Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 19 tháng 11, 2018

Vạc dầu châu Á - Chương I (1)


THẾ LƯỠNG NAN CỦA CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN

Đặc trưng địa lý của Châu Âu là đất liền, còn Đông Á là biển cả. Ở đây có sự khác biệt căn bản giữa thế kỷ XX và thế kỷ XXI. Khu vực bị người ta giành giật nhiều nhất trên thế giới trong thế kỷ trước nằm ở những vùng đất khô ráo của Châu Âu, đặc biệt là xung quanh các đường biên giới nhân tạo ở phía Đông và phía Tây nước Đức, nơi mà quân đội các quốc gia hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, cùng với sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, trọng tâm nhân khẩu, kinh tế và quân sự của thế giới chuyển dịch mạnh mẽ về phía đầu bên kia của lục địa Á-Âu, nơi mà “không gian hàng hải” (maritime) chiếm thế thượng phong nằm giữa các trung tâm dân cư chủ chốt. “Không gian hàng hải” tôi nhắc tới ở đây có nghĩa là toàn bộ vùng biển, vùng trời và vùng không gian vũ trụ có liên quan: vì từ khi tàu sân bay xuất hiện vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, các đội hình chiến đấu của không quân và hải quân đã trở nên không thể tách rời, và vai trò của không gian vũ trụ là một yếu tố cộng thêm nếu xét tới khả năng định vị và những hỗ trợ khác của vệ tinh đối với tàu chiến hay máy bay. Vì thế, thuật ngữ hải quân đã trở thành một thuật ngữ chung thể hiện quy mô của những hoạt động quân sự khác nhau. Và cũng đừng nhầm lẫn, hải quân là một thuật ngữ tác chiến. Do địa lý là yếu tố định hình và làm sáng tỏ những ưu tiên (quân sự) khác nhau, hình thể của khu vực Đông Á khẳng định sự xuất hiện của thế kỷ hải quân, và một cuộc chiến tranh trên bộ ở bán đảo Triều Tiên – mặc dù ít có khả năng xảy ra – sẽ là ngoại lệ đáng chú ý.

Đông Á là một khu vực địa lý rộng lớn, kéo dài từ Bắc Cực đến Nam Cực – từ quần đảo Kuril cho đến New Zealand ở phía nam – với đặc điểm là các quần đảo và khu vực bờ biển nằm rải rác khắp nơi, những quần đảo và bờ biển lại này lại cách xa nhau và giữa chúng là hải dương bao la. Thậm chí, nếu xét tới việc công nghệ đã góp phần thu hẹp đáng kể khoảng cách địa lý, ở đây có thể kể tới các loại tên lửa và máy bay phản lực chiến đấu –máy bay có thể được tiếp liệu trên không – khiến cho khoảng cách địa lý trở nên nhỏ lại (đến mức có thể liên tưởng địa lý trở thành một vùng không gian nhỏ đến mức khiến các quốc gia rơi vào triệu chứng “sợ hãi không gian hẹp”), biển cả đóng vai trò như một rào chắn chống lại những hành vi hung hăng, hiếu chiến; ít nhất, ở mức độ mà đất liền không thể đảm đương được. Biển cả, khác với đất liền, tạo nên những đường biên giới có thể được xác định rõ ràng, và do đó có thể làm giảm xung đột. Đã đến lúc xem xét tốc độ. Ngay cả những tàu chiến nhanh nhất cũng chỉ có thể di chuyển với vận tốc tương đối chậm, 35 hải lý một giờ, làm giảm khả năng tính toán sai lầm của các bên và do đó giúp cho các nhà ngoại giao có thêm thời gian – không chỉ tính bằng giờ mà có thể bằng ngày – để xem xét lại những quyết định của mình. Hơn nữa, các lực lượng hải quân và không quân đơn giản là không chiếm đóng lãnh thổ theo cách mà lục quân sẽ làm. Chính vì thế, những vùng biển xung quanh khu vực Đông Á mà trong thế kỷ XXI có thể tránh được những xung đột quân sự quy mô lớn, nếu so với thế kỷ XX.

Dĩ nhiên, trong thế kỷ XX, Đông Á đã từng chứng kiến những xung đột quân sự quy mô lớn mà biển cả không thể ngăn chặn: Chiến tranh Nga-Nhật (1904-1905); gần nửa thế kỷ nội chiến tại Trung Quốc theo sau sự sụp đổ của triều đại nhà Thanh (Mãn Châu); những cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Nhật và tiếp theo là Thế chiến II ở Thái Bình Dương; Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953); những cuộc chiến tranh ở Campuchia, Lào, và hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam với sự tham gia của người Pháp và người Mỹ từ những năm 1950 đến những năm 1970. Điểm chung của các xung đột này là chúng đều liên quan một cách hữu cơ tới quá trình hình thành của một nhà nước hay một đế quốc, hay giống như quá trình phi thực dân hoá. Một số xung đột mang tính chất nội bộ, có sự tham gia của các lực lượng quân sự trên bộ, cả chính thống lẫn phi chính thống, hải quân có vai trò cực kỳ hạn chế. Thực tế biển cả là đặc trưng địa lý của Đông Á cũng ảnh hưởng rất ít tới những cuộc chiến, thực chất là nội chiến này. (Tôi đưa Triều Tiên vào trong danh sách này là vì cuộc xung đột giữa miền Nam và miền Bắc chủ yếu diễn ra trên đất liền, và liên quan chặt chẽ với việc phân chia bán đảo Triều Tiên thành hai quốc gia, theo sau thời kỳ chiếm đóng lâu dài của Nhật Bản từ 1910 cho tới 1945). Nhưng hiện nay, kỷ nguyên của quá trình cố kết quốc gia trên khắp Đông Á đã lùi sâu vào quá khứ. Các lực lượng quân sự ở Đông Á, thay vì hướng nội với công nghệ lạc hậu, lại đang tập trung hướng ra bên ngoài cùng các lực lượng hải quân và không quân công nghệ cao. Và, như tôi sẽ giải thích, các lực lượng này sẽ ít có khả năng tái diễn những cuộc xung đột hải quân với quy mô tương tự như Chiến tranh Nga-Nhật hay Thế chiến II ở Thái Bình Dương.

Chiến tranh Nga-Nhật và mặt trận Thái Bình Dương trong Thế chiến II chính là hệ quả cuối cùng của các chính sách quân sự hoá mạnh mẽ ở Nhật Bản, theo đó, biển cả không đóng bất cứ vai trò phòng thủ nào. Trên thực tế, biển đóng vai trò quan trọng trong quá trình bành trướng của một quốc đảo vốn có nhu cầu to lớn về nguồn dầu mỏ ở bên ngoài, nhằm thoả mãn lực lượng vũ trang đang phát triển như vũ bão. Nhưng Trung Quốc, hiện nay là cường quốc quân sự đang trỗi dậy ở Thái Bình Dương, lại thể hiện thái độ ít hung hăng hơn hẳn Đế quốc Nhật sau thời kì Minh Trị: thậm chí ngay cả khi quân đội Trung Quốc (đặc biệt là hải quân) đang bành trướng, ở Trung Nguyên người ta cũng không thấy tăm tích của chủ nghĩa phát xít như đã thấy ở Nhật Bản. Nếu so sánh giữa Trung Quốc và Đế quốc Đức trước Thế chiến I như nhiều người vẫn hay làm, thì trong khi nước Đức chủ yếu là một cường quốc trên đất liền, do nằm trên lục địa Châu Âu, thì, Trung Quốc do đặc điểm địa lý ở Đông Á, trước hết sẽ là cường quốc hải dương. Chính khu vực địa lý này, tôi xin nhắc lại, sẽ thúc đẩy sự phát triển của các lực lượng hải quân, vốn là xu hướng đáng lo ngại, nhưng vẫn không đáng lo bằng sự ngóc đầu dậy của các lực lượng quân đội ở Châu Âu lục địa vào buổi bình minh của thế kỷ trước.

Sự thực là sức mạnh quân sự đang dịch chuyển về Châu Á, nhưng vẫn có thể tránh được những điều tồi tệ nhất, như đã xảy ra trong thế kỷ XX, nhờ vào cái mà nhà nghiên cứu chính trị tại Đại học Chicago, John J. Mearsheimer, mô tả là “khả năng ngăn chặn của nước”. Từ “nược (water), Mearsheimer giải thích, là cái có thể gây trở ngại cho các cuộc xâm lược, bởi vì trong khi một quốc gia nào đó có khả năng xây dựng lực lượng hải quân và đưa quân đội của mình qua biển, thì quốc gia đó cũng sẽ cảm thấy khó khăn khi tiến hành đổ quân lên vùng bờ biển thù địch, và sau đó là di chuyển vào sâu trong đất liền nhằm khuất phục vĩnh viễn một nhóm dân cư thù địch.

Ví dụ, eo biển Đài Loan chỉ rộng khoảng 100 dặm, được coi là một trong những eo biển hẹp ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nhưng eo biển Đài Loan vẫn rộng gấp 4 lần eo biển Manche, nơi xuất phát các chiến dịch tấn công của quân Đồng Minh Trong vòng hơn một thập kỷ nữa Trung Quốc sẽ có khả năng đánh bại Đài Loan, dù Hoa Kỳ có hỗ trợ đến mức nào. Thế nhưng chiếm đóng Đài Loan lại là vấn đề khó hơn rất nhiều, và có thể vì thế sẽ không bao giờ được tính tới. Tình hình sẽ không như thế, nếu Đài Loan không phải là một hòn đảo nằm cách đại lục những 100 dặm. Khoảng cách giữa Nhật Bản và Triều Tiên, giữa Hàn Quốc và Trung Quốc, giữa quần đảo Ryukyu của Nhật và Trung Quốc, giữa đảo Hải Nam của Trung Quốc và Việt Nam..v.v.. cũng tương tự như thế. Không còn bóng dáng của những cuộc chiến tranh hậu thuộc địa và nước Trung Quốc hung hăng hiện nay cũng không phải là Đế quốc Nhật ngày xưa, các đặc trưng địa lý hàng hải tại Đông Á thúc đẩy sự cạnh tranh về hải quân trong khu vực nhưng lại bất lợi cho những kế hoạch đổ bộ lên các khu vực đông dân.

Sự cạnh tranh hải quân đơn thuần như thế sẽ diễn ra như thế nào? Để có câu trả lời, chúng ta phải tìm hiểu sâu hơn về địa lý khu vực Đông Á.

Đông Á có thể được phân chia thành hai khu vực chính: Đông Bắc Á với điểm nhấn là bán đảo Triều Tiên, và Đông Nam Á với biển Đông là trung tâm. Đông Bắc Á xoay quanh số phận của Bắc Triều Tiên, một nhà nước bí ẩn và toàn trị, là sự kết hợp giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa dân tộc. Trong thế giới mà chủ nghĩa tư bản và truyền thông điện tử giữ thế thượng phong thì tương lai của đất nước như thế thật là mờ mịt. Nếu Bắc Triều Tiên sụp đổ, các lực lượng lục quân của Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ gặp nhau ở nửa phía bắc của bán đảo và bắt đầu các hoạt động can thiệp nhân đạo, thậm chí họ có thể chiếm đất dưới danh nghĩa hỗ trợ lương thực cho những người dân đang đói khát. Các vấn đề liên quan tới hải quân rõ ràng chỉ đứng hàng thứ yếu. Thế nhưng việc thống nhất sau cùng của bán đảo này sẽ đưa hải quân lên hàng đầu, với một nước Triều Tiên lớn hơn, Trung Quốc và Nhật Bản - cách nhau bởi biển Nhật Bản, Hoàng Hải và Bột Hải - sẽ rơi vào thế cân bằng hết sức mỏng manh. Nói tóm lại, vì vẫn còn Bắc Triều Tiên, di sản Chiến tranh Lạnh của Đông Bắc Á vẫn chưa kết thúc, và vì thế trước khi sức mạnh trên biển nổi lên, sức mạnh của lục quân vẫn sẽ vẫn tiếp tục là đầu đề của báo chí trong khu vực.

Ngược lại, Đông Nam Á đã chìm sâu vào giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh. Chính điều này làm cho khu vực ẩn chứa nhiều nguy cơ. Việt Nam là quốc gia có ảnh hưởng rõ ràng ở bờ phía tây của biển Đông. [Từng là biểu tượng ngoại lai đầu bảng trong việc kích hoạt những vụ xáo trộn trong lòng nước Mỹ - bị cắt], Việt Nam – ít nhất cho tới những năm gần đây – là một cỗ máy tăng trưởng tư bản chủ nghĩa đang tìm kiếm các mối quan hệ quân sự gần gũi hơn với Hoa Kỳ, nhằm đối trọng với Trung Quốc. Trung Quốc, được Mao Trạch Đông thống nhất thành triều đại chuyên chế, sau hàng thập kỷ chìm trong hỗn loạn và sau đó, qua quá trình tự do hoá của Đặng Tiểu Bình, đã trở thành nền kinh tế năng động nhất thế giới, hiện đang thúc đẩy sự hiện diện của hải quân bên trong Chuỗi đảo thứ nhất ở vùng biển Tây Thái Bình Dương. Tiếp đó là Indonesia, với dân số Hồi giáo khổng lồ, vốn đã chịu đựng hàng thập kỷ liền dưới các chế độ chuyên chế, cả cánh tả lẫn cánh hữu, trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hoàn toàn có khả năng trở thành một Ấn Độ thứ hai – một nền dân chủ mạnh mẽ và ổn định có khả năng khẳng định và truyền bá sức mạnh thông qua tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, Singapore và Malaysia tiếp tục phát triển về mặt kinh tế bằng cách củng cố hình mẫu “quốc gia đô thị và quốc gia thương mại”, thông qua việc pha trộn với liều lượng khác nhau giữa dân chủ và chuyên chế. Chính vì thế, bức tranh toàn cảnh của khu vực là một tập hợp các quốc gia, với những vấn đề về tính chính danh hay kiến thiết quốc gia đã trở thành dĩ vãng, sẵn sàng thúc đẩy chủ quyền lãnh thổ nằm bên ngoài đường bờ biển quốc gia mà họ nghĩ là mình đáng được hưởng. Hướng ra bên ngoài mang tính tập thể này lại tập trung ở khu vực đông người nhất của hành tinh: Đông Nam Á, với gần 600 triệu người, 1,3 tỷ người của Trung Quốc giao thoa với 1,5 tỷ người ở tiểu lục địa Ấn Độ. Điểm hội tụ về mặt địa lý của tất cả các quốc gia trong khu vực chính là vùng nước Biển Đông.

Biển Đông đóng vai trò như cuống họng của khu vực Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương – được coi như một “tập hợp các mô liên kết kinh tế”, các tuyến hàng hải quốc tế gặp nhau ở đây. Đây cũng chính là trung tâm vùng đất nằm ngoài rìa lục địa Á-Âu, nơi tàu bè có khả năng đi lại, với eo Malacca, Sunda, Lombok và Makassar. Hơn một nửa hàng hoá toàn cầu được vận chuyển bằng đường biển, cũng như một phần ba tàu bè trên thế giới đi qua những điểm nút này. Lượng dầu mỏ được vận chuyển từ Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca đến khu vực Đông Á, qua biển Đông lớn hơn gấp 3 lần lượng dầu mỏ vận chuyển qua kênh đào Suez, và lớn hơn 15 lần lượng dầu mỏ qua kênh đào Panama. Gần 2/3 nguồn cung năng lượng của Hàn Quốc, gần 60% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản và Đài Loan, 80% dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc đều phải đi qua biển Đông. Trong khi chỉ có năng lượng là được vận chuyển qua eo biển Ba Tư thì ở biển Đông, ngoài năng lượng còn có hàng hoá thành phẩm và những nguyên liệu khác.

Bên cạnh vị trí trung tâm, biển Đông còn có trữ lượng dầu mỏ rất lớn, lên tới 7 tỷ thùng, và khoảng 900 triệu m3 khí tự nhiên. Nếu những tính toán của Trung Quốc là chính xác thì biển Đông có trữ lượng lên tới 130 tỷ thùng dầu (nhiều người nghi ngờ con số này), và khi đó biển Đông sẽ có trữ lượng dầu mỏ lớn hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, ngoại trừ Saudi Arabia. Nhiều nhà quan sát người Trung Quốc đã gọi biển Đông là “vịnh Ba Tư thứ hai”. Nếu biển Đông thực sự có nhiều dầu mỏ đến như vậy, thì Trung Quốc sẽ phần nào giảm được mối lo ngại của mình về “thế lưỡng nan Malacca” (Malacca Dilemma) – tức là phụ thuộc quá nhiều vào eo biển Malacca hẹp và dễ bị tổn thương, trong khi phần lớn nhu cầu năng lượng của Trung Quốc được vận chuyển từ Trung Đông qua eo biển này. Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã đầu tư một khoản kinh phí là 20 tỷ USD với niềm tin rằng biển Đông thực sự có trữ lượng dầu mỏ lớn đến như thế. Trung Quốc đang tuyệt vọng trong việc tìm kiếm nguồn năng lượng mới. Dự trữ dầu mỏ của Trung Quốc chỉ chiếm 1,1% tổng lượng dự trữ toàn cầu, trong khi nước này tiêu thụ 10% lượng dầu mỏ được sản xuất trên toàn thế giới và trên 20% tổng lượng năng lượng tiêu thụ toàn cầu.

Vị trí địa lý và trữ lượng năng lượng không phải là những yếu tố duy nhất biến biển Đông trở thành một khu vực địa chiến lược quan trọng. Bên cạnh đó còn là các tranh chấp lãnh thổ xung quanh vùng biển này. Chỉ có khoảng hơn ba chục trong hơn 200 đảo nhỏ, các bãi đá và rặng san hô tại biển Đông là thường xuyên nổi lên khỏi mặt nước mà thôi. Thế nhưng những mảnh đất nhỏ nhoi này - thường xuyên bị bão tấn công - chỉ có giá trị chủ yếu là do ở các lớp đất đá chồng lấn phức tạp dưới đáy biển bên cạnh những hòn đảo này có thể có dầu mỏ và khí đốt. Brunei khẳng định chủ quyền của mình ở rặng san hô phía nam quần đảo Trường Sa. Malaysia chiếm giữ 3 đảo ở Trường Sa. Philippines tuyên bố chủ quyền trên 8 đảo và một phần lớn diện tích biển Đông. Việt Nam, Đài Loan và Trung Quốc mỗi nước đều khẳng định chủ quyền trên hầu hết diện tích biển Đông, cũng như toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Giữa năm 2010, Trung Quốc đã tạo ra biến động khá lớn khi gọi biển Đông là “lợi ích cốt lõi”. Hoá ra các quan chức Trung Quốc chưa bao giờ thực sự nói: “Đấy không phải là vấn đề”. Các tấm bản đồ của Trung Quốc luôn luôn vẫn thế. Bắc Kinh tuyên bố rằng họ có cái gọi là “đường lịch sử” (historic line): trung tâm biển Đông nằm gọn trong một vòng tròn lớn - “đường lưỡi bò”, người ta gọi vòng tròn đó như thế – bao quanh các nhóm đảo ở biển Đông, từ đảo Hải Nam của Trung Quốc xuống phía nam 1.200 dặm, tới gần Singapore và Malaysia. Kết quả là tất cả các nước ven biển, không ít thì nhiều, đều bày binh bố trận nhằm chống lại Trung Quốc, và dựa vào Hoa Kỳ với các hỗ trợ về ngoại giao và quân sự. Ví dụ, Việt Nam và Malaysia đang cố gắng phân định vùng thềm lục địa và nguồn tài nguyên dưới lòng biển trong khu vực phía nam biển Đông, nằm giữa bờ biển Đông Nam Á và phần đảo Borneo thuộc Malaysia: Trung Quốc đã có những phản ứng dữ dội về mặt ngoại giao. Những tuyên bố chủ quyền xung đột lẫn nhau có khả năng trở nên sâu sắc hơn, một khi tiêu thụ năng lượng tại các quốc gia đang phát triển ở Châu Á tăng gấp đôi vào năm 2030 - Trung Quốc chiếm một nửa tăng trưởng đó.

“Nghịch lý ở đây là, nếu toàn cầu hoá giữ thế thượng phong trong thời hậu hiện đại,” chuyên gia hải quân người Anh, Geoffrey Till, viết, thì “tất cả những thứ ủng hộ” toàn cầu hoá, ví dụ như các tuyến đường thương mại hay các mỏ dầu, sẽ trở thành mục tiêu cạnh tranh dữ dội. Khi nói tới các tuyến đường thương mại, 90% tổng lượng hàng hoá được vận chuyển từ châu lục này sang châu lục khác là bằng đường biển. Nhận thức về không gian hàng hải cao như thế là sản phẩm của toàn cầu hoá, xuất hiện tại thời điểm khi các quốc gia tương đối trẻ và độc lập ở Đông Nam Á – mà gần đây đã có khả năng thể hiện cơ bắp của mình trên biển – đưa ra các tuyên bố chủ quyền xung đột với nhau. Các tuyên bố như vậy hiếm khi xuất hiện trong thời kỳ Đế quốc Anh còn trị vì trong vùng này, bởi sức mạnh và tầm ảnh hưởng của vương triều trên toàn cầu, cũng như nước này luôn luôn khẳng định quyền tự do thương mại và tự do hàng hải. Việc thể hiện cơ bắp trên biển thường xảy ra dưới dạng những vụ va chạm “theo chu kỳ” giữa tàu chiến của các nước khác nhau, tạo ra nguy cơ xung đột võ trang.

Quan chức cấp cao của một quốc gia ven biển Đông đặc biệt thẳng thắn trong suốt cuộc trò chuyện mà tôi đã có dịp tham gia vào năm 2011, nói: “Người Trung Quốc chẳng bao giờ biện hộ cho những tuyên bố của mình. Họ thực sự có não trạng nước lớn, và họ cũng làm mọi cách nhằm ngăn cản việc đưa các tranh chấp này ra toà. Trung Quốc,” quan chức này tiếp, “phủ nhận quyền của chúng tôi ngay trên thềm lục địa của mình. Nhưng chúng tôi sẽ không bị đối xử như Tân Cương hay Tây Tạng”. Vị quan chức này nói Trung Quốc hành xử cứng rắn với cả Philippines và Việt Nam, bởi vì trong khi Việt Nam luôn trong tư thế đối đầu căng thẳng với Trung Quốc về lịch sử lẫn địa lý, thì Philippines chỉ là một quốc gia yếu và dễ dàng bị bắt nạt. “Có quá nhiều bên khẳng định chủ quyền ở biển Đông. Sự phức tạp của vấn đề khiến cho việc tìm ra giải pháp tổng thể trở nên khó khăn, vì thế Trung Quốc chỉ cần đơn giản là chờ đợi cho tới khi họ mạnh lên. Về mặt kinh tế, hầu như tất cả các quốc gia này đều sẽ bị Trung Quốc áp đảo,” vị quan chức này nói, trừ khi chính nền kinh tế Trung Quốc gặp trục trặc. Một khi căn cứ tàu ngầm trong lòng núi trên đảo Hải Nam được xây dựng xong, “Trung Quốc sẽ càng có khả năng làm những gì họ muốn”. Trong khi đó, ngày càng nhiều tàu chiến Hoa Kỳ đến thăm khu vực, “vì thế tranh chấp đang được quốc tế hoá”. Bởi vì không có giải nào nào về mặt chính trị hay luật pháp, “chúng tôi ủng hộ việc giữ nguyên hiện trạng.”

Tôi hỏi: “Nếu như việc đó (giữ nguyên hiện trạng – ND) thất bại, thì kế hoạch B trong việc đối phó với Trung Quốc là gì?”

“Kế hoạch B sẽ là hải quân Hoa Kỳ - Bộ tư lệnh Thái Bình Dương. Nhưng chúng tôi sẽ công khai là giữ vị trí trung lập trong bất cứ xung đột Mỹ-Trung nào.” Để chắc chắn rằng tôi hiểu đúng thông điệp, vị quan chức đó nói: “Sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ là cần thiết nhằm đối phó với Trung Quốc, nhưng chúng tôi sẽ không nói như thế.” Chỉ cần một nhóm tàu sân bay của Hoa Kỳ rút ra khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương, thì cuộc chơi sẽ thay đổi.

Trong giai đoạn quá độ, biển Đông đã trở thành trại lính, ngay cả khi quá trình tranh giành các bãi cạn ở đây hầu như đã kết thúc. Trung Quốc đã chiếm 12 đảo lớn nhỏ, Đài Loan một, Việt Nam chiếm 21, Malaysia 5 và Philippines 9. Nói cách khác, thực tế đã được thiết lập. Có lẽ sẽ có những thoả thuận về việc chia sẻ những khu vực khai thác dầu mỏ hay khí đốt. Tuy nhiên, điều vẫn chưa rõ ràng chính là việc các quốc gia có quan hệ ngoại giao căng thẳng, đồng thời cũng tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ như Việt Nam hay Trung Quốc sẽ đồng ý cụ thể những điều khoản nào.

Lấy quần đảo Trường Sa làm ví dụ, với trữ lượng dầu mỏ và khí đốt lớn, cùng với việc Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ quần đảo, trong khi Malaysia, Brunei và Philippines chỉ tuyên bố một phần. Trung Quốc đã cho xây dựng sân bay trực thăng bằng bê tông cũng như các cấu trúc quân sự ở bảy bãi san hô và bãi cạn. Trên Bãi Vành Khăn (Mischief Reef), - Trung Quốc đã chiếm khu vực này ngay trước mũi hải quân Philippines trong thập niên 1990 - nước này đã cho xây dựng một toà nhà ba tầng và năm cấu trúc hình bát giác, tất cả đều dành cho mục đích quân sự. Tại đảo Gạc Ma,(Johnson Reef) Trung Quốc xây dựng công trình có trang bị súng máy hoả lực mạnh. Đài Loan chiếm giữ đảo Ba Bình (Itu Aba), họ đã xây dựng trên hòn đảo này hàng chục công trình quân sự, được hàng trăm lính và hai chục khẩu súng bảo vệ bờ biển canh giữ. Việt Nam chiếm giữ 21 đảo. [Nước này đã xây dựng đường băng, bến tàu, trại lính, khu vực dự trữ và các điểm hoả lực – câu này bị cắt và thay bằng: Thủ tướng VN nói là xây dựng bình thường chứ không phải quân sự]. Malaysia chiếm được 5 hòn đảo, Philippines có 9 hòn đảo, và cũng do các đơn vị hải quân trấn giữ. Những người nói rằng toàn cầu hoá sẽ làm cho các đường biên giới lãnh thổ hay xung đột nhằm tranh giành lãnh thổ không còn ý nghĩa, thì hãy lưu ý tới biển Đông.

Quan điểm của Trung Quốc đối với biển Đông tương tự như quan điểm của Hoa Kỳ đối với vùng biển Caribê vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Hoa Kỳ công nhận sự hiện diện cũng như các tuyên bố lãnh thổ của các cường quốc châu Âu tại Caribê, nhưng lại tìm cách thống trị khu vực. Cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha năm 1898, diễn ra chủ yếu tại Cuba, và việc xây dựng kênh đào Panama từ 1904 tới 1914 đã khởi đầu cho sự trỗi dậy của Hoa Kỳ như một cường quốc toàn cầu. Sự phát triển đó, không phải là ngẫu nhiên, lại xảy ra sau khi nước Mỹ đóng cửa các đường biên giới của mình, với những trận đánh lớn cuối cùng của cuộc chiến tranh với người da đỏ diễn ra vào năm 1890. Hơn nữa, chính khả năng làm chủ vùng Đại Caribê đã giúp cho Hoa Kỳ có thể kiểm soát được Tây Bán Cầu, đến lượt nó, lại tạo điều kiện cho Hoa Kỳ tác động tới cán cân quyền lưc ở Đông Bán Cầu. Có lẽ cũng tương tự như Trung Quốc trong thế kỷ XXI.

Trung Quốc, với 1.500 tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhắm vào Đài Loan và 270 chuyến bay thương mại một tuần tới Đài Loan, sẽ có khả năng hoàn thành được mục tiêu của mình xung quanh vấn đề chủ quyền của Đài Loan mà không cần phải tiến hành một cuộc xâm lược bằng hải quân. Tương tự như việc Hoa Kỳ đóng cửa các đường biên giới của mình, việc Trung Quốc hoàn thành chiếm đóng Đài Loan trong những năm tới sẽ tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chiến lược hải quân Trung Quốc tập trung năng lực của mình vào biển Đông – vùng biển bên cạnh Ấn Độ Dương nơi mà Trung Quốc cũng mong muốn đưa hải quân tới để có thể bảo vệ các nguồn cung năng lượng từ Trung Đông. Nếu Trung Quốc có thể thay thế hải quân Hoa Kỳ để trở thành sức mạnh áp đảo ở biển Đông - hay thậm chí là đạt được năng lực tương đương với hải quân Hoa Kỳ - thì điều này có thể mở ra cho Trung Quốc những khả năng địa chiến lược tương tự như những gì mà người Mỹ đã đạt được khi giành được ngôi bá chủ ở vùng biển Caribê.

Tuy nhiên, biển Đông không phải là Ca-ri-bê. Trên thực tế, biển Đông quan trọng hơn nhiều. Biển Caribê nằm cách xa các tuyến đường hàng hải chính, trong khi biển Đông lại nằm ở trung tâm của các tuyến đường đó.

Vì biển Đông là nơi các tuyến đường hàng hải xuất phát từ vùng sừng châu Phi và biển Nhật Bản gặp nhau, quốc gia nào thống trị được biển Đông sẽ tiến một bước khá dài tới khả năng thống trị vùng đất nằm bên cạnh những tuyến đưởng này ở Đông Bán Cầu. Tuy nhiên, khả năng cao hơn sẽ là ngược lại: không một quốc gia nào có khả năng thống trị biển Đông. Một lý do khác khiến cho biển Đông trở nên quan trọng chính là việc vùng biển này đang trở thành khu vực tranh giành khốc liệt nhất trên thế giới.

Hải quân Hoa Kỳ hiện tại đang thống trị biển Đông. Nhưng tình hình sẽ thay thổi. Quy mô của hải quân Hoa Kỳ đã giảm từ gần 600 tàu dưới thời Reagan, xuống còn khoảng 350 tàu dưới thời Clinton và hiện nay còn chưa đến 300 tàu. Trong những năm 2020, số tầu chiến thậm chí còn giảm đi hơn nữa, vì các tàu chiến hay tàu ngầm cũ kỹ sẽ bị loại, chi phí gia tăng và cắt giảm ngân sách trong tương lai, sẽ dẫn đến các khoản thâm hụt tài chính khổng lồ. Trong khi đó, hải quân Trung Quốc, lực lượng hải quân hùng mạnh thứ hai trên thế giới, lại đang phát triển nhanh chóng. Thay vì mua sắm đủ các loại tàu chiến, Trung Quốc đang phát triển các khả năng chuyên biệt của các phương tiện chiến tranh dưới mặt biển và công nghệ tên lửa đạn đạo (tên lửa DF-21), nhằm tấn công các mục tiêu di động trên biển, ví dụ như các tàu sân bay của Hoa Kỳ. Nếu Trung Quốc bành trướng hạm đội tàu ngầm của mình lên tới 78 chiếc vào năm 2020 như kế hoạch, thì, về số lượng, binh chủng tàu ngầm của Trung Quốc sẽ tương đương với toàn bộ hạm đội tàu ngầm của Hoa Kỳ về số lượng. Tất cả hạm đội tàu ngầm của Hoa Kỳ đều chạy bằng năng lượng hạt nhân để có thể đi nửa vòng trái đất nhằm tiếp cận Đông Á trước tiên, ngay cả khi các tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel của Trung Quốc chạy rất êm và vì vậy có thể ẩn nấp tốt hơn tại vùng biển ven bờ vốn nhỏ hẹp ở Đông Á. Có lúc, dường như Trung Quốc có thể có khả năng ngăn chặn khả năng tiếp cận không hạn chế của Hoa Kỳ tại một số khu vực trên biển Đông.

Vì vậy, khi hải quân Trung Quốc mạnh lên – kinh tế nước này cho phép làm như thế – và khi tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông – được thể hiện qua những tấm bản đồ của nước này – mâu thuẫn với tuyên bố của các quốc gia ven biển khác, thì các quốc gia này sẽ buộc phải tự mình phát triển năng lực hải quân và đối trọng với Trung Quốc bằng cách ngày càng dựa nhiều hơn vào hải quân Hoa Kỳ: hải quân với sức mạnh dường như đã đạt đỉnh - theo nghĩa tương đối - trong khi còn phải đưa khá nhiều lực lượng tới khu vực Trung Đông. Hệ thống quốc tế đa cực đã trở thành đặc điểm của nền ngoại giao và kinh tế, nhưng biển Đông cho chúng ta thấy đa cực về mặt quân sự là như thế nào. Nước Đức từng là tiền tuyến trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, biển Đông có thể trở thành tiền tuyến quân sự trong những thập kỷ tới.

Chẳng có gì lãng mạn về tiến tuyến này hết. Trong khi Thế chiến II là một cuộc đấu tranh mang tính đạo đức nhằm chống lại chủ nghĩa phát xít, Chiến tranh Lạnh là cuộc đấu tranh mang tính đạo đức nhằm chống lại chủ nghĩa cộng sản, hậu Chiến tranh Lạnh là cuộc đấu tranh mang tính đạo đức nhằm chống lại nạn diệt chủng ở Balkans, ở châu Phi và Trung Đông, cũng như là cuộc đấu tranh mang tính đạo đức nhằm chống lại chủ nghĩa khủng bố và ủng hộ dân chủ, khu vực biển Đông cho chúng ta thấy thế giới trong thế kỷ XXI là thế giới không có các cuộc đấu tranh mang tính đạo đức, khi mà tất cả những người tham gia đều sùng bái những người theo chủ nghĩa nhân và trí thức. Ngoài chính quyền cộng sản chuyên chế Bắc Triều Tiên - di sản của Chiến tranh Lạnh – dường như toàn bộ khu vực Đông Á hiện nay không liên quan gì tới chủ nghĩa nhân văn. Vì thế mà không còn đối thủ mang tính triết học nào hết. Sự kiện là khu vực Đông Á chỉ là thương mại và kinh doanh mà thôi. [Thậm chí Trung Quốc, dù giới bất đồng chính kiến ở đây đang rên xiết, cũng không phải là đối tượng của cuộc đấu tranh mang tính đạo đức – bị cắt].

Chính quyền Trung Quốc là chế độ chuyên chế không quá khắt khe, [với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và tư tưởng quản trị không đáng để nói – bị cắt]. Hơn nữa, trong những năm sắp tới, xã hội Trung Quốc nhiều khả năng sẽ trở nên cởi mở hơn chứ không đóng cửa như trước. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc là những kỹ sư và những nhà lãnh đạo khu vực có năng lực, dành hết sức mình cho việc cải thiện và cân đối kinh tế, họ phải về hưu khi đến tuổi. Họ không phải là những nhà lãnh đạo suy đồi và cứng đầu như ở các nước Arập vừa bị lật đổ. Không phải là phát xít hay quân phiệt, Trung Quốc, cũng như các quốc gia khác ở Đông Á, đang ngày càng được định hình bởi một thứ chủ nghĩa dân tộc [đã lỗi thời, nhưng bền bỉ và thậm chí là đang ngóc đầu dậy: không nghi ngờ gì cả, đó là một tư tưởng, nhưng không phải là tư tưởng mà từ giữa thế kỷ XIX đã có sức cuốn hút đối với những người theo chủ nghĩa nhân văn tự do – cắt].

Trong những năm 1800, chủ nghĩa dân tộc ở châu Âu là cộng đồng đạo đức nhằm chống lại chính quyền của đế chế. Hiện nay, cộng đồng đạo đức mà các nhà tri thức hay giới ký giả mong mỏi lại có tính phổ quát, bao gồm tất cả loài người, vì thế chủ nghĩa dân tộc, thứ chủ nghĩa mà tình nhân loại bị giới hạn trong một nhóm nhất định nào đó, bị coi hầu như là phản động. (Điều này một phần giải thích vì sao giới truyền thông trong suốt những thập kỷ vừa qua quan tâm tới các tổ chức quốc tế, dù đấy là Liên Hợp Quốc, Liên minh châu Âu, hay NATO – vì những tổ chức này đưa ra con đường vượt lên trên chủ quyền quốc gia). Nhưng, mặc dù đã có những tổ chức liên quốc gia như ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), chủ nghĩa dân tộc truyền thống vẫn là động cơ chính của nền chính trị ở châu Á, và vẫn sẽ tiếp tục làm như thế trong tương lai. Và chủ nghĩa dân tộc loại này đã dẫn tới quá trình hiện đại hoá quân đội – đặc biệt là không quân và hải quân – nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, cùng với chủ quyền là những yêu sách liên quan tới các nguồn tài nguyên trong không gian hàng hải đang bị tranh chấp.

Trong vùng đất mới mẻ và khô khan này của thế kỷ XXI, chẳng có bất cứ câu hỏi mang tính triết học nào để mà nghĩ hết. Tất cả chỉ xoanh quanh vấn đề quyền lực; mà chủ yếu là cân bằng quyền lực. Trong khi ngôn từ được sử dụng trong các hội nghị thượng đỉnh tại châu Á luôn luôn mềm mại và uyển chuyển, thì việc hàng loạt tàu chiến được triển khai xung quanh các vùng biển đang tranh chấp lại thể hiện sự cứng rắn và không khoan nhượng. Sử dụng lực lượng quân sự trên đất liền, trong đó có chiếm đóng các khu vực dân cư, thường xuyên dẫn tới các vụ việc vi phạm quyền con người và vì thế chính sách đối ngoại trở thành một nhánh trong các công trình nghiên cứu về nạn diệt chủng (Holocaust). Nhưng, sử dụng sức mạnh trên biển thường chỉ liên quan tới các yếu tố thuần tuý quân sự. Nếu không có những vụ bắn phá các vùng bờ biển, thì số thương vong chủ yếu là lính hải quân, và vì thế sẽ không có ai là nạn nhân theo đúng nghĩa của từ này. Vào đầu thế kỷ XXI, biển Đông sẽ tiếp tục là trọng tâm địa chính trị, tương tự như vùng Trung Âu thế kỷ XIX. Nhưng khác với Trung Âu, biển Đông sẽ không mang lại bất cứ nguồn cảm hứng nào cho giới học giả hay nhà báo.
Việc tách địa chính trị ra khỏi các vấn đề về nhân quyền, vốn giao thoa với nhau trong bối cảnh châu Âu thế kỷ XIX, cộng với mức độ trừu tượng xung quanh lĩnh vực biển cả, sẽ biến biển Đông trở thành sân chơi cho giới phân tích chính trị và quốc phòng hơn là giới tri thức hay truyền thông. Chủ nghĩa hiện thực, thường được coi là phi luân lý vì chú tâm vào lợi ích hơn là vào những giá trị nhân văn trong cái thế giới đã bị suy đồi này, sẽ là chủ thuyết chiếm thế thượng phong. Đó là lý do vì sao biển Đông sẽ trở thành biểu tượng cho thế tiến thoái lưỡng nan của chủ nghĩa nhân văn.

Ngoại lệ lớn nhất trong những luận cứ này là môi trường. Thảm hoạ sóng thần ở Ấn Độ Dương vào tháng 12 năm 2004 xảy ra tại khu vục giáp biển Đông và làm nhiều người thiệt mạng hơn cả cuộc chiến tranh ở Iraq. Thậm chí nếu không có hiện tượng nóng ấm toàn cầu, thì những thay đổi thường thấy của hoạt động khí hậu và địa chất tại những khu vực dễ bị tổn thương về mặt môi trường, kết hợp với quá trình gia tăng dân số liên tục ở những khu vực ven biển, cũng chắc chắn sẽ dẫn tới thảm hoạ nhân đạo trong khu vực biển Đông trong những thập kỷ tới. Các lực lượng hải quân sẽ phải đối phó. Và cũng giống như các biện pháp có phần phô trương khi tham gia cứu trợ tại Ấn Độ Dương, hải quân Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi một nhóm tàu sân bay, đã thể hiện được quyền lực mềm của quốc gia như là một yếu tố cộng thêm vào quyền lực cứng. Cụ thể là, công tác hỗ trợ nhân đạo cho Indonesia góp phần khôi phục lại mối quan hệ giữa quân đội Hoa Kỳ và quân đội Indonesia, vỗn đã bị gián đoạn trong suốt những năm qua. Các bản tin thời sự đề cập tới thảm hoạ sóng thần tại Ấn Độ Dương cho chúng ta thấy cách thức mà khu vực biển Đông có thể xuất hiện trước thế giới thông qua lăng kính truyền thông đã bị bóp méo. Các chuyên gia sẽ thường xuyên theo dõi những chuyển động hải quân tại vùng biển này, trong khi chỉ khi xảy ra những thảm hoạ tự nhiên thì giới truyền thông mới sử dụng các khung giờ vàng mà thôi. Thậm chí ngay cả khi xảy ra thảm hoạ, nếu so sánh với châu Âu thế kỷ XX, thì góc độ về quyền con người sẽ không gây được nhiều chú ý. Lý do là không tồn tại bất cứ thủ phạm nào ở đây cả, mặc dù có rất nhiều nạn nhân, chỉ là hành động của Mẹ Thiên Nhiên mà thôi. Nếu không có thủ phạm, sự lựa chọn về mặt đạo đức giữa tốt và xấu sẽ không tồn tại, nghĩa là về mặt triết học, bi kịch là tương đối nhỏ.

Bi kịch về mặt đạo đức sẽ xảy ra dưới hình thức của chính trị dựa trên cơ sở sức mạnh đơn thuần, khiến cho giới trí thức hay nhà báo cứng họng. Hãy tưởng tượng Đối thoại Melia (Melia Dialogue) trong Cuốn sách thứ 5 của Thucydides, nhưng không có việc giết dân Melia và cũng không có việc bắt trẻ con hay phụ nữ làm nô lệ – tức là cái làm nên bi kịch. Đối thoại Melia được viết lại cho thế kỷ XXI: người Athens, sức mạnh áp đảo của Hy Lạp, nói với người Melia rằng trong khi Athens là một thành bang hùng mạnh, thì thành Melos lại quá yếu, và do đó phải khuất phục. Như Thucydides viết: “Kẻ mạnh sẽ làm những việc họ muốn, còn kẻ yếu sẽ phải chịu đau khổ”. Vì vậy, người Melia đã đầu hàng mà không hề chống cự. Đây sẽ là chiến lược không tuyên bố của Trung Quốc, và những quốc gia yếu hơn tại Đông Nam Á sẽ liên kết với Hoa Kỳ để tránh số phận của người Melia: nói cách khác, chính trị dựa trên cơ sở sức mạnh sẽ chiếm ưu thế, chủ yếu liên quan tới tính toán lợi ích, mà không dùng tới chiến tranh.

Tương tự như Chiến tranh Lạnh, biển Đông báo trước một hình thức xung đột khác hẳn những hiện tượng mà chúng ta đã quen từ Thế chiến I cho tới chiến tranh ở Iraq hay Syria. Kể từ đầu thế kỷ XX, chúng ta đã bị tổn thương và đau khổ bởi, một mặt là những cuộc xung đột có đông người tham gia và có tính quy ước trên đất liền, mặt khác là những cuộc chiến tranh nhỏ, bất quy tắc [và bẩn thỉu – cắt]. Bởi vì cả hai hình thức xung đột nói trên đều làm rất nhiều thường dân bị thương vong. Chiến tranh, như tôi đã trình bày, là chủ đề thảo luận không chỉ của giới tướng lĩnh, mà còn của những người theo chủ nghĩa nhân văn. Nhưng, trong tương lai, chúng ta có thể sẽ chỉ có thể thấy xung đột với hình thức chắt lọc hơn (ít nhất lại tại Đông Á), chỉ trong lĩnh vực hải quân, chẳng có mấy thông tin cho giới tri thức suy ngẫm: tương tự như cuộc đấu tranh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, nhưng không có chiến tranh trên bộ. Đây là một kịch bản lạc quan. Vì xung đột là bản chất của con người, không thể nào loại bỏ được. Chủ đề trong tác phẩm Các cuộc đàm đạo về Livy (Discourses on Levy) của Machiavelli nói rằng xung đột, nếu được kiểm soát một cách hữu hiệu, là thứ dường như sẽ đưa loài người tiến lên chứ không phải là ở mãi trong tình trạng ổn định cứng nhắc. Một vùng biển đầy tàu chiến không hề mâu thuẫn với một kỷ nguyên tiến bộ vĩ đại ở châu Á.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: