Nằm ở Trung tâm của miền sông nước Tây Nam phần trù phú, Cần Thơ có những món đặc sản ngon khó cầm lòng được.
1. Bánh tét lá Cẩm:
Ở Cần Thơ, bánh tét ngon nhất thuộc về gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thủy. Con cháu họ Huỳnh đã làm cho đòn bánh tét độc đáo hơn bằng cách nấu lá Cẩm lấy nước xào nếp dẻo với nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.
Muốn bánh ngon phải lựa nếp thật tốt, không lẫn gạo tẻ mới làm cho đòn bánh dẻo, ngâm với lá Cẩm để có màu tím tự nhiên. Lá Cẩm phải tươi, lá úa sẽ làm cho nước lá Cẩm xuống màu. Thịt làm nhân phải là thịt tươi, ướp cho thịt tẩm thấm. Sau đó, cho nếp xào với nước cốt dừa trước khi gói. Bánh nấu từ 4 đến 5 tiếng là chín. Cắt bánh, vành ngoài ánh lên một màu tím mượt mà của nếp, bên trong là thịt, lòng đỏ trứng vịt muối, mỡ, và đậu xanh tỏa mùi thơm.
Cắn một miếng bánh tét màu tím, nếp dẻo, và cái vị ngọt của thịt, của hương thơm trứng muối như đọng trong đầu lưỡi. Nó khác với những đòn bánh tét đậu trắng, đậu đen nhân mỡ hành, nhân chuối theo kiểu truyền thống của người Việt.
Bánh tét từ lò Chín Cẩm, Tư Đẹp khá nổi tiếng, ngày thường bán ở chợ Xuân Khánh, An Thới, Mít Nài... nhiều du khách thập phương biết tiếng đều tới tận điểm bán hàng mua về làm quà.
2. Hủ tiếu khô Sa Đéc:
Hủ tiếu Sa Đéc trước nay được xếp vào hàng món ngon miền Nam, sánh ngang với hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho. Nhưng ẩm thực Sa Đéc có phần còn phong phú hơn, khi ngoài món hủ tiếu nước/khô, thì họ còn có thêm món hủ tiếu hấp, cũng thú vị không kém.
Bất ngờ đầu tiên là hủ tiếu được trình bày trong đĩa thay cho tô. Cọng bánh cũng to hơn bình thường và trắng ngà. Người ta để lên đó những tim, gan, và thịt heo xắt thành từng lát to che gần kín đĩa.
Món ăn trông hấp dẫn hơn nhờ một loại nước xốt màu vàng đậm được rưới lên trên, thoang thoảng mùi thơm. Đĩa hủ tiếu còn được tô điểm bằng vài cọng hẹ, cải xà lách xắt nhuyễn, và một ít hành phi. Nước dùng sền sệt, beo béo, và đậm đà quyện lấy từng sợi hủ tiếu vừa mềm vừa dai tạo một cảm giác thú vị đặc biệt.
Duy chỉ có điều với những ai không hảo ngọt và muốn thưởng thức món ăn ngon lành này, thì nên dặn trước chủ quán "đừng cho đường sống vào", vì vốn dĩ người dân Sa Đéc rất thích ăn ngọt. Chỉ cần điều nhỏ này thôi, bảo đảm món ăn sẽ không còn gì để chê.
3. Nem nướng Cái Răng:
Nem nướng thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng, gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó. Bên bờ kinh Cái Răng từ hơn nửa thế kỷ trước, đã nổi lên một đặc sản nem do chính tay người phụ nữ, mà dân trong vùng gọi là Tư Khem sáng tạo nên. Nem Cái Răng không chỉ nổi danh trong thời gian đó, mà lưu lại cho đến hôm nay, cho biết bao người khi đến vùng đất này phải tìm mà thưởng thức cho thỏa lòng.
Nem nướng Cái Răng ngon nhất vẫn là làm từ thịt lợn tươi, quết dẻo, rồi vo tròn nướng trên than hồng. Từng viên nem tròn trĩnh, xâu bởi thanh tre chuốt nhỏ, mướt rượt mỡ, vàng rượm do được nướng khéo. Tuốt nhẹ một cái, những viên nem đã nằm gọn trong đĩa, bên cạnh rê bánh hỏi trắng tinh, nhất là bánh hỏi Phong Điền thì không còn gì cho bằng.
Cũng như một vài món ăn khác, người phương Nam ưa dùng rau thơm gói bánh tráng. Món nem nướng Cái Răng lại càng cần rau thơm, chuối chát, dưa leo, dứa, khế... mà phải là loại khế chua thì mới thấm vị. Cầm một nửa chiếc bánh tráng nem mỏng tanh, gắp ít rau đặt thêm khoanh chuối chát, dứa, khế rồi để viên nem lên, cuốn lại, chấm vào chén tương xay đặc sệt. Tương xay vừa mịn, vừa ngọt thơm, rắc thêm nhúm đậu phộng và chút ớt đỏ mới nhìn đã thích mắt. Ngoài món nước chấm bằng tương xay, thực khách có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt pha thật khéo, thì ai một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên được.
Ngày nay, đến Cái Răng, mặc dù người tạo nên món ăn để đời này không còn, nhưng con cháu bà vẫn giữ lấy nghề. Hương vị không còn như xưa, nhưng đây vẫn là một món ăn du khách nên thưởng thức mỗi lần có dịp ngang qua.
4. Chuối nếp nướng:
Ở đâu thì người bán cũng nướng khoai, nướng chuối, nướng ngô theo cùng một kiểu, còn chuối nếp nướng lại khác. Sài Gòn thì trái chuối nếp thon dài, Mỹ Tho thì trái to bự ăn một quả là căng bụng, còn ở Cần Thơ, trái chuối nướng be bé, xinh xinh, không thon dài mà cũng không mập. Chuối nếp nướng ngon là những trái có màu nâu giòn của lớp nếp ngoài, màu trắng mềm của lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối không hề nhũn.
Trời mưa, cầm trái chuối nướng nóng vùi trong tấm lá chuối tươi vừa mua ở gánh hàng rong, vừa xuýt xoa thổi vừa cắn ngập hàm răng vào, vừa la ngon quá, là cũng đủ làm nên những phút giây hạnh phúc rồi. Không sơn hào hải vị, chỉ là thú ăn chơi, nhưng ăn một lần là ghiền luôn món chuối nướng thơm thảo mùi ruộng đồng dân dã này.
5. Ốc nước tiêu:
Ốc được luộc sơ cho rồi bỏ lên lửa than nướng, vừa nướng vừa bỏ nước mắm đã làm sẵn gia vị như tiêu, tỏi, bột ngọt… khi thấy nước bên trong con ốc sôi lên, hơi cạn xuống, thì cho vào đĩa lót rau răm thơm phức. Ốc nướng như vậy rất vừa ăn, hơi cay, vừa ngọt mặn, vừa giòn, ăn thịt rồi mà húp nước ốc cũng rất tuyệt. Hoặc ốc được nướng tươi sống trong lúc nướng cho nước mắm, lại có vị chua cay gia vị vào, nướng cho đến khi hơi khét vỏ, thì mùi thơm của nó càng hấp dẫn hơn, khi ăn rất giòn.
6. Bánh cống:
Bánh cống là thứ bánh dân dã, đã rẻ lại ngon, ai đã ăn một lần không dễ quên đâu. Người Cần Thơ xem bánh cống là thứ quà vặt nên chỉ để ăn vào buổi chiều hay tối, từ khoảng 16, 17h trở đi.
Cái cống để đổ bánh là một vật dụng nhỏ và sâu lòng, hình dáng tựa như cái phin cà phê, lại có tay cầm dài như cái muôi múc canh. Thời xa xưa, nó được đẽo gọt từ thân cây tre, sau này người ta làm cống bằng nhôm để bánh to hơn, sử dụng lâu hỏng hơn.
Nguyên liệu chính để làm bánh là bột, đậu xanh, và tôm. Bột pha chế qua nhiều công đoạn. Ba phần gạo, một phần nếp, ngâm một đêm rồi xay mịn. Sau khi lọc bột gạo nếp trong một túi vải cho ráo nước, người ta lại pha vào bột gạo nếp này một phần ba bột mì loại ngon, thêm nước, hành lá xắt nhỏ và gia vị. Hỗn hợp bột này không được lỏng như bột đổ bánh xèo. Có người còn cho thêm vào bột vài quả trứng gà cho thêm phần thơm ngon nữa.
Đậu xanh đãi vỏ cho sạch, nấu chín mà không nát. Thịt heo băm nhuyễn, xào chín, trộn chung với đậu xanh. Sau cùng cho vào chút muối, chút bột nêm. Tôm tươi rửa sạch, để ráo, cắt bớt chân và râu. Tôm không nên bỏ vỏ, vì lột vỏ đi chiên lên mất giòn.
Sau đó chuẩn bị chảo loại sâu lòng. Dầu ăn cho vào chảo phải đủ ngập một cái cống. Chờ cho dầu sôi, người ta cho ít bột vào cống, sau đó cho vào một muỗng đậu xanh và thịt làm nhân bánh. Đổ thêm trên nhân bánh một lớp bột. Sau cùng để lên đó một vài con tôm. Nhúng cống ngập trong dầu đang sôi riu riu trong chảo. Lửa nhỏ bánh mới giòn đều từ ngoài vào trong. Chờ bánh chín vàng rồi mới nhấc cống ra, khéo léo đổ bánh ra đĩa.
Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt, và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế… Chỉ nhìn đĩa bánh vàng ươm và rổ rau tươi xanh là đã muốn thưởng thức ngay. Mùi đậu xanh, mùi thịt, mùi tôm chiên trộn lẫn vào nhau thơm nức mũi, bát nước mắm lấm tấm hạt ớt, tép chanh, trong veo mấy cọng dưa chua đu đủ. Đúng là một món ăn phong phú về cả mùi vị và màu sắc.
7. Bánh tầm bì:
Hương vị bánh tầm bì ở Cần Thơ rất đặc biệt: bánh được hấp trong cái xững trên bếp than, nên luôn nóng hổi. Những sợi bì óng ánh tươm mỡ, thơm ngon. Còn nước mắm thì vàng sóng sánh, trong vắt. Cái vị béo của nước cốt dừa luôn hoà quyện vào những sợi bánh tầm trắng phau đi cùng rau, giá, dưa chua. Còn nếu thêm chút xíu mỡ hành nữa thì quá lại tuyệt vời. Một món ăn sáng vừa rẻ tiền, lại vừa giản dị. Cho dù đi nơi đâu, hay là người Cần Thơ xa quê hương sẽ luôn nhớ về hương vị ấy.
8. Bánh hỏi - heo quay Phong Điền:
Đến vùng đất Cần Thơ, nếu có dịp ghé thăm Phong Điền với những vườn trái cây trĩu quả, tham gia tour dã ngoại một ngày tập làm nông dân với các hoạt động như: hái rau vườn, bơi thuyền, và giăng lưới bắt cá, khách phương xa đừng quên ghé Nhà vườn Minh Cảnh, thưởng thức bánh hỏi – heo quay ngon tuyệt do chính nhà vườn làm ra.
Bánh hỏi là món ăn được làm từ bột gạo, được ăn kèm với thịt heo quay, rau thơm và chấm nước mắm, nước tương chua cay ngọt. Người miền Nam ăn bánh hỏi có tẩm mỡ hành. Người dân miền Trung ăn bánh hỏi thoa dầu lạc, hoặc dầu dừa, trộn với lá hẹ xắt nhỏ. Những cuốn bánh hỏi trắng tinh, nhỏ xíu, ăn kèm rau sống, heo quay nóng hổi, chấm nước mắm chua ngọt ăn thiệt dễ ghiền.
9. Bánh xèo:
Ở miền Tây, người ta không gọi là “làm” bánh xèo mà là “đổ” bánh xèo. Khi đổ, người ta múc một chén bột đổ vào một chảo gang nóng bừng, nghe “xèo” một tiếng, cái tên bánh "xèo" cũng có lẽ khởi nguồn từ âm thanh vui tai ấy mà ra ?
Loại bột để đổ bánh xèo là bột gạo pha nước cốt dừa, nghệ củ cho có màu vàng tươi, và một ít hành lá thái mỏng tạo màu xanh non nổi bật trên chiếc bánh vàng rộm sau khi đổ.
Khi lớp vỏ bánh gần chín, người ta mới tiếp tục cho nhân bánh vào. Nhân bánh thông thường gồm có: tôm, thịt, giá sống, củ sắn sống, nhưng cũng có những quán muốn tạo hương vị đặc biệt, lạ miệng lại cho thêm củ hủ dừa, và thịt vịt xiêm sắt sợi nhỏ nữa.
Cái hồn để làm nên mùi vị bánh xèo đặc trưng, không lẫn vào đâu được là ở phần nước chấm. Nước chấm phải được pha chế đúng kỹ thuật mới làm tôn hương vị của món ăn nóng sốt này. Chính vì vậy, mỗi người lại có một bí quyết làm nước chấm riêng.
Bánh xèo ăn kèm với nhiều loại rau như: cải bẹ xanh, xà lách, cùng các loại rau thơm. Cũng như bánh cống, ăn bánh xèo đúng điệu phải dùng tay chứ không dùng đũa đâu !
10. Lẩu bần Phù Sa:
Sự hấp dẫn của lẩu bần không chỉ nằm ở cái tên “trái bần” đồng quê dân dã, mà chính là hương vị rất đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu. Tinh tế một chút khi thưởng thức lẩu bần, người ăn còn cảm nhận ra mùi thơm dịu nhẹ của hương bần, gợi thương, gợi nhớ về “hương đồng gió nội” nữa.
Nồi lẩu ngon, phải dùng bần chín bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Cũng có thể biến tấu các loại thực phẩm chính để nấu lẩu bần. Tùy theo mùa, đó có thể là các loại cá da trơn như: cá tra, cá ba sa, cá ngát, hoặc cá điêu hồng... sang hơn nữa, khách có thể thưởng thức món lẩu bần nấu ba ba, cua đinh.
Vào mùa nước nổi, rau ăn kèm với lẩu bần ngoài bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng, và một số loại rau canh chua thông thường khác, khách còn được thưởng thức bông điên điển - một loại bông dân dã nên rất “hợp tình hợp cảnh”.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét