Phim hoạt hình "Nhặt xương cho thầy" dựa vào truyện cười dân gian (trong hệ thống truyện Thầy đồ liếm mật, Tam đại con gà...). Thái độ của nhân dân đối với những người thầy vô đạo là rất rõ ràng, không có chuyện "tôn sư trọng đạo" vô điều kiện.
Nhân dân dù tuân theo đạo lý "tôn sư trọng đạo" của Nho giáo, nhưng với điều kiện "thầy phải ra thầy". Chính Nho giáo khi đặt ra đạo tam cương, tưởng bất di bất dịch nhưng cũng vạch rõ cái đạo ấy chỉ được gìn giữ khi "quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử" (vua cho ra vua, bề tôi cho ra bề tôi, cha cho ra cha, con cho ra con), nếu không thì "thượng bất chính hạ tắc loạn".
Khổng Tử không đặt ra đạo trung thần đối với các bạo chúa, chẳng hạn như Khương Tử Nha dấy binh "giết tên bạo chúa tên Trụ chứ không phải giết vua". Suy ra đạo thầy trò cũng tương tự.
Khi thầy không ra thầy thì dân mắng "thằng tham lam" hay "thằng lưu manh", "đứa vô đạo" chứ không phải mắng một ông thầy.
Tôi là thầy giáo, yêu và gắn bó với nghề gần 30 năm, khi xem bộ phim "Nhặt xương cho thầy" không hề thấy xúc phạm mà đích đáng. Cần nhiều tác phẩm thuộc thể loại này hơn để vả mồm những thằng tham lam khoác áo nhà giáo và nhân danh "tôn sư trọng đạo" để bốc hốt một cách tham lam.
Những kẻ nhảy dựng đứng lên la ó om sòm, kể cả kẻ ra lệnh xử phạt trong vụ này chỉ có thể là kẻ tham lam bị vạch toác chiếc mặt nạ đạo đức mà chúng cho là đẹp đẽ.
Năm nay rất có thể Tuổi trẻ cười sẽ bị phạt vì đã có cô giáo Trần Diệu Hiền lên tiếng trên trang Quốc hội về bức tranh bìa của tạp chí, rằng bức tranh bìa ấy đã xúc phạm cô ta và các nhà giáo, những người đang diễn trò dạy học theo phương pháp được cho là hiện đại mà họ vẫn làm lâu nay.
Phương châm của loại nhà giáo này là không được nói thật. Nói thật là "xúc phạm nhân cách tất cả giáo viên ngành giáo dục"? Vô tình hay hữu ý họ tự khẳng định sự dối trá đang ở ngôi thống trị?
Cách đây chừng một tháng, hàng loạt các clip được tung lên mạng về phương pháp dạy học đối thoại mà cả cô giáo lẫn học sinh đều là cái robot, kẻ hỏi và người đáp đều như những cái máy tự động.
Tôi xác nhận điều này là đúng 100%, vì tôi từng dự giờ nhiều lần, chứng kiến và bật cười với một hệ thống tự động như vậy. Người dạy đạo diễn bài bản đến mức, khi cô đưa ra câu hỏi, chưa cần nói hết nửa câu, cả lớp đã giơ tay và trả lời nguyên một mẫu soạn sẵn.
Nhưng lạ một điều, những giờ như vậy mới được xem là giờ dạy tốt. Vậy là phải có kẻ cao hơn đạo diễn cả cô giáo, bởi cô giáo cũng rất tự động như những cái robot.
Tôi khẳng định, đạo mẫu, đạo văn có gốc từ đây.
Báo Tuổi trẻ cười vẽ cái mặt nạ cho cả cô và trò là chuẩn xác. Và hiển nhiên, báo Tuổi trẻ cười đang đục vào tận xương tủy của cả hệ thống giáo dục nhân ngày Hiến chương nhà giáo. Bản Hiến chương nhà giáo cam kết một nền giáo dục nhân bản, khai phóng, sáng tạo, nhưng người ta đã làm ngược.
Phen này xem chừng sẽ có một cuộc giãy giụa mới như vụ Nhặt xương cho thầy. Và Tuổi trẻ cười có thể sẽ bị xử phạt nặng, vì các robot có căn cước công dân nhà giáo kia sẽ không chịu nổi sự tổn thương khi bộ máy cài bên trong nó bị đánh cho chập mạch!
Phàm kẻ có tự trọng khi mắc lỗi lầm bị thiên hạ cười chê thì tiếp thu và sửa chữa. Còn kẻ mặt dày với bản chất xấu xa bẩn thỉu có chủ trương thì luôn tỏ ra thù địch với bất cứ ai dám cười mình. Và đã như vậy thì có là nhà giáo vẫn là kẻ vô đạo.
Xin cáo bạch, rằng tôi là nhà giáo đứng lớp gần 30 năm, chưa bao giờ dạy học theo cách ấy, nên không thấy bị xúc phạm. Ai cảm thấy xúc phạm thì cứ lên tiếng cho thiên hạ biết.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét