(PLO 23/12/2017)- Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi đều có thể bị khởi tố.
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm) với tội danh cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước theo Điều 263 BLHS. Vũ nhôm cũng đã bị cơ quan điều tra ra quyết định truy nã sau khi xác định ông không có mặt tại nơi cư trú ở Đà Nẵng.
Nhiều người thắc mắc Vũ nhôm là một doanh nhân vậy sao lại bị khởi tố về tội danh này? Theo luật thì những chủ thể nào có thể bị xử lý tội danh này?
Luật sư Nguyễn Văn Nhàn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng về mặt chủ thể của tội phạm, đối với hành vi cố ý làm lộ bí mật nhà nước thì phải là người có trách nhiệm quản lý bí mật nhà nước. Nhưng đối với hành vi chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước thì bất kỳ ai có năng lực trách nhiệm hình sự theo luật định cũng phải chịu trách nhiệm.
Ông Vũ nhôm có thể bị truy tố một trong các hành vi thuộc phạm vi quy định tại Điều 263 BLHS. Do đó việc ông không là người giữ chức vụ, quyền hạn gì trong cơ quan nhà nước vẫn có thể bị truy tố với tội này là điều bình thường.
Theo bình luận khoa học của ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao), chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt. Chỉ cần người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đủ tuổi đều có thể trở thành chủ thể của tội này. Tuy nhiên, thông thường thì những người có trách nhiệm giữ bí mật nhà nước mới phạm tội này. Hành vi của họ thường là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Cũng theo ông Quế, chỉ người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 của điều luật. Người đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm theo tất cả các khoản của điều luật.
Điều 263 BLHS quy định:
1. Người nào cố ý làm lộ bí mật nhà nước hoặc chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy tài liệu bí mật nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 80 của bộ luật này thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
2. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến 10 năm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét