Cơ quan Tình báo An ninh Australia (ASIO) tin rằng 10% các ứng cử viên chính trị Úc là có mối quan hệ với cơ quan tình báo Trung Quốc, theo Báo cáo ngày 9/12 trên Tờ ‘Weekend Australia’.
ASIO cho biết một trong số những ứng cử viên đó đã được bầu, và hiện vẫn đang đương chức, và cho rằng những gì đang xảy ra, là một phần nỗ lực của Bắc Kinh, nhằm gây ảnh hưởng đến chính trường Úc.
Theo Báo cáo, đa số những ứng cử viên được cho là có quan hệ chặt chẽ với tình báo Trung Quốc, và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã dính líu vào các cuộc bầu cử hội đồng [ở cấp địa phương ở Australia]. Nhưng, các quan chức an ninh Úc quan tâm nhiều hơn đến các cá nhân ở chính trường cấp tiểu bang và liên bang, và tập trung quanh khu vực Western Sydney.
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), cựu nhân viên ngoại giao Trung Quốc, người đã đào thoát rất kịch tính sang Úc trong năm 2005, nói với Tờ báo rằng có những nỗ lực rất rõ ràng của chính quyền Trung Quốc, nhằm gây ảnh hưởng đến các quan điểm ở Úc.
“Có vẻ như không có bất cứ giới hạn nào ở Úc, người Trung Quốc làm điều đó một cách công khai. Có vẻ như họ đang đứng trên luật pháp ở Úc. Họ mạo hiểm hơn so với các hoạt động của họ tại Mỹ”, ông Trần cho biết.
Báo cáo hôm 9/12 được đưa ra sau khi các hãng truyền thông đưa tin rộng rãi về những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm can thiệp vào chính trường Úc, cũng như vào các khu vực trong cộng đồng rộng lớn hơn, đặc biệt trong cộng đồng người Úc gốc Hoa.
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Malcolm Turnbull  tuyên bố vào hôm thứ Năm (7/12) rằng: “Các báo cáo của các hãng truyền thông đã ám chỉ việc ĐCSTQ đã đang hành động nhằm can thiệp sâu vào giới truyền thông, các trường đại học của chúng ta, và thậm chí vào cả những quyết định của các nghị sĩ được bầu ngay tại tòa nhà này. Chúng ta coi những báo cáo này là rất nghiêm trọng”.
Thủ tướng Malcolm Turnbull tuyên bố những báo cáo về việc ĐCSTQ đang cố gắng can thiệp vào chính trường Úc là rất nghiêm trọng (Ảnh: Getty).
Thực tế cho thấy sự chú ý của công chúng Úc trong hai tuần vừa qua, tập trung vào những giao dịch mờ ám giữa thượng nghị sĩ Công Đảng Úc (ALP) Sam Dastyari và tỷ phú Trung Quốc có mối quan hệ với Bắc Kinh.
Chính phủ liên bang đã yêu cầu ông Dastyari phải từ chức vì ông này được cho là đã cảnh báo cho ông Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), một doanh nhân tỷ phú Úc gốc Hoa, có quan hệ với ĐCSTQ, rằng điện thoại của ông ấy có thể bị các cơ quan tình báo nghe lén, bao gồm cả những cơ quan của chính phủ Mỹ.
Thượng nghị sĩ Dastyari cũng đã nhận được những bình luận không tốt đẹp từ giới báo chí gần đây, liên quan đến phát biểu của ông trong năm 2016, khi công khai ủng hộ những động thái gây hấn của Bắc Kinh ở Biển Đông. Những ý kiến do ông Dastyari đưa ra khi đứng cạnh ông Hoàng, là hoàn toàn trái ngược với chính sách của Công đảng, và của chính phủ Úc về vấn đề này.
Thượng nghị sĩ Sam Dastyari đã phải từ chức vì mối liên hệ với Trung Quốc (Ảnh: Getty)
Ông Charles Wallace, cựu sĩ quan tình báo Úc nói rằng Trung Quốc đã rất giỏi cài cắm các đặc vụ chìm vào những vị trí chủ chốt trong chính trường Úc.
“Phương pháp phổ biến nhất mà Trung Quốc sử dụng để gây ảnh hưởng đến quá trình chính trị của chúng ta, là thông qua “các đặc vụ gây ảnh hưởng”, ông Wallace viết cho tờ Canberra Times.
“Một số đặc vụ là ‘công dân kép’ của Trung Quốc và Úc. Mục tiêu của họ là hối lộ, mua chuộc các cựu chính trị gia và đương nhiệm để ủng hộ cho những lợi ích của Trung Quốc, đôi khi gây thiệt hại cho Australia”, ông Wallace viết.
Duy Minh