Biểu tình tại Bandung, Indonesia, ngày 21/12/2018, phản đối chính quyền Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. |
Việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ không dừng lại ở biên giới Tân Cương. Chính quyền Trung Quốc còn cố gắng dùng mọi cách để kiểm soát cộng đồng người thiểu số này dù sống ở nước ngoài. Trang tin Asialyst đã điều tra về những biện pháp của Bắc Kinh để dọ thám cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ tại Pháp, ép buộc một số người quay về Hoa lục.
« Mẹ của cháu đang ở trường trại ». Khi nhận được tin nhắn bí ẩn này qua điện thoại vào đầu tháng 7/2017, Gulhumar Haitiwaji hiểu được ngay. Cô gái Duy Ngô Nhĩ, sống ở Paris từ 12 năm qua, thấy mối nghi ngờ của mình được xác nhận nhờ người dì vẫn ở Tân Cương, cách xa 6.000 km.
« Trường trại » là một trong những từ dùng để chỉ các trại cải tạo đang nở rộ từ hai năm qua tại vùng tự trị Tân Cương. Như vậy là mẹ của Gulhumar đang bị nhốt tại một trong « trung tâm huấn nghiệp »nhằm « giáo dục và cải tạo những người bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cực đoan », theo như tuyên truyền của Bắc Kinh. Theo Ủy ban Liên Hiệp Quốc về loại trừ phân biệt chủng tộc, có trên một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác nói tiếng Thổ và theo đạo Hồi (Kazakhstan, Kyrghyzstan, Uzbekistan) bị giam giữ trong những trại này, khiến Tân Cương trở thành « một kiểu giống như trại tập trung lớn, phủ đầy bí mật, chẳng theo luật lệ nào cả».
Chiếc bẫy
Gulhumar, 26 tuổi, mà nhà báo Baptiste Fallevoz của Asialyst gặp trong một quán ăn Paris gần công ty đồng hồ nơi cô làm việc, vừa ân hận vừa phẫn nộ. Mẹ cô, Gulbahar Haitiwaji, liệu đã có thể tránh được chiếc bẫy của chính quyền Trung Quốc hay không ? Năm 2006, người kỹ sư cơ khí ở miền bắc Tân Cương đã chọn sang Pháp sống cùng chồng, mang theo hai con gái « để con cái được học hành tốt hơn ». Bà theo dõi từ xa làn sóng đàn áp ập xuống 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong vùng, sau các vụ nổi dậy năm 2009 đã làm cho 197 người chết tại thủ phủ Urumqi – theo số liệu chính thức.
Những lần trở về hiếm hoi được chính quyền theo dõi gắt gao. « Cha mẹ tôi đã quen với việc phải ‘đi uống trà’ với an ninh, bị chất vấn về những người Duy Ngô Nhĩ khác sống ở ngoại quốc, bị theo dõi trên đường phố ». Nhưng mẹ của Gulhumar không nghi ngờ gì khi nhận được một cuộc gọi vào tháng 11/2016 từ thủ trưởng cũ của công ty dầu khí, nơi bà từng làm việc. Cô gái tức giận : « Hơn nữa, đó còn là một người bạn của gia đình ». Người này cho biết nay bà có thể lãnh lương hưu, nhưng phải nhanh chóng về Tân Cương để ký giấy tờ. « Mẹ tôi trả lời là khi nào tình hình tốt đẹp hơn sẽ về, không có gì phải vội. Nhưng sếp cũ nói rằng không thể được, và cứ nói đi nói lại mãi. Rốt cuộc vài ngày sau mẹ tôi cũng nghe theo ».
Ngay khi về đến thành phố Karamay, bà bị bắt. Trong thời gian câu lưu, công an đưa cho xem các hình ảnh của con gái bà chụp ở Paris, lấy được trên internet. Gulhumar nhìn nhận : « Tôi có tham gia một cuộc biểu tình của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ cùng với người chị, trong đó chị giơ cao một lá cờ Duy Ngô Nhĩ (Đông Thổ - tên có trước khi Trung Quốc trở thành cộng sản). Có lẽ vì vậy mà mẹ bị bắt. Mẹ tôi không hề biết đến tấm ảnh này. Bà còn mắng tôi khi ra khỏi đồn công an 24 giờ sau đó ».
Bà Gulbahar không thể quay trở về Pháp vì hộ chiếu đã bị tịch thu. Hôm 29/01/2017, công an đưa bà đi đến một nơi nào không rõ. « Từ đó đến nay, tôi không hề được nghe tiếng nói của mẹ. Vào tháng Bảy năm đó, chúng tôi được biết bà đã bị bắt vào trại cải tạo. Dì tôi có được gặp bà vài lần, nhưng không thể nào biết được các điều kiện giam giữ. Tất cả những cuộc nói chuyện đều bị nghe lén ».
Theo với thời gian, người dì này càng trở nên ít nói hơn, và xóa tên Gulhumar trong liên lạc WeChat - mạng xã hội thông dụng nhất tại Trung Quốc. Cô gái bèn quyết định lên tiếng sau hai năm giữ im lặng.
Hôm 25/12 vừa qua, một người bạn của gia đình gọi cho cô. « Ông ấy cho biết mẹ tôi vừa bị kết án 7 năm tù vì tội ‘phản quốc’. Không thể biết được gì hơn, chúng tôi không hề nhận được thông báo, ngay cả việc mẹ tôi bị giam ở đâu cũng chẳng biết. Tôi liên hệ với bộ Ngoại Giao Pháp, họ cũng cố tìm thông tin ». Một nhiệm vụ rất phức tạp vì bà Gulbahar Haitiwaji là người duy nhất trong gia đình còn giữ quốc tịch Trung Quốc. « Có lẽ vì vậy mà mẹ tôi bị nhắm đến ».
Cô Gulhumar (trái) bên cạnh người mẹ hiện nay đang bị đi cải tạo. |
« Hãy quay về ngay, nếu không cả nhà sẽ vào trại cải tạo »
« Bà ấy là người Duy Ngô Nhĩ đầu tiên tại Pháp bị bắt. Từ đó đến nay danh sách đã dài thêm » - Dilnur Reyhan, một nhà xã hội học người Duy Ngô Nhĩ vốn theo dõi chặt chẽ áp lực trên cộng đồng này tại Pháp, cho biết. « Đó là một cộng đồng mới mẻ, khác với cộng đồng ở Đức, Hà Lan và các nước Bắc Âu chủ yếu gồm sinh viên ».
Người giảng viên Inalco từ chối nói về người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ « vì những người bị nhắm đến đều không theo đạo ». Bà Reyhan đưa ra một kết luận đáng sợ : « Từ cuối năm 2016, với việc hệ thống hóa các trại cải tạo, đại đa số sinh viên trở về đều mất tích ngay khi đặt chân vào Tân Cương. Hiện tượng này liên quan đến cả những người không quan tâm tới chính trị, không giao tiếp với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ để không bị nghi ngờ. Ngày nay không có ai dám quay về nước ».
Tiêu biểu là trường hợp của Adili. Người thanh niên thổ lộ qua điện thoại : « Tôi đã mất đất nước, mất gia đình, bỗng chốc tôi trở nên đơn độc ». Khi cùng với vợ đến Pháp du học vào đầu những năm 2010, anh giữ khoảng cách với những người đấu tranh. « Chúng tôi hết sức thận trọng, vì muốn trở về Tân Cương sau khi học xong, vì ngờ vực đối với ý thức hệ. Hơn nữa, chúng tôi không phải là tín đồ ngoan đạo, vẫn uống bia rượu ».
Khi Adili hoàn thành chương trình học năm 2016, vấn đề hồi hương được đặt ra. « Chúng tôi bắt đầu nghe nói đến các trại cải tạo. Vợ tôi bèn nói : ‘Về nước sẽ gặp rắc rối, thôi thì đợi ít lâu đã’ ». Nhưng vài tháng sau, vợ của Adili nhận được một cuộc gọi từ Tân Cương. Mẹ cô nói rằng đang bệnh nặng, bảo cô về càng sớm càng tốt. Một loại bẫy rập mới, với một kịch bản từ nay càng rõ. Cô vợ bị câu lưu ngay khi về đến sân bay, rồi bị quản thúc tại nhà cha mẹ. Liên lạc với chồng bị cắt. Adili nói : « Gia đình bên vợ nói với tôi rằng đừng bao giờ gọi điện nữa ».
Ít lâu sau, anh được công an nơi thành phố quê hương liên lạc. « Hãy quay về ngay, nếu không cả gia đình anh sẽ bị đi cải tạo ». Anh từ chối, và lưỡi gươm đao phủ đã sập xuống. Vài ngày sau, vợ anh bị gởi đi một nơi nào không rõ. Công an khi bắt cô đã nói : « Chồng chị có các hành động chính trị bất hợp pháp tại Pháp, anh ta có liên lạc với bọn khủng bố ». Adili phẫn nộ : « Tôi không thể nào hiểu nổi. Năm 2016, tôi về Tân Cương mà không gặp rắc rối mấy. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm, tôi đã trở thành khủng bố trong mắt chính quyền Trung Quốc. Sao có thể như thế được ? »
Bà Gulbahar Haitiwaji lúc đi nghỉ ở miền nam nước Pháp. |
Truyền thống mao-ít
Các vụ bắt giữ hàng loạt trên đây không làm ngạc nhiên Remi Castets, giám đốc khoa Trung Quốc của trường đại học Bordeaux-Montaigne. « Đó là chính sách tung một mẻ lưới lớn. Bộ máy an ninh bắt giữ và cố coi tất cả nghi can như những véc-tơ ý tưởng mà họ cho là phản động. Theo truyền thống mao-ít, họ cho rằng có thể cải tạo những người này trong trại, bằng cách vừa thuyết phục, vừa cưỡng bức. Thời gian giam giữ tùy thuộc mức độ cần đưa vào khuôn khổ ». Theo chuyên gia về Tân Cương này, việc giám sát cộng đồng Duy Ngô Nhĩ đã có từ cuối thập niên 90, nhưng nay càng gắt gao hơn.
Nếu Adili ngày nay không có tin tức gì về vợ, thì cơ quan tình báo Trung Quốc vẫn không quên anh. Trong lần gọi điện gần đây nhất, họ yêu cầu Adili làm tai mắt cho Bắc Kinh. An ninh ra lệnh : « Nếu anh muốn có được chút tự do, anh phải tham gia những cuộc biểu tình của cộng đồng Duy Ngô Nhĩ, len lỏi vào các hiệp hội Pháp chống lại chính quyền Trung Quốc. Anh cũng phải đi lại các nước châu Âu ».
Hệ thống giám sát rộng lớn nhắm vào cộng đồng lưu vong, được nhiều nguồn tin xác nhận với Asialyst. Một người giải thích : « Thường thì mọi sự bắt đầu bằng một cuộc gọi từ gia đình đang ở Tân Cương bị gây áp lực. Những người thân của chúng tôi yêu cầu liên lạc với những người không quen biết trên WeChat hay WhatsApp. Ở bên kia đầu dây, các nhân viên tình báo tiếp chuyện. Họ đòi cung cấp một loạt thông tin cá nhân: ảnh chụp các văn bằng, hợp đồng lao động, hợp đồng thuê nhà, sổ gia đình nếu có, hoặc thông tin về vợ hay chồng người Pháp…Một số còn phải tự chụp hình ở nhiều địa điểm khác nhau mà họ đến mỗi ngày ».
Đối với những người được cho là thông minh hơn, những đòi hỏi được mở rộng. Munire, sống ở vùng ngoại ô Paris từ nhiều năm qua, đã phải trả giá. « Họ nói với tôi rằng, tôi là người con của một đất nước cộng sản, tôi phải làm việc cho Nhà nước. Họ yêu cầu tôi tham gia một hội nghị về văn hóa Duy Ngô Nhĩ, thu thập tối đa các thông tin về những người tham gia và các phát biểu.Tôi từ chối ».
Cô gái « có cảm tưởng như đang sống trong một bộ phim James Bond » nay cố gắng làm ngơ trước rất nhiều tin nhắn bằng tiếng Duy Ngô Nhĩ của một nhân vật bí ẩn nào đó. Những émoticône vô hại nay được kèm theo những lời cảnh cáo lạnh lùng : « Cô có quan tâm đến sự an toàn và sức khỏe của gia đình cô không ? Từ nay tất cả tùy thuộc vào cô ».
Từ sau lời đe dọa cuối này, một tin nhắn bí hiểm của người cha Munire khiến cô hiểu rằng một trong những anh em trai của cô đã bị đi cải tạo. Cô gái không thể nào đến nơi để kiểm chứng. Hiện nay cô phải đối phó với một dạng áp lực khác của Bắc Kinh. Cũng như Adili, cô tìm cách làm hộ chiếu mới để xin gia hạn cư trú tại Pháp. Nhưng tại đại sứ quán Trung Quốc ở Paris, cả hai đều nhận cùng một câu trả lời :« Các vị là người Duy Ngô Nhĩ, nên phải làm giấy tờ ở Tân Cương ».
Liệu đây có phải là một chiếc bẫy nữa để đưa những con cừu trở về ? Munire tin tưởng như thế, và mô tả một tình trạng khó xử : « Nếu hồi hương, chúng tôi sẽ bị bắt. Nếu xin nhập tịch Pháp, chính quyền Trung Quốc từ chối cấp tờ giấy khai sinh mà thủ tục đòi hỏi. Và nếu xin tị nạn, gia đình hoặc thậm chí cả bạn bè chúng tôi sẽ bị đàn áp nhiều hơn ».Cô gái thú nhận đã kiệt sức về mặt tinh thần : « Tôi không còn có thể chịu đựng việc chính quyền Hoa lục quyết định về cuộc đời tôi. Đôi khi tôi tự nhủ, nên chăng thà chiến đấu thật sự trong một cuộc chiến tranh, hơn là cứ sống như thế này ».
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét