Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 20 tháng 12, 2017

Không có nhẽ?

Vietnam – Cali Today News – Kịch bản “Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức sau khi xử án” ngày càng lộ rõ hơn với những tín hiệu từ phía Nhà nước Đức.

Hình minh họa
Sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, kịch bản trên chỉ là một trong những giả thiết. Những giả thiết khác được nêu ra là Việt Nam sẽ xin lỗi Đức và cam kết không tái phạm, hoặc Việt Nam sẽ tìm cách “câu giờ” mà không phải trả bất kỳ cái giá nào…

Nhưng vào ngày 16.12.2017, thoibao.de – một trang báo của người Việt ở Đức – đã cho biết theo nguồn tin từ Quốc hội Đức, một vị nghị sĩ của đảng cầm quyền Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ sang Việt Nam vào đầu tháng 1.2018 trong dịp mở phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, và một nữ nghị sĩ của Đảng Cánh tả (Die Linke) cũng đang cân nhắc cùng đi.

Cần nhắc lại, yêu cầu để đại diện Đức dự phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh là một trong những điều kiện mà phía Đức nêu ra trong các cuộc đàm phán song phương Đức – Việt từ tháng Tám năm 2017 đến nay. Tuy nhiên cho dến tháng Mười năm 2017, vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam chấp nhận yêu cầu này.

Chỉ đến ngày 25/11/2017, trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Trọng đã bất ngờ thông báo công khai đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa vào tháng Giêng năm 2018. Dường như vào lúc đó, ông Trọng đã nắm được một ý tứ nào đó từ phía Đức, rằng người Đức sẽ không phản ứng đối với quyết định của ông, trên cơ sở người Đức đã có thể tạm hài lòng với những lời hứa hẹn (nếu có) của ông.

Ngay sau đó, VOA tiếng Việt cho biết ngày 27/11 phía Đức đã phản hồi sau khi Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng muốn “khẩn trương” xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh. Trả lời VOA tiếng Việt, một nguồn tin không muốn nêu tên trong Bộ Ngoại giao Đức nói rằng chính quyền Berlin “hiện vẫn trao đổi với chính phủ Việt Nam” về vụ ông Thanh. Khi được hỏi phía Hà Nội đã hồi đáp như thế nào trước các đề nghị Berlin đưa ra hồi tháng Chín, trong đó có yêu cầu Việt Nam xin lỗi và cam kết không lặp lại việc vi phạm pháp luật của Đức, nguồn tin ngoại giao này nói: “Việt Nam biết cần phải làm gì để sửa chữa thiệt hại đã gây ra và để từng bước đưa mối bang giao song phương trở lại quan hệ đối tác chiến lược”…

Kể từ tháng Mười khi tạo nên cơn động đất khi đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đó là lần đầu tiên người Đức – dù chỉ là gián tiếp mà chưa có một thông báo chính thức nào – hé ra ý có thể phục hồi mối quan hệ này, do đó cũng mang lại một tia hy vọng cho giới chóp bu Việt Nam bị cáo buộc đã dùng lực lượng mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào cuối tháng 7/2017.

Việc nguồn tin giấu tên từ Bộ Ngoại giao Đức trả lời đài VOA tiếng Việt đã vừa xác nhận giữa Chính phủ Đức và Việt Nam vẫn tiếp tục đàm phán liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh, nhưng lại không thể hiện phản ứng nào trước việc Tổng bí thư Trọng vừa quyết định đưa Trịnh Xuân Thanh ra xét xử vào tháng Giêng năm 2018, cho thấy có khả năng phía Đức đã nhận được một “cam kết” nào đó từ phía Việt Nam, mà cụ thể là từ Nguyễn Phú Trọng. Một “cam kết” với nội dung và mức độ có thể đủ để Chính phủ Đức tạm hài lòng, tạm hy vọng và tạm thời bắt đầu nhắc lại về tương lai phục hồi quan hệ đối tác chiến lược Đức – Việt.

Mới đây, báo chí nhà nước lần đầu tiên phát đi tin tức Trịnh Xuân Thanh được 4 luật sư bào chữa, trong khi suốt 4 tháng trước đó là không khí im lặng.

Nếu có thể so sánh, cần chú ý rằng từ trước đến nay chính quyền Việt Nam hầu như không chấp nhận cho đại diện của Hoa Kỳ và Phái đoàn Liên minh châu Âu tham dự và quan sát những phiên tòa Việt Nam xử án người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. Trước đây, một số nghị sĩ Đức đã bị Việt Nam từ chối cho tham dự phiên tòa xử blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Gần đây nhất, Việt Nam đã từ chối yêu cầu của Phái đoàn Liên minh châu Âu tham dự phiên tòa xử blogger nhân quyền Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Một khả năng đang dần lộ rõ là nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội ở các nước châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), Tổng bí thư Trọng đã tìm cách “cam kết” với Đức, mà cụ thể ngay trước mắt là đồng ý để Đức cử đại diện tham dự phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh như một biểu hiện của “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”.

Theo đó, có khả năng sau phiên xử, Việt Nam sẽ “trả lại” Trịnh Xuân Thanh cho phía Đức. Khả năng này ngày càng có cơ sở, song trùng với một khả năng khác là Trịnh Xuân Thanh có thể đã “khai sạch” trong trại giam, có thể đã được cho đối chứng với Đinh La Thăng và nhiều nhân vật khác, và trong thực tế Thanh đã hết “giá trị sử dụng”.
Thiền Lâm

(Cali Today)

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: