“Dead by China” được viết bởi Peter W. Navarro, giáo sư Kinh tế học và Chính sách Công cộng thuộc Đại học California, cùng với sự cộng tác của đồng nghiệp Greg Autry. Navarro là người đã được Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump bổ nhiệm phụ trách Ủy ban Thương mại Quốc gia trong nội các của ông.
Sách thuộc loại nghiên cứu – bình luận, dày 300 trang và được xuất bản ngày 15/5/2011 tại Hoa Kỳ. Thật ra, cuốn sách có tựa đề đầy đủ: “Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action” (Chết bởi Trung Quốc - Ðương đầu với con Rồng - Lời kêu gọi Hành Ðộng Toàn Cầu). Cuốn sách đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ, trong đó có tiếng Việt, và cộng thêm một bộ phim tài liệu, dựa vào cuốn sách cũng đã được trình chiếu.
Phần bản dịch tiếng Việt do Tiến sĩ Trần Diệu Chân dịch với tựa đề “Chết bởi Trung Quốc”và được giới thiệu lần đầu tiên tại Little Saigon, California, vào ngày 11/11/2012. Có rất nhiều bản dịch với tựa của cuốn sách mang tên khác nhau, chẳng hạn như “Chết dưới tay Trung Quốc”, “Chết vì Trung Quốc”… Chúng tôi dùng bản dịch của TS Chân để tham khảo.
“Dead by China” bản tiếng Anh
Trong “Lời nói đầu” giới thiệu cuốn sách, ông Đường Bách Kiều (Dang Baiqiao), Hiệu trưởng Đại học Dân Chủ, lãnh đạo phong trào sinh viên đòi dân chủ Thiên An Môn năm 1989, đã viết:
“Những năm cuối thập niên 80 (thế kỷ 20) là những năm mà Trung Quốc tràn đầy phấn kích và niềm hy vọng vì những tư tưởng mới của phương Tây như tự do cá nhân, kinh tế tư nhân đang lan tỏa mạnh mẽ và đầy sức sống, có tác dụng gột rửa vết nhơ do cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao Trạch Đông gây ra.
“Trong thời điểm tràn đầy niềm hy vọng, tôi đã cùng một số lãnh đạo sinh viên, học sinh kêu gọi cải cách chính trị, dùng tư duy mới của thế giới hiện đại để mang lại sự tôn nghiêm cho Trung Quốc. Tôi đã tổ chức diễn thuyết tại các trường học và quảng trường ở khắp nơi trên toàn quốc trong ngập tràn mong mỏi lãnh đạo tối cao Đảng Cộng sản Trung Quốc nghe theo chủ trương của chúng tôi.
“Nhưng thảm kịch tại quảng trường Thiên An Môn ngày 4/6/1989 với những cỗ xe tăng đã nghiền nát phong trào của chúng tôi, những hình ảnh khủng bố chiếu trên truyền hình là minh chứng cho thảm kịch này…”
(hết trích)
Theo ông Đường Bách Kiều, cuốn sách viết về Trung Quốc sẽ giúp độc giả hiểu được những “sự thật khó tin” trong việc lãnh đạo Bắc Kinh duy trì áp chế tàn bạo tiếng nói của người dân Trung Quốc. Mặt khác, họ vẫn tung ra khắp thế giới những sản phẩm nguy hiểm “chết người”.
Chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc đã hủy hoại nền kinh tế Mỹnói riêng và Phương Tây nói chung. Ngoài ra, thông qua mạng lưới gián điệp được tổ chức tinh vi, Bắc Kinh đã đánh cắp những kỹ thuật chiến tranh tân tiến nhất của Ngũ Giác Đài (Lầu Năm Góc) để nhanh chóng tự trang bị cho họ nhằm thực hiện mộng “bá quyền”.
Bức ảnh một thanh niên đơn độc trước đoàn xe tăng trong sự kiện Thiên An Môn năm 1989
“Dead by China” gồm 5 phần chính với 16 Chương, qua đó tác giả điểm lại một loạt các sự kiện, từ những chính sách thương mại – tiền tệ bị Trung Quốc lạm dụng, đến lao động nô lệ và các sản phẩm tiêu dùng đầu độc con người. Đó là những mối đe đọa rõ rệt đối với sự ổn định kinh tế toàn cầu và hòa bình thế giới.
Ngay ở phần đầu sách, Navarro khẳng định “Cuốn sách không nhằm việc đả kích hay chỉ trích Bắc Kinh vì đó là sự thật… họ là sát thủ tàn độc nhất hành tinh”. Bất chấp sự an toàn của người tiêu dùng, họ tung ra các sản phẩm “đầu độc hàng loạt” từ đồ chơi cho trẻ em đến những loại thực phẩm chúng ta… “đút vào mồm”.
“Trong khi đó, "thứ xảy ra ở Trung Quốc không ở lại Trung Quốc". Khi các nhà máy Trung Quốc tạo ra cơn lũ sản phẩm để chất lên giá các cửa hàng của Target và Walmart, các loại tro bụi ô nhiễm không khí cực kỳ độc hại của Trung Quốc cũng bay hơn 6.000 dặm theo các dòng khí đối lưu tầng trên khí quyển đến California, thả các chất thải độc hại xuống dọc đường đi.
“Ngày nay, phần lớn mưa acid ở Nhật và Hàn quốc là "Made in China", trong khi tỉ lệ ngày càng tăng các hạt bụi mịn phát hiện trong không khí các thành phố ở bờ biển phía Tây như Los Angeles cũng xuất phát từ các nhà máy của Trung Quốc….”
(hết trích)
Chúng tôi không Bán và Mua bất cứ thứ gì “Made in China”
Navarro phanh phui một sự thật “trần truồng” về xã hội Trung Quốc: “… Đảng Cộng sản cầm quyền cai trị không phải là một đảng "Cộng hòa Nhân dân" chân chính mà là một chế độ thần quyền thế tục. Trong khi Mác trở mình trong mồ và xác ướp Mao từ chiếc hòm pha lê của mình hướng cặp mắt đờ đẫn vào quảng trường Thiên An Môn, một bộ phận nhỏ dân số Trung Quốc trở nên giàu có cực kỳ dù cho một tỉ công dân Trung Quốc tiếp tục sống trong thế giới đói nghèo...”
Để dập tắt chống đối, đảng cầm quyền đã dựa vào công an và lực lượng bán quân sự với con số trên một triệu người. Mạng lưới theo dõi “kiểu Orwell” (*) cũng có khoảng 50.000 công an mạng. Các công an “thực” và “ảo” này không ngừng ngăn chặn và đàn áp những thế lực mà họ cho là “thù địch”.
“Ngay cả khi vô số cái chết dưới tay Trung Quốc diễn ra cả bên trong nước Cộng hòa Nhân dân này và ở những xưởng máy chết chóc trên khắp thế giới, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, nhà báo, và nhà chính trị Mỹ có quá ít để nói về nguy cơ lớn nhất, duy nhất đối mặt với nước Mỹ và thế giới.
“Trong lĩnh vực kinh doanh, một số công ty lớn nhất của Mỹ - từ Caterpillar và Cisco đến General Motors và Microsoft - đã hoàn toàn đồng lõa với chính sách "trước hết chia rẽ nước Mỹ và sau đó chinh phục nó" của Trung Quốc. Bi kịch ở đây là khi chủ nghĩa con buôn Trung Quốc bắt đầu tấn công ngành công nghiệp Mỹ vào cuối những năm 1990 - những ngành như đồ gỗ, dệt và may mặc - bắt đầu sụp đổ hết ngành này đến ngành khác…”.
(hết trích)
Đối với các dược phẩm, Trung Quốc cũng sản xuất cho thế giới đến 70% lượng penicillin, 50% lượng aspirin, và 33% lượng tylenol. Các công ty dược Trung Quốc cũng đã chiếm lĩnh phần lớn thị phần thế giới về kháng sinh, enzyme, các acid amin chính và vitamin tổng hợp.
Trung Quốc thậm chí đã thống lĩnh đến 90% thị phần thế giới về vitamin C, cùng lúc đó họ đang có vai trò áp đảo trong việc việc sản xuất các loại vitamin A, B12, và E, không kể nhiều loại nguyên liệu để sản xuất vitamin tổng hợp.
“Các số liệu thống kê này làm tất cả chúng ta lo lắng chỉ vì một lý do đơn giản: Một phần quá lớn các loại thuốc Trung Quốc đang tràn ngập các cửa hàng và siêu thị thuốc của chúng ta thực sự là chất độc. Đấy là lý do tại sao thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc luôn được xếp hàng đầu trong các loại phải kiểm tra khi nhập vào biên giới hoặc bị trả về bởi cả cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm của Mỹ lẫn Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu”.
Cho dù là do ngẫu nhiên hay cố tình, việc đầu tiên bạn cần biết cụ thể về cái Chết dưới tay Trung Quốc này là nó không phải dành riêng ai. Thật vậy, người Trung Quốc, dù là nông dân, ngư dân, nhà chế biến thực phẩm hay là người bán thuốc, đều có thể đầu độc chính người dân của họ y như họ đầu độc người Mỹ, người Châu Âu, người Nhật, người Hàn và tất cả những ai trên toàn thế giới dùng thực phẩm và thuốc của họ, trong đó có Việt Nam.
Để nếm thử chút ít vị “chua chát” trong câu nói trên, hãy tự đặt câu hỏi với đầu bếp Trung quốc: “Có gì trong chảo của anh thế?”. Câu trả lời là có tới 10% nhà hàng ở Trung Quốc sử dụng cái gọi là “dầu ăn bẩn" để nấu nướng.
“Dầu ăn bẩn là một hỗn hợp hôi hám của dầu đã qua sử dụng và chất thải thu được từ hố ga và cống rãnh từ các nhà bếp thương mại, chứa đầy nấm mốc độc aflatoxin gây ung thư gan. Những kẻ nhặt rác ở Trung Quốc lén lút bán thứ này cho nhiều nhà hàng với giá chỉ bằng một phần năm giá dầu đậu nành hay dầu lạc mới. Ngoài khả năng gây ung thư, cái hỗn hợp gồm dầu bị mốc với đủ loại thực phẩm bỏ đi này có thể là bản án tử hình bất ngờ cho bất kỳ ai bị dị ứng thực phẩm nặng”.
Câu chuyện “dầu ăn bẩn” này cho dù có thể làm chúng ta căm phẫn dù đã từng xảy ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, so với chuyện những kẻ giết người hàng loạt melamine thì nó… chưa là gì cả.
“Những kẻ sát nhân” mang tên melamine đã “hạ gục” nhiều nạn nhân ngay trên đất Trung Hoa và phần còn lại của thế giới. Bản thân melamine là một hóa chất “có giá trị” khi chúng không bị lén lút cho vào thực phẩm.
“Kết hợp melamine với formaldehyde để sản xuất nhựa melamine, bạn sẽ có được một chất dẻo có độ bền cao dùng chế tạo các sản phẩm như formica và các bảng viết bằng bút xóa. Trộn với một số hóa chất khác, bạn có thể dùng melamine như một chất chống cháy, phân bón, hay là “phụ gia siêu dẻo” dùng trong bê tông cường độ cao. Thế nhưng thêm melamine vào các sản phẩm như thức ăn gia súc, sữa, hoặc sữa cho trẻ sơ sinh thì không còn cách nào nhanh hơn để hủy hoại hai quả thận trong người”.
Thế tại sao những doanh nhân Trung Quốc lại thêm melamine vào thực phẩm? Đó là vì hàm lượng nitrogen cao trong melamine có thể “nhái” mức protein cao trong thực phẩm. Sự giả mạo protein “kiểu Trung Quốc” do đó có thể đánh lừa các nhân viên kiểm tra thực phẩm chứ chưa nói gì đến người tiêu thụ. Vì melamine rất rẻ so với protein thật, nên điều này có nghĩa là rất nhiều tiền sẽ vào túi kẻ “bất nhân”, bất kể nhiều người có thể thiệt mạng.
Thế giới lần đầu biết đến việc giả mạo protein của Trung Quốc vào năm 2007, khi hàng chục ngàn chó và mèo ở châu Âu, Mỹ và Nam Phi bị chết vì loạt thức ăn nhiễm melamine. Thế cho nên, các du khách Trung Hoa ra nước ngoài thay vì “ngoạn cảnh” lại dành thì giờ xếp hàng tại các siêu thị để mua sữa mang về nước. Họ mất tin tưởng vào sữa “nội địa”!
Trung Quốc thu giữ 72.000 tấn sữa nhiễm melamine
Người Phương Tây có câu “An apple a day, keeps the doctor away” (Mỗi ngày một trái táo, bác sĩ sẽ tránh xa). Một quả táo ở Trung Quốc lại khác, ăn táo “xuất khẩu” từ Trung Quốc sẽ khiến cho các bác sĩ chuyên khoa ung thư có việc làm… cả đời.
“Hơn 30 năm qua, các nhà xuất khẩu nước táo cô đặc Trung Quốc đã tăng từ 10.000 gallon lên đến gần nửa tỷ gallon mỗi năm; và ngày nay Trung Quốc chiếm lĩnh hơn một nửa thị trường Mỹ. Điều chắc chắn là, giá của họ rẻ hơn giá của các nhà nông Mỹ. Nhưng có một lý do làm cho nó rẻ là vì các vườn cây Trung Quốc dùng rất nhiều các loại thuốc trừ sâu bất hợp pháp có chứa arsen để rồi thấm vào cây và cô đọng trong quả”.
Lai có một câu mà người ta hay nói “Mọi thứ trà đều là trà Tầu cả”. Đúng thế vì trà xuất xứ từ Trung Hoa từ ngàn xưa nhưng “trà Tầu” ngày nay được người Trung Quốc “chế biến” bằng cách phơi lá chè trên một cái sân kho rất rộng rồi dùng xe tải cán lên… “cho chóng khô”. Xe Trung Quốc dùng xăng pha chì nên không có cách nào hiệu quả hơn thế để biến lá chè thơm ngon trở thành một thứ vũ khí giết người!
“Câu chuyện thủy sản” Trung Quốc bắt đầu ở miền Đông Nam Hoa Kỳ, nơi mà trong những năm 90s việc nuôi cá da trơn miền Nam là một trong những câu chuyện thành công lớn của ngành thủy sản Mỹ. Thế rồi con rồng Châu Á bước vào.
Các doanh nghiệp Trung Quốc kiếm lợi nhuận bằng mọi trò lừa đảo trong kinh doanh, và các cơ sở nuôi thủy sản của Trung Quốc không phải là ngoại lệ. Thật vậy, bắt đầu vào những năm đầu của thế kỷ 21, dưới sự tấn công dữ dội của ngành xuất khẩu được trợ cấp của Trung Quốc, nhiều cơ sở nuôi trồng thủy sản Hoa Kỳ ở các tiểu bang như Louisiana, Mississippi và Alabama đã thực sự hoàn toàn biến mất.
“Ngày nay, Trung Quốc là nhà cung cấp thủy sản nuôi số một thế giới và chiếm lĩnh các thị trường cá da trơn, cá rô phi, tôm, và lươn. Tuy nhiên, các cơ sở nuôi trồng thủy sản Trung Quốc cho chúng ta một hình ảnh thôn quê không yên bình và không hòa hợp với thiên nhiên. Hơn thế nữa, họ còn tạo ra một cơn ác mộng của sự bẩn thỉu kinh người như dưới địa ngục”.
Sự “bẩn thỉu” của các cơ sở thủy sản bắt đầu bằng sự kiện chỉ có dưới một nửa đất nước Trung Hoa là có cơ sở xử lý nước thải. Vậy thì, cái cách thức mà những thứ do người thải ra này - cùng với không biết bao nhiêu thuốc trừ sâu, phân bón, bùn than, thuốc kháng sinh, thuốc nhuộm, và các chất gây ô nhiễm khác - tìm được đường đến bữa cơm tối ở nhà bạn. Đó là điều đáng để chúng ta suy nghĩ.
Nằm dọc sông Dương Tử, những thành phố lớn đang phát triển, chẳng hạn như Thành Đô và Trùng Khánh, đổ thẳng ra sông hàng tỷ tấn chất thải chưa qua xử lý từ người, động vật và cả chất thải công nghiệp. Đống độc hại này sau đấy lại có thêm thời gian để lên men và thối rữa khi dồn về hồ chứa đằng sau đập Tam Hiệp khổng lồ phía bên dưới Trùng Khánh.
Nuôi thủy sản tại Trung Quốc
Tin trên báo St. Louis Post-Dispatch: Bà Donnals đang ngồi trên hiên nhà bỗng nghe một tiếng nổ, kế theo sau là những tiếng la hoảng loạn. Quay nhìn con trai mình, Bryan, 6 tuổi, đang chạy về phía bà, quần áo trên người đang cháy, và ngọn lửa đang phun ra từ phía sau của ngôi nhà di động của gia đình Donnals.
Bryan đang chơi với chiếc xe địa hình ATV được chế tạo tại Trung Quốc … thì bất ngờ nó tăng tốc và lồng lên mất kiểm soát… Chiếc xe bốn bánh màu đỏ dung tích 110cc đã chút nữa đâm vào một bình khí propan trước khi đâm vào chiếc xe moóc và bốc cháy.
Chẳng có gì buồn cười về câu chuyện hãi hùng này. May thay, cậu bé Bryan đã sống sót sau khi bị phỏng nặng. Tuy nhiên, các bạn vẫn nên biết nhận xét hài hước hoàn toàn không cố ý của ông nội Bryan sau tai nạn bởi vì nó phản ánh tính dễ lãng quên hiện nay của quá nhiều khách hàng người Mỹ về mối đe dọa của “đồ rẻ tiền” Trung Quốc”.
Ông Tim Donnals, người đã mua chiếc xe cho đứa cháu đáng thương, nói: “Tôi đã không nghĩ rằng nó sẽ có thể nổ tung, nếu không tôi đã chẳng mua nó”. Quả thật như vậy. Từ nay trở đi bạn cần nhớ:
“Bất cứ khi nào bạn mua cái gì từ Trung Quốc, bạn phải lường trước về điều xấu nhất. Đó chính là vì các nhà sản xuất Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về đồ rẻ tiền có thể nổ tung vào ban đêm hay ban ngày, bốc cháy và vỡ tan, gây chấn thương và đau đớn”.
Nạn nhân của đồ chơi Trung Quốc
Kể cũng lạ. Việt Nam vì còn nghèo nên chuộng “của rẻ”… nhưng một nước giàu như Hoa Kỳ cũng lại bị rơi vào cái bẫy “rẻ tiền” của hàng Trung Quốc. Tác giả Navarro phân tích như sau:
“Sở dĩ gian thương Trung Quốc không quan tâm đến yếu tố an toàn cho người tiêu thụ và các nhà sản xuất Trung Quốc không sợ bị trừng phạt. Có bị kiện ra tòa họ cũng được nhà nước Bắc Kinh bao che và nhất là rất khó theo đuổi một vụ kiện đòi bồi thường tại Hoa Kỳ hay tại Trung Quốc. Ngoài ra, cán bộ kiểm phẩm an toàn của Trung Quốc đã bị mua từ trên cao xuống đến thấp. Đây là bộ máy tham ô và tồi bại nhất thế giới”.
(Còn tiếp)
***
Chú thích:
* Tiểu thuyết "1984" của George Orwell viết năm 1948 mô tả một chế độ mà mọi cử chỉ và suy nghĩ của công dân đều bị theo dõi qua một mạng lưới bao trùm khắp mọi nơi, từ phòng ngủ ra đến quảng trường. (Xem thêm bài viết “Từ tương lai trở về… hiện tại”http://chinhhoiuc.blogspot.com/2017/04/tu-tuong-lai-tro-ve-hien-tai.html)
***
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét