Cuối năm nay, bộ quốc sử gồm 25 tập và 5 tập biên niên từ thời dựng nước đến nay sẽ hoàn thành biên soạn và được thẩm định. Bộ sử được Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đề xuất lên Đảng, Nhà nước từ năm 2012. Đến năm 2014, đề án được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đồng ý.
PGS Nguyễn Mạnh Hà. Ảnh: Viết Tuân.
|
GS Phan Huy Lê làm chủ biên bộ quốc sử (cho đến khi qua đời tháng 6/2018) với khoảng 300 tác giả tham gia. Sinh thời, GS Lê luôn nhấn mạnh quan điểm viết sử toàn bộ, toàn diện, khách quan. Vì vậy, đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều "khoảng trống lịch sử" vốn được coi là "nhạy cảm".
Theo PGS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Lịch sử Đảng, thành viên Hội đồng khoa học biên soạn, bộ quốc sử sẽ viết khách quan về phía bên kia như chính phủ Quốc gia Việt Nam do Bảo Đại làm Quốc trưởng; chính phủ Trần Trọng Kim; chính quyền Việt Nam Cộng hòa...
Thừa nhận Việt Nam Cộng hòa
Với tư cách đồng chủ biên phần Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Mạnh Hà cho biết bộ sử sẽ viết về chính quyền Việt Nam Cộng hòa trên nhiều phương diện chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao... và "không né tránh bất cứ vấn đề nào từng diễn ra". Các sự kiện sẽ được trình bày khách quan thay vì phân chia hai phía "địch" và "ta" như trước đây.
Ông Hà cho rằng nếu chính sử không thừa nhận Việt Nam Cộng hòa thì Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Bởi theo công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982, chủ quyền phải được kế thừa liên tục. Trong khi giai đoạn 1954-1975, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thụ đắc chủ quyền hai quần đảo này.
Năm 1974, khi Trung Quốc nổ súng xâm lược quần đảo Hoàng Sa, các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu, nhiều người ngã xuống để bảo vệ đảo. "Thời điểm đó có sự phân chia chế độ chính trị, nhưng những người lính Việt Nam Cộng hòa hy sinh vì Tổ quốc thì phải được ghi vào sách sử", ông Hà nói.
Việt Nam Cộng hòa là một trong bốn bên tham gia ký hiệp định Paris tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở đại lộ Kleber, ngày 27/1/1973. Ảnh tư liệu.
|
Để đảm bảo tính khách quan, bộ quốc sử không dùng các tên gọi mang tính miệt thị như "nguỵ quân", "nguỵ quyền", "địch", "bù nhìn", "tay sai"... để chỉ chính quyền Quốc gia Việt Nam hay Việt Nam Cộng hòa. Các danh xưng sẽ được viết đúng như tên gọi từng tồn tại.
Quan điểm này của bộ sử được ông Phạm Đức Bảo, Viện phó Viện Nghiên cứu chính sách ủng hộ. "Trong đàm phán Paris, chúng ta chấp nhận 4 bên, trong đó có Việt Nam Cộng hòa cùng ký vào hiệp định thì không thể coi họ là nguỵ quân, nguỵ quyền. Hơn nữa để thúc đẩy hòa giải, hòa hợp dân tộc thì không nên dùng những danh xưng gây chia rẽ", ông Bảo nói và đề nghị gọi là chính quyền Sài Gòn hoặc Việt Nam Cộng hòa.
Ông Bảo phân tích, ở khía cạnh pháp lý, Việt Nam Cộng hòa được hình thành trên cơ sở hiệp định Genève (1954). Xét các yếu tố cơ bản như chính phủ, quân đội, thủ đô, quốc kỳ, quốc ca... thì không thể phủ nhận đó là một quốc gia.
Khi Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974 thì ngay sau đó nhân dân TP Sài Gòn biểu tình chống Trung Quốc. Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lập tức gửi kháng thư đến Liên Hợp Quốc phản đối hành động xâm lược này.
Chiến tranh biên giới phía Bắc, hải chiến bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa được viết trong quốc sử
GS Vũ Minh Giang, Phó chủ nhiệm đề án Nghiên cứu và biên soạn bộ lịch sử Việt Nam, cho biết bộ quốc sử còn đề cập đến những vấn đề "nhạy cảm" khác, như cải cách ruộng đất. Đảng đã thẳng thắn nhận sai lầm khuyết điểm, việc đưa vào chính sử nội dung này sẽ làm tăng thêm uy tín của Đảng.
Hoặc câu chuyện thuyền nhân Việt Nam, theo ông Giang, trước đây mọi người nói có tác động của chiến dịch tâm lý, phá hoại. "Nói thế không sai, nhưng chưa thỏa đáng. Đó là thời kỳ đất nước cực khó khăn, lạm phát phi mã đến mấy trăm phần trăm; chính trị vẫn còn những vấn đề chưa giải quyết được sau năm 1975; người dân thiếu đói, đời sống khó khăn. Đó là hệ quả tất yếu của câu chuyện thuyền nhân Việt Nam", GS Giang nói.
Sự kiện Trung Quốc huy động 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam từ tháng 2/1979 sẽ được nói đến trong bộ quốc sử. Bởi theo GS Giang, cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc ở biên giới phía Bắc là trang sử tiếp nối truyền thống chống ngoại xâm của ông cha ta từ bao đời. Nếu không viết về cuộc chiến này thì truyền thống chống ngoại xâm của Việt Nam có một lỗ hổng lớn, không có lợi trong việc duy trì sức mạnh dân tộc.
Bốn chiến hạm của Việt Nam Cộng hòa tham gia hải chiến Hoàng Sa năm 1974. nh tư liệu.
|
Bộ quốc sử còn đề cập toàn bộ quá trình từ khi ông cha ta bắt đầu xác lập chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và cho đến bây giờ. Những cuộc hải chiến bảo vệ chủ quyền hai quần đảo này được viết có hệ thống. Đó là năm 1974, Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa khi đang được Việt Nam Cộng hòa bảo vệ; cuộc chiến năm 1988 của các chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam giữ Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhiều "khoảng trống lịch sử" khác như cải cách ruộng đất (1954-1956), Nhân văn - Giai phẩm, vụ xét lại chống Đảng (1963-1968), cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975, sai lầm của miền Bắc trong tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968... đều được viết trong bộ quốc sử.
Lịch sử của vùng đất Chăm Pa, Nam Bộ, của 54 dân tộc và lịch sử các tôn giáo... cũng được đề cập khách quan.
Trước đó tháng 8/2017, Viện Sử học đã ra mắt bộ sách Lịch sử Việt Namgồm 15 tập, khái quát lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000. Bộ thông sử cố gắng "lấp nhiều khoảng trống" như đề cập về nhà Mạc, chúa Nguyễn, nhà Nguyễn, cải cách ruộng đất, chiến tranh biên giới phía Bắc.
Tuy nhiên, Tổng chủ biên bộ sử Việt Nam, PGS Trần Đức Cường chia sẻ tiếc nuối khi nhiều "khoảng trống lịch sử" chưa được lấp đầy, như mối quan hệ Việt - Trung qua các thời kỳ, nhất là từ sau năm 1975 đến nay. Sự kiện tháng 2/1979 cũng mới nêu được bề nổi mà chưa nói được sâu xa về mối quan hệ hai nước khi đó.
Ngoài ra, còn có những sự kiện chưa đưa vào được như phong trào Nhân văn - Giai phẩm, vụ án xét lại chống Đảng, Trung Quốc đánh chiếm Gạc Manăm 1988. Ông Cường hy vọng, những hạn chế này sẽ được khắc phục trong bộ quốc sử do GS Phan Huy Lê là tổng chủ biên.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét