Hôm nay 06/11/2018 tại Genève, Trung Quốc bị các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc chất vấn về việc giam giữ gần một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo, một chủ đề ngày càng bị thế giới chỉ trích.
Trong khuôn khổ cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát về nhân quyền (UPR theo tiếng Anh, EPU theo tiếng Pháp) tổ chức bốn năm một lần đối với 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc trình bày bản báo cáo và tất cả các nước đều có thể đặt câu hỏi.
Một số nước đã công khai các chất vấn. Chẳng hạn Hoa Kỳ vốn nắm vững vấn đề này, đã đòi hỏi Bắc Kinh làm rõ căn cứ của việc hình sự hóa việc tiến hành các nghi lễ tôn giáo, và giải thích vì sao lại cưỡng bức người dân đi cải tạo. Washington cũng yêu cầu công bố số lượng tù nhân bị giam giữ tại tất cả các trại cải tạo ở Tân Cương trong năm năm qua.
Anh quốc muốn biết khi nào Trung Quốc mới thực hiện khuyến cáo của một ủy ban Liên Hiệp Quốc, nhằm « chấm dứt việc giam giữ người không thông qua xét xử ». Hoa Kỳ và Đức đòi hỏi Liên Hiệp Quốc phải được vào điều tra tại Tân Cương và Tây Tạng.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne hôm nay cũng bày tỏ « quan ngại sâu sắc » về việc cả triệu người Duy Ngô Nhĩ bị đi cải tạo, và sẽ đề cập vấn đề này với người đồng nhiệm Vương Nghị trong chuyến thăm Bắc Kinh hai ngày 8 và 9/11.
Ban đầu Trung Quốc chối cãi là không có trại cải tạo nào, nhưng sau khi các hình ảnh vệ tinh được công bố, cùng với bằng chứng là các văn bản chính thức của chính quyền địa phương trên internet, lại nói rằng đó là những « trại dạy nghề » cho người Duy Ngô Nhĩ tiếng Hoa, các môn thể thao và múa.
Tuy nhiên AFP tham khảo trên 1.500 cáo thị đấu thầu công khai trên mạng đã nhận thấy 181 trại được cho là « dạy nghề » ở Tân Cương đặt mua chủ yếu là ma-trắc, còng tay hoặc bình xịt hơi cay. Nhiều người bị tống vào trại cải tạo chỉ vì để râu dài, choàng khăn hoặc chúc mừng các lễ hội Hồi giáo trên internet.
Ngoài Tân Cương, các vấn đề khác về nhân quyền ở Trung Quốc cũng được nêu ra trong UPR lần này. Từ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền năm 2012, những tiếng nói ly khai bị đàn áp mạnh mẽ và việc giám sát bằng kỹ thuật số tăng cao. Tháng 07/2017, giải Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba đã chết trong tù. Về phía Bắc Kinh, trong báo cáo UPR khẳng định« Trung Quốc phản đối việc chính trị hóa vấn đề nhân quyền ».
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét