Mình thích đoạn cuối: "Cơ quan và trụ sở Viện Văn học - nơi Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Cao Xuân Huy, Trần Thanh Mại, Cao Huy Đỉnh, Phạm Thiều, Nam Trân, Đỗ Đức Dục, Đào Phương Bình, Nguyễn Đức Vân, Hoàng Trung Thông… từng làm việc - xứng đáng được bảo trì và xây dựng thành một địa chỉ văn hóa của thủ đô". Thích là vì đoạn này không hề nhắc đến tên Hà Minh Đức, viện trưởng thời kỳ 1995-2003, một người mà những năm 1970 đầu 1980 mình gọi là đại đại bồi bút.
Website của Viện Văn học
Những thành tựu và bài họcTrong đời sống văn hóa Việt Nam, Viện Văn học có lẽ là sản phẩm đặc biệt trong một thời đại đặc biệt, khi được thiết chế chính trị - văn hóa trao cho vai trò tiếng nói chính thống về ngành khoa học này trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong hoàn cảnh đất nước chia đôi, cơ quan nghiên cứu này đã tập hợp và kế thừa thành tựu của những nhà nghiên cứu tiền bối, với nhiều dự định vốn bị bỏ dỡ trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhằm phục dựng một sinh hoạt tinh thần được phát khởi từ nửa đầu thế kỷ 20.
Những nhà nghiên cứu tài năng, tâm huyết ở Viện đã bảo tồn, tôn vinh tinh hoa văn học dân tộc và thế giới, được phản ánh trong những công trình tập thể và cá nhân, những bài báo tiêu biểu trên tạp chí Nghiên cứu Văn học, hiện còn lưu giữ như những tài liệu tham khảo quý giá cho các thế hệ đến sau. Nhìn vào danh mục những sách báo đó, người đọc ngày nay có thể hình dung khuôn mặt tinh thần của giới trí thức một thời, cũng như khó khăn, giới hạn mà họ phải đối diện.
Từ năm 1975 đến nay, Viện Văn học là nơi kết nối giới nghiên cứu lý luận, văn học sử và phê bình trên cả nước. Từng công trình nghiên cứu, từng cuộc cuộc hội thảo, từng số tạp chí đều cho thấy sự đóng góp không chỉ của các thành viên trong Viện mà cả học giới ba miền Bắc Trung Nam, những người xem việc cộng tác và tham gia sinh hoạt của Viện là một trách nhiệm và một niềm vinh hạnh.
Đặc biệt, theo thiển ý, khoảng 30 năm nay, những thành tựu nghiên cứu của Viện Văn học tập trung ở ba phương diện sau đây: Một là sưu tầm tư liệu và góp phần tổng kết những chặng đường văn học sử của dân tộc, nhất là từ đầu thế kỷ 20, qua đó cho thấy bức tranh toàn cảnh của nó, đồng thời với sự đánh giá công bằng, khách quan đối với những tác gia, tác phẩm từng bị lãng quên trong quá khứ.
Hai là giới thiệu kịp thời và ngày càng sâu sắc tinh hoa văn học thế giới, trong đó có những trào lưu tư tưởng mỹ học và lý luận văn học Đông Tây. Ba là phân tích và đánh giá một cách điềm tĩnh, từ tốn những hiện tượng văn học đương đại, góp phần nhận diện tiến trình văn học thời kỳ Đổi mới.
Tất nhiên, mọi người đều hiểu rằng, qua những bước thăng trầm của đời sống văn học, cọ xát với thực tiễn không ngừng vận động, không phải tất cả những điều mà giới nghiên cứu, phê bình lên tiếng hơn sáu thập niên qua, đều thể hiện sự thật, lẽ công bằng để thuyết phục được bạn đọc.
Không thiếu dẫn chứng về những hiện tượng vùi dập giá trị cũ khi nó thất thế và vồ vập, tâng bốc cái mới dù nó chỉ mới tượng hình, chưa hề được thử thách.
Trong những gì chúng ta viết ra còn để lại trên trang giấy, ngày nay càng được phổ biến rộng rãi hơn trên các trang mạng điện tử, bên cạnh những điểm sáng cũng có không ít những vệt tối mà người viết đâu thể chối bỏ và khước từ trách nhiệm được. Đó là bài học mà mỗi người cầm bút có lương tri luôn ghi nhớ.
Và những điều học giới chờ đợi
Trong tương lai, khi mạng lưới đại học phát triển, có thể sẽ xuất hiện thêm một số đơn vị nghiên cứu; nhưng không thể nghi ngờ rằng Viện Văn học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vẫn là tiếng nói có uy tín của đất nước về những vấn đề lịch sử, lý luận và phê bình văn học.
Lao động âm thầm nhưng đầy say mê ngày hôm nay có thể tìm cảm hứng từ hình ảnh những nhà nhân văn học thời Phục hưng, tưởng chừng giam mình trong tháp ngà để sưu tầm, dịch thuật, chú giải, khảo cứu những hiện tượng văn học cổ xưa, mà vẫn luôn có những sợi dây thần kinh trần tiếp xúc với xã hội bên ngoài để truyền hơi thở ấm nóng của đời sống vào những trang văn thời quá vãng.
Trách nhiệm của Viện Văn học càng nặng nề hơn trong bối cảnh giao lưu và hợp tác quốc tế ngày càng mở rộng. Nhiều vấn đề lịch sử và lý luận gay cấn còn tồn tại hẳn không thể giải quyết một sớm một chiều. Chỉ có định hướng khoa học, dân chủ và tự do học thuật mới đem lại sức mạnh cho giới nghiên cứu.
Việc một cơ quan có tầm cỡ như Viện Văn học ủng hộ một khuynh hướng tiến bộ, từ chối tham gia vào một "vụ án văn học" oan khuất nào đó có tác động rất lớn không chỉ đối với giới khoa học mà còn đối với giới sáng tác và công chúng nói chung.
Làm sao để mười năm sau, 20 năm sau, đọc lại những cuốn sách và số báo xuất xưởng ngày hôm nay, độc giả có thể tìm thấy tấm gương của sự trung thực trí thức, dù có thiếu sót, hạn chế nhất định, nhưng không có những xảo ngôn và quy kết ác ý, những thổi phồng vô căn cứ, để lại vết đen trong "lý lịch khoa học" cả của người viết lẫn của cơ quan chủ quản.
Học giới chờ đợi ở Viện Văn học một bộ Lý luận văn học cập nhật, một bộ Lịch sử văn học Việt Nam hoàn chỉnh, những món nợ mà Viện và các trường đại học chưa trả. Những thu hoạch về tư liệu và khảo cứu đã được tích lũy công phu và trình bày trong nhiều công trình của Viện. Hệ thống hóa và nâng cao những công trình đó là công việc lâu dài, như những thành quả "xuyên nhiệm kỳ", đòi hỏi sự hợp tác của nhiều thế hệ, từ nhiều nguồn đào tạo.
Theo sứ mạng và sở trường của mình, Viện Văn học là cơ quan nghiên cứu trước khi là cơ quan đào tạo. Nếu các thành quả nghiên cứu không chuyển giao cho đào tạo thì chất lượng giáo dục sẽ ngưng trệ và không thể cải tiến được.
Chúng tôi ước mong, với tư cách là một đơn vị nòng cốt của Học viện Khoa học xã hội, Viện Văn học thắt chặt mối quan hệ hợp tác với các trường để phát huy đóng góp của những nhà khoa học giàu kinh nghiệm cũng như của những nhà nghiên cứu trẻ năng động và nhạy cảm với cái mới ở đây. Chỉ có như vậy thì giới khoa học nước ta mới khắc phục tình trạng tách rời nghiên cứu với giảng dạy và nhân lên sức mạnh của cả hai.
Chúc mừng tuổi 65 của Viện Văn học, chúng tôi hy vọng rằng đây mãi là nơi kết nối, tập hợp giới nghiên cứu, phê bình, giảng dạy văn học trong những hoạt động có ý nghĩa, làm phong phú đời sống tinh thần của đất nước.
Cơ quan và trụ sở Viện Văn học - nơi Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Cao Xuân Huy, Trần Thanh Mại, Cao Huy Đỉnh, Phạm Thiều, Nam Trân, Đỗ Đức Dục, Đào Phương Bình, Nguyễn Đức Vân, Hoàng Trung Thông… từng làm việc - xứng đáng được bảo trì và xây dựng thành một địa chỉ văn hóa của thủ đô.
(*) Các tít xen trong bài do Tuổi Trẻ Online đặt.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét