Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 13 tháng 12, 2017

Sẽ chấm dứt sự độc đoán trong nhà trường và giáo dục sẽ khởi sắc:

Nếu giải tán phòng giáo dục hãy cho giáo viên trực tiếp bầu hiệu trưởng


>> Thật buồn cho khí chất kẻ sĩ thời nay!
>> Bác Minh Mẫn rất… “minh mẫn”. Đáng phục thay!
>> Việt Nam dạy nhân quyền từ mẫu giáo đến đại học


Nguyễn Thiêm
(Dân Việt) Nếu các trường có thể tự chủ hoạt động, cấp sở có thể “với dài tay” quản lý chuyên môn theo đề xuất của thầy giáo Bùi Nam thì việc xóa sổ hoàn toàn các phòng giáo dục có vẻ hợp lý.

Câu chuyện về thầy giáo Bùi Nam đưa ra đề xuất giải tán tất cả các phòng giáo dục đào tạo cấp quận, huyện nhằm tinh giản biên chế đang gây nhiều chú ý trong ngành giáo dục cả nước.

Đưa kiến nghị của mình lên báo chí, thầy giáo Bùi Nam cho rằng, để thực hiện mục tiêu Nghị quyết 19 của Hội nghị Ban Chấp Hành Trung ương là giảm 10% biên chế trong sự nghiệp công lập trong đó có ngành giáo dục, bên cạnh việc giảm các chức danh kế toán, y tế học đường, lái xe, bảo vệ, nhân viên phục vụ thì một nhóm đối tượng khác cũng cần được giảm đó là các... phòng giáo dục.

Thầy Bùi Nam phân tích: Hiện, lực lượng cán bộ quản lý chỉ tính riêng từ mầm non đến THPT (bao gồm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và cán bộ Phòng/ Sở GD) trên giáo viên đứng lớp là khá lớn: Mầm non là 35.833/132.294 viên chức (chiếm 27,08%), tiểu học 35.010/363.249 (chiếm tỉ lệ 9,64%), THCS là 24.627/207.085 (chiếm 11,9%), THPT là 8.351/119.826 (chiếm gần 7%). 

Tính chung trên cả nước cán bộ quản lý từ mầm non đến THPT là 103.821/ 822.454 viên chức (chiếm 12,6%). Con số này chưa kể đến lực lượng viên chức tăng cường về thực hiện nhiệm vụ tại Sở/Phòng GD nhưng vẫn nhận lương tại các trường.

Thầy Nam cho rằng đó là con số quá lớn và cồng kềnh, nó làm tăng thêm sự ngột ngạt cho bức tranh biên chế đang ngày càng phình to. 

Cả nước có 698 đơn vị hành chính cấp huyện, mỗi phòng có trên dưới 10 người, nếu tinh giản hoặc điều chuyển thì mục tiêu 10% sẽ không thành vấn đề.

Từ những dẫn chứng đó, thầy giáo Nam đề xuất nên xóa bỏ các phòng GD ĐT, thay vào đó tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho hiệu trưởng các trường. 

Hiệu trưởng sẽ được tự chủ về chuyên môn, tài chính và các quyết định khác... việc tổ chức thi cử trường sẽ trực tiếp “nhận lệnh” từ Sở GD ĐT.

Theo thầy Nam, nên gom về một đầu mỗi xã chỉ nên duy trì 1 trường mầm non - 1 tiểu học - 1 trung học chịu sự quản lý chung của một hiệu trưởng. 

Như vậy, tại mỗi địa điểm cấp xã sẽ giảm được ít nhất 2 hiệu trưởng, 3 hiệu phó, cả nước có 10.732 đơn vị hành chính cấp xã, số lượng tinh giản được sẽ là rất lớn.

Ngay sau khi kiến nghị này được đăng tải, cộng đồng sư phạm, trong đó có các hiệu trưởng và đặc biệt là các giáo viên như “mở cờ trong bụng” vì có người nói...hộ. 

Điều này hoàn toàn rất dễ lý giải.

Việc quản lý giáo dục qua quá nhiều tầng nấc trung gian đã như “trói chân trói tay” các nhà trường, khiến trường không thể sáng tạo không thể đổi mới. 

Có vị hiệu trưởng than: “Giáo viên biệt phái làm việc ở phòng giáo dục ăn lương của trường cũng tự cho mình cái quyền chỉ đạo xuống trường chứ không nói gì đến cán bộ, công chức của phòng. Vì thế, quyền tự chủ của nhà trường chỉ là hư danh”.

Còn đối với giáo viên thì tôi nghĩ, việc phải chịu đựng “một cổ nhiều... tầng quản lý” bao nhiêu năm nay đã khiến họ quá mệt mỏi. 

Tôi còn nhớ trong một chuyến công tác vùng cao trước ngày khai giảng, trò chuyện với một giáo viên cắm bản là một cô giáo rất trẻ, cô giáo này không kìm được nước mắt khi kể về những học trò của mình không đủ no, áo không đủ ấm. 

Cô nói, cô chỉ ước các em học sinh có một lễ khai giảng đúng nghĩa, điểm trường của cô xa quá, các em không về trường chính để dự lễ khai giảng năm học mới được. Các cô phải góp tiền mua ít kẹo để các em liên hoan cho có... không khí.

Ngay khi câu chuyện của cô được đăng tải trên báo, cô giáo trẻ gọi điện cho tôi khóc thút thít: “Phòng giáo dục đọc được họ gọi điện về trách móc, kiểm điểm là tại sao lại “than nghèo kể khổ” ảnh hưởng đến thành tích của trường, của phòng, của sở như vậy...”. Nghe cô nói mà miệng tôi đắng ngắt.

Nói vậy để thấy rằng, nếu như trường có thể tự chủ hoạt động, sở có thể “với dài tay” quản lý chuyên môn theo đề xuất của thầy Bùi Nam thì việc xóa sổ hoàn toàn các phòng giáo dục có vẻ khá hợp lý. 

Tuy nhiên, điều này nhất thiết phải đi kèm với việc trao quyền quyết định, bầu trực tiếp hiệu trưởng, hiệu phó các trường cho chính giáo viên của trường đó.

Nếu không làm được điều này, thì đối với giáo viên mà nói, đề xuất xóa sổ phòng giáo dục chẳng khác nào “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. 

Bởi lẽ, tại nhiều nơi, hiện nay hiệu trưởng các trường đã được ví như “ông trời con”, nắm trong tay “quyền sinh, quyền sát” khá lớn đối với giáo viên, nay lại được nới rộng thêm quyền liệu có ổn?

Khi đó, việc điều hành, quản lý có xảy ra tình trạng độc đoán, chuyên quyền, bè phái, nhũng nhiễu làm khổ giáo viên thì liệu rằng Bộ, Sở có kịp thời nắm bắt và can thiệp?

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: