Lịch sử Việt Nam thời kỳ mở nước, trước khi thoát hẳn khỏi ách đô hộ ngàn năm Bắc Thuộc còn nhiều góc khuất, thiếu thông tin, và gây ra sự tranh luận trong giới sử gia. Một phần nguyên nhân quan trọng là do chính sách của người Hán đối với người Việt, như đốt sách, đồng hóa, … Nhà Triệu do Triệu Vũ Đế - tức Triệu Đà lập nên năm 207 trước Công nguyên là một trong những phần lịch sử dân tộc còn tranh luận như vậy.
Phóng viên RFA tại Hà Nội ghi nhận ý kiến một số chuyên gia sử học Việt Nam về vấn đề này.
Nhà Triệu là một triều đại của Việt Nam hay không?
Theo chính sử của các triều đại phong kiến Việt Nam như Đại Việt Sử Ký, An Nam Chí Lược thời nhà Trần, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thời nhà Hậu Lê, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục thời nhà Nguyễn, và Việt Nam Sử Lược của sử gia Trần Trọng Kim đều nhìn nhận Nhà Triệu là triều đại chính thống trong lịch sử Việt Nam.
Trong Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi có viết:
"Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương."
Chúng ta đừng đặt vấn đề thờ Triệu Đà hay thờ An Dương Vương, mà An Dương Vương và Triệu Đà đều là người Hán, đã bị Việt hóa từ lâu rồi, và họ thành người Việt.
-PGS-TS Trương Sỹ Hùng
Tuy nhiên, một luồng quan điểm khác không công nhận Nhà Triệu là triều đại chính thống của Việt Nam, bắt nguồn từ sử gia Ngô Thì Sĩ thời vua Tây Sơn Nguyễn Huệ. Quan điểm lịch sử chính thống hiện nay được phản ảnh trong các bộ thông sử quốc gia, được đưa vào chương trình giáo dục phổ thông và đại học, và các sử gia từ Đào Duy Anh cho đến Phan Huy Lê đều phủ nhận Nhà Triệu và coi là "kẻ xâm lược", Triệu Đà là ngoại bang đến cai trị người Việt.
Luồng quan điểm phủ nhận Nhà Triệu dựa trên căn cứ: Triệu Đà quê gốc ở Chân Định - nay thuộc tỉnh Hà Bắc của Trung Quốc, nằm phía Bắc sông Dương Tử - phần đất không phải của Bách Việt; ông là tướng nhà Tần, theo lệnh Hoàng đế Trung Hoa là Tần Thuỷ Hoàng đem quân đánh chiếm vùng đất của các bộ tộc Bách Việt. Khi nhà Tần mất thì Triệu Đà mới tách ra cát cứ, do đó Triệu Đà là kẻ ngoại bang đến xâm lược.
Ngày 15/5/2018 vừa qua, Trung tâm Minh Triết kết hợp với Trung tâm Lý học Đông Phương, Trung tâm Nghiên cứu Khả năng và Hiện tượng Đặc biệt và Họ Triệu tại xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình đã tổ chức buổi Tọa đàm: Nhà Triệu - mấy vấn đề lịch sử nhân dịp lễ hội Làng nghề chạm bạc Đồng Sâm tưởng nhớ Triệu Vũ Đế.
Buổi Tọa đàm có sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực: lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa, mỹ thuật, khảo cổ, … Họ đều có chung quan điểm công nhận Triệu Vũ Đế - Triệu Đà là hoàng đế đầu tiên của người Việt.
Cuộc chiến giữa Triệu Đà và Thục Phán An Dương Vương theo quan điểm lịch sử chính thống được ghi trong sách giáo khoa là cuộc chiến tranh xâm lược, mở đầu thời kỳ Bắc Thuộc. Tuy nhiên, theo PGS-TS Trương Sỹ Hùng nhìn nhận, đây thực chất chỉ là cuộc chiến để thống nhất các tiểu vương quốc, không phải quốc gia nọ xâm chiếm quốc gia kia.
"Cho nên chúng ta đừng đặt vấn đề thờ Triệu Đà hay thờ An Dương Vương, mà An Dương Vương và Triệu Đà đều là người Hán, đã bị Việt hóa từ lâu rồi, và họ thành người Việt."
Chia sẻ quan điểm với PGS-TS Trương Sỹ Hùng, Nhà giáo Vũ Thế Khôi cho rằng, chính sử của Trung Quốc coi nước Nam Việt của Nhà Triệu là vùng "biên viễn" cho đến khi xâm chiếm được vào năm 111 trước Công nguyên.
"Nguồn gốc xuất thân của người đứng đầu vương quốc này là người Hán hay người Việt không phải cái quyết định quan trọng, bởi vì Lý Bôn cũng người gốc Hán. Nhưng mà khi họ đã hội nhập với đất nước, giang sơn này, họ coi đất nước, giang sơn này là tổ quốc của họ, họ kiên quyết bảo vệ."
Một nguồn thông tin khác là "Cổ Lôi Ngọc Phả" hay "Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư" có giả thuyết cho rằng, Triệu Đà là cháu ruột của Hùng Duệ Vương - tức vua Hùng thứ 18, khi An Dương Vương đánh chiếm Văn Lang đã chạy về phương Bắc, được người họ Triệu thu nhận, nên mang họ Triệu.
Vai trò của Nhà Triệu trong lịch sử Việt Nam
PGS-TS Trương Sỹ Hùng đánh giá, Nhà Triệu nổi bật nhất trong khía cạnh bảo vệ độc lập, tự chủ của nước Nam Việt trước cường quốc phương Bắc là nhà Hán - khi đó mới thành lập sau khi Hán - Sở tranh hùng.
"Bên cạnh đó, ông (Triệu Đà) trả lời một câu rất hay là: Nhưng mà tôi vẫn đặt quan hệ đi lại, bang giao - tức là để quan hệ bang giao thuận lợi hơn, mà không để giãn cách. Tôi cho rằng, bài học đấy không những bây giờ, mà mãi mãi về sau này, bởi vì cái sự tồn tại, độc lập dân tộc của mỗi quốc gia là riêng. Còn vấn đề lúc va chạm nhau là chuyện giải quyết thắng thua, rành mạch, sòng phẳng, sau đó chúng ta lại phải giữ quan hệ với nhau hữu hảo, lâu dài."
Nhà giáo Vũ Thế Khôi phân tích kỹ hơn, Nhà Triệu đã lập ra một quốc gia tự chủ cho người Việt, bằng cách tập hợp, thống nhất được sự đoàn kết của các sắc tộc cùng sinh sống trong lãnh thổ Nam Việt mà được gọi là "Hòa tập Bách Việt". Nhà Triệu cũng khôn khéo trong chính sách "Trong Đế - Ngoài Vương" và cương quyết bảo vệ nền độc lập trước nhà Hán khi bị xâm chiếm.
Để tồn tại được thì rất mềm mỏng, nhưng khi cần bảo vệ quốc gia thì cương quyết, không hèn nhát. Và chính vì thế, vương triều nhà Triệu cho đến bây giờ vẫn sống trong tâm thức người Việt. Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế.
-Nhà giáo Vũ Thế Khôi
"Để tồn tại được thì rất mềm mỏng, nhưng khi cần bảo vệ quốc gia thì cương quyết, không hèn nhát. Và chính vì thế, vương triều nhà Triệu cho đến bây giờ vẫn sống trong tâm thức người Việt. Rất nhiều nơi trên đất Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm Minh Triết là hơn 30 nơi thờ Triệu Vũ Đế."
Bên cạnh đó, Nhà giáo Vũ Thế Khôi cho rằng, để tạo ra sự thống nhất, Triệu Vũ Đế đã đưa chữ Hán vào đời sống chính trị, xã hội Nam Việt khi đó, chứ không phải do quân đội nhà Tần mang đến.
"Trong khi chữ Việt cổ bị mai một từ lúc nào đấy do hoàn cảnh lịch sử. Mà bây giờ các học giả đã chứng minh là nó có, mà chính người Trung Hoa xây dựng chữ tượng hình của họ trên cơ sở chữ Việt cổ đó. Nhưng lúc bấy giờ chữ Việt cổ không còn được sử dụng rộng rãi nữa, thì ông ấy sử dụng luôn chữ Hán, để làm công cụ truyển tải trong chính quyền của ông ấy."
Lịch sử Việt Nam thời kỳ dựng nước và bảo vệ nền độc lập từ ngày đầu còn nhiều điều mà hậu thế chưa rõ, và cả dân tộc này vẫn đang đi tìm hiểu lấp đầy những khoảng trống, giải quyết những khúc mắc.
PGS-TS Trương Sỹ Hùng cho biết, thời gian tới đây, các học giả, nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ tiếp tục khảo sát những di chỉ khảo cổ, tìm kiếm tài liệu, thư tịch cổ về Nhà Triệu không chỉ tại miền Bắc Việt Nam, mà còn cả ở Quảng Đông, Quảng Tây - những vùng đất của người Bách Việt xưa, trong lãnh thổ Nam Việt thời Triệu Đà.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét