung Quốc với Mỹ?

Người nhập cư Trung Quốc ở Mỹ đang ngày càng tăng, với ước tính là 4,6 triệu người ở thời điểm hiện tại. Con số này được dựa báo sẽ tăng lên 6 triệu trong 10 năm và 10 triệu trong 20 năm tới. Với số lượng này, họ có thể quyết định kết quả trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Hiện tại, khoảng 1 triệu Hoa kiều ở Mỹ có nguồn gốc từ Phúc Kiến.

Nhiều người gốc Hoa ở Mỹ nắm giữ các vị trí cấp cao trong chính phủ. Số lượng không nhỏ Hoa kiều đang làm việc tại các phòng nghiên cứu, với vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo ra những công trình mang tính đột phá về công nghệ, khoa học, y tế…. Chắc chắn, họ sẽ không muốn nhìn thấy sự sa sút trong mối quan hệ Mỹ - Trung và sẽ góp phần làm cải thiện mối quan hệ song phương.

Không ít trong số những người gốc Hoa là những người có học vấn cao, giàu có và giúp tạo mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc đại lục. Họ sẽ không muốn Trung Quốc gây ra những tranh chấp trên Biển Đông bởi lo ngại phong trào chống người Trung Quốc bùng phát ở các nước phía nam, nơi có va chạm trực tiếp với Bắc Kinh.

Linh Anh/Thời đại/Nikkei

http://motthegioi.vn/kinh-te-c-67/thi-truong-kinh-doanh-c-97/hoa-kieu-vu-khi-kinh-te-bi-mat-cua-ong-tap-can-binh-60161.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: