Nguyễn Thế Khoa- bây giờ thì “Mùa xuân đầu tiên” đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất, phổ biến rộng rãi nhất, được yêu thích nhất trong di sản âm nhạc của Văn Cao, sánh ngang với những tuyệt phẩm bất hủ “Bến xuân”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, “Bắc Sơn”, “Tiến quân ca”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”…
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…
Đến bây giờ thì “Mùa xuân đầu tiên” đã trở thành một trong những ca khúc hay nhất, phổ biến rộng rãi nhất, được yêu thích nhất trong di sản âm nhạc của Văn Cao, sánh ngang với những tuyệt phẩm bất hủ “Bến xuân”, “Thiên thai”, “Trương Chi”, “Buồn tàn thu”, “Bắc Sơn”, “Tiến quân ca”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Trường ca sông Lô”, “Làng tôi”, “Ngày mùa”, “Tiến về Hà Nội”… Với khúc valse dịu nhẹ, thư khoan mà sức lay động, thức tỉnh dường như không cùng trên, thiên tài âm nhạc Văn Cao đã phục sinh cùng mùa xuân đại thắng của đất nước.
Họa sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, kể rằng, từ sau khi sáng tác “Tiến về Hà Nội”, Văn Cao đã thề là sẽ không bao giờ sáng tác ca khúc nữa. Chuyện là cuối năm 1948, khi từ Việt Bắc chuyển về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3 cùng với Nguyễn Đình Thi, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị, Tử Phác ở khu căn cứ Chợ Đại (Ứng Hòa, Hà Nội), Văn Cao được hai đồng chí lãnh đạo Liên khu 3 và Thành ủy Hà Nội hồi ấy là Khuất Duy Tiến và Lê Quang Đạo giao nhiệm vụ sáng tác một bài hát về Hà Nội. Văn Cao kể lại, sau một cuộc họp chi bộ, trong bữa cơm, đồng chí Lê Quang Đạo đã nắm chặt tay ông và nói: "Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!". Đầu xuân 1949, Văn Cao đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, bài hát “Tiến về Hà Nội” ra đời trong niềm vui khôn xiết của ông, bạn bè văn nghệ và các đồng chí Khuất Duy Tiến, Lê Quang Đạo:
Trùng trùng quân đi như sóng
Lớp lớp đoàn quân tiến về...
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…
Lớp lớp đoàn quân tiến về...
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh
Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu
Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên…
Bài hát ngay lập tức được đồng chí Khuất Duy Tiến cho in trên báo Thủ đô, được lưu truyền trong cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Liên khu 3 và rất được yêu thích. Tuy vậy, chỉ ít lâu sau, khi một đồng chí lãnh đạo thượng cấp được nghe “Tiến về Hà Nội” và phán rằng đây là bài hát “lạc quan tếu”, “lạc quan tiểu tư sản”, Văn Cao liền bị đưa ra kiểm điểm, bị phê phán khắp nơi. Từ đó, không ai dám hát “Tiến về Hà Nội” nữa…
Kể từ cú sốc ấy, và nhất là sau cái tai nạn Nhân văn nặng nề, suốt 26 năm, trong im lặng và cô đơn, Văn Cao vẫn làm thơ, vẽ, nhưng sáng tác âm nhạc thì không.
Nhưng ngày 30-4-1975, cái “ngày vĩ đại” (Chế Lan Viên) của đất nước đã đến. Bên ly rượu nhỏ trên căn gác nhỏ 108 Yết Kiêu, Hà Nội, Văn Cao thầm lau những giọt nước mắt trên khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ. Những giai điệu chợt trào dâng trong ông. Cả năm 1975, Văn Cao bỗng hào hứng trở về với âm nhạc. Ông nhận sáng tác nhạc cho phim “Chị Dậu” của đạo diễn Phạm Văn Khoa rồi viết cả một bản giao hưởng cho phim “Anh bộ đội Cụ Hồ” của xưởng phim Quân đội. Và trong một lần họp mặt cùng bạn bè ở Chiếu Văn của nhà văn Sơn Tùng, Văn Cao nói rằng ông sẽ có một ca khúc mừng “mùa xuân đầu tiên tổ quốc thống nhất sau 30 năm nhà nước dân chủ nhân dân ra đời, nền cộng hòa được thiết lập”. Chắc chắn phải như vậy rồi. Tác giả Quốc ca là người nhạc sĩ sinh ra để làm nên những khúc ca của các chiến sĩ giải phóng dân tộc, để vĩnh cửu hóa những khoảng khắc, những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước trong âm nhạc với những “Bắc Sơn”, “Đống Đa”, “Thăng Long hành khúc ca”, “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam”, “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Trường ca sông Lô”…Khúc khải hoàn kháng chiến chống Pháp của âm nhạc cách mạng, bên cạnh “Chiến thắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận, “Quê tôi giải phóng” của Văn Chung, là “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao, bài hát “vừa hùng tráng vừa trữ tình” như mong muốn của đồng chí Lê Quang Đạo, được viết từ 6 năm trước đó, trong những ngày khó khăn nhất của cuộc kháng chiên, dù bị phê phán, bị cấm đoán, vẫn được chiến sĩ và nhân dân hát vang ngày giải phóng thủ đô tháng 10/1954. Bây giờ, sau 30 năm xương máu hy sinh, đất nước giành được trọn vẹn độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, Văn Cao không thể im lặng.
Những ngày đầu xuân 1976, Văn Cao ngồi vào đàn. Mùa xuân thanh bình, thống nhất, cái mùa xuân hằng đau đáu mơ ước của mỗi con người Việt Nam trong suốt 30 năm, có lúc tưởng chừng sẽ không bao giờ đến, cuối cùng đã đến, thật tự nhiên nhưng quá đỗi bất ngờ, thật bình thường nhưng vô cùng kỳ diệu, thật xưa cũ nhưng cũng thật mới mẻ, tinh khôi. Trong nhịp valse dịu nhẹ, khoan nhặt của những “Làng tôi”, “Ngày mùa” hơn 20 năm trước, Văn Cao bắt đầu ca khúc mới của mình bằng những hình ảnh giản dị về cái “mùa xuân đầu tiên” tự nhiên – bất ngờ, bình thường – kỳ diệu, xưa cũ - tinh khôi ấy:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn…
Trong mùa xuân đoàn tụ, sum họp này, ấn tượng nhất, xúc động nhất chắc chắn là hình ảnh những đàn con đã về với mẹ sau ba mươi năm trận mạc với những giọt nước mắt ướt đầm vai áo người chiến sĩ:
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh…
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh…
Được trực tiếp chứng kiến cái “mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu” nay đã về, được ngây ngất giữa niềm vui bất tận đang long lanh tỏa sáng trong mỗi ánh mắt, mỗi tâm hồn, niềm hạnh phúc nghẹn thắt trái tim người nhạc sĩ chợt run rẩy bật thành lời:
Ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm...
Ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm...
Văn Cao chợt ý thức đây chính là giờ phút có thể cảm nhận rõ hơn bao giờ cái ý nghĩa lớn lao của những gì đã kết thúc và những gì sẽ bắt đầu. Chiến tranh, chia cắt đã kết thúc, hòa bình, thống nhất đã bắt đầu, nhưng có cái gì đó còn sâu xa hơn, thiết yếu hơn, nhân bản hơn, cần phải được bắt đầu. Và đoạn cao trào vụt sáng, thiết tha, say đắm mà day dứt, trăn trở:
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người…
Nói đoạn cao trào này là mơ ước, khát vọng, niềm tin của Văn Cao cũng đúng mà nói đó là nhắn nhủ, là cảnh báo của nhạc sĩ cũng không sai. Chúng ta không khỏi giật mình khi nghe thấy ở đây như vang lên một thông điệp thật quan trọng: nếu từ đây, người không biết quê người, người không biết thương người, người không biết yêu người, thì cái chiến thắng vĩ đại hôm nay sẽ không thực sự có ý nghĩa.
“Mùa xuân đầu tiên” hoàn thành. Sau Tết 1976, ca khúc đã được những người bạn thân thiết của Văn Cao truyền tay nhau. Mọi người vui mừng hiểu rằng thiên tài âm nhạc của Văn Cao đã thực sự phục sinh, người nhạc sĩ lớn lại có một tuyệt phẩm dành cho đất nước, nhân dân của mình. Ngay trong năm 1976, “Mùa xuân đầu tiên” được giới thiệu trên báo Sài Gòn giải phóng và sau đó được các bạn Liên Xô chọn dịch sang tiếng Nga in trong một tuyển tập ca khúc của Nhà Xuất bản Âm nhạc Matscơva và được lưu truyền trong cộng đồng người Việt ở Liên Xô và Đông Âu.
Tuy vậy, ở trong nước, khúc valse dịu nhẹ thủ thỉ tâm tình của Văn Cao không được các đơn vị truyền thông đại chúng và các đơn vị nghệ thuật biểu diễn để ý giữa một biển những tụng ca hào sảng, hùng tráng cùng về đề tài trọng đại này. Đó là chưa kể khi được in trên Sài Gòn giải phóng, một số quan chức văn hóa tư tưởng quá cảnh giác đã lưu ý nhắc nhở tòa báo về cái “chất nhân văn” trong tác phẩm của người từng bị khép vào nhóm Nhân văn Giai phẩm 20 năm trước. Như số phận trắc trở, truân chuyên của thiên tài sinh ra mình, phải 20 năm sau ngày ra đời (1996), sau cả khi Văn Cao mất (1995), “Mùa xuân đầu tiên” mới đến được với đông đảo công chúng trong nước khi các đài phát thanh truyền hình lớn dàn dựng, phát sóng.
Từ đó, “Mùa xuân đầu tiên” dần phát lộ toàn bộ chân giá trị của một tuyệt phẩm, ngày càng được ưa thích rộng rãi và trở thành khúc nhạc lòng của mỗi người Việt Nam mỗi độ xuân về và mỗi khi ngày 30-4 tới với nỗi mong ước khắc khoải:
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người...
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người...
nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét