"Triết gia, nhà tư tưởng… có thể “định nghĩa” một cách nôm na là những người có trí tuệ của đám đông, biết cái “tâm” của đám đông. Đám đông to thì triết gia lớn, càng to càng lớn và ngược lại. Có khi chỉ ở trong phạm vi làng xã, có khi lan đến phủ huyện, vùng lãnh thổ… có cái biết của triết gia phủ sóng cả một nước, có cái biết trùm kín thiên hạ… nhưng dù lớn mấy thì cũng chỉ là một phần nhân loại, không bao giờ là tất cả. Biết cái thấy của một phần nhân loại (trí tuệ của đám đông) gọi là “phần thức”, đó là giới hạn trí tuệ của triết gia, nhà tư tưởng… Xưa nay vẫn vậy, trình độ đó gọi là “lập ngôn”. Biết tất cả cái thấy của toàn nhân loại, gồm cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai mới gọi là “toàn thức”, từ trình độ này trở lên mới gọi là “lập đạo”. Từ “phần thức” đến “toàn thức” là một chặng đường rất dài xét về mặt tiến hóa trí tuệ, cho nên, từ “lập ngôn”, đến “lập đạo” cũng là một khoảng cách rất xa. “Toàn thức” là cứu cánh của một “chủng” loại đạo, gọi là “Nhân thừa”, cũng tức là đạo Nhân.
Xưa nay, hầu hết các tôn giáo (đạo) được lập ra đều nhằm mục đích giúp con người tránh né đường ác, hướng vào đường lành. Cụ thể cứu cánh của các “chủng” loại đạo gồm: làm Người gọi là “Nhân thừa”, thứ đến lên thiên đường (làm Trời) gọi là “Thiên thừa”, trên nữa là “Thanh Văn thừa”, “Duyên Giác thừa” và cuối cùng là “Bồ Tát thừa”. Tổng cộng có năm đường lành gọi là “ngũ thừa” (năm đường đạo lý). Ngũ thừa lấy thanh tịnh tâm làm phương tiện, lấy tiến hóa trí tuệ làm mục đích, lấy cứu cánh ở ngay trong luân hồi (Người, Trời) cũng thế mà ra khỏi luân hồi (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát) cũng thế. Ngũ thừa cầu đức (tuệ giác), chứ không cầu dục, và cầu đạo, chứ không cầu thọ… Cho nên ngũ thừa thuộc về chánh đạo, khác đi là tà đạo.
Khả năng trí tuệ của con người là vô cùng lớn, dù vẫn còn “chấp” vào cái “nghiệp” Người (Nhân) của mình. Sách “Hành trình về phương Đông” của B.T. Spalding đã viết về điều này và gọi những bậc đó là “siêu nhân loại”. Thực ra trí tuệ của họ vẫn nằm trong “nghiệp” Người, cho nên mới chỉ là “trùm kín nhân loại” (toàn thức) mà thôi, hoàn toàn chưa ra khỏi quyền năng trí tuệ của “Nhân loại”. Giáo lý của Pháp Luân công cũng dành một phần rất quan trọng nói về khả năng mở “thiên mục” nằm giữa hai chặng lông mày, khi đó “cái thấy” của con người có thể mở rộng ra hàng vạn dặm, không gì ngăn cách, vượt cả không gian lẫn thời gian… Cái món “thiên mục” ấy là hoàn toàn có thật và quả là kì diệu, nhưng Lý Hồng Chí vẫn còn nhầm ở chỗ này, thực ra đó không phải “thiên mục”, mà vẫn là “Nhân mục” đó thôi. Gọi “thiên mục” (mắt trời) là coi thường quyền năng của nghiệp “Nhân” (người). Hỏi nếu cái thấy (nhân mục) nó nằm ở đó, thế còn cái nghe (nhân thính), cái ngửi (nhân tị), cái nếm (nhân thiệt)… thì chúng nằm ở đâu? Đáp cũng ở chỗ đó cả. Một giác quan (căn) có thể thay thế cho tất cả các căn (giác quan) còn lại. Cho nên mở được nhân mục (cái thấy) là mở được tất cả những cái nghe (nhân thính), cái ngửi (nhân tị) cái nếm (nhân thiệt)…
Khả năng mở rộng các “căn” của con người còn thua xa một số loài côn trùng. Ví dụ một tổ ong khi còn đậu cả ở trong tổ, thì cái thấy của chúng chỉ gói gọn trong phạm vi đến con ong đậu ở ngoài cùng. Khi con ong ấy bay ra khỏi tổ, thì cái thấy của cả đàn ong cứ thế mở rộng ra, càng xa càng rộng mãi. Đó là cách truyền đạt thông tin tức thời, phi thời gian, không cần ngôn ngữ của loài ong, cũng không cần đến cái gọi là bay theo kiểu “vũ điệu” như khoa học lầm tưởng. Mỗi con ong không hề có cái “ngã” riêng, mà chung nhau một cái “ngã” chung là cả đàn của mình, cho nên chúng có khả năng kì diệu đó một cách tự nhiên, vốn có, vô thủy vô chung, không phải do rèn luyện (vô tu), cũng không phải do “đắc” được (vô chứng)… Tại sao con người rất khó đạt tới khả năng tương tự như vậy? bởi vì ai cũng chấp vào cái “ngã” (tôi, ta…) nhỏ bé của mình, nên “toàn thức” bị che đi, khiến cho mọi cái thấy, nghe, hay, biết… chỉ giới hạn ở xung quanh mình.
Cũng như “Thanh Văn thừa” là con đường đi đến giải thoát, “Bồ Tát thừa” là con đường đi đến giác ngộ, thì “Thiên thừa” là con đường đi đến thiên đường (làm Trời), và “Nhân thừa” là con đường đi đến “toàn thức” (làm Người). Nhân thừa tạo nghiệp Người, vẫn còn nguyên ngũ dục, cho nên chắc chắn sinh cõi người mà không thể lộn sang cõi khác. Nhưng “đắc” được cứu cánh của “Nhân thừa” (đắc đạo Nhân) thì không phải ai cũng làm được như vậy, bởi vì đó là “toàn thức”. Toàn thức là cái biết của “nghiệp” Người, chỉ theo kiểu Người, không giống bất kì loài nào, cũng không giống Thật tướng bởi vì nó vẫn là “vọng nghiệp”, là “huyễn hóa”… Nếu cái biết của mỗi cá thể là "độc thức" thì “toàn thức” là cái biết trùm nhân loại, suốt cả ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai. Nói ra điều này khó mà tin được, nhưng đến cả “toàn giác”, tức là cái biết của Phật, của Thật tướng, con người còn có khả năng đạt tới (nhờ Phật tính), huống hồ chỉ là “toàn thức”, cái biết của Người. Muốn đạt được “toàn thức” thì phải ra khỏi cái tướng “Ngã” của riêng mình (ra khỏi “độc thức”), để nhập vào tướng “Nhân”, tức là nhập vào “toàn thức”"
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét