Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2019

Vì sao bất động sản dễ bị lợi dụng rửa tiền?


Việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền Trong một báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã bày tỏ một số quan ngại về thị trường bất động sản TP.HCM năm 2019, trong đó có cảnh báo hiện tượng rửa tiền ở phân khúc cao cấp, hạng sang.

Nhà ở trung cấp và cao cấp chiếm đa số trên thị trường BĐS TP.HCM.

Tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc bất động sản cao cấp trên địa bàn TP.HCM đã tăng mạnh so với năm 2017. Theo báo cáo thị trường của CBRE năm 2018, trong phân khúc bất động sản cao cấp, hạng sang, thì tỷ lệ mua đầu tư chiếm đến 61%; đầu tư ngắn hạn chiếm 13%; khách hàng mua để ở chỉ chiếm 26%. So sánh với năm 2017, mua đầu tư chiếm 50%; đầu tư ngắn hạn chiếm 15%, khách hàng mua để ở chiếm 35%, thì tỷ lệ nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp năm 2018 tăng mạnh so với năm 2017.

"Hiệp hội nhận thấy trong phân khúc nhà ở trung cấp, tỷ lệ nhà đầu tư khoảng 20 - 30%; phân khúc bình dân khoảng trên dưới 10%. Việc gia tăng quá nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp trong phân khúc nhà ở cao cấp và trung cao cấp nhằm đầu tư kinh doanh, cất giữ tài sản, cũng có thể nhằm mục đích rửa tiền, dễ dẫn đến việc đầu cơ và kích giá ảo trên thị trường bất động sản", HoREA lo ngại.

Đây không phải là lần đầu tiên bất động sản được nhận định là lĩnh vực dễ bị lợi dụng để rửa tiền, nhưng có lẽ là lần đầu tiên hiện tượng này được đề cập một cách thẳng thắn.

Cách đây nhiều năm, một số chuyên gia đã chỉ ra tình trạng bất động sản Việt Nam giá gốc thì ít mà giá chênh thì nhiều. Giá chênh lại nằm ngoài hệ thống sổ sách và được giao dịch bằng tiền mặt. Chính vì thế rất khó phát hiện được hành vi rửa tiền, bởi phần lớn tiền giao dịch bất động sản nằm ngoài hóa đơn chứng từ.

Cách đây 7 năm, cố TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng từng đặt nghi vấn về hiện tượng rửa tiền ở những nơi có thị trường bất động sản phát triển mà biểu hiện của nó là tình trạng nhà, biệt thự bỏ hoang như ở Hà Nội. Khi ấy, ông Liêm đã đề nghị cơ quan chức năng tìm hiểu xem chủ sở hữu của những căn nhà, biệt thự bỏ hoang đó là ai, ở tỉnh nào, vì sao bỏ hoang và tỷ lệ bao nhiêu, đồng thời phải công khai tên tuổi chủ sở hữu của những sản phẩm đáng ngờ đó.

Về mặt pháp lý, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản. Một trong những quy định rõ nhất, đó là đưa ra các dấu hiệu nhận biết giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản như: Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng, hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng; không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp.

Đồng thời, các dấu hiệu như: Hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về bất động sản có dấu hiệu giả mạo; các giao dịch bất động sản là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; địa chỉ của các bên tham gia giao dịch không chính xác và có thay đổi địa chỉ so với những lần giao dịch trước…

Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có rất nhiều luồng tiền đã đổ vào thị trường bất động sản trong những năm qua. Nhưng cũng giống như lĩnh vực ngân hàng, việc kiểm tra nguồn gốc vốn đầu tư vào thị trường này cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Một điều đáng lo ngại khác, sau khi tiền bẩn được rửa qua bất động sản lại có khả năng tiếp tục chảy ra nước ngoài bằng nhiều con đường.

Nhân đây, người viết cũng xin nhắc lại một vài con số trong Báo cáo "Hồ sơ hoạt động quốc tế về bất động sản tại Mỹ năm 2017" của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ (NAR). Theo báo cáo này, từ tháng 4/2016 đến tháng 3/2017, người nước ngoài đã chi 153 tỷ USD để mua 284.455 bất động sản tại Mỹ. Trong đó, số tiền người Việt bỏ ra chiếm 2%, tương đương 3,06 tỷ USD, tương đương hơn 68.000 tỷ đồng. Và từ năm 2007, Việt Nam đã là một trong những nước đứng đầu mua nhà ở Mỹ, mỗi năm, trừ 2009 và 2012, chiếm 1%. Số tiền mua nhà đổ vào ngày càng mạnh, khi năm nay tăng gấp 3 lần so với năm ngoái là 1 tỷ USD (1%).

Trên thực tế, tình trạng mua nhà của người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ vẫn diễn ra nhiều năm nay, với nhiều căn nhà có giá lên tới triệu USD. Đặc biệt, dù theo quy định của Việt Nam, cá nhân ra nước ngoài chỉ được phép mang không quá 5.000 USD/người khi xuất cảnh, thì vẫn có hàng trăm người chuyển được tiền tỷ mua nhà.

Trước đó, vào năm 2015, TS Vũ Quang Việt, nguyên chuyên viên thống kê cao cấp của Liên Hợp Quốc, từng chỉ ra con số giật mình: 33 tỷ USD của Việt Nam đã bị chảy ra nước ngoài bất hợp pháp trong 6 năm, từ 2008 - 2013.

Vị chuyên gia giải thích, đằng sau con số ấy là nhập lậu và có dấu hiệu tham nhũng. Cụ thể, Việt Nam đang gặp hai vấn đề: Thứ nhất, là việc chuyển ngân lậu có thể chủ yếu là để nhập lậu từ Trung Quốc. Nhập lậu này rất lớn và ngày càng lớn. Nhập lậu được tính bằng cách lấy số xuất sang Việt Nam theo báo cáo của Hải quan Trung Quốc trừ số nhập được Việt Nam báo cáo chính thức qua hải quan. Nhập lậu ngày càng tăng đang là mối đe dọa cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt tác động xấu tới sản xuất của nông dân và doanh nghiệp nhỏ.

Thứ hai là tình hình làm ăn khuất tất ở Việt Nam có vẻ tăng và điều này có thể đã được chứng tỏ bằng việc chuyển tiền trở về nước ngày càng lớn qua dạng kiều hối. Lý do là vì khả năng kiều bào chuyển tiền về nước cho gia đình cao như hiện nay là khó tin, hay nói rõ ra là không thể. Tất nhiên đem tiền về là tốt, nhưng việc một xã hội tạo cơ hội cho việc làm giầu không minh bạch là điều khó chấp nhận.

Theo TS Vũ Quang Việt, không thể biết rõ được tiền từ Việt Nam chảy ra nước ngoài chi vào đâu, nhưng thông tin từ Hội Địa ốc Mỹ cho thấy đó là nguồn quan trọng để tham khảo. Theo ước lượng của ông Việt, tiền từ Việt Nam chuyển ra nước ngoài đã tăng nhiều so với các năm trước.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, cho rằng tình trạng rửa tiền phổ biến nhất hiện nay vẫn là lĩnh vực bất động sản mà nguyên nhân chính vẫn là cho phép giao dịch bằng tiền mặt và việc kê khai tài sản không minh bạch.“Trong nhiều vụ án do lực lượng công an điều tra bắt giữ cho thấy, hiện một người có thể sở hữu rất nhiều đất đai nhà cửa. Việc sở hữu số lượng bất động sản nhiều và lớn là do hầu hết các giao dịch mua bán đều bằng tiền mặt, hơn nữa tài sản lại được đứng tên bởi bất cứ ai mà không có ai theo dõi, không có người quản lý”, luật sư Trương Thanh Đức nói.

Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, hiện có tới gần 1 triệu báo cáo kê khai tài sản của các quan chức. Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng con số này gần như không có ý nghĩa bởi thực tế cho thấy chúng ta gần như chưa phát hiện ra được vụ nào đáng ngờ hoặc sai sót.


“Đối với lĩnh vực bất động sản chúng ta còn chưa quản lý được thì làm sao có thể quản lý được những loại tài sản phức tạp hơn như cổ phiếu, vàng bạc, kim cương... Bởi lẽ, trong giao dịch mua bán, người mua có thể lách bằng cách nhờ bất cứ ai đứng tên thông qua nhiều cách khác nhau”, luật sư Trương Thanh Đức chỉ rõ.

Thành Luân
http://baodatviet.vn/bat-dong-san/thi-truong/vi-sao-bat-dong-san-de-bi-loi-dung-rua-tien-3372854/


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: