Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2018

Dịch giả Phạm Nguyên Trường: Những kẻ leo cao nhất cũng là nô lệ


08/11/2018 - Khi kế hoạch hoá nền kinh tế được tiến hành trên thực tế thì tất cả mọi người, ngay cả “những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất” cũng là nô lệ. Họ là nô lệ của hệ thống, họ là những kẻ cưỡi trên lưng cọp, bước xuống thì sẽ bị hệ thống đập chết ngay lập tức. Xã hội mà tất cả mọi người đều mất tự do, đều là nô lệ thì không thể nào có sáng kiến, sáng tạo, nó chỉ có thể bắt chước. Đấy là xã hội của ao tù nước đọng, nghèo đói và khốn khổ. Nếu có xã hội ở bên ngoài để người ta so sánh thì trước sau gì nó cũng sẽ bị diệt vong. Và đấy là điều chúng ta đã và đang chứng kiến.
Dịch giả Phạm Nguyên Trường và 
cuốn "Đường về Nô lệ". Ảnh: Tâm Don.
Ngày 6/11, dịch giả Phạm Nguyên Trường đã dành cho Luật Khoa tạp chí một cuộc phỏng vấn độc quyền về cuốn sách “Đường về Nô lệ”. Dịch giả Phạm Nguyên Trường, tên thật là Phạm Duy Hiển, là người có hơn 20 đầu sách dịch, đa phần là về chính trị – xã hội.

Ông biết đến cuốn “Đường về Nô lệ” trong hoàn cảnh nào?

Năm 2007, tôi mua được cuốn “Friedrich Hayek – Cuộc đời và sự nghiệp”, do Lê Anh Hùng dịch, Nhà xuất bản Tri Thức ấn hành. Đọc thấy hay quá, tôi quyết định tìm Hayek trên mạng và tìm được cuốn “The Road to Serfdom” (”Đường về Nô lệ”) rút gọn, được in trên tạp chí The Reader’s Digest, số ra tháng 4 năm 1945.

Khi giới thiệu trên tạp chí “Saturday Review of Literature” vào tháng 5 năm 1945, Lawrence Frank cho rằng bản rút gọn “có phần sắc sảo hơn” cả chính văn. Tôi liền dịch bản rút gọn này và giới thiệu thành hai kì (ngày 21 và 22 tháng 8 năm 2007) trên trang talawas.org.

Sau đó tôi viết thư cho NXB Tri Thức, nói rằng muốn dịch cuốn “The Road to Serfdom” ra tiếng Việt. Chỉ sau vài ngày tôi đã nhận được hồi âm của Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc – Tổng biên tập, nói rằng sẵn sàng hợp tác với tôi để dịch và in tác phẩm này. Thật là tình cờ và cũng thật là may.

Làm thế nào mà ông có cuốn ”Đường về Nô lệ”?

Tôi nhờ chị Phạm Thị Hoài, chủ nhân talawas.org mua giúp và còn nhờ một công ty nữa ở Vũng Tàu mua. Lúc đó, cuốn sách này chưa được đưa lên mạng, hình như bây giờ trên mạng cũng không có bản tiếng Anh. Nhưng tôi tìm được phiên bản tiếng Nga và bắt đầu dịch nháp vì thấy hay quá. Khoảng mấy tháng sau thì nhận được cả hai cuốn sách, hai lần xuất bản khác nhau, hình thức cũng hơi khác nhau một chút.

Ông bắt tay vào dịch cuốn ”Đường về Nô lệ” trong hoàn cảnh nào?

Lúc đó tôi đang là kĩ sư ở Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro cho nên phải tranh thủ dịch lúc rảnh rỗi, vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật và buổi tối. Lúc đó, cả tiếng Anh lẫn kiến thức về kinh tế học và xã hội nói chung còn ít hơn hẳn bây giờ, Google Translate hình như cũng chưa có, mà cũng có thể lúc đó tôi chưa biết sử dụng, thành ra phải tham khảo rất kĩ bản tiếng Nga và bản dịch của Tiến sĩ Nguyễn Quang A ở trên mạng (bản này có nhan đề là “Con đường dẫn tới chế độ nông nô”).

Khi ông gửi bản dịch ”Đường về Nô lệ” cho Nhà xuất bản Tri Thức, GS. Chu Hảo đã nói gì về cuốn sách này?

Chu Hảo không nói cụ thể về tác phẩm này, vì cùng với ”Đường về Nô lệ”, tôi còn chuẩn bị cho NXB Tri Thức hai tác phẩm nữa: “Về Trí thức Nga”, đây là tập hợp những bài viết về trí thức Nga trong một thế kỉ, tức là từ khoảng năm 1908 cho đến năm 2008; và “Chế độ Dân chủ – Nhà nước và Xã hội, một cuốn sách giáo khoa về dân chủ cho học sinh trung học ở Nga.

Ngay nhan đề những tác phẩm này đã có thể làm người ta choáng váng rồi, cho nên trước Tết năm 2008 sang 2009, GS. Chu Hảo có viết cho tôi và một người bạn của ông rằng có thể có chuyện này nọ, nhưng ông vẫn quyết tâm cho in ba cuốn sách này cùng một lúc.

Theo ông, nội dung quan trọng nhất của cuốn ”Đường về Nô lệ” là gì?

Nội dung quan trọng nhất của tác phẩm này, như trong bản rút gọn đã nói rất rõ: “Thế hệ của chúng ta đã quên rằng chế độ tư hữu là sự bảo đảm quan trọng nhất của tự do. Đấy là vì tư liệu sản xuất nằm trong tay nhiều người hoạt động độc lập với nhau cho nên chúng ta mới có thể tự quyết định cách hành xử của mình. Khi tất cả các phương tiện sản xuất chỉ nằm trong tay một người, dù về danh nghĩa có là toàn thể ‘xã hội’ hay là một nhà độc tài, thì người đó sẽ có quyền lực tuyệt đối đối với chúng ta. Khi nằm trong tay các cá nhân riêng rẽ, quyền lực kinh tế có thể trở thành phương tiện áp bức, nhưng không bao giờ có thể kiểm soát được toàn bộ cuộc sống của con người. Nhưng khi quyền lực kinh tế đã được tập trung lại như một công cụ của quyền lực chính trị thì nó sẽ tạo ra một sự phụ thuộc chẳng khác gì chế độ nô lệ. Người ta nói đúng rằng trong một quốc gia mà nhà nước là người sử dụng lao động duy nhất thì đối lập đồng nghĩa với chết từ từ vì đói”.

Như tôi đã giới thiệu trên Talawas: “Chúng ta đã có dịp chứng kiến 600 ông/bà tổng biên tập của 600 tờ báo và hàng ngàn nhà báo bị/tự bịp mồm, bịt mắt, bịt tai trước cảnh nhếch nhác của bà con ‘dân oan’ giữa thành phố Hồ Chí Minh hoa lệ; thế rồi đùng một cái, sau gần một tháng trời ‘không thấy, không nghe’ gì hết, họ bỗng đồng thanh hô lên rằng ‘đồng bào đã tự nguyện và vui vẻ lên xe ra về vào lúc nửa đêm!’. Đúng là một đám nô bộc rồi, đây là ‘văn nô’. Chúng ta cũng đã từng được nghe nói tới Chủ-tịch-nước-nô, đấy là ông Lưu Thiếu Kỳ, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, người đã bị hành hạ và chết không khác gì một con vật, thậm chí còn nhục nhã hơn cả một con vật. Chúng ta cũng đã từng được nghe nói tới Tổng-bí-thư-đảng-nô, đấy là các ông N. Khrushchev và Triệu Tử Dương, những người đã bị các ‘đồng chí’ của mình giam lỏng tại gia (có khác gì nhốt chó, nhốt ngựa) cho đến chết. Tóm lại, khi kế hoạch hoá nền kinh tế được tiến hành trên thực tế thì tất cả mọi người, trừ những kẻ vô liêm sỉ mà Hayek gọi là ‘những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất’, đều trở thành nô lệ cả”.

Hôm nay xin được bổ sung thêm rằng ngay cả “những kẻ xấu xa nhất lại leo cao nhất” cũng là nô lệ. Họ là nô lệ của hệ thống, họ là những kẻ cưỡi trên lưng cọp, bước xuống thì sẽ bị hệ thống đập chết ngay lập tức.

Xã hội mà tất cả mọi người đều mất tự do, đều là nô lệ thì không thể nào có sáng kiến, sáng tạo, nó chỉ có thể bắt chước. Đấy là xã hội của ao tù nước đọng, nghèo đói và khốn khổ. Nếu có xã hội ở bên ngoài để người ta so sánh thì trước sau gì nó cũng sẽ bị diệt vong. Và đấy là điều chúng ta đã và đang chứng kiến.

Sau sự kiện GS. Chu Hảo bị kỷ luật, nhu cầu đọc và sở hữu cuốn ”Đường về Nô lệ” rất lớn. Theo ông, cần phải làm gì để đáp ứng nhu cầu chính đáng của bạn đọc?

Tác phẩm nay đã bị cấm tái bản ngay từ đầu năm 2009. Sau này có bạn tổ chức in lại, mấy trăm cuốn. Hiện nay nhà nước không cho in, mà in lậu thì có khi bị bắt, bị phạt tiền cho nên sách giấy thì hơi khó. Nhưng những người rất muốn đọc thì vẫn có thể tìm được trên mạng.

Chân thành cám ơn ông!

“Đường về Nô lệ” là sách cấm?

Ngày 25/10, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam công bố kết luận tại kỳ họp diễn ra từ 17 – 19/10, đề nghị kỷ luật ông Chu Hảo vì vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Sau mấy ngày tạm lắng, vào ngày 05/11, website của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đăng tải một bài viết phân tích về những vi phạm của GS Chu Hảo, theo đó: “Cụ thể trong các năm 2005 – 2009, ông đã cho xuất bản 5 cuốn sách có nội dung chính trị tư tưởng sai trái, bị cơ quan chức năng thẩm định, kết luận, xử lý cấm phát hành. Chẳng hạn, cuốn “”Đường về Nô lệ”” của F.A.Hayek đã thổi phồng các mặt hạn chế của chủ nghĩa xã hội (CNXH), đánh đồng CNXH ở Liên Xô với chủ nghĩa phát xít; phủ nhận hoàn toàn hệ thống triết học, chính trị, kinh tế, văn hóa của CNXH, phủ định chủ nghĩa Mác, gắn mô hình kinh tế của Liên Xô trước đây với mô hình của chủ nghĩa phát xít, cho rằng tất yếu mô hình đó sẽ dẫn đến nô lệ”.

Được viết vào năm 1940 – 1943, kể từ khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1944 đến nay, cuốn ”Đường về Nô lệ” (The Road to Serfdom) của nhà kinh tế và triết học người Áo Friedrich von Hayek đã được in hơn hai triệu bản. Ở Việt Nam, cuốn ”Đường về Nô lệ” bản tiếng Việt do dịch giả Phạm Nguyên Trường dịch lần đầu tiên được xuất bản vào năm 2009 bởi Nhà xuất bản Tri Thức.

Trong lần xuất bản đầu tiên, ”Đường về Nô lệ” có lời giới thiệu ấn tượng của dịch giả Đinh Tuấn Minh: “Đối với những người cấp tiến, nếu vượt qua được rào cản thuật ngữ, thì tác phẩm ”Đường về Nô lệ” chính là một hành trang không thể thiếu vì nó không những đã nói ra được hầu như tất cả những điều tồi tệ nhất chúng ta phải trải qua, chứng kiến, hay cảm nhận nhưng không hiểu được nguyên nhân từ đâu, mà còn chỉ cho chúng ta biết chúng ta nên làm gì để vượt qua chúng. Nếu được nói một câu cuối cùng, tôi chỉ có thể nói rằng đây là cuốn sách cất lên tiếng nói từ con tim của những người mong muốn xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tự do và phồn thịnh”.

Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người nắm quyền lãnh đạo chính phủ Anh từ năm 1979 đến năm 1990, là người đặc biệt yêu thích cuốn ”Đường về Nô lệ”. Đồng cảm với F. A. Hayek, “bà đầm thép” đã hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào doanh nghiệp và thị trường, mở rộng thị trường tự do và phát triển doanh nghiệp, qua đó làm nước Anh tăng trưởng mạnh và có chiều sâu. Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan (nắm quyền từ năm 1980 đến 1989) và Thủ tướng Canada Brian Mulroney (nắm quyền từ 1984 đến 1993) đều say mê ”Đường về Nô lệ” và thực hiện triệt để chính sách tự do hóa sâu sắc thị trường.

Nhiều nhà lãnh đạo khối Đông Âu và Nga sau những năm 1990 yêu thích cuốn ”Đường về Nô lệ” và ứng dụng các quan điểm tân tự do vào thực tiễn của đất nước mình. Ông Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc là người coi ”Đường về Nô lệ” là cuốn sách gối đầu giường, và cũng đã áp dụng các chính sách tự do để đưa nền kinh tế Trung Quốc thoát khỏi nền kinh tế tập trung, chuyển sang nền kinh tế thị trường.

https://www.luatkhoa.org/2018/11/dich-gia-pham-nguyen-truong-nhung-ke-leo-cao-nhat-cung-la-no-le/

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: