Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2017

Đại biểu Lê Thanh Vân: Chủ tịch Hà Nội nên sớm đối thoại với dân Mỹ Đức

Hoan hô bác Vân, ngày xưa mình thường xuyên làm việc phối hợp với bác tại Quốc hội, bác phụ trách Vụ công tác đại biểu QH của Văn phòng QH, liên quan đến chất vấn của các ĐBQH, mình phụ trách công tác trả lời chất vấn của các ĐBQH. Mình rất kính trọng bác, một người điểm đạm, chắc chắn, thương người, giải quyết công việc có tình có lý. Hết sức đồng ý với các phát biểu của bác trong bài này.


Đại biểu Quốc hội cho rằng yêu cầu được đối thoại với Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung của người dân Mỹ Đức là chính đáng. Ông đồng thời nêu hai nguyên nhân gốc rễ khiến sự việc bùng phát. Ngày 19/4, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Thanh Vân đã chia sẻ quan điểm về diễn biến ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Theo ông, mấy ngày qua khu vực thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm trở nêncăng thẳng do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc chính sách đất đai chậm được sửa đổi; sự đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với người dân chưa thường xuyên.
Đại biểu Lê Thanh Vân.
Ông nêu hàng loạt câu hỏi như vì sao sự việc lại kéo dài nhiều năm như vậy? Vì sao nhiều công dân đã phản đối quyết định của chính quyền, rồi bắt giữ hàng chục người thi hành công vụ? Người dân có yêu cầu chính đáng là được đối thoại với Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung vì sao chưa được đáp ứng?

Vị đại biểu cũng băn khoăn việc dự án sân bay quân sự lập ra từ năm 1980 vì mục đích quốc phòng an ninh, "được giao đi giao lại nhiều lần, để lãng phí sử dụng đất nông nghiệp mấy chục năm qua".

Ông Vân cho biết, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá 11) và Quyết định 218 của Bộ Chính trị đã đề cập đến việc xây dựng Quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Nhiều địa phương ban hành quy chế, nhưng sao chưa thấy triển khai thường xuyên.

"Với Đồng Tâm, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cần triển khai sớm đối thoại với nhân dân. Là người đứng đầu cơ quan hành chính ở địa phương, Chủ tịch phải nắm chắc pháp luật và trực tiếp giải quyết ngay những vấn đề nóng thuộc thẩm quyền của mình", ông Vân nói.

Đại biểu Quốc hội này cho rằng, "lãnh đạo thì phải anh tài. Đến Đông, Đông lặng, tới Đoài, Đoài yên. Nếu cần phải thua dân thì rất nên thua và chỉ có bậc đại trượng phu làm được điều đó".



Khu đất ở đồng Sênh cắm biển "Đất ở đây trở xuống là đất nông nghiệp xã Đồng Tâm". Ảnh: Huyền My.

Nước xa không cứu được lửa gần

Theo ông Vân, trong sự việc ở Mỹ Đức, chính quyền cơ sở một thời đã có vi phạm, cán bộ không gương mẫu, trục lợi nên không tránh khỏi dân cũng len lỏi vào, như vậy sai phạm đến từ cả hai phía.

Bài toán ở đây là cấp cơ sở, cấp huyện đã không được thì phải cấp thành phố. Chủ tịch UBND các cấp cần nắm chắc pháp luật, tường minh chủ trương, tháo ngòi ngay từ khi mới chớm sẽ không dẫn đến tình trạng bức xúc như vậy.

Chỉ có đối thoại mới mang đến hình ảnh của chính quyền công khai, minh bạch, gần dân. Qua đối thoại mới bộc lộ nhiều vấn đề như xem lại chủ trương, chính sách, lề lối điều hành, quản lý đã đáp ứng nhu cầu của dân và hợp lòng dân hay chưa.

"Có lẽ thường trực Thành ủy và UBND đã phải bàn với nhau kỹ lưỡng và nói ra quyết tâm ổn định tình hình, cử các tổ công tác xuống làm việc nhưng không đủ thẩm quyền nên chỉ nắm tình hình để báo cáo. Nước xa không thể cứu được lửa gần, vì vậy rất cần có sự xuất hiện của người đứng đầu thành phố", ông Vân nói.

Hai nguyên nhân gốc rễ

Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Lưu Bình Nhưỡng cũng kiến nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung lập một tổ công tác độc lập nghiên cứu căn cơ toàn bộ vụ việc liên quan đến khiếu kiện và giải quyết khiếu kiện đất đai ở xã Đồng Tâm.

Tổ công tác phải điều tra tại sao có chuyện người dân làm vậy, có ai đằng sau hay không, từ đây đề xuất giải pháp để người đứng đầu chính quyền đối thoại trực tiếp với dân, giải quyết đến cùng sự việc.

"Quốc hội cần vào cuộc vào giao Ủy ban Quốc phòng An ninh tổ chức giám sát toàn bộ vụ việc liên quan", ông Nhưỡng đề xuất. 

Ông Vân cho rằng gốc rễ chính của sự việc là do chính sách đất đai chưa sửa đổi kịp với những diễn biến của xã hội. Ông đề nghị khi thu hồi đất phải phân loại. Cái nào thực sự cho mục tiêu quốc phòng an ninh thì công khai, dân sẽ tôn trọng. Nếu là mục đích công cộng dân sẽ ủng hộ. Còn thu hồi đất cho các dự án kinh tế có lợi nhuận thì phải có thị trường quyền sử dụng đất, tức là nhà nước đứng ra làm trọng tài, còn doanh nghiệp và người dân thoả thuận trên cơ sở giá thị trường. 

"Chúng ta chưa làm được việc này nên một số nơi, đặc biệt là cá nhân có thẩm quyền lợi dụng chính sách ấy, biến quy định của nhà nước thành có lợi cho mình, trục lợi bằng chênh lệch địa tô trên những mãnh đất màu mỡ, gây bức xúc cho nhân dân", Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách nói và phân tích, khi họ bàn giao cho doanh nghiệp thì giá rẻ nhưng khi các công trình mọc lên thì giá rất cao, thậm chí có nơi mua lại thửa đất của mình với giá chênh lệch rất nhiều lần khiến họ bức xúc. 

Nguyên nhân thứ hai theo ông là công tác cán bộ. Quy trình lựa chọn cán bộ đã có nhưng còn nhiều kẽ hở để lọt người không đủ tài năng, phẩm hạnh vào bộ máy. 

Những mâu thuẫn, xung đột giữa chính quyền, đặc biệt chính quyền cơ sở với nhân dân có thể bắt nguồn từ việc xử lý tình huống của cán bộ không tốt, đến một số hành xử không đúng bản chất nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nhiều vụ tranh chấp đất đai thiếu tổng kết, tìm nguyên nhân để có lời giải, rút kinh nghiệm những vụ việc tương tự.

Ngày 30/3, Công an Hà Nội khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng" để điều tra các vi phạm pháp luật xảy ra trong quá trình thu hồi đất quốc phòng ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức. Cục Điều tra Hình sự (Bộ Quốc phòng) cũng khởi tố vụ án "chống người thi hành công vụ" và "vi phạm các quy định về sử dụng đất đai".

Ngày 15/4, Công an Hà Nội khi thực hiện lệnh bắt với một số người liên quan vụ án trên đã gặp phải phản ứng của nhiều người dân xã Đồng Tâm, dẫn đến 38 cán bộ huyện Mỹ Đức và cảnh sát cơ động Hà Nội bị giữ tại nhà văn hóa thôn.

Tối 17/4, 15 cảnh sát cơ động được thả, 3 người khác tự giải thoát. Công an Hà Nội cũng thả một số người tại xã Đồng Tâm bị bắt ngày 15/4 với lý do họ đã "thừa nhận sai phạm và xin về địa phương khắc phục hậu quả".

Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn cho biết Thành ủy đã phân công Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng huyện Mỹ Đức sớm ổn định tình hình. Tuy vậy, việc đối thoại với người dân mới chỉ thực hiện được "qua các kênh thông tin bằng điện thoại". Lãnh đạo Hà Nội khẳng định các kiến nghị của người dân về đất đai "sẽ được xem xét một cách thỏa đáng".

Hoàng Thùy
http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/dai-bieu-le-thanh-van-chu-tich-ha-noi-nen-som-doi-thoai-voi-dan-my-duc-3572610.html

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: