Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 8 tháng 1, 2019



MỸ ĐỐI ĐẦU VỚI TRUNG QUỐC TRÊN 4 MẶT TRẬN: KINH TẾ, QUỐC TẾ, QUÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ
Trần Đình Thu
Thông tin thời sự Mỹ Trung mấy ngày nay có vẻ gây bối rối cho nhiều người. Trong khi đoàn đàm phán Mỹ chuẩn bị làm việc với đoàn Trung quốc thì tổng thống Mỹ ký đạo luật bán vũ khí cho Đài Loan, tổng thống Đài Loan thách thức chủ tịch Trung quốc, tướng Trung quốc dọa bắn chìm tàu sân bay Mỹ còn tàu Mỹ áp sát Hoàng Sa thách thức ông Tập Cận Bình và ông Tập Cận Bình thì cố gắng vui vẻ với ông Trump để kết quả đàm phán được tốt. 

Thật là một cuộc chiến nửa hư nửa thực.

Nhưng vấn đề sẽ trở nên đơn giản nếu chúng ta theo logic Mỹ tiến hành song song cùng lúc nhiều mặt trận với Trung quốc và mỗi mặt trận này tương đối độc lập với các mặt trận còn lại.

Có một điều cần lưu ý, lâu nay do chiến tranh thương mại gây ấn tượng quá mạnh nên có một sự nhầm lẫn là Mỹ chỉ đối đầu thương mại với Trung quốc, dẫn đến suy nghĩ nếu Mỹ Trung hòa đàm thương mại thì mọi chuyện kết thúc, hai bên vui vẻ bắt tay nhau cùng phát triển. Nên khi chúng ta thấy Mỹ vừa hòa đàm thương mại lại vừa tiến hành các động thái khác thì đâm ra khó hiểu.

Sự nhầm lẫn này không chỉ từ công chúng mà ngay nhiều nhà báo, từ báo Mỹ cho đến báo Việt cũng nhầm lẫn, khiến nhiều bài báo thông tin theo hướng lấy thương mại làm cốt lõi.

Hơn thế nữa nhiều nhà phân tích ở Mỹ vẫn bị bối rối.

Nhưng đó là do người ta không chịu xâu chuỗi các sự kiện để thấy được một bức tranh toàn cảnh. Vấn đề Mỹ đối đầu toàn diện với Trung quốc đã được các lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Mỹ nhiều lần khẳng định.

Chúng ta nhớ bài diễn văn của Phó tổng thống Mỹ Pence đọc tại Viện Hudson vào ngày 4/10/2018 đã nêu Mỹ sẽ chống Trung quốc trên mọi mặt trận. Ngay phần mở đầu bài diễn văn viết: “Nhưng hôm nay tôi xuất hiện trước các bạn vì người dân Mỹ xứng đáng được biết, ngay khoảnh khắc này, Bắc Kinh đang triển khai một cách tiếp cận của toàn bộ chính quyền, sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự, cũng như tuyên truyền, để thúc đẩy sự ảnh hưởng và gặt hái lợi ích ở Hoa Kỳ”.

Cụ thể hơn phó tổng thống Mike, ngoại trưởng Pompeo trong khi trả lời phỏng vấn chương trình radio Hugh Hewitt mấy ngày sau đó đã nói rằng: “Hành vi của Bắc Kinh trong các lĩnh vực thương mại, quốc tế, quân sự, chính trị cần phải được chỉnh đốn”.

Rồi tới ngày 26/10/2018 ngoại trưởng Pompeo lại nói trên một chương trình phỏng vấn khác: "Cho dù đó là nguy cơ thông qua hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ, các quy định thương mại bất công, hoạt động tại Biển Đông, các nỗ lực tiếp tục mở rộng hiện diện trên không gian hoặc phát triển quân đội…, mỗi hoạt động này đều sẽ phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt từ phía Mỹ và chúng tôi sẽ tiếp tục làm vậy".

Như vậy là bằng nhiều cách diễn đạt khác nhau, các lãnh đạo cao cấp của Chính phủ Mỹ đã công bố rõ cuộc chiến chống Trung quốc là một cuộc chiến toàn diện chứ không phải gói gọn trong lĩnh vực thương mại như nhiều người đang hiểu.

Bây giờ tôi xin phân tích từng chiến tuyến của cuộc chiến.

Trong 4 lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc tế, quân sự thì kinh tế là dễ gây chiến nhất và cần phải gây chiến trước để làm suy yếu thực lực Trung quốc. Trong kinh tế thì thương mại lại là nhạy cảm nhất, gây ảnh hưởng tức thì lên toàn bộ nền kinh tế đối phương và có khả năng gây ra hiệu ứng domino. Do đó Mỹ chọn chiến tranh thương mại để khởi sự. Và thực tế là khi tuyên chiến thương mại, chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, nền kinh tế Trung quốc lập tức rơi vào khủng hoảng khiến Trung quốc phải vội vàng cầu hòa. Ở đây tôi nhắc lại rằng Trung quốc liên tiếp cầu hòa và Mỹ ra điều kiện cho hòa đàm bằng bản “yêu sách một chiều” có ý nghĩa như là một tối hậu thư chứ không phải là hai bên cùng soạn thảo văn bản hòa đàm. Đây là điểm mà tôi nhấn mạnh nhiều lần bây giờ nhắc lại. Và nếu thực hiện theo cam kết này kinh tế Trung quốc phải lùi lại nhiều năm vì không còn ăn gian, lừa đảo được nữa.

Sau khi đánh Trung quốc tơi tả trên mặt trận thương mại, Mỹ tiếp nối với 2 mũi quan trọng khác trên chiến tuyến kinh tế là chống gián điệp kinh tế và trừng phạt các tập đoàn lớn của Trung quốc phá hoại nền kinh tế Mỹ. Hai mũi giáp công này cùng cộng hưởng với cuộc chiến thương mại đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho kinh tế Trung quốc và năm 2018 khép lại trong tình trạng ông Tập phải kêu gọi xóa đói giảm nghèo trên toàn quốc đồng thời hủy bỏ kế hoạch “Made in China 2025”.

Đi sau kinh tế là vấn đề quốc tế. Điểm nhấn quan trọng là “Một vành đai một con đường”. Mỹ đã vạch trần tính chất lừa đảo của con bài này một cách thẳng thắn ở những diễn đàn quốc tế có mặt Trung quốc và nhiều nước đã nhìn ra bản chất lừa đảo của Trung quốc. Tuy nhiên Mỹ không tập trung nhiều vào mặt trận này lắm vì ở đây Trung quốc là nước rót tiền cho các nước khác, càng rót thì càng nhanh chóng kiệt quệ nên Mỹ chỉ cần vạch trần sự lừa đảo là đủ, chưa cần phải chạy đua vội trong mặt trận này. Tôi nghĩ với mặt trận này Mỹ sẽ “bất chiến tự nhiên thành” vì Trung quốc khi đã kiệt quệ thì phải lo cơm áo gạo tiền cho dân chứ không thể còn ôm cả thế giới trong tay như ảo vọng ban đầu của ông Tập.

Như vậy kinh tế cần đi trước một bước cho Trung quốc kiệt quệ nên trong năm 2018 Mỹ hầu như dành toàn bộ sự quan tâm cho kinh tế, đến nay Trung quốc đã chịu buông súng đầu hàng vô điều kiện nên Mỹ xúc tiến mạnh quân sự và chính trị.

Nhân đây tôi nói về một sự ngộ nhận khác, là nhiều người nghĩ rằng Mỹ dùng các con bài khác để ép Trung quốc về thương mại. Hiểu như vậy là rất sai. Mỹ không cần bất cứ sức ép nào vẫn có thể đạt hòa đàm thương mại vì Trung quốc là bên cầu hòa. Còn ở đây sở dĩ Mỹ có các động thái như thế là vấn đề chiến thuật, khi nào thì tiến hành cuộc chiến nào.

Tôi nói tiếp về hai chiến tuyến còn lại.

Về quân sự, tự do hàng hải Biển Đông chỉ là một phần và dự kiến sẽ mạnh dần lên nhưng năm 2019 thì sẽ chưa có đột biến lớn, dù rằng Mỹ đã triển khai khá nhiều bước đi. Biển Đông nếu có thay đổi ý nghĩa thì phải là sau cùng.

Trong mặt trận quân sự Mỹ còn tìm cách kiềm chế không cho Trung quốc phát triển quân sự mạnh hơn và nếu có thể thì làm cho quân sự Trung quốc suy yếu đi. Đó là vấn đề chiến lược làm đòn bẫy cho các vấn đề khác. Thí dụ như việc cấm Trung quốc mua vũ khí của Nga theo Đạo luật Chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận (CAATSA) như trong thương vụ mua bán 15 tỷ USD vũ khí của Nga vừa rồi là một.

Vấn đề kiềm chế quân sự Trung quốc chắc hẳn sẽ có thêm nhiều chiêu thức khác mà Mỹ chưa tung ra, và đây là bí mật quân sự nên cũng khó dự đoán. 


Cuối cùng là mặt trận chính trị. Đây là mặt trận tối quan trọng, có tác dụng làm thay đổi tận gốc rễ của vấn đề. Nó bao gồm các vấn đề nhỏ hơn như dân chủ, mô hình chính trị và quyền tự quyết của các dân tộc như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương... Mỹ chọn vấn đề thứ hai để thực hiện trước nhưng vẫn lồng ghép với vấn đề thứ nhất. Chúng ta để ý trường hợp Đài Loan. Bà Thái Anh Văn trong khi tuyên bố không chấp nhận sáp nhập với đại lục theo phương án “Một quốc gia hai chế độ” nhưng vẫn ỡm ờ là để ngỏ khả năng đối thoại nếu đại lục có dân chủ. Điều bà Thái Anh Văn nói ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa hơn là nếu đại lục có dân chủ, có đa đảng như các nước phương Tây thì vấn đề Đài Loan không khó để giải quyết. Còn nếu vẫn theo chế độ chính trị như cũ thì Đài Loan kiên quyết không sáp nhập và nguy cơ vỡ vụn thành các nước nhỏ hơn là điều không phải không thể xảy ra. Ở đây có thể Mỹ dùng chiến thuật ủng hộ ly khai để ngã giá dân chủ.

Như vậy là 4 mặt trận trong cuộc chiến Mỹ - Trung đang diễn ra và mạnh dần lên trong năm 2019. Với chiến lược chống Trung quốc toàn diện, với sức mạnh của Mỹ và đồng minh, với quyết tâm của lưỡng đảng Mỹ, thì Trung quốc, nước láng giềng của Việt Nam chắc chắn phải có nhiều thay đổi lớn lao theo hướng ngày càng văn minh dân chủ và tiến bộ hơn để nhân loại bớt đi một mầm họa khổng lồ cỡ như phát xít Đức hồi đầu thế kỷ 20. 

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: