Nguyễn Nhân Trí
Sự thật là gì?
Sự thật (có khi còn gọi là “chân lý”) nói chung là những gì được một người, hay nhóm người, cho là “tuyệt đối đúng”.
Ai cũng muốn tìm thấy, và đạt đến, sự thật. Sự thật do đó vô cùng quan trọng và quý báu. Tuy vậy, có câu nói “Sự thật sẽ giải thoát bạn, nhưng trước khi đó nó sẽ làm bạn vô cùng khổ sở!”
Để thử tìm hiểu sự thật là gì, tôi xin mời bạn nghĩ đến một điều gì đó mà bạn tin là chắc chắn và tuyệt đối đúng. Suy nghĩ kỹ rồi giữ ý nghĩ ấy ở đó.
Thật ra khi đứng trước câu hỏi nầy, nhiều người sẽ lúng túng trước khi họ có thể trả lời. Và có lẽ họ càng lúng túng hơn khi họ chợt nhận thấy họ đang lúng túng trước một câu hỏi có vẻ giản dị như vậy. Có người trả lời “Tôi tin chắc chắn là tôi đang đứng đây trò chuyện với anh.” Có người trả lời “Tôi tin chắc chắn tôi là một con người và tôi đang sống.” Có người ngước mặt nhìn trời, “Tôi tin tuyệt đối có Thiên Chúa trên cao.” Có người lãng mạn hơn, “Tôi tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu, nhất là tình yêu giữa hai chúng tôi”, cô ấy chỉ vào một anh chàng đang đứng bên cạnh.
Chân lý là nền tảng của phương cách sống của mỗi người. Dù có nhận biết điều nầy hay không, chúng ta ai cũng có những cái nhìn rất khẳng định về một số khía cạnh của đời sống. Chúng ta dựa tất cả mọi thứ trong cuộc sống chúng ta lên những cái nhìn đó. Chúng ta cảm thấy an tâm vì chúng ta có những nền tảng đó để làm khuôn khổ căn bản cho mọi điều hành cá nhân của chúng ta. Và chúng ta sẽ đứng lên bảo vệ những nền tảng đó nếu có ai xúc phạm đến chúng.
Tuy nhiên, sự thật có thể rất khó xác định. Thay vì là những núi đá sừng sững bất di bất dịch, quan niệm sống chúng ta thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh. Cái nhìn của chúng ta chỉ là một dòng sông liên tục bồi, lỡ, đầy, cạn không ngừng. Kinh nghiệm sống và những bằng chứng mới tiếp nhận tuy có khi củng cố các niềm tin sẵn có của chúng ta nhưng cũng nhiều khi phá nát tan những thành trì mà chúng ta đã từng tưởng là bất khả xâm phạm. Vì thế có nhiều khi, những chân lý cột trụ trong suốt cuộc đời của chúng ta đến một lúc nào đó có thể đột nhiên hoàn toàn sụp đổ.
Và cũng có những khi chúng ta trực diện với chân lý của người khác. Có những chân lý khác biệt, ngay cả hoàn toàn đối nghịch, với chân lý của chúng ta. Thế thì chân lý nào đúng? Của chúng ta hay của những người đó? Và những người đó có chắc chắn tin vào các chân lý của họ giống như chúng ta chắc chắn tin vào các chân lý của chúng ta không?
Thế thì làm sao chúng ta tuyệt đối biết được rằng chân lý của chúng ta đúng?
Có lẽ chúng ta cần xét đến vấn đề nầy từ góc cạnh triết lý. Xưa nay, các triết gia vẫn thường dành một phần lớn thời giờ để khảo nghiệm về cái mà chúng ta gọi là chân lý hay sự thật, cũng như về khả năng của chúng ta trong việc nhận hiểu chân lý hay sự thật đó.
Một triết gia Pháp đã đẩy vấn đề khảo nghiệm sự thật nầy đến mức độ tột cùng. Đó là René Descartes ở đầu thế kỷ 17. Descartes muốn tìm ra một gốc ngọn của mọi sự thật, một cái gì đó mà chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối là đúng. Để đạt đến mục tiêu nầy, ông đưa ra một phương pháp khảo nghiệm sự thật dựa vào nghi vấn. Nguyên tắc của phương pháp nầy là nghi vấn tất cả và bất cứ thứ gì có thể nghi vấn được. Phương pháp nầy ngày nay gọi là phương pháp Descartes.
Descartes khởi đầu bằng câu hỏi “Chúng ta có thể tin tưởng tuyệt đối vào những cảm nhận về cái thế giới chung quanh chúng ta không?” Nói cách khác, ông hỏi “Chúng ta có thể tin tưởng vào cảm quan của chúng ta không?”
Khi bắt đầu đặt nghi vấn về tất cả mọi sự vật chung quanh, càng lúc Descartes càng nhận thấy ông không thể nào tìm ra một thứ gì mà ông hoàn toàn không thể nghi vấn gì cả. Ông không thể tin tưởng tuyệt đối vào những kiến thức thu thập được từ xưa nay. Trong lịch sử đã có biết bao nhiêu kiến thức tưởng như hoàn toàn và tuyệt đối đã bị thay thế bởi những kiến thức trái biệt khác? Trong đời mỗi người đã có bao nhiêu lần những ý tưởng, quan niệm thay đổi liên tục với thời gian? Và không có gì bảo đảm được những kiến thức nhân loại và ý niệm cá nhân hiện tại sẽ không tiếp tục thay đổi nữa.
Descartes cũng thấy ông không thể tin tưởng tuyệt đối vào những gì ngũ quan cho phép ông cảm nhận. Thí dụ như ông đang ngồi trong thư viện nhưng ông không thể nào quả quyết được ông có thật sự đang ngồi đó hay không. Đó là vì, ông giải thích, có những khi chúng ta nằm mơ, chúng ta “thấy” rõ ràng chúng ta đang ở đâu đó, đang làm việc gì đó nhưng thật ra chúng ta đang nằm ngủ, và chúng ta chỉ nhận biết đó là giấc mơ sau khi chúng ta đã tỉnh dậy. Vì thế nên ngay khi ngũ quan ông cho ông biết ông đang ở thư viện nhưng làm sao ông biết ông không chỉ đang nằm mơ? Từ đó, tất cả các cảm xúc buồn vui, thương ghét, nóng lạnh, đau đớn, sung sướng của mỗi cá nhân đều nằm trong phạm trù có thể ngờ vực cả.
Descartes còn đặt nghi vấn về sự hiện hữu của thượng đế. Ông lý luận rằng biết đâu có một siêu quỷ vương đầy ma thuật thượng thừa muốn bóp méo mọi cảm nhận của con người về thế giới thật sự chung quanh họ? Nếu việc đó xảy ra thì tất cả những gì con người cảm nhận đều chỉ là ảo giác của ma thuật và hoàn toàn không đúng với sự thật.
Vấn đề là không ai, kể cả Descartes, có thể chứng minh rằng quỷ vương trên không hiện hữu. Và như thế thì tất cả mọi thứ, mọi sự vật, mọi sự việc trong đời chúng ta đều có thể bị nghi vấn.
Năm 1999 có một phim tựa đề “The Matrix”.
Nhân vật chính trong phim, Neo, một ngày nọ khám phá rằng tất cả mọi thứ anh biết trên đời đều là giả tạo. Thay vì là một chuyên viên điện toán làm việc trong thành phố, thực tế anh chỉ là một thể xác nằm ngâm trong hóa chất dinh dưỡng được gắn dính vào một máy siêu điện toán và máy nầy liên tục nạp những tín hiệu vào não bộ của anh để tạo ra ảo giác về cái thế giới chung quanh anh. Tất cả những trải nghiệm, kiến thức, khái niệm từ xưa đến nay trong suốt cuộc đời Neo về bản thân anh, về mọi người, về thế giới chung quanh anh đều là những ảo giác giả tạo được sản xuất bằng máy siêu điện toán đó.
Có lẽ một số không ít người sau khi xem phim The Matrix rồi sẽ ngẫm nghĩ “Nếu tất cả mọi thứ chung quanh tôi hiện giờ cũng là ảo giác thì làm sao tôi có thể biết được?” Cũng không khác gì Descartes đã từng suy nghiệm với nghi vấn về siêu quỷ vương của ông ấy.
Có nghĩa là, giống như nhân vật Neo trong The Matrix, với ngũ quan và nhận thức của chúng ta, không ai có đủ phương tiện để có thể quả quyết chắc chắn chúng ta hiện không đang nằm trong một dạng máy siêu điện toán. Hoặc chúng ta hiện không đang nằm dưới ma thuật của siêu quỷ vương của Descartes. Hoặc chúng ta đang nằm mơ. Không ai có thể khẳng định 100% điều đó.
Và nếu thế thì câu hỏi chúng ta cần tự hỏi là “Có sự việc gì trên đời chúng ta có thể khẳng định 100% không?” Theo Descartes thì có. Theo ông, một điều mà ông có thể khẳng định 100% được là sự kiện ông đang nghi vấn về mọi sự vật khác. Nói cách khác, sự nghi vấn đó là một dạng trải nghiệm, kiến thức, khái niệm đặc biệt. Sự nghi vấn đó hiện hữu, bất kể tất cả mọi sự vật khác có hiện hữu hay không. Và do đó người nghi vấn ấy cũng hiện hữu.
Từ đó, câu nói nổi tiếng của Descartes: “Tôi suy nghĩ, do đó tôi hiện hữu” (“Cogito ergo sum”).
Vấn đề là, tư duy “nghi vấn tất cả mọi thứ” đó của Descartes mang đến một bất lợi lớn. Tư duy nầy đặt tất cả trải nghiệm, kiến thức, khái niệm của mỗi cá nhân, và của toàn thể nhân loại, vào trạng thái nghi vấn. Kể cả sự hiện hữu vật chất của mọi sự vật và mọi sinh vật, kể cả con người, khác chung quanh. Có nghĩa là tất cả và tất cả mọi thứ đều không có giá trị gì cả ngoại trừ sự nghi vấn trong tâm thức của chính mình.
Đây cũng là nền tảng của chủ thuyết triết lý gọi là “duy ngã” (solipsm). Chủ thuyết duy ngã thành hình vì quả thật là hầu như nếu lấy bất kỳ kiến thức, niềm tin, khái niệm nào ra để phân tích cặn kẽ đầy đủ thì chúng đều có những lỗ hổng không toàn vẹn. Tuy nhiên chủ thuyết duy ngã một cách cực đoan có thể đưa người ta vào một vi thế tự cô lập ở mức độ tuyệt đối. Và đây cũng là một vị thế đầy khủng hoảng và cô đơn. Đi theo chủ nghĩa duy ngã cực đoan có nghĩa là không có gì để tin, không có gì để dựa vào để sống, để có một sự ổn định và bình an tâm thần cả. Dĩ nhiên đây không phải là một quan niệm hữu ích để sống, hay để sống còn, trong thế giới nầy.
Có một cách để giải quyết việc nầy. Đó là đừng, và không cần phải, tin hay không tin bất cứ điều gì một cách tuyệt đối cả. Nói một cách khác, chúng ta có thể cùng một lúc tin vào hai sự việc khác biệt nhau, tuy nhiên ở hai mức độ tin khác nhau.
Thí dụ bạn có thể tin rằng bạn đang ngồi xem phim trong một rạp hát (vì bạn cảm nhận mình đang ngồi trong một rạp hát xem phim). Đồng thời bạn cũng có thể tin rằng trời đang mưa bên ngoài (vì trước khi bạn bước vào bên trong rạp hát thì trời đã đang mưa và có vẻ như sẽ còn tiếp tục mưa rất lâu). Hai chuyện nầy hoàn toàn khác biệt nhau và không liên quan đến nhau. Và dĩ nhiên là bạn có thể, và nên, tin ở sự việc thứ nhất (đang ngồi xem phim trong rạp hát) nhiều hơn so với sự việc thứ hai (trời đang mưa bên ngoài) dựa vào suy luận của bạn.
Nói cách khác, bạn có thể gán một mức độ tin vào mọi thứ bạn tin. Hay một dạng xác suất đáng tin. Thí dụ như những thứ bạn nghĩ rất khó có thể xảy ra sẽ được gán cho xác suất đáng tin 1% hay 2% hay 3%, trong khi những thứ bạn nghĩ rất có thể xảy ra sẽ được cho xác suất đáng tin 95% hay cả đến 99%. Hai cực điểm là 0% (tuyệt đối chắc chắn không thể xảy ra) và 100% (tuyệt đối chắc chắn xảy ra) không nên dùng đến vì lý do sẽ nói đến ở phần sau của bài viết nầy.
Còn khi đứng trước một niềm tin khác biệt và đối nghịch với niềm tin của chúng ta thì sao? Việc nầy xảy ra thường xuyên hàng ngày. Chúng ta bất đồng ý kiến về cách nấu một món ăn, về cách dạy con cái, về chủ trương bảo vệ môi trường, về chính sách tị nạn và di dân, về tổ chức kinh tế, quan điểm chính trị, tín điều tôn giáo, v.v.
Lấy thí dụ như khi thảo luận với một người khác về chính sách tị nạn và di dân chẳng hạn; nếu người đó và bạn cùng đều có những tin tức và dữ kiện giống nhau, cùng có một trình độ học thức và kinh nghiệm xã hội tương đương với nhau; thế nhưng người đó và bạn đi đến hai nhận xét và quan điểm khác biệt và đối nghịch nhau. Trong trường hợp nầy, bạn có thể gạt bỏ quan điểm của người đó qua một bên để cho rằng chỉ có quan điểm của bạn là đúng. Hoặc bạn cũng có thể dẹp quan điểm của mình đi để chạy theo quan điểm của người đó. Tuy nhiên thống kê cho thấy phần đông chúng ta có khuynh hướng dung hòa giữa hai niềm tin khác biệt và đối nghịch nhau để đi đến một quan điểm mới nằm khoảng giữa. Nói cách khác, ở đây nhiều người chúng ta trở thành một dạng “bất khả tri” (agnostic) về vấn đề tị nạn và di dân.
Khuynh hướng sẵn sàng trở thành bất khả tri trong những trường hợp nầy dẫn đến việc chúng ta dễ trở thành “ba phải”. Chúng ta dễ trở thành một người khi đứng trước những quan điểm khác biệt và đối nghịch với mình về các vấn đề gia đình, đạo đức, xã hội, kinh tế, chính trị, tôn giáo (nói cách khác, mọi khía cạnh quan trọng trong đời sống) thì sẽ nhún vai lắc đầu “Tôi không biết, tôi không có ý kiến, tôi thấy cái nào cũng đúng, tôi không biết cái nào đúng hơn…”
Dĩ nhiên là có những trường hợp mà kết luận “tôi thấy cái nào cũng đúng” trên là kết luận thích đáng duy nhất chúng ta có thể, và phải, chấp nhận. Tuy vậy, không phải tất cả mọi hoàn cảnh, mọi trường hợp đều là như vậy.
Nếu như trong những trường hợp chúng ta có các dữ kiện chính xác và lý luận khách quan vững chắc đã được thực tế kiểm chứng nhiều lần thì sao? Nếu vậy thì tại sao chỉ vì có sự bất đồng ý kiến với một người khác, và nhất là nếu người nầy có vẻ như ở một vị thế kiến thức tương đương với chúng ta, thì chúng ta cảm thấy cần phải dung hòa hai quan điểm khác biệt và đối nghịch với nhau. Khi làm việc nầy, chúng ta vô tình hạ cấp những dữ kiện chính xác và lý luận khách quan vững chắc lúc đầu của mình xuống một cách không cần thiết và vô lý.
Và nếu như vậy thì chúng ta cần phải làm gì?
Như đã nói ở trên, con người ai cũng muốn có những nền tảng tình thần như lề thói xã hội, đạo đức, kiến thức, v.v. để dựa vào làm khuôn khổ căn bản cho mọi điều hành cá nhân của mình. Thái cực ngờ vực mọi thứ theo phương pháp Descartes dẫn đến một nỗi bất an vì chúng ta sẽ trở thành cô lập và không còn có nền tảng gì để dựa vào cả. Trái lại, áp dụng cái nhìn bất khả tri lên mọi thảo luận sẽ làm chúng ta trở thành lang thang không định hướng một cách nhu nhược.
Chúng ta cũng không muốn trở thành bảo thủ luôn luôn khăng khăng giữ vững những quan điểm, những niềm tin của mình ngay cả khi có các dữ kiện, các bằng chứng có vẻ ảnh hưởng đến những quan điểm, những niềm tin đó. Chúng ta cần phải khiêm nhường về giá trị của quan điểm của mình và chủ tâm mở rộng tầm nhìn của mình để khảo xét khách quan về quan điểm của người khác.
Thực hiện được điều trên thật ra không dễ dàng chút nào hết, nhất là khi chúng ta đã rất tự tin vào quan điểm của mình qua một thời gian lâu dài. Do đó chúng ta cần phải thường xuyên tạo điều kiện để tự nhắc nhở mình về việc nầy.
Muốn làm chuyện nầy, chúng ta phải tránh đặt giá trị tuyệt đối lên mọi quan điểm và mọi niềm tin của mình. Bất cứ chúng dựa trên bất cứ nền tảng nào qua một thời gian bao lâu. Chúng ta cần phải tự tin vào nhận xét và lý luận của mình nhưng đồng thời không nên quả quyết rằng những quan điểm và niềm tin của chúng ta sẽ hoàn toàn và luôn luôn đúng. Đây là cách dành ra lối thoát cho chính chúng ta khi có những dữ kiện và bằng chứng mới có thể làm thay đổi những quan điểm và niềm tin nầy.
Ngoài những thói quen tốt như khiêm nhường và sẵn sàng khảo nghiệm những quan điểm khác biệt vừa nói, chúng ta cũng cần tập cho mình thói quen kiểm chứng với nhiều nguồn độc lập khác nhau trước khi đi đến kết luận. Với phương tiện internet ngày nay, việc kiểm chứng về bất cứ sự kiện gì có thể đạt được rất nhanh chóng và dễ dàng, nhưng đồng thời cũng có thể rất nguy hiểm nếu sử dụng những nguồn kiểm chứng không độc lập với nhau. Rất nhiều tài liệu khi thoáng nhìn qua có thể nghĩ rằng chúng đã được trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên nếu tìm đến từng nguồn ấy và kiểm nghiệm cẩn thận thì có khi tất cả những nguồn có vẻ rất độc lập trên đều chỉ là “con cháu” xuất phát qua nhiều thế hệ từ một nguồn chính duy nhất nào đó. Trong trường hợp nầy các nguồn đó không phải độc lập. Kết luận dựa trên các nguồn nầy chỉ là kết luận một chiều dựa trên một tài liệu nguồn từ một quan điểm của một tác giả mà thôi.
Khi biên soạn về một đề tài, chúng ta cũng cần tập thói quen chủ tâm tìm đọc những tài liệu của những tác giả mà chúng ta tiên đoán sẽ có những lập luận và kết luận đối ngược với lập luận và kết luận của chúng ta. Làm điều nầy sẽ mở rộng tầm nhìn của chúng ta hơn là chỉ luôn luôn tìm đọc những tài liệu hay thảo luận với những tác giả đồng ý với quan điểm với chúng ta.
Có tìm hiểu về những quan điểm khác biệt và thảo luận với những tác giả đối nghịch thì chúng ta mới có cơ hội nhìn thấy những cái đúng của họ và, quan trọng hơn nữa, những cái sai của mình. Những cái đúng của họ sẽ sửa đổi những cái sai tương ứng của chúng ta. Ngay cả những cái sai của họ cũng ích lợi vì chúng cũng thường giúp chúng ta nhìn thấy và tránh rơi vào những cái sai tương tự trong chính chúng ta.
Hơn nữa, tìm đọc những gì khác biệt với quan điểm của mình thường thú vị hơn nhiều so với lúc nào cũng tìm đọc những gì mình đã biết, đã hiểu, đã đồng ý.
Trong phim “The Matrix”, Neo được một nhân vật bí hiểm tên Morpheus giải thích cho biết mọi thứ trong đời anh đều là giả tạo. Morpheus sau đó đưa ra hai viên thuốc, một viên màu xanh một viên màu đỏ, và mời Neo lựa uống một trong hai. Nếu uống viên thuốc màu xanh thì Neo sẽ thức dậy và tiếp tục sống trong thế giới ảo giác như từ trước đến giờ, tiếp tục tin vào những gì cái máy siêu điện toán muốn anh ta tin. Đây là một lối thoát và một cách hiện hữu dễ dàng, nhẹ nhàng và an toàn nhất. Còn nếu uống viên thuốc màu đỏ thì Neo sẽ ở lại với Morpheus trong một thế giới thực sự nằm ngoài vòng kềm tỏa của máy siêu điện toán. Tuy lựa chọn nầy cho phép Neo một đời sống thực sự và tự chủ nhưng đồng thời nó cũng sẽ đầy gian khổ và nguy hiểm. Và một khi đã uống rồi, hoặc viên thuốc màu xanh hoặc màu đỏ, thì không bao giờ có thể đổi ý được nữa. Morpheus nói: “Nên nhớ, ở đây tôi chỉ mời tặng anh sự thật. Có vậy thôi”.
Neo chọn viên thuốc màu đỏ. Có những người sẽ chọn viên thuốc màu xanh, vứt bỏ những nhận xét và suy luận cá nhân để thả xuôi dòng theo một đời sống dễ dàng, nhẹ nhàng và an toàn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta thật sự không thể nào phân biệt được mình hiện đang sống trong một thế giới ảo tưởng của máy siêu điện toán hay không (vì như đã cho thấy ở trên, không ai trong chúng ta có khả năng phủ nhận hay xác nhận được điều đó) thì có khác biệt gì giữa việc lựa chọn viên thuốc màu xanh hay màu đỏ?
Có những người sẽ cho rằng khác biệt rất lớn. Có những người sẽ cho rằng khác biệt không đáng kể, ở những mức độ khác nhau.
Thực tế thật ra không chỉ giản dị như vậy. Đó là vì đời sống có nhiều phạm trù khác nhau: kiến thức, chính trị, doanh thương, đạo đức, tín ngưỡng, trách nhiệm, tình cảm, giao tế, xã hội, gia đình, v.v. và v.v. Trong mỗi phạm trù sẽ có hai viên thuốc hoặc xanh hoặc đỏ để chúng ta lựa chọn. Vì vậy trong đời sống hàng ngày chúng ta sẽ gặp gỡ nhiều Morpheus khác nhau. Mỗi Morpheus có những viên thuốc xanh và đỏ của riêng họ để mời tặng chúng ta. Vì thế trong thực tế có muôn vạn những viên thuốc xanh và đỏ khác nhau để chúng ta lựa chọn. Và chúng ta không phải chỉ chọn lựa một lần trong đời mà thôi; chúng ta còn phải thường xuyên làm điều nầy mỗi khi đứng trước những vấn đề quan trọng khác nhau.
Cộng thêm vào đó, trong mỗi phạm trù sẽ có một số người cùng lựa chọn một viên thuốc giống nhau, và những người nầy sẽ tạo thành một tập thể chung. Có vô số tập thể như vậy, bên trong mỗi tập thể sẽ có một sự thật giống nhau, hay ít nhất là tương tự nhau, nhất. Và những tập thể càng to lớn, giàu mạnh thì những sự thật của họ càng được xem là “thật” hơn.
Nhiều khi trong thực tế cũng không hề có Morpheus nào đưa ra sẵn hai viên thuốc xanh và đỏ để chúng ta lựa chọn. Có những lúc chính chúng ta phải tự nhìn thấy có một sự lựa chọn trước khi có thể suy nghĩ đến việc lựa chọn cái nào.
Thế thì khi việc nầy xảy ra cho bạn, hoặc vì có một Morpheus mời tặng hoặc vì bạn tự nhìn thấy có hai viên thuốc xanh và đỏ thì bạn sẽ chọn viên thuốc màu nào?
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét