Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đơn vị đang gặp sóng gió thời gian qua với nhiều cựu lãnh đạo bị truy tố, kỷ luật, vừa có tân lãnh đạo, theo truyền thông nhà nước.
Hôm Chủ Nhật, nhiều báo Việt Nam cho hay ông Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, địa phương thuộc miền Bắc Việt Nam, được Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam phân công nhiệm vụ làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí PVN.
"Sáng 24/12, ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã trao quyết định của Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ cho ông Trần Sỹ Thanh và bà Lâm Thị Phương Thanh," báo VnEconomy hôm 24/12/2017 cho hay.
Cụ thể theo nguồn này, ngày 22/12/2017, Bộ Chính trị của ĐCSVN đã phân công ông Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa 14 của tỉnh Lạng Sơn "thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, nhiệm kỳ 2015-2020 để giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam.
Báo này cũng cho hay Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phân công bà Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương "tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, nhiệm kỳ 2015-2020" thay cho ông Trần Sỹ Thanh nhận chức vụ mới.
'Người ngoại đạo'
Cùng ngày, báo mạng VnExpress nêu nhận xét cho rằng tân Chủ tịch PVN là người 'ngoại đạo' với ngành dầu khí và cho biết một số thông tin thêm về ông Trần Sỹ Thanh, nguồn này bình luận:
"Sau hơn 9 tháng bị bỏ trống khi ông Nguyễn Quốc Khánh - nguyên Chủ tịch PVN được điều động về Bộ Công Thương và bị khởi tố bắt giam cách đây ít ngày, chiếc "ghế nóng" tại PVN mới có chủ. Tuy nhiên, khác với những đời Chủ tịch PVN gần đây đều gắn bó với ngành dầu khí, ông Trần Sỹ Thanh lại là người "ngoại đạo".
"Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971, quê Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng. Tháng 2/2004 ông được bổ nhiệm giữ chức Chánh văn phòng Kho bạc Nhà nước, sau đó là Phó tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước. Năm 2008 ông được điều chuyển tham gia Tỉnh uỷ Đăk Lăk."
Vẫn theo VnExpress, năm 2010 ông Trần Sỹ Thanh từng giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, sau đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tháng 10/2015, ông Thanh lại được điều động phân công về tỉnh Lạng Sơn, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy.
VnExpress hôm Chủ Nhật dẫn lời của Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam, ông Mai Tiến Dũng cho hay:
"Ông Trần Sỹ Thanh thuộc nhân sự do Bộ Chính trị quản lý. Ngày 22/12, Bộ Chính trị đã thông báo việc điều động nhân sự này với Ban cán sự Đảng Chính phủ. Hiện Ban cán sự Đảng đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng xem xét, ký quyết định."
Hôm thứ Năm, Bàn tròn của BBC Việt ngữ, trong phần điểm các sự kiện nổi bật trong năm 2017 của các khách mời đã đề cập sự kiện ông Đinh La Thăng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã bị kỷ luật và cho thôi các chức vụ trên ở Hội nghị Trung ương 5 khóa 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam, và cho đây là một trong các sự kiện đáng chú ý nhất trong năm.
Mới đây, ngày 08/12, ông Thăng đã bị các cơ quan điều tra của Việt Nam bắt và truy tố bị can, trước đó, ông bị ngưng các chức vụ, cương vị và sinh hoạt trong Đảng, Quốc hội và tại Ban kinh tế Trung ương, nơi ông đang là Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Đinh La Thăng là cựu quan chức cao cấp, lãnh đạo ngành Dầu khí Việt Nam, từ tháng 01/2006 đến tháng 12/2008, ông là Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Petro Vietnam.
Em ruột của ông, ông Định Mạnh Thắng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà (PVSD), cùng nhiều quan chức, cựu lãnh đạo các cơ quan thuộc tập đoàn PVN cũng đã bị bắt giữ, truy tố hoặc nhận các hình thức xử lý, kỷ luật với các mức khác độ nhau thời gian qua, theo truyền thông nhà nước Việt Nam.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét