Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Một nhà văn Hà Nội say mê lịch sử


Ai là người Hà Nội? Gần đây, người ta hay đặt ra câu hỏi này. Khái niệm thì vô cùng, chẳng cứ mấy đời gốc gác Hà Nội, chỉ biết có những người mà sau khi gặp xong ta sẽ cam đoan họ chính là người Thăng Long – Hà Nội. Nhà văn Hà Ân là một người như thế! Cũng chẳng phải vì ông đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Người Thăng Long” đầy kỳ công. Mà khi đến nhà ông, chất hào hoa thấm đẫm từ cách bài trí căn phòng vốn nằm trong một biệt thự tây chia năm xẻ bảy không hoành tráng đèn chùm, sa lông đắt tiền, thiết bị điện tử cực xịn mà gọn gàng, tinh tế đến phong thái ăn mặc giản dị mà chỉn chu, cách giao tiếp cực kỳ đôn hậu, chân tình, cẩn trọng lời ăn tiếng nói…


NHỚ BÁC HÀ ÂN

CẨM ANH


1. 
Lần đầu tôi gặp nhà văn Hà Ân vào khoảng đầu những năm 2000. Lúc ấy, ông đã ngoài 70, đã trải qua một lần tai biến, một bên vai đã hơi lệch, có nghĩa là không còn như miêu tả trước đó của mọi người. Nhưng tóc vẫn xoăn bồng bềnh, nét mặt đẹp đôn hậu và đặc biệt là thần thái toát ra vẻ cực kỳ lịch lãm. 
Ông sống ở căn nhà phố Nguyễn Quang Bích, chênh chếch chợ Hàng Da, cách chỗ ở của nhà sử học Lê Văn Lan (phố Nguyễn Văn Tố) vài bước chân. Ông ở trên căn phòng gác 2 sàn lát gỗ, đi từ tầng 1 lên cũng bằng cầu thang gỗ (sau này đọc một cuốn sách khác mới biết có lúc cầu thang đi xuống còn bị nhà tầng 1 không cho đi và ông phải nhờ can thiệp mới có lối đi). Hồi ấy, dân văn chương chữ nghĩa hay tìm đến căn nhà gác 2 trên phố Nguyễn Quang Bích ấy để… xem tử vi. Các nhà báo cũng gặp ông xem tử vi là chính, ít người viết bài về ông, tới mức bây giờ mà tìm lại, thấy rất ít bài viết về nhà văn Hà Ân.
Đến nhà, nói ngày tháng, bác Hà Ân tuổi ngoài 70 mở máy vi tính in ngay lá số và xem... miễn phí. Sau nhiều lần đến thì ông bảo đến đây ông dạy tử vi cho, buổi tối ông vẫn dạy cho một số người. Sau này nhớ lại, không hiểu sao hồi ấy tôi lại có thể hỏi một câu rất vớ vẩn rằng: Thế bác xem tử vi bác có biết trước hạn tai biến của bác không? Ông già rất đôn hậu đã cười trả lời: Có chứ, biết trước vận hạn, thấu hiểu cuộc đời là để bình thản sống!
Hồi ấy, còn quá ít vốn sống để cảm nhận hết được thông điệp ông chia sẻ. Bây giờ nghĩ lại, đặc biệt là qua những khúc quanh của cuộc đời, mới càng ngẫm thấy không phải ông chỉ đọc lá số cho mình quá đúng mà còn thấy qua câu trả lời rất thản nhiên của ông là cả một phương châm sống mà đáng lẽ phải học được, ngay từ ngày ấy.
Năm 2010, ông bị tai biến lần thứ hai, rất nặng, khi đã ở tuổi 82. Được một năm sau ông mất, năm 2011. Lúc nghe tin ông mất, đột nhiên lại nghĩ rằng, chắc ngay cả đoạn này ông cũng đã biết trước và đã chuẩn bị sẵn sàng rồi!

2. 
Ai là người Hà Nội? Gần đây, người ta hay đặt ra câu hỏi này. Khái niệm thì vô cùng, chẳng cứ mấy đời gốc gác Hà Nội, chỉ biết có những người mà sau khi gặp xong ta sẽ cam đoan họ chính là người Thăng Long – Hà Nội. Ông là một người như thế! Cũng chẳng phải vì ông đã viết cuốn tiểu thuyết lịch sử “Người Thăng Long” đầy kỳ công. Mà khi đến nhà ông, chất hào hoa thấm đẫm từ cách bài trí căn phòng vốn nằm trong một biệt thự tây chia năm xẻ bảy không hoành tráng đèn chùm, sa lông đắt tiền, thiết bị điện tử cực xịn mà gọn gàng, tinh tế đến phong thái ăn mặc giản dị mà chỉn chu, cách giao tiếp cực kỳ đôn hậu, chân tình, cẩn trọng lời ăn tiếng nói…
Nhưng quan trọng nhất sự lịch lãm cứ toát ra qua nụ cười hóm hỉnh, sự thông tuệ lịch sử và văn hóa – hào hoa hệt những trang viết trong hai cuốn tiểu thuyết lịch sử “Trăng nước Chương Dương” và “Người Thăng Long” vậy. Tóm lại bây giờ tả lại thì rất khó, chỉ biết không phải vì ám ảnh bởi những trang viết tài hoa của ông mà rõ ràng căn cốt một người Thăng Long thấm đẫm từng cử chỉ, khiến người đối diện không một chút ngần ngại gọi ông là một người Thăng Long đích thực.
Người như thế đang ngày một vắng dần đi. Đấy là điều đáng tiếc cho mảnh đất này. Bởi vì đằng sau cái vỏ vật chất, những người “Hà Nội lịch lãm cuối cùng” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn) mới chính là hồn cốt Hà Nội. Cũng đáng tiếc như khi nghe tin một kiến trúc sư nổi tiếng đã bán biệt thự phố Quang Trung để lên ở chung cư. Những biệt thự - cái vỏ vật chất của Hà Nội không làm ra sự hào hoa Hà Nội nếu trong những căn nhà ấy là những người khác.

3. 
Hà Ân là nhà văn hàng đầu về tiểu thuyết lịch sử, đặc biệt là về vương triều Trần. Chỉ có một người chỉn chu, cẩn trọng và coi trọng chữ nghĩa văn chương như ông mới có thể kéo dài tới 20 năm mới công bố phần cuối cùng của tiểu thuyết “Người Thăng Long”. Năm 1980, phần đầu cuốn tiểu thuyết lịch sử "Người Thăng Long" ra mắt. Nhân vật trung tâm là Trần Nhật Duật - ông hoàng Sáu – được nhà văn dựng lên với hình ảnh một người Thăng Long vô cùng thanh lịch, tài hoa đã thắng được mình trong cuộc chiến đấu với cuộc đời. Và phần cuối đã được viết xong xuôi đáng lẽ công bố vào năm 1986 với nhân vật chính là Trần Quốc Tảng, một ông hoàng khác sâu sắc ngạo đời, coi ngai vàng cũng tầm thường như các chức tước khác. Nhưng có một sự cố làm nhà văn Hà Ân phải đốt tất cả bản thảo, tranh vẽ của mình trên giường bệnh. Đó là vì trước đó người ta cho rằng bài ca cổ “Phóng cuồng ca” là của Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng.
Chính bởi những lời trong bài ca cổ khiến nhà văn Hà Ân bị mê hoặc bởi con người Trần Quốc Tảng, ngạo đời, triết gia và phần cuối tiểu thuyết đã hoàn thành trên nền tảng các sự kiện xoay quanh một tâm điểm là Trần Quốc Tảng. Đến lúc ông chuẩn bị đưa bản thảo đi in thì Tạp chí Văn học đã công bố một nghiên cứu xác định “Phóng cuồng ca” là của Tuệ trung Thượng sĩ Trần Tung.
Nhà văn Hà Ân sau này viết kể lại: “Thế là sụp đổ hết. Tôi định cứ công bố tác phẩm như vậy bất chấp về nghiên cứu là như thế nào. Trong lịch sử văn học thế giới đã chẳng có hiện tượng Koestler viết Spartacus, trong mỗi chương truyện đều có một câu đề từ trích từ sử biên niên và trong chương ông viết ngược với câu đề từ. Nhưng rồi tôi không làm điều đó vì nó ngược với cách thường viết của tôi, là các mấu cớ phải là chuyện có thực trong lịch sử!”
Ông đốt bỏ bản thảo. Chỉ có những người tự trọng tới mức cực đoan như ông mới có thể tự tự đốt những trang bản thảo, vì tôn trọng tính đúng đắn của lịch sử (nghe kể khi ông gặp nhà nghiên cứu đã công bố thông tin “Phóng cuồng ca” là của Tuệ trung Thượng sĩ, ông đã khóc). Nhưng như ông kể, nhân vật Trần Quốc Tảng vẫn ám ảnh ông không dứt ra được. Cho đến khi ông “gặp” Đỗ Vỹ, một điệp viên gần như duy nhất được ghi trong chính sử, một hàn sĩ, một người Thăng Long khác, tài hoa, nghệ sĩ, đàn ngọt, thơ hay, bút vẽ thần tình, đường kiếm siêu việt... Và ông viết lại toàn bộ phần cuối của tiểu thuyết “Người Thăng Long” với nhân vật chính bây giờ là  Đỗ Vỹ. Vẫn theo lời ông thì đó là nhân vật đối chọi với Trần Nhật Duật trên mọi phương diện, như một vế đối. 
Vậy là tới 20 năm sau, đúng năm 2000 phần cuối của “Người Thăng Long” với tên gọi “Khúc khải hoàn dang dở” mới đến tay bạn đọc. Khi ấy, Hà Ân ở tuổi ngoài 70 ông hoàn thành những trang cuối  khi sức khỏe không còn được như trước nữa nhưng tâm trạng rất hào hứng và vẫn cẩn trọng, tài hoa trong từng trang viết. 
Suốt cuộc đời nhà văn Hà Ân chỉ viết tiểu thuyết lịch sử. Nhưng những trang viết quan trọng nhất, mê hoặc nhất bằng một thứ văn chương sang trọng là những cuốn tiểu thuyết về Vương triều Trần. Ở những Trăng nước Chương Dương, Người Thăng Long, Bên bờ Thiên Mạc…, ông gọi các hoàng tử nhà Trần bằng những cái tên như Hoàng Ba, Hoàng Bảy, Hoàng Sáu… - mỗi người một tính cách nhưng là những “người Thăng Long” tài hoa, giỏi thi họa và võ thuật. Sau này có những cuốn tiểu thuyết lịch sử đồ sộ rất thành công của các tác giả khác về vương triều Trần bằng những góc nhìn khác nhau nhưng độc giả không thể quên những bậc thân vương hào hoa đất Thăng Long dưới ngòi bút Hà Ân. Những nhân vật ấy sống trong thời đại của họ, với bầu không khí do tác giả cố gắng tạo ra, giống với lịch sử. Tác giả của những trang viết ấy, trước hết, là một Người – Thăng – Long đích thực.
Điều đáng tiếc nhất của ông, là ấp ủ một cuốn tiểu thuyết về Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, mà sức khỏe những năm cuối đời khiến ông đã không thể hoàn thành.  


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: