Tài xế vui mừng khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra
lệnh dừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy (ảnh tư liệu)
Một loạt trạm thu phí BOT trên đường bộ ở miền nam Việt Nam miễn hoặc giảm phí khi các tài xế có những hành động phản kháng thẳng thừng, táo bạo hơn trong gần 2 tuần đầu tiên của năm 2018. Các vụ phản đối bắt đầu nổ ra vào mùa hè năm 2017, rải rác ở các tỉnh khác nhau. Trong số đó, gây chú ý nhất là việc các lái xe dùng “chiến thuật” trả tiền lẻ, gây ùn tắc xe cộ ở trạm Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, khiến trạm phải mở cho xe đi qua miễn phí trong hầu hết thời gian từ tháng 8 năm ngoái đến nay. Tuy nhiên, một tài xế tích cực tham gia các hoạt động phản đối cho rằng các trạm BOT chỉ tìm cách “xoa dịu”, ít có khả năng các trạm đó sẽ di dời.Theo báo chí trong nước, nhiều đường tránh làm theo phương pháp xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) với vốn tư nhân nằm ở một nơi, trong khi trạm thu phí lại đặt trên đường quốc lộ làm từ tiền thuế của dân, để thu phí cho con đường BOT gần đó mà người dân không thường xuyên đi qua. Vì lý do này, nhiều lái xe chuyên nghiệp lẫn người dân hay phải qua lại các con đường quốc lộ cho rằng việc thu phí và vô lý, không chấp nhận được.
Sau một vài tuần lắng xuống trùng với thời điểm mọi người tiễn năm 2017, đón năm mới 2018, hơn một tuần trở lại đây, một loạt vụ phản đối lại diễn ra tại các trạm BOT ở những tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Thuận, Sóc Trăng, và thành phố Cần Thơ.
... khi người dân họ ý thức được bản chất của trạm BOT là trái pháp luật, họ không trả tiền lẻ nữa. Họ nói thẳng là họ không trả tiền. Một lái xe giấu tên nói.
Tường thuật của báo chí Việt Nam cho hay sau khi bị phản đối, các trạm trong mấy ngày qua đã phải giảm giá vé, hoặc tạm dừng thu phí, cho xe cộ qua lại tự do, hay còn gọi là “xả trạm”.
Trong số các trạm, cuộc “đọ sức” được cho là căng thẳng nhất diễn ra ở trạm Sóc Trăng, nơi mà có lúc báo chí dùng từ “hỗn loạn” để mô tả tình hình.
Tin cho hay trong ít nhất 4 ngày trở lại đây đã có tình trạng nhiều lái xe dừng ô tô ở tất cả các làn thu phí dẫn đến kẹt xe kéo dài, hoặc một số xe đâm gẫy các thanh chắn rồi đi qua, ngoài ra cũng có trường hợp người dân và người đi xe khách tháo bỏ thanh chắn để xe khách đi qua. Áp lực của các hành động này đã buộc người quản lý trạm phải cho xả trạm.
Hôm 11/1, Bộ Giao thông-Vận tải gửi thư đến công ty quản lý dự án BOT ở Sóc Trăng, chính quyền tỉnh, và một số cơ quan liên quan, nói rằng bộ “chấp thuận chủ trương” miễn, giảm tiền vé tại trạm.
Vài ngày trước, bộ cũng đã đồng ý để các doanh nghiệp giảm giá vé tại các trạm ở Quảng Nam, Bình Thuận và Cần Thơ. Báo chí nhận xét đây là động thái nhằm “hạ nhiệt” trước sự quyết liệt của người dân.
Một tài xế tích cực tham gia phong trào phản đối các trạm BOT từ nhiều tháng nay, không muốn nêu tên, nói với VOA:
“Khoảng vài tuần trở lại đây, khi người dân họ ý thức được bản chất của trạm BOT là trái pháp luật, họ không trả tiền lẻ nữa. Họ nói thẳng là họ không trả tiền. Kiểu như trạm T2 ở Cần Thơ, người ta không đi mét đường nào, người ta không trả tiền. Hoặc là những đường tránh, mà đặt [trạm] trên Quốc lộ 1, thì người dân cũng không trả tiền”.
Quan điểm chung của những người phản đối, thể hiện trong một số cuộc phỏng vấn với báo chí và trên mạng xã hội, là trạm thu phí BOT phải đặt ở đúng nơi tư nhân làm đường, còn đối với đường quốc lộ, việc đặt trạm thu phí để có tiền bảo trì đường là không chấp nhận được.
Người dân lập luận rằng các chủ sở hữu ô tô đã phải đóng phí bảo trì đường bộ, ít nhất là 1,6 triệu đồng đối với xe con, xe tải đóng trên 10 triệu đồng. Do đó, theo họ, Bộ Giao thông-Vận tải phải lấy tiền từ quỹ bảo trì đường bộ để sửa sang, duy tu đường, thay vì giao các nhà thầu tư nhân làm rồi cho họ thu phí.
"Thắng lợi" của các lái xe ở trạm BOT Cai Lậy truyền cảm hứng cho các cuộc phản đối ở các nơi khác
Do tính chất công việc, người lái xe muốn ẩn danh đã có mặt ở nhiều cuộc phản đối khác nhau. Anh nhận định với VOA rằng đây không phải là một phong trào có tổ chức:
“Theo tôi chứng kiến thì hoàn toàn không có sự phối hợp nào cả. Từ lúc rạng sáng cho đến chiều tối hôm qua, [10/1], trạm T2 ở Cần Thơ liên tục xả trạm, mà chỉ là [vì] những người phụ nữ thôi. Có một chị là chị Vân, lần nào đi qua chị cũng dừng lại, chị trình bày rất rõ ràng ‘tôi không sử dụng đường BOT, thì tôi không trả tiền’. Trước lý lẽ đầy thuyết phục của chị Vân, nhân viên của trạm buộc phải mở cổng cho chị qua. Theo tôi thấy, người dân chỉ cần nói cho đúng pháp luật là sẽ không phải tốn tiền”.
Các báo lớn ở Việt Nam trong hơn nửa năm qua đã có những bài phân tích về bản chất của BOT. Trang Zing News gọi BOT là “mảnh đất màu mỡ của quan hệ thân hữu”, báo Thanh Niên cho rằng BOT đã bị “biến chất”, trong khi trang điện tử của Thông tấn xã Việt Nam cảnh báo rằng khi BOT trở nên “méo mó”, điều đó “tiềm ẩn rủi ro” cho các ngân hàng.
... Những BOT này nếu dời vào đường tránh, hoặc dời đúng bản chất, thì tôi bảo đảm có những trạm một ngày không thu được đồng nào. Nếu mà dời trạm, các ông BOT không chết mà ngân hàng chết. Tôi không nghĩ là nhà nước sẽ để hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng bởi hàng loạt dự án BOT ... một lái xe giấu tên
Báo chí tường thuật rằng các công ty tư nhân thường vay ngân hàng trên 80% để làm đường BOT. Nếu trông đợi vào thu phí từ xe cộ qua những con đường họ làm sẽ rất lâu mới thu hồi vốn, hoặc không thu hồi được.
Dựa trên thông tin này, người lái xe giấu tên nói anh không trông đợi các công ty sẽ di dời trạm BOT về đúng vị trí, dù bị dân phản đối kịch liệt:
“Tôi nghĩ rất là khó để họ di dời trạm. Bởi vì tất cả các BOT hiện nay đều vay vốn ngân hàng. Những BOT này nếu dời vào đường tránh, hoặc dời đúng bản chất, thì tôi bảo đảm có những trạm một ngày không thu được đồng nào. Nếu mà dời trạm, các ông BOT không chết mà ngân hàng chết. Tôi không nghĩ là nhà nước sẽ để hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng bởi hàng loạt dự án BOT có dấu hiệu vi phạm như thế này”.
VOA cố gắng liên lạc với Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể để tìm hiểu quan điểm của bộ, nhưng ông không trả lời điện thoại.
Trong một cuộc họp của một đơn vị trong bộ hôm 2/1, Bộ trưởng Thể xác nhận vấn đề BOT “đang rất nóng”. Báo chí dẫn lời ông nói rằng “để giảm nhiệt, phải quyết toán hết các dự án BOT”, đồng thời ông ra chỉ thị lắp đặt thiết bị thu phí không dừng ở toàn bộ các trạm trong năm 2018.
Báo chí Việt Nam dẫn lời ông Thể phát biểu tại cuộc họp này: “Tôi là bộ trưởng nhưng chưa có con đường nào tôi hài lòng, kể cả con đường mới làm”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét