Kim Jong Un «bất ngờ» đến Bắc Kinh có thể là để chuẩn bị thượng đỉnh Mỹ -Triều lần thứ hai sau cuộc gặp giữa Donlad Trump và Kim Jong Un cách nay gần 7 tháng tại Singapore. Tuy nhiên, theo giới phân tích, Trung cộng và Bắc Triều Tiên đang xây dựng thế liên hoàn để gây sức ép với Donald Trump theo hướng «Trung-Triều cùng có lợi».
Bối cảnh bế tắc
Cuộc đàm phán Mỹ-Triều về kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng đang ở trong ngõ cụt từ sau thượng đỉnh lịch sử tại Singapore hồi tháng 06/2018 : Bắc Triều Tiên đòi Mỹ nới lỏng cấm vận tức khắc, trong lúc Washington ra điều kiện Bình Nhưỡng từ bỏ hạt nhân trước đã.
Đầu năm 2019, Bình Nhưỡng đã lên giọng đe dọa. Trong thông điệp Tết Dương lịch, Kim Jong Un cảnh báo là nếu Washington không đổi thái độ thì Bình Nhưỡng «sẽ tìm cách khác để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền».
Chiến thuật «cáo mượn oai hùm»
Không đầy mười ngày sau khi hù dọa Washington, ngày 08/01/2019, lãnh đạo Bắc Triều Tiên «bất ngờ» đến Bắc Kinh. Mục đích của chuyến thăm viếng này là gì và vì sao chọn lúc này?
Theo AFP, lãnh đạo Bắc Triều Tiên muốn mượn tay Trung cộng để «mặc cả với Mỹ» nhưng không phải chỉ đơn giản một chiều. Harry Kazianis, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu vì Quyền lợi Quốc gia ở Washington, phân tích: Hoa Kỳ cần phải «để ý » những nỗ lực của Bình Nhưỡng tăng cường quan hệ với Bắc Kinh, vì gần như toàn bộ ngoại thương của Bắc Triều Tiên đi qua láng giềng Trung cộng. Một khi quan hệ Trung-Triều được mở rộng, thì chiến lược gây sức ép tối đa của Washington nhằm cô lập Bắc Triều Tiên sẽ bớt hiệu nghiệm. Khi đến Bắc Kinh, Kim Jong Un muốn khuyến cáo chính quyền Donald Trump là Bắc Triều Tiên có nhiều giải pháp ngoại giao, cũng như kinh tế khác, ngoài những hứa hẹn có điều kiện của Mỹ và Hàn Quốc.
Lá bài của Trung cộng
Việc Bắc Kinh chọn thời điểm này để tiếp lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng không phải là ngẫu nhiên: một phái đoàn đàm phán Mỹ đang có mặt tại thủ đô Trung cộng từ 24 giờ trước để thảo luận về cuộc chiến tranh thương mại giữa hai siêu cường kinh tế đang làm rung chuyển kinh tế thế giới.
Cũng theo Harry Kazianis, đây là thời điểm thuận lợi, theo quan điểm của Bắc Kinh, sử dụng lá bài Bắc Triều Tiên để mặc cả với Washington. Hơn bất cứ một chế độ nào khác, Trung cộng luôn luôn lo sợ chính quyền Bình Nhưỡng sụp đổ, quân đội Mỹ tiến sát biên giới đông bắc.
Nhưng Bắc Kinh cũng e dè đòn chiến tranh thương mại của Mỹ, cũng như đang bị trói buộc vì lệnh trừng phạt kinh tế của Liên Hiệp Quốc nhắm vào Bắc Triều Tiên.
Trong chiều hướng này, giới phân tích suy đoán là Bắc Kinh sẽ đòi Mỹ ngưng áp thuế hàng Trung cộng, đổi lại sẽ «hứa» thuyết phục Kim Jong Un nhượng bộ trên hồ sơ hạt nhân. Giáo sư Koh Yu Hwan, chuyên gia tình hình Bắc Triều Tiên tại đại học Dongguk, Seoul, cho rằng «nếu Bắc Kinh cam kết viện trợ kinh tế và bảo đảm an toàn cho chế độ Bình Nhưỡng trong trường hợp từ bỏ vũ khí hạt nhân, Bắc Triều Tiên sẽ cảm thấy an tâm hơn» và có thể mềm dẻo hơn.
Một chuyên gia khác của Hàn Quốc tỏ ra lạc quan. Trả lời câu hỏi của AFP, ông Cheong Seong Chang, nhà nghiên cứu của Viện Sejong, Seoul, dự báo: chuyến viếng thăm Bắc Kinh là tín hiệu Kim Jong Un sắp gặp Donald Trump hoặc Moon Jea In. Nhưng với sự hậu thuẫn của Trung cộng.
Tú Anh
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét