Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Lữ Thị Mai, Trên Dặm Trường Chữ, Nghĩa Nong Chật Ám Ảnh Và, Nỗi Niềm Trong Thơ / Văn.



lu mai 2018
nhà văn Lữ Thị Mai - 2018



1.
Khởi từ nhắc nhở của HT, những ngày qua, tôi tìm đọc lại Lữ Thị Mai. Trở lại với dặm trường chữ, nghĩa nong chật thơ mộng, bất trắc đời thường trong thơ; song song với những ám ảnh xã hội và, bi kịch truyền kiếp (trong truyện) của Lữ, giúp soi tỏ trong tôi hai cảm nhận, gần đây, vốn chập chờn chưa rõ nét. (*)
- Đó là nhiều cây bút thuộc thế hệ 8x và 9x, đã triệt để khai thác liên tưởng hay “cách nói khác” cho thơ / văn của họ. (Nhưng)
- Có dễ vì quá vụ vào cách nói khác, với hy vọng “đốt giai đoạn”, sớm khẳng định sự hiện diện của mình giữa quảng trường văn chương bát ngát... Nên một số người đã rơi vào tình trạng đem vào thơ / văn của họ những liên tưởng vô nghĩa, ngớ ngẩn! Tựa người mù làm xiếc trên những sợi giây hoang tưởng vô hình, giăng ngoài khí quyển.
Thí dụ #1:
Mưa mang theo những bước chân khủng long “hoang oải” chạy trên những nẻo đường ký ức trắng – nắng “hanh hao” trên những ngón tay bỏ quên ngoài phố ốm...”
Thí dụ # 2:
Hoặc để chứng tỏ mình bắt kịp “mặt bằng” thơ / văn thế giới hôm nay với cấu trúc thơ hoặc văn xuôi như:
Buổi sáng hắn trút hết lượng rượu sót lại trong chiếc giầy chiêm bao – Ném vào không gian – để nghe tiếng thủy tinh vỡ trên đỉnh ngọn Himalaya – Hắn nhớ giọt lệ Tibet – Và chiếc váy như tranh của người con gái Nam Phi đêm dạ hội...”
Vân vân...
Rất rõ ràng, rất quyết liệt, không độc giả nào có thể phủ nhận nỗ lực liên tưởng hay cách nói khác của hai câu cho thơ / văn đó, (nếu ai đó, viết như thế!).
Nhưng cũng rất rõ ràng, cũng rất quyết liệt là: Những liên tưởng kia, tự thân không có một tương tích nào từ hình ảnh tới hình ảnh...
Ở thí dụ # 1: So sánh bước chân mưa bão, sấm chớp với “những bước chân khủng long” tuy có mới, lạ thật đấy! Nhưng, chẳng những nó vô cảm, khập khiễng mà, thực tế, chưa người đọc nào được thấy dù chỉ một con khủng long sống còn trên mặt đất!
Ở thí dụ # 2: Những liên tưởng tiếp nhau rơi vào hoang tưởng vì, tất cả mọi hình ảnh nhẩy cóc ấy, không hề có một chút liên hệ thịt, da nào! Từ lượng rượu còn sót lại đêm qua, tới chiếc giầy, tiếng vỡ của những mảnh thủy tinh trên ngọn Hi Mã Lạp Sơn, rồi tới nước mắt người (con gái?) Tây Tạng, và, chiếc váy như tranh của người con gái Nam Phi trong đêm dạ hội... Tuy chúng mới, lạ thật đấy! Nhưng “bản chất”, chúng vẫn là những tiếng “nổ đùng đùng” từ các bản tin thời sự, hay từ … bản đồ thế giới!...
Chưa kể, những cảm thức đó, hoàn toàn xa lạ với cảm thức Việt. Tôi muốn nói, nó không phảng phất một chút “căn tính” hay “bản sắc” Việt Nam nào của ngôn ngữ Việt.
Tôi cho rằng, một người cầm bút (già hay trẻ) viết bằng ngôn ngữ nào, dù theo trường phái văn chương nào, cũng cần có được cái “nền”, cái căn tính của ngôn ngữ đó - - Trước khi nói tới việc bài thơ này, truyện ngắn nọ đã chạm tới... “mặt bằng” văn chương thế giới!!!
Tôi không tin một nhà phê bình văn học ngoại quốc nào khùng, điên tới mức đi tìm những mảnh vụn rơi vãi, mờ nhạt “copy” từ thơ văn của Rumi, Anna Bradstreet, Brian P. Cleary, Larry Lewis, hoặc Cathy Linh Che, Jamaal May, Jane Springer... Hay xa hơn là thơ, văn của Alice Walker, Tony Morrison, Pablo Neruda, E.E. Cummings...trong văn chương của mấy ông / bà Việt Nam, để mà công nhận hay ca tụng!!! Ngoại trừ những người cùng nhóm "selfie" với nhau!!!
.
“Liên tưởng”, tự thân hai chữ này đã xác định tính liên thông giữa các hình ảnh. Nói cách khác, căn bản của mọi liên tưởng hay so sánh phải có một sợi dây liên kết – phải có một đường “link” dẫn tới một so sánh tương cận khả chấp...
Có thể vì không hiểu, hay không nắm được yếu tính của so sánh, liên tưởng, nên một số người trẻ cầm bút (kể cả người già, nhất là những người làm thơ) đã bị “tầu hỏa nhập ma”, khi khăng khăng với quyết tâm tìm kiếm những liên tưởng ... “mới / lạ”, chưa có trong chữ, nghĩa của những người đi trước hoặc cùng thời.. Và, kết quả đáng buồn là, sáng tác của họ bị thực tế văn chương từ chối! Ngoảnh mặt!
Tình trạng này đưa tới nhiều than van, trách móc với những câu hỏi đau đáu ngộ nhận nhức nhối, như:
- “Thơ tôi mới như vậy tại sao không ai đón nhận?”
Hoặc:
- “Tôi thấy thơ / văn của A, B, C tầm thường, cũ rích, không chút hơi hám ‘hiện đại’, không bắt kịp ‘trào lưu thơ / văn thế giới’ mà sao lại được người đọc đón nhận một cách ‘vô tư’, khó hiểu như vậy?”
Ứng dụng vài ghi nhận nhỏ của tôi ở trên vào cõi-giới thi ca Lữ Thị Mai, tôi thấy rõ ràng, dứt khoát, Lữ không “đe dọa” người đọc bằng “thủ pháp” của những “người mù làm xiếc trên những sợi dây hoang tưởng vô hình, giăng ngoài khí quyển”.
Thí dụ với bài thơ “Mê Khúc”, ngay khổ thơ mở đầu rất ngắn, Lữ Thị Mai đã cho thấy khả năng làm mới, cách tân thi ca của mình khi viết: 
chiều làm mưa thanh tân
nhảy nhót trên đường xa xỉ, trên mái tôn chật hẹp tóc buồn
lý trí bảo bước chân cứ đi
đứng dừng lại nơi chiếc cầu gẫy
tiếng cười lẫn tiếng bán buôn
mê mải lằn về đất
 
Thay vì nói, buổi chiều cho Lữ một trận mưa mới, đẹp như tình yêu mới mẻ, tinh khiết thì, Lữ dùng hai chữ “thanh tân”.
Cũng thế, thay vì mô tả cảnh phố thị chộn rộn giữa tiếng cười (hân hoan?) và rôm rả cảnh buôn bán (thiếu khả tín) thì, Lữ viết, “tiếng cười lẫn tiếng bán buôn”. Và tất cả cùng hăm hở “mê mải lằn về đất”.
Cũng thế, ở khổ thơ thứ hai, cũng ngắn thôi, Lữ viết: 
chang chang ngày
ngột ngạt tình nhân, bụi đường, khói thuốc..(
1) 
Với tôi, chính ba chữ “chang chang ngày” đã dẫn một đường “link” không thể thuyết phục hơn tới hai chữ “ngột ngạt” rồi; xác-định-từ “tình nhân, bụi đường, khói thuốc”. 
Nếu tôi thay mấy chữ “chang chang” của Lữ bằng “ âm âm”, “âm u” hoặc “dễ sợ” hơn... “hoang oải ngày” (một từ đã và đang được chuộng nhất hiện nay ở VN) thì, tôi nghĩ, không biết người đọc phải có mức độ thông minh nào, mới có thể “link” qua trạng thái “ngột ngạt, oi bức” được?!?
Vẫn là “Mê khúc”, tôi thích lắm câu thơ có liên tưởng trực gần và rất thơ. Đó là câu “nghe mộng mị thở dài trên gối cũ” (Có phải chúng ta chỉ nằm mộng khi ngủ? Và, có phải khi ngủ, chúng ta thường có chiếc gối dưới đầu? - - dù cũ hay mới?
Trước khi ra khỏi “Mê khúc” Lữ viết: 
em chỉ là hạt mần cô đơn
khóc trước sự thành tâm của cỏ
 
Liên tưởng từ “hạt cô đơn” qua “cỏ” là liên tưởng gần, đơn giản mà không thể “thành tâm” hơn! Nếu ta hiểu cỏ không có một giá trị nhân sinh thực dụng nào – Vì thế mà nó đã nâng cấp “cô đơn” trong cảm thức của tác giả lên mức tội nghiệp. 
Tôi cũng gặp được những so sánh, liên tưởng thơ mộng mà vẫn chấp chới bất trắc (một thuộc tính đời thường của chúng ta, hiện tại). Như ở bài “Bạch yến nở trong đêm”, Lữ Thị Mai viết: 
mùi hương đang nhắc chúng ta thêm một đêm đã cạn
Tiếng thở dài cũng đầy ứ căn phòng
Làm sao ta gặp được nhau
Hai giấc mơ là hai xứ sở (2)
 
Hoặc: 
bên trong búp sen là mùa hạ chớm buồn
bung nở hoang vu không lý lẽ
 
lúc này em đang hình dung
ngàn mắt nâu lộ ra từ thớ vỏng
ước nhìn em chằm chặp
còn anh chưa khi nào nhìn em lâu..
. (3) 
Tôi không thấy cần thiết phải nói thêm liên hệ thịt / da giữa sen và mùa hè. Tôi cũng không thấy cần thiết phải chỉ ra rằng, hầu hết những cánh lá sen ngoài cùng, thường có màu nâu đặc trưng của nó... Dù cho “còn anh chưa khi nào nhìn em lâu”.
Hay buồn bã hơn: 
đúng là một phần không thể thiếu
Trên những khoảng muốt mềm
Em muốn anh đeo lên chiếc nhẫn đính hôn
 
Và dự định (đó) rơi vào ngày im gió...
(Lữ Thị Mai, “Ngón”) (4) 

2. 
“Khởi từ nhắc nhở của HT, những ngày qua, tôi tìm đọc lại Lữ Thị Mai. Trở lại với dặm trường chữ, nghĩa nong chật thơ mộng, bất trắc đời thường trong thơ; song song với những ám ảnh xã hội và, bí ẩn, bi kịch truyền kiếp (trong truyện) của Lữ...” - - Khiến tôi nhớ tới nhân vật Lão Ngoan Đồng, trong một bộ truyện chưởng của Kim Dung - - Khi nhân vật này bị Đông Tà / Hoàng Dược Sư giam lỏng trên đảo Đào Hoa. Buồn quá, chẳng biết làm gì, Lão Ngoan Đồng bèn nghĩ tới chuyện phân thân cách nào đó, để hai tay đánh ra hai võ công khác nhau. Ngón võ đặc biệt ấy, được Kim Dung đặt tên là “Song thủ hổ bác”. 
Tôi muốn mượn ý niệm “Song thủ hổ bác” của Kim Dung để nói: Lữ Thị Mai, cũng có khả năng đặc biệt nọ (theo tôi); khi Lữ hiển lộng tài hoa của mình trong văn xuôi. 
Bước vào văn xuôi, vẫn với cảm nhận của riêng tôi, Lữ Thị Mai, là một người khác. Cõi-giới truyện của Lữ, dù là đời thường, cũng chất đầy ưu uất, tranh chấp giữa bản năng và, đạo đức. Điển hình như truyện “Đầu làng có một cây vông...” Mô tả bi kịch một gia đình nông thôn - vốn bị vây khốn bởi đạo lý nhọn hoắt của những hàng gai nhọn mọc đầy thân cây vông! Vậy mà cả mẹ, lẫn người chị lớn của nhân vật xưng “tôi” lại cả gan bỏ chồng, bỏ cha theo trai... Để lại một người chồng, người cha bị dư luận đặt tên là “Lập Ngố”: Một người đàn ông của ruộng đồng, mộc mạc, lành như đất!!! 
Về người cha “Lập ngố” của nhân vật xưng “tôi”, Lữ Thị Mai tả:
“...Còn mồ ma nội tôi, bà nhai trầu chậm rãi rồi nhìn xoáy vào từng nét trên mặt chị tôi chép miệng lắc lắc mái đầu bạc trắng: ‘Thằng Lập nhà này vô phúc.’ Lớn lên chút nữa, tôi mới biết chị không hề mang dòng máu của cha. Mấy gã hàng xóm đặt cho cha tôi cái biệt danh là ‘Lập ngố’, người ta bảo cha tôi ngố tới mức có hai đứa con gái không biết đứa nào là con mình. Quanh năm cha chỉ quần quật lo làm ăn, cha theo chuyến bè ông Tính đi buôn gỗ, mùa màng lại quay về đỡ đần vợ con. Mấy chuyện hàng xóm láng giềng đồn đại không phải cha không biết. Cha biết nhưng im lặng. Chiều chiều, ông lại nhâm nhi nỗi buồn với cút rượu suông, dăm điếu thuốc lào. Ông là người khó hiểu. Ngày mẹ tôi bỏ nhà đi theo người đàn ông hay đi cân gạo làng bên, cha cũng chỉ thở dài. Hai chị em tôi chạy ra đầu làng ngóng mẹ. Cha đứng sau lưng chị em tôi giọng nói chùng xuống nặng như chì: ‘Con Thu dẫn em về, con mẹ mày nó không về nữa đâu.’
“Chị em tôi khóc đỏ mắt.
“Ngay tối hôm ấy, cha lục dưới đáy chiếc hòm gỗ cũ một cái áo. Đã có lần mẹ tôi mang cái áo ấy ra hong nắng, mẹ kể đó là chiếc áo cưới mà bà nội dẫn mẹ đi bộ mất nửa ngày lên tận chợ huyện đo vải. Chiếc áo của mẹ màu đỏ hoa vông. Tôi chưa nhìn thấy mẹ mặc lần nào nhưng các cô tôi vẫn kể lại ngày cưới mẹ mặc chiếc áo ấy tôn lên nước da trắng bóc, trông mẹ lộng lẫy lắm.. 
“Tôi đứng nép bên vách nhìn cha cầm chiếc áo trên tay, ông miết những ngón tay lên mặt vải, lên từng đường kim khâu. Rồi ông ấp chiếc áo lên lồng ngực trần đen bóng của mình mà khóc. Cha tôi khóc vụng về. Ông đưa những ngón tay thô kệch lên chùi nước mắt. 
“Ông tẩm dầu đốt cái áo cháy khét lẹt một góc sân. Tôi trở vào căn buồng ngột ngạt tối om, nhìn qua cửa sổ. Dưới ánh trăng sáng lạnh, bóng cha đổ dài trên mặt sân đất...” 
Với đoạn văn trích dẫn trên, người đọc cảm nhận được ngay khả năng nắm bắt tâm lý nhân vật, sâu sắc của Lữ. Đó là thứ tâm lý phức tạp, mâu thuẫn giữa thương yêu và nhục nhã tận cùng của một người đàn ông chất phác bị tình phụ. Ở cả hai mặt của kênh mạch tâm lý này, Lữ còn cho thấy sự vụng về, cá tính của nhân vật nữa. 
Điệp khúc “...Cha tôi khóc vụng về. Ông đưa những ngón tay thô kệch lên chùi nước mắt” được Lữ Thị Mai lập lại nhiều lần trong “Đầu làng có một cây vông...” như những mũi dao khoét sâu thêm vết thương mâu thuẫn hai mặt “thương yêu và nhục nhã”: 
“... ‘Con kia, mày điếc hả?’. Ông quờ tay với cái phích nước ở góc nhà ném choang, nghe những âm thanh đổ vỡ, tôi biết ông đã ném tất cả những gì ông vớ được. Ông xông vào bóp mạnh hai bờ vai tôi lắc lắc. Bàn tay hộ pháp của cha giật mái tóc tôi quấn mấy vòng quanh cánh tay. Miệng ông gào lên: ‘Quân vong tình, quân phản bội...’. Trong cơn say, ông gọi tên mẹ tôi bằng cái giọng chát bứ hẫng hụt. Tôi chỉ biết lặng im. Chỉ biết đau đớn hứng trọn những cái tát của ông. Ông cầm tóc tôi giật mạnh về đằng sau để mặt tôi ngửa lên, rồi bàn tay ông lại vơ nắm hoa vông nhét vào miệng tôi. Tôi không thấy đau. Tôi không gào khóc, chỉ thấy đắng ngắt trong miệng. Ừ! Hoa vông có vị đắng, lần đầu tiên trong đời tôi nhận ra hoa vông đắng thật. Vị đắng như chảy tràn xuống tận cuống họng tôi. Hồi lâu như đã mệt, ông loạng choạng đổ người vào xó nhà bỏ mặc tôi ngồi lặng trong bóng tối. Những cánh hoa vông đã nát, vị đắng tan loãng trên môi. Về sau chính tôi cũng không hiểu sao buổi tối hôm ấy mình không khóc...” (5) 
Trước đó, khi tả về người chị của nhân vật xưng “tôi”, bỏ nhà theo trai, Lữ viết:
“...Cha tôi ngồi ngoài hiên nhìn trân trân vào khoảng không trước mắt, chỉ có nắng, có gió và những sợi khói thuốc lào vất vưởng. Ông không nói gì cả. Chị Thu tôi đã đi rồi. Chị đi tìm người đàn ông ấy. Tôi nhớ lắm buổi chiều mùa hạ nhá nhem cha tôi cầm cái đòn gánh dứ dứ vào mặt chị mà đay nghiến: ‘Quân lăng loàn, mày lăng loàn hệt con mẹ mày. Cút!’. Bên kia hàng rào cúc tần có những cặp mắt xoi mói, những tiếng xì xào bàn tán. Rồi chị đi. Chị không mang theo gì ngoài mấy bộ quần áo cũ gói trong chiếc túi vải nhàu ố. Tôi đưa chị đến đầu làng nơi có cây vông đang trổ hoa đỏ như lửa.
“- Chị định đi đâu?
“- Không biết...
“Tôi nhìn vào mắt chị, cặp mắt ướt át có những sợi lông mi dài và cong, nội tôi vẫn bảo: đó là cặp mắt đa tình và cả tin. Chị tôi đẹp, khuôn mặt chị đầy đặn, đôi môi hồng khi nào cũng như ấp iu điều gì lý thú lắm, mái tóc chị buông qua vạt áo hững hờ. Chị giống mẹ tôi, nhất là đôi mắt. Còn nhớ, ngày nhỏ hai chị em tôi dẫn nhau đi chơi người trong làng thường nhìn chị thở dài. Kẻ hiền lành bảo: ‘hồng nhan bạc phận’, cũng có người nguýt dài cạnh khoé: ‘Mẹ nào con nấy, đĩ một vành’.
“Buổi chiều ấy, đôi mắt chị như có lửa, ôi chao là buồn. Lửa như cháy rần rật trong mắt chị. Như ngày còn bé thơ, chị dang rộng vòng tay choàng qua cổ tôi, hôn lên mái tóc vàng hoe khét nắng của tôi. Chị khóc. Từ nhỏ, hiếm khi tôi thấy chị khóc bao giờ. Gió từ cánh đồng thổi hun hút vây lấy tán vông bứt rụng những cánh hoa đỏ thắm. Chúng chao đảo rồi đáp xuống mặt đất và cuộn mình trong lớp bụi đường.
“- Bao giờ chị về?
“- Không biết...
“Tôi nhìn xuống bụng chị. Cái bụng đã lộ rõ sau lớp áo màu xanh cánh trả. Cách đó hai hôm, nếu cha tôi không kéo tấm vải chị quấn quanh bụng xé toạc thì chắc tôi sẽ không thể biết cái thai nằm trong bụng chị đã được hơn bốn tháng. Tôi không mấy để tâm dù đôi lần bắt gặp chị đi từ bờ ao vào với dăm quả khế trên tay hay có những hôm đang may vá chị chạy nhoài ra giếng nôn thốc, nôn tháo. Chị đi, đôi chân chị nặng nề kéo lê trên mặt đường đất, gót chân nhuốm phèn vàng cạch, rạn nứt của chị hất lên những cánh hoa vông. Buổi chiều ấy sao mà nhiều gió...”
“Đầu làng có một cây vông...” của Lữ Thị Mai, cũng chỉ là khung cảnh một vùng quê. Chúng không hề có cho chúng một “nhan sắc” “ấn tượng”, “hoành tráng” nào!!! Nhưng qua ngòi bút của Lữ với những so sánh, liên-tưởng-muối-mặn-cảm-xúc... thì chúng đã thực sự mới, lạ! Thực sự cách tân văn chương, đáng trân trọng rồi!
.
Tôi không biết trong đời thường, Lữ Thị Mai có bị “giam lỏng” (như Lão Ngoan Đồng) bởi những bốn bức tường xã hội, thời thế bức bối, ngột ngạt hay không? Nhưng, hiển nhiên, với tôi, Lữ đã hai tay, đánh ra hai võ công chẳng những khác nhau mà, còn biến hóa nữa.
Nếu ““Đầu làng có một cây vông...” là một truyện thuộc loại hiện thực xã hội, thì ở “Vết son Thẩm Quyến” lại cho thấy những bi kịch truyền kiếp thẳm sâu hay, lời nguyền tươm máu của định mệnh không thể lý giải giữa hai cõi âm / dương!?! 
Đó là một thứ truyện mang nội dung giống như “báo oan” mà chúng ta hằng thấy trong văn chương từ đông qua tây - - Mà, phương đông được ghi nhận là nhiều nhất. 
Tôi không có ý tóm tắt truyện ngắn được Lữ phóng chiếu từng mảnh đời ngậm, đẫm lời nguyền tươm máu này... (Để độc giả nhận hưởng được trọn vẹn tính “ma quái” của không khí truyện). Tôi chỉ muốn trích dẫn một vài đoạn văn mà, thủ pháp “liên-tưởng-muối-mặn-cảm-xúc” của Lữ vẫn là ưu thế nổi trội nhất trên “dặm trường chữ, nghĩa nong chật ám ảnh và, nỗi niềm trong thơ / văn Lữ Thị Mai”: 
“...Tôi vung tay đưa cái áo về phía chị rồi trở vào phòng ngủ. Buổi chiều mùa hè oi ả. Trong căn phòng gắn máy điều hòa lạnh âm âm. Tôi đưa tay khẽ kéo chiếc váy lên, dưới lớp da trắng mịn nổi lên những đường gân xanh xao nghi hoặc. Con trai tôi vẫn ngủ. ‘Đạp một chút đi con! Mẹ không sợ đau đâu. Con cứ ngoan một cách đáng ngờ như thế mẹ buồn…’ Tôi vỗ vỗ nhẹ vào bụng mình cưng nựng. Cứ thắc mắc sao nó ngủ nhiều đến vậy, sao cái bụng tôi cứ im ắng, sự im ắng làm tôi lo âu sợ hãi. Tôi nhắm nghiền mắt. Cảm giác mồ hôi đang rịn ra khắp lưng tôi. Bức bối đến ngột thở. Giấc ngủ mê man của tôi lởn vởn những hài nhi co quắp trong bọc nước ối. Chúng cựa quậy, chúng quẫy đạp, giãy giụa… nhưng không khóc! Đơn giản bởi chúng còn nằm trong cơ thể sản phụ, chúng chưa có quyền khóc chào đời khi chưa đến ngày đến tháng.
“- Mẹ! Mẹ! Có người cứ muốn đánh dấu vào con đây này!
“Cái thai đã rõ hình hài đứa trẻ giãy giụa. Nó mở to đôi mắt u uất phẫn nộ cầu cứu. M..á..u! Thấy toàn máu là máu. Máu cứ chảy và cái thai oằn mình giữa vũng máu chống đỡ cái dấu nào đó, mà một con người nào đó, đang dằn nó ra để đóng vào… trông nó tựa như sợi dây thừng cỡ lớn vặn mình trặt trẹo...” 
Hay:
“...Tính ngày đã quá hai hôm mà vẫn chưa thấy gì. Đêm nay Tường cứ đòi hát trọn bài hát ấy cho tôi nghe, anh bảo: ‘Không chỉ có em nghe đâu, con chúng mình nghe nữa đấy. Nó sẽ thấy gia đình mình hạnh phúc biết nhường nào’. Trong vòng tay anh, giai điệu êm ái đưa tôi chìm vào giấc ngủ họa hoằn ma mị. Người con gái tôi chưa gặp bao giờ, cô ta quẳng về phía tôi ánh nhìn sắc lạnh. Cả khuôn mặt cô ta trắng bệch nổi bật lên là đôi môi căng mọng màu hồng sáng hệt màu son môi trên cổ áo anh. Cái thai mở to miệng ngáp trong bất lực, nó không cất tiếng khóc mà nói rõ ràng bằng chất giọng đầy phẫn uất: ‘Người ta đòi đánh dấu con’. Cặp môi cô ta nhập nhèm màu đỏ của sự khát máu. Khẽ lia đầu lưỡi lên đôi môi, cô ta nhìn tôi cười thách thức. Cố vươn đôi tay bé nhỏ yếu ớt về phía đứa con tội nghiệp tôi càng thấy nó xa tôi. Nó như bị cuốn chảy phăng phăng theo một dòng sông đỏ thẫm. Dòng sông màu máu, có những lúc ánh lên màu son xa lạ trên cổ áo của Tường. Vết son di chuyển nhập nhằng trong bóng đêm… Có tiếng trẻ con khóc ré lên và một dòng máu chảy dài…
“- Trả con lại cho tôi. Con ơi! Tôi gào lên vô vọng. Tiếng cười man dại của người con gái kì dị ấy xé toạc nỗi đau đớn của tôi...” 
Và:
“Tôi cùng mẹ chồng lên chùa. Bà vận chiếc áo dài nâu chỉ dành cho những hôm đi lễ. Miệng bà lầm rầm khấn, hồi lâu bà sụp xuống vái lạy. Mùi nhang những ngày rằm, ngày tết ấm áp là vậy mà sao ngày dưng tôi thấy rờn rợn, buồn nôn. Tiếng chuông cũng không còn vang lên thanh tịnh bình an nữa mà chung chiêng váng vất. Quay bốn phía chỉ thấy rặt những pho tượng sơn son thiếp vàng chối mắt. Có cái gì nặng nặng âm khí quanh quẩn đâu đây. Tôi nhắm mắt, chắp tay lại thành tâm để tìm một sự giải tỏa. Các pho tượng, khóm hải đường, mẫu đơn sao rặt một màu đỏ, như vết son định mệnh ấy, như dòng sông của những cơn hôn mê quyện đặc màu máu… Tất cả trôi về phía tôi… Đôi chân tôi tê cứng, tôi đứng chôn chân cạnh cây cột lớn chạm trổ rồng phượng mà thấy dòng chảy đỏ ối quấn lấy chân mình nhớp nhúa. Đứa con tôi không còn cất lên lời cầu cứu. Có một người nhấc nó lên hôn. Đôi môi sắc lẹm bật lên lời nguyền thú tính: ‘Tôi phải hôn được con cô’. Đứa bé rũ đi trên tay người ấy, thân thể mềm nhũn khẽ cựa quậy. 
(...) 
“...Tôi giằng lấy đứa con ôm chặt vào lòng. Ngoài kia bóng đêm ma quái bao trùm khoảng sân bệnh viện, bọc lấy những vòm cây. Trong phút giây choáng váng tôi kịp nghe tiếng giày dép gấp gáp, tiếng chuông báo động ngoài hành lang, tiếng con trai tôi khóc thét lên vì khát sữa. 
“Tôi ôm con trong vòng tay rã rời nhìn mẹ chồng tôi mòn mỏi tựa đầu vào vai chị Nết. Gia đình chồng tôi ngồi đầy phòng khách. Họ im lặng, không nói câu gì với tôi cũng không nói chuyện với nhau. Hồi lâu, khi đứa con tội nghiệp của tôi no sữa đã thiu thiu ngủ mới thấy mẹ chồng tôi thở dài: 
“- Chiều qua thằng Nam vừa chở mẹ đi Từ Sơn, Bắc Ninh. Người ta đồn ở đó có ông thầy giỏi lắm… vừa bước vào ông ta đã cao giọng quở: ‘Con trai nhà người xuất ngoại mà trở về lại đem cả dấu son kĩ nữ nên nó chết nó vẫn theo…’ Bà chưa kể hết đã lấy khăn chấm nước mắt rồi quay đi...” (Nguồn từ Tạp chí Hợp Lưu). 

3. 
Để chấm dứt, tôi xin được dùng nhận định của nhà phê bình văn học Trần Thiện Khanh. Ông viết: 
“Là một khuôn mặt thơ trẻ mạnh bạo, có nhiều tìm tòi thể nghiệm, thơ Lữ Thị Mai có cái nồng nàn mê mải của người yêu tìm chữ, có cái âu lo của người sợ gặp một bình minh rỗng nghĩa, một mùa nhàn nhạt nào đó trở lại. Lữ Thị Mai cũng bước đầu thể hiện được cái duyên riêng, cách nhìn riêng trong những câu văn xuôi giàu hình ảnh của mình. Truyện ngắn, tản văn của Mai có thể xem như một góc tạo nghĩa khác cho cuộc sống, một cách định nghĩa về cái tôi nội cảm của chị. Cũng có thể nghĩ đến một điệu khác, giọng khác của một người giàu suy tư, nhạy cảm giữa nhịp sống hối hả ồn ào.” (Trang mạng Tuổi Trẻ Thủ Đô). (6) 
Du Tử Lê
(Garden Grove, June 2015)
_________
Chú thích:
(*) Lữ Thị Mai sinh năm 1988.
(1), (2), (3), (4), (5) Nguồn dutule.com (theo Hợp Lưu và, Wikipedia-Mở)
(6) NguồnWikipedia - Mở.

NGUỒN:
https://dutule.com/p111a6693/12/lu-thi-mai-tren-dam-truong-chu-nghia-nong-chat-am-anh-va-noi-niem-trong-tho-van-

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: