Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

Hà Nội băm sáu phố phường được xem là tập tùy bút đầu tiên viết về Hà Nội với chủ đề ẩm thực. by


 Thạch Lam (1910-1942) là nhà văn nổi tiếng thuộc nhóm Tự lực văn đoàn. Hà Nội băm sáu phố phường được xem là tập tùy bút đầu tiên viết về Hà Nội với chủ đề ẩm thực.
Nhà văn Thạch Lam.
Nhà văn Thạch Lam.
Tập sách còn viết về đời sống văn hóa, con người Hà Nội với góc nhìn tinh tế, lối hành văn nhẹ nhàng, thanh thoát. Nhà văn đã thể hiện sự yêu mến và hiểu biết về Hà Nội tường tận trong từng ngõ ngách của đời sống, cả trong không gian lẫn thời gian.
Hà Nội băm sáu phố phường gồm nhiều bài viết ngắn, được Thạch Lam viết rất nhanh để in trên báo như Những biển hàngNgười ta viết chữ TâyBánh đậuQuà Hà NộiPhụ thêm vào phở... khi ông mất, Tự lực văn đoàn thu thập và cho xuất bản năm 1943.
Trích đoạn trong tập tùy bút:
Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu… Ta phải nghe người Pháp nói đến Paris, người ở Paris, mới hiểu được sự yêu quý ấy đến bực nào.
Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố rất nhiều vẻ đẹp, vì Hà Nội đẹp thật (chúng ta chỉ còn tìm những vẻ đẹp ấy ra), và cũng vì chúng ta yêu mến. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội cũng như người Paris chính hiệu yêu mến Paris…
Trong những cuộc phiếm du - phiếm du ngoài các phố Hà Nội là một cái thú vô song, chỉ người Hà Nội có...
Trong Hà Nội băm sáu phố phường, Thạch Lam nhắc đến nhiều món ngon của đất Hà thành như phở, cốm, các loại bánh kẹo. Theo nhận xét của bạn đọc, qua những câu chữ nhẹ nhàng của nhà văn, Hà Nội xưa hiện lên khiến ai cũng phải xuýt xoa, gật gù, thèm thuồng.
Mỗi thứ quà trong Bún sườn và canh búnBánh đậuBánh khảo, kẹo lạc... được tác giả đặc tả một cách khéo léo, mang đến cho người đọc hình dung rõ nét và tinh tế nhất về phong vị Hà Nội. Trong bài Hàng nước cô Dần, ông viết về một hàng nước chè trước cửa chợ Đồng Xuân.
Cô Dần là một thiếu nữ hãy còn trẻ, cứ nghe tên cô thì đủ biết (cái lối đặt tên của cổ nhân ta nghĩ cũng thẳng thắn và thực thà mang cái tuổi trong tên mình, không cần giấu giếm). Tuy vậy cô là một thiếu nữ đảm đang. Một mình cô trông nom cái cửa hàng nước ở trước chợ Đồng Xuân, bên cạnh bà cô bán hàng xôi, và cũng như bà, cô bán hàng từ chín giờ tối, suốt đêm cho tới sáng.
Cửa hàng của cô cũng không có gì: một vài miếng trầu, một vài phong thuốc lào, một bao thuốc lá bán lẻ, vài cái bát uống nước, như cái bát uống nước ở tất cả các hàng nước Việt Nam, đặt úp xuống mặt chõng.
Nhưng hàng cô Dần có một chút đặt biệc hơn: cô không bán nước vối hay nước chè tươi. Cô bán nước chè, tôi cũng không biết chè mạn hay chè hột, chỉ biết là một thứ chè cũng dễ uống.
Truyện ngắn Gió lạnh đầu mùa nằm trong tập Gió đầu mùa xuất bản năm 1937. Câu chuyện bắt đầu bằng không gian của một buổi sáng mùa đông lạnh giá với hai nhân vật chính là chị em Sơn và Lan ở một phố huyện nghèo.
Sơn là đứa trẻ may mắn khi được thức dậy trong cái tung chăn ấm áp, được sưởi tay trong hỏa lò, được mẹ và chị chăm sóc kỹ lưỡng, lo cho từng "chén chè nóng ấp vào mặt, vào má cho ấm". Cậu được mặc áo dạ chỉ đỏ lẫn áo vệ sinh, ngoài lại mặc phủ cái áo vải thâm.
Khi hai chị em Lan và Sơn ra chợ chơi, bọn trẻ con nhà nghèo sán lại gần, giương mắt ngắm và trầm trồ quần áo mới của Sơn. Lũ bạn của Sơn ăn mặc rách, da thịt thâm tím, run lên, hai hàm răng đập vào nhau khi mỗi cơn gió lùa đến.
Còn cái Hiên, đứa con gái bên hàng xóm bạn chỉ mặc một manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay, đứng co ro bên cột quản. Khi nghe Hiên nói "hết áo rồi, chỉ còn cái áo này", chị em Sơn động lòng thương.
Hai đứa trẻ hăm hở chạy về nhà lấy cái áo bông em Duyên - đứa em gái bé của Sơn, chết từ năm lên bốn tuổi - đem cho cái Hiên. Bà vú già biết chuyện, hai chị em lo mẹ đánh mắng, mãi đến tối mới dắt tay nhau khép nép về nhà.
Trong khi đó, mẹ cái Hiên thấy con mặc áo mới vội vàng mang đến trả. Mẹ Sơn cho mẹ Hiên vay năm hào về may áo cho con, rồi bà nhẹ nhàng ôm hai con vào lòng mà bảo: "Hai con tôi quý quá, dám tự do lấy áo đem cho người ta không sợ mẹ mắng ư?".
Truyện ngắn này từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình Văn học bậc phổ thông.
Hai đứa trẻ là truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam, được in trong tập Nắng trong vườn (1938).
Gia đình hai đứa trẻ Liên và An ở Hà Nội lâm vào cảnh lao đao khi cha mất việc, phải bỏ về sinh sống ở quê. Hai chị em được mẹ giao trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu tại một phố huyện nghèo bên cạnh ga xe lửa.
Cũng như nhiều người dân lam lũ tại đây, hai chị em vừa bán hàng vừa trông chờ chuyến tàu đêm từ Hà Nội về, ầm ầm lăn bánh qua phố huyện rồi khuất dạng, im tiếng trong trời đêm sâu thẳm.
Lúc đó người buôn bán ở phố huyện mới dọn hàng sau một tối ế ẩm để trở về nhà. Còn hai đứa trẻ dần dần chìm vào giấc ngủ yên tĩnh.
Văn phong của Thạch Lam trong Hai đứa trẻ và nhiều truyện ngắn khác được nhận xét khá giản dị, trong sáng, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thâm trầm.
Liên cầm tay em không đáp. Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình khư kém sáng hơn. Nhưng họ ở Hà Nội về! Liên lặng theo mơ tưởng. Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo. Con tàu như đã đem một chút thế giới khác đi qua.
Thạch Lam sinh ra tại Hà Nội trong một gia đình công chức gốc quan lại, là con thứ sáu trong gia đình bảy người con. Tên ban đầu của ông do cha mẹ đặt là Nguyễn Tường Sáu, khi bắt đầu đi học, cha mẹ ông làm lại khai sinh là Nguyễn Tường Vinh.
Năm 15 tuổi, thấy mình học chậm, cần tăng thêm tuổi để học "nhảy" bốn năm, ông làm lại khai sinh lần nữa và đổi tên thành Nguyễn Tường Lân. Ông từng thi đỗ vào Cao đẳng Canh nông ở Hà Nội nhưng chỉ học một thời gian rồi vào trường Albert Sarraut để học thi Tú tài.
Thạch Lam có hai anh trai là các nhà văn nổi tiếng của nhóm Tự lực văn đoàn: Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) và Hoàng Đạo (Nguyễn Tường Long). Ngoài Thạch Lam, ông còn có các bút danh là Việt Sinh, Thiện Sỹ.
Buổi đầu, ông gia nhập Tự lực văn đoàn, được phân công lo việc biên tập tuần báo Phong hóa và Ngày nay, đến tháng 2/1935 thì được giao làm chủ bút tờ Ngày nay.
Cha Thạch Lam là ông Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), thông thạo chữ Hán và chữ Pháp, làm Thông phán Tòa sứ. Mẹ là bà Lê Thị Sâm, con gái đầu lòng cụ Lê Quang Thuật - người gốc Huế đã ba đời ra Bắc, làm quan võ ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương).
Hồi đó, tri huyện Cẩm Giàng là ông Nguyễn Tường Tiếp (cha ông Nguyễn Tường Nhu), quê gốc Quảng Nam đã nhờ người mai mối hỏi cô Lê Thị Sâm về làm dâu họ Nguyễn Tường.
Ông bà Nhu lấy nhau hơn chục năm, rời phố Hàng Bạc (Hà Nội) về quê Cẩm Giàng, sau đó lại theo con cả Nguyễn Tường Thụy ở Tân Đệ (Thái Bình). Do buôn bán ở Thái Bình không mấy thuận lợi, bà Nhu lại đưa cả gia đình về Hà Nội.
Khi vợ Nguyễn Tường Thụy xin ra ở riêng, bà lại về Cẩm Giàng. Thuở nhỏ, Thạch Lam chủ yếu sống phố huyện này.
Người thân của Thạch Lam kể, ông thể trạng yếu, tuổi thơ nhọc nhằn cùng với cuộc sống lao lực vì miếng cơm manh áo đã làm nhà văn sớm mắc căn bệnh lao phổi. Nhà văn đi đứng nhẹ nhàng, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, đối đãi cung kính với mọi người.
Giới thiệu tập truyện ngắn Gió đầu mùa lúc xuất bản, Thạch Lam viết: "Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn". Đây được xem như tuyên ngôn nghệ thuật của nhà văn.
Ông mất ở tuổi 32 khi tên tuổi đang rực rỡ trên văn đàn.
Mạnh Tùng / VNExpress.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: