Sự kiện đảng Cộng Sản Việt Nam quyết định kỷ luật giáo sư Chu Hảo tiếp tục làm dấy lên những phản ứng bất đồng tình. Trong một lá thư ngỏ đề ngày 11 tháng 11 năm 2018, gần 100 giáo sư, tiến sĩ và nhà nghiên cứu về Việt Nam từ nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng « bày tỏ quan ngại » về các cáo buộc « vô căn cứ và đáng lo ngại » đối với giáo sư Chu Hảo. Những người đồng ký tên vào thư ngỏ « bác bỏ bất kỳ khẳng định nào cho rằng những tác phẩm này là mối đe dọa cho sự phát triển ổn định hoặc hòa bình của Việt Nam », yêu cầu Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương sửa đổi đánh giá về công việc của ông Chu Hảo tại Nhà Xuất Bản Tri Thức. Bức thư thúc giục chính phủ Việt Nam « khuyến khích việc thảo luận tri thức rộng rãi về tất cả các chủ đề ở Việt Nam…, từ bỏ mọi nỗ lực quấy rối, đe doạ hoặc trừng phạt những người đã thể hiện quan điểm hoặc ý kiến của họ một cách ôn hòa ».
Giáo sư Chu Hảo phát biểu tại một hội nghị ở Hà Nội
Trong bức thư gởi đến các ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng Cộng Sản kiêm chủ tịch nước Việt Nam và thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, những người ký tên đã « bày tỏ sự không đồng ý và thất vọng sâu sắc » về những cáo buộc nhắm vào giáo sư Chu Hảo, và Nhà Xuất Bản Tri Thức mà ông làm giám đốc.
Những cáo buộc này đã được Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đảng Cộng Sản Việt Nam nêu lên ngày 25/10, theo đó Nhà Xuất Bản Tri Thức đã phát hành « một số cuốn sách có nội dung trái với quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước ».
Các học giả, giáo sư và nhà nghiên cứu ký tên vào thư ngỏ ngày 11/11, đã đánh giá rằng « những lời buộc tội của Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương là vô căn cứ và đáng lo ngại », vì lẽ trong thời gian qua, Nhà Xuất Bản Tri Thức đã góp phần giúp các sinh viên và học giả Việt Nam « tiếp cận nhiều hơn với các công trình học thuật lớn của các nước khác bằng cách dịch sang tiếng Việt », một điều rất cần thiết cho việc nghiên cứu khoa học.
Bức thư ghi rõ : « Các công trình học thuật lớn đó là nền tảng của nghiên cứu và tư duy hiện đại trong ngành khoa học xã hội và nhân văn », và tại các trường trung học và đại học trên khắp thế giới, các công trình đó « nằm trong giáo trình cơ bản của nhiều ngành học và môn học khác nhau mà sinh viên phải đọc và nắm bắt được ».
Trên cơ sở đó, những người đồng ký tên vào thư ngỏ « bác bỏ bất kỳ khẳng định nào cho rằng những tác phẩm này là mối đe dọa cho sự phát triển ổn định hoặc hòa bình của Việt Nam », yêu cầu Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương sửa đổi đánh giá về công việc của ông Chu Hảo tại Nhà Xuất Bản Tri Thức.
Bức thư thúc giục chính phủ Việt Nam « khuyến khích việc thảo luận tri thức rộng rãi về tất cả các chủ đề ở Việt Nam…, từ bỏ mọi nỗ lực quấy rối, đe doạ hoặc trừng phạt những người đã thể hiện quan điểm hoặc ý kiến của họ một cách ôn hòa ».
Điểm cần ghi nhận là trong số 81 người đã ký tên vào lá thư ngỏ, có hầu hết các gương mặt có uy tín trong ngành nghiên cứu về Việt Nam hiện nay ở Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Hà Lan, Úc, Singapore, từ giáo sư Pierre Brocheux, Pascal Bourdeaux, ở Pháp, Pierre Asselin, George Dutton, Sophie Quinn-Judge, ở Mỹ, cho đến giáo sư Chistopher Goscha ở Canada, David Marr, Ben Kerkvliet ở Úc, John Kleinen ở Hà Lan, Bill Hayton ở Anh Quốc. Bên cạnh đó còn có chuyên gia quen thuộc người Việt như giáo sư Trịnh Văn Thảo ở Pháp, Ngô Vĩnh Long, Trịnh Xuân Thuận ở Mỹ, Nguyễn Đức Hiệp ở Úc…
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét