Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

những nhà văn đích thực đếm được trên đầu ngón của một bàn tay


 
♦ Chuyển ngữ: 


clip_image001
Tranh Antoine Moreau-Dusault
Thời hoàng kim của tiểu thuyết, là thời kỳ nào? Thế kỷ 18 với Sterne, Diderot, Sade, Laclos… hay vào đầu thế kỷ 19 với Balzac và Stendhal? Hoặc cuối thế kỷ 19 khi Flaubert và Dostoïevski tung hoành? Hay giữa hai thế chiến với Proust, Kafka, Joyce? Guy Scarpetta, phê bình gia gạo cội của Le Monde Diplomatique, trả lời: Chính là hôm nay! Để chứng minh, Scarpetta cho xuất bản L’Âge d’Or du Roman/ The Golden Age of Novels/ Thời Hoàng kim của Tiểu thuyết vào năm 96, với các tên tuổi Salman Rushdie, Mario Vargas Llosa, Alain Robbe-Grillet, Claude Simon, Daniko Kis, Kenzaburô Oé, Juan Goytisolo, Thomas Bernhard, Carlos Fuentes…
Chưa đầy một thập niên sau, văn học Pháp rơi vào khủng hoảng. Chưa khi nào phẩm chất của nghệ thuật tiểu thuyết sa sút như lúc này. Là báo động của Richard Millet và Jean-Marc Roberts. Đã nhiều thập niên truyện dài tràn ngập thị trường với lượng in kinh hoàng: 581 tiểu thuyết chỉ cho riêng vụ sách mùa Thu 2017, tăng so với 560 tiểu thuyết cùng kỳ 2016, chưa tính sản lượng in trong năm. Vì đâu? Tại Sao? Là trao đổi giữa Richard Millet, nguyên thành viên trong ban giám định của nhà Gallimard và nguyên chánh chủ khảo giải văn chương toàn quốc Goncourt 2006, với Jean-Marc Roberts, giám đốc nhà xuất bản Stock. Ký giả Paul-François Paoli, phụ trách trang văn học của nhật trình Le Figaro, ghi lại đối thoại này. [Trần Vũ]
oOo

LE FIGARO LITTÉRAIRE – Sau thời trang Cấu Trúc luận và Tân Tiểu thuyết, có phải thể Tự truyện đang giết chết văn học Pháp? Một số nhà văn yêu cầu tái lập dòng văn chương “dấn thân” trong xã hội…
Richard MILLET.  Không một trào lưu nào mang trách nhiệm làm nghèo nàn văn chương. Đã có những kiệt tác từ dòng văn chương Hư vô (nihiliste), Hình thức (formaliste) và thậm chí từ phái Tự Chiêm ngưỡng (nombriliste). Tự truyện không phải là thứ tôi ưa thích, nhưng Christine Angot biết cách gây mê bằng ý chí nói lên mọi thứ từ một sự kiện không đáng kể. Mặt khác, Đi Tìm Thời Gian Đánh Mất của Proust và Hành Trình Đến Cuối Đêm của Céline, theo cách riêng của họ, là những tự truyện kỳ vĩ. Điều làm nên một nhà văn, là biết phát minh ra một ngôn ngữ, với một ngữ điệu riêng. Đó mới chính là sức mạnh của nhà văn, chứ không phải sự nhạy bén chính trị hoặc thể văn sử dụng làm nên tác phẩm. Theo tôi, Barbey d’Aurevilly, Villiers de l’Isle-Adam vượt xa Émile Zola hoặc Victor Hugo dấn thân.
clip_image003Jean-Marc ROBERTS.  Đã ba mươi bốn năm nay tôi làm việc trong lĩnh vực xuất bản và nghe thiên hạ tuyên bố tiểu thuyết Pháp đã chết. Đó là một trong những loại tin mà các ký giả ưa thích dùng lấp khoảng trống những khi ít sự kiện. Thủ phạm, là thể Tự truyện. Từ này không mang nhiều ý nghĩa. Tuy, đúng là dễ dàng hơn khi viết về cuộc đời mình thay vì sáng tạo ra đời sống của những kẻ khác. Nhưng tài năng và thiên tài không tùy vào thể loại hay giới tính. Văn chương hay không văn chương là vấn đề của âm thanh, của ngôn ngữ, trên nền nhạc của chữ. Nhà xuất bản Stock của chúng tôi đã in các tác giả vô cùng tương phản như Philippe Claudel, Nina Bouraoui hoặc Christine Angot, thể Tự truyện không là tiêu chí. Còn luận đề của François Bégaudeau, cổ vũ các nhà văn phải dấn thân, mang mùi trung học. Bégaudeau là một học sinh trung học chậm lớn phát ngôn bừa bãi, bàn về mọi thứ với đầy mâu thuẫn. Mà thật sự sách tồi chính là sách chứa ý đồ. Một cuốn tiểu thuyết hay — không cho giải đáp nào mà chỉ nêu lên những câu hỏi mới.
Richard MILLET. – Các ký giả gánh trách nhiệm rất lớn trong việc tạo ra nhập nhằng bằng cách đổ thừa cho thể loại. Vì sao không “thanh toán tác phẩm bằng văn bản có luận cứ”, như cách nói xa xưa? Vì sao các nhà phê bình vắng mặt? Hãy trích dẫn cho tôi một bài báo đánh giá quyển sách sau cùng của Justine Lévy hay của Anna Gavalda là tầm thường. Ai sẽ dám viết tiểu thuyết của Le Clézio (Nobel 2008) hoặc Kundera là kém cỏi?
Jean-Marc ROBERTS.  Ngoại trừ cuốn Không Gì Nghiêm Trọng (Rien de Grave/ Nothing Serious) của Justine Lévy, (Stock xuất bản) mà theo nhận xét ​​của tôi là một cuốn tiểu thuyết hay — mà nếu ký tên một tác giả Anh-Mỹ-Úc, công chúng sẽ xem là tuyệt tác — còn lại tôi đồng ý với chẩn đoán: Phê bình không làm tròn bổn phận, họ đốt lò hương và thắp nhang quá nhanh; ca ngợi tức thì khiến chúng ta không còn thấy thứ gì đâm chồi, trừ phi có một hiện tượng như Houellebecq hay Jonathan Littell xuất hiện. Richard Millet, năm vừa qua ông chỉ trích là có quá nhiều tiểu thuyết tồi trong vụ sách mùa Thu. Đến tháng Giêng thêm hàng trăm tiểu thuyết xuất bản. Ông nghĩ là quá tải?
Richard MILLET. – Điều tôi khuyến cáo không phải là khối lượng sách, nhưng sự vắng mặt của phân loại thứ bậc giữa các tác phẩm. Nhà văn, là kẻ có vũ trụ quan, không phải một tay “đánh quả” để có tấm ảnh chân dung in trên bìa sách. Chức năng của tiểu thuyết không nhằm làm phương tiện thăng tiến danh vọng xã hội. Tuy nhiên, tôi thừa nhận là hiện tượng ấy đã luôn xảy ra. Ở thế kỷ 19, thiên hạ làm thơ, lúc này ký tặng tiểu thuyết. Nhưng không nên tự mắc lừa, vì sau cùng những nhà văn đích thực chỉ đếm được trên đầu ngón của một bàn tay.
Jean-Marc ROBERTS.  Tôi thích có 600 tiểu thuyết vào mùa sách hơn là 35 quyển. Nhưng ngay cả với nhãn quan này, một tư khảo về tình hình hiện tại là cần thiết. Đang có quá nhiều nhà xuất bản, quá nhiều những nhà làm sách tân trào không chú trọng phẩm chất. Kể từ lúc giải văn chương toàn quốc Goncourt trao một cách nhiệm mầu cho Jean Rouaud, chỉ là người đứng bán ngoài xạp báo đầu đường, những tay không biết gì hết liền sản xuất ra hàng loạt tiểu thuyết với kỳ vọng trúng số độc đắc. Tôi chưa nói đến cách tuyển, định phẩm của các chánh chủ khảo trao giải sau thăm dò dư luận đã chọn gì….
Richard MILLET. – Tiểu thuyết đương đại đang trong tình trạng khủng hoảng, có lẽ tương tự thi ca vào thế kỷ thứ 18. Tôi không nhìn thấy bật lên kiệt tác quan trọng nào lúc này. Chỉ cần ba tiểu thuyết gia xuất sắc cho mỗi thời kỳ là đủ. Nói như vậy, không có nghĩa là Roberts và tôi đã cho in những dòng chữ viết mà chúng tôi thiếu niềm tin.
Jean-Marc ROBERTS.  Tại nhà xuất bản Stock, chúng tôi in những tác giả trẻ mà không thể tiên đoán văn nghiệp của họ. Liệu sau này công chúng sẽ nhắc lại “tác phẩm” của các tác giả ấy? Vô cùng khôn lanh cho những ai biết trước. Tên tuổi Modiano (Nobel 2014) luôn được trích dẫn như một ví dụ cụ thể về những tác giả lớn. Nhưng tiểu thuyết của Modiano có đang lỗi thời hay không? Làm sao không thể không so sánh các nhà văn hôm nay với các đại văn hào thuở xưa? Biến đâu mất những Aragon, Montherlant, Giono từng ngất ngưỡng trên bậc thềm cao nhất của văn học cách đây nửa thế kỷ? Có phải là đang suy tàn?

Richard MILLET. – Tzvetan Todorov viết trong tập tiểu luận Nền Văn Học Đang Nguy Khốn (La Littérature en Péril, Nxb Flammarion, 2007) rằng Văn chương Pháp “duy ngã và độc diễn” (solipsiste), trống rỗng, vô vọng. Là những điều chung chung: Todorov không trích dẫn một tác giả đương đại nào! Thêm nữa, thiên hạ tập trung thái quá vào văn học Pháp, như thể mọi thứ diễn ra khá hơn nơi khác. Họ đánh giá quá cao văn chương Anglo-Saxon đương thời: các đại văn hào kỳ tài Anh-Úc-Gia Nã Đại-Hoa Kỳ là những ai? Hãy kể tên cho chúng tôi biết. Ai sẽ phê là Philip Roth hành văn tồi tệ? Umberto Eco phân định tiêu chuẩn quốc tế cho bộ môn tiểu thuyết: nhưng Umberto Eco là một trí thức lỗi lạc, không phải một tiểu thuyết gia vĩ đại.

Jean-Marc ROBERTS. – Tôi xem Michel Houellebecq là một nhà văn quan trọng. Tác phẩm của Annie Ernaux là tác phẩm tôi gắn bó nhất. François Taillandier có công trình đáng kể, cũng vậy Agota Kristof hoặc Vassilis Alexakis.
Richard MILLET. – Có thể thêm Pascal Quignard, Pierre Bergougnioux, Pierre Michon, Régis Jauffret, Marie N’Diaye và những tác giả khác…

Jean-Marc ROBERTS. – Tôi vẫn lạc quan với bộ môn tiểu thuyết, nhưng bi quan về thời đại phi văn chương chúng ta đang sống. Tệ hại nhất là blog: những kẻ lên blog không những không đọc sách nữa mà họ cũng không còn sinh sống thật sự. Phải cấm blog!

Richard MILLET. – Chúng ta đang sống trong một thế giới mà người ta chấm dứt giáo thụ văn học và lịch sử của chính thế giới ấy; nơi sản phẩm tiêu dùng, hàng hóa thương mãi cực kỳ vô văn hóa, chiếm ưu thế. Tôi biết rõ điều tôi đang nói, bản thân tôi từng là giáo sư. Ông có biết là ở những khu ngoại ô, từ “trí thức” đã trở thành một tiếng chửi thề, một sự xúc phạm. Các trò giải trí, làm biến mất sự nhàn rỗi, đang đe dọa văn chương. Văn học, trong ý nghĩa đầy tham vọng của thuật ngữ này, gây quan tâm cho ba ngàn người trên đất Pháp… Một cách nào đó, sự cô đơn của nghệ sĩ là điều bất biến; đã luôn luôn có gì đó mang chất anh hùng trong việc kiên gan viết văn. Chúng ta hãy nhớ đến dự đoán của Henry James, là người đầu tiên khẳng định rằng văn hóa cho số đông sẽ làm biến mất các nhà văn kỳ tài.
Jean-Marc ROBERTS. – Tôi đồng ý. “Những độc giả uyên thâm”, trước đây gọi là mọt sách, đang tuyệt chủng, đặc biệt ở thế hệ dưới 40 tuổi. Tuy nhiên, tôi nghĩ không nên trầm uất. Sách vẫn hiện diện.
Trần Vũ dịch từ bản Pháp văn « Les vrais écrivains d’aujourd’hui se comptent sur les doigts d’une main » trên trang văn học của nhật trình Le Figaro, số ra ngày 8 tháng 2-2007.

clip_image004
Jean-Marc Roberts và Richard Millet trong buổi đàm đạo.
clip_image006
Tranh Aurélien Diot Publicité

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: