Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Gánh nặng đang đè lên vai Thủ tướng sau cú sốc BOT Cai Lậy



Quốc Phong
MTG - Trong tổng số 88 trạm thu phí BOT trên cả nước thì trong đó đã có đến 13 trạm "có vấn đề" kiểu như Cai Lậy, Tào Xuyên... và Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan đã cho điều chỉnh phí thì cũng rất cần truy tiếp xem có bao nhiêu nhóm lợi ích can thiệp vào nó để đến nông nỗi này?

Mặc dù Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với bộn bề công việc trong ngày 4.12: Sáng sớm, ông đã phải xuống Hải Phòng để tiếp xúc cử tri, chiều cùng ngày dự lễ khởi công 2 công trình mới cũng đều tại mảnh đất mà ông ứng cử đại biểu Quốc hội khoá 14.

Ấy vậy mà trong lịch của Thủ tướng, ông vẫn phải quay về trụ sở Chính phủ lúc 17 giờ để trực tiếp nghe báo cáo gấp từ lãnh đạo tỉnh Tiền Giang về sự cố "nóng hầm hập" ở Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tiền Giang sau khi Bộ GTVT đã cho trạm này được tiếp tục thu phí từ 30.11 dù đã giảm giá vé. Điều đó cho thấy, BOT Cai Lậy chỉ là 1 "mồi lửa nhỏ" trong số hàng chục trạm BOT khác của cả nước đang có chuyện không bình thường. Phải chăng thứ "lửa" ấy cũng đang nhen nhóm và có thể bùng phát bất kể nơi nào, lúc nào?

Tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tỏ ra bức xúc trong hàng chục năm qua khi ông mỗi lần phải qua Trạm thu phí Tào Xuyên, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hoá bị thu tiền phi lý .

Theo ông cho biết, chính Bộ GTVT cũng đã thừa nhận trạm Tào Xuyên là một trong những trạm thu phí đặt “nhầm chỗ”. Họ cho đặt trạm trên tuyến này để thu hộ phí cho tuyến khác". Đây quả thực là cách làm hết sức không minh bạch"- ông Sỹ Dũng bày tỏ trên VNE.

Vậy mà chẳng hiểu sao, đến ngày 10.8 vừa qua, Tổng cục Đường bộ Việt Nam mới yêu cầu dừng thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại trạm Tào Xuyên vì “số thu tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư đến hết 31.7.2017 đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán mức lợi nhuận của nhà đầu tư”. Thời gian thu phí dự kiến hơn 20 năm, thế nhưng, họ mới thu có 7 năm mà đã có lãi. Thật kinh hoàng! 

Lỗi này tại ai? Tôi nghĩ, để có được hợp đồng đưa ra ký giữa Nhà nước (Bộ Giao thông Vận tải đại diện) và các nhà đầu tư bất kỳ, chúng ta đã có cơ man chữ ký, con dấu thẩm định, đề xuất của các bộ ngành đại loại như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư... và địa phương chứ đâu chỉ có một bộ là Bộ GTVT. 

Vậy mà "con voi" ấy vẫn "chui lọt lỗ kim" thì thật là tai hại cho ngân sách quốc gia khi nó bị thiệt hại khôn lường kiểu như ví dụ nói trên.

Thông tin từ lãnh đạo bộ GTVT cho biết: Hiện nay, trên cả nước có 88 trạm thu phí BOT trên các tuyến Quốc lộ. Trong đó, có 73 trạm do Bộ GTVT quản lý, 15 trạm còn lại thuộc quyền quản lý của các địa phương. Thống kê cũng cho thấy, trong số 88 trạm thu phí trên thì 67 trạm đang tiến hành thu phí (56 trạm do Bộ GTVT quản lý, 11 trạm do địa phương quản lý) và 21 trạm chưa thu phí. Đến nay, Bộ GTVT đã tiến hành miễn, giảm phí cho các phương tiện khu vực trạm thu phí của 13 trạm, gồm: Trạm QL6, trạm QL32, trạm cầu Hạc Trì, trạm QL3, trạm Bến Thủy, trạm Cầu Rác, trạm Km1064 (QL1 tỉnh Quảng Ngãi), trạm Quán Hàu, trạm Cai Lậy, trạm QL91, trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ, trạm Đại Yên QL18 và trạm tuyến tránh TP Biên Hòa...

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đã tiến hành giảm phí cho các xe tải lớn chịu mức phí cao (xe loại 4 và loại 5) của 35 dự án BOT theo tinh thần Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ. Còn lại trong số 38 dự án BOT chưa được giảm phí theo Nghị quyết của Chính phủ thì 27 dự án BOT hiện đang có mức phí thấp hơn mức trung bình nên không cần giảm nữa; 11 dự án BOT còn lại do lưu lượng phương tiện qua lại thấp hơn dự kiến nên cũng chưa áp dụng việc giảm phí.

Từ câu chuyện trạm thu phí BOT đặt nhầm chỗ như Cai Lậy (dù Bộ GTVT vẫn bảo vệ quan điểm mình không sai), như Tào Xuyên và chắc còn nhiều trạm khác nữa, tôi nghĩ rằng chính Bộ GTVT đã làm khó cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và những người kế nhiệm bởi lẽ, các hợp đồng mà Bộ GTVT ký kết là họ thay mặt nhà nước Việt Nam kí với nhà đầu tư, thời gian họ được thu tiền đều đã thống nhất, dễ gì họ chịu đầu hàng?

Việc Thủ tướng quyết định tạm dừng thu phí một tháng trạm Cai Lậy để xem xét cho thấy xử lý vấn đề BOT nói chung là cả một vấn đề lớn và quả thực không hề đơn giản.

Theo tiến sỹ Nguyễn Sỹ Dũng, ông đã nêu ra mấy ý sau: 

Thứ nhất, hợp đồng BOT là hợp đồng ký giữa Nhà nước (do Bộ Giao thông Vận tải đại diện) và các nhà đầu tư. Thực tế cho thấy hợp đồng này đang có nhiều điểm cần phải xem xét lại. Thế nhưng, đây là văn bản pháp lý ràng buộc cả hai bên. Khi đã đặt bút ký vào hợp đồng, thì Nhà nước không thể tự mình phá vỡ hợp đồng, không thể muốn làm gì thì làm.

Muốn sửa đổi hợp đồng thì Nhà nước phải thương lượng với chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư không đồng ý có thể sẽ phải đưa tranh chấp ra trước tòa án giải quyết. Tất cả những điều này đều rất mất thời gian, nhưng lại là những đòi hỏi bắt buộc của một nhà nước pháp quyền.

Thứ hai, việc di dời trạm thu phí BOT Cai Lậy sẽ tạo ra tiền lệ. Với tiền lệ này, có thể, không ít trạm thu phí khác cũng sẽ phải di dời. Mà như vậy thì nguồn thu và khả năng trả nợ ngân hàng của các chủ đầu tư lập tức bị ảnh hưởng. Thực tế, tiền đầu tư vào các dự án BOT chủ yếu vẫn là tiền vay của các ngân hàng. Với tình hình xử lý nợ xấu khó khăn như hiện nay, cú sốc BOT này chưa biết sẽ ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến khả năng ổn định kinh tế vĩ mô của đất nước.

Thứ ba, BOT là một hình thức huy động vốn mới để đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông. Khi triển khai các dự án BOT, các quan chức nhiều khi chỉ mới có được sự nhiệt tình và ý chí chính trị, chứ chưa phải là một khuôn khổ pháp lý đầy đủ.

Tôi thì có một suy nghĩ, trong tổng số 88 trạm thu phí BOT trên cả nước thì trong đó đã có đến 13 trạm "có vấn đề" kiểu như Cai Lậy, như Tào Xuyên... và Bộ GTVT cùng các bộ, ngành liên quan đã cho điều chỉnh phí thì cũng rất cần truy tiếp xem có bao nhiêu nhóm lợi ích can thiệp vào nó để đến nông nỗi này? 

Trong quá trình thương lượng lại với các chủ đầu tư, nếu thấy có dấu hiệu tiêu cực thì cần để cơ quan pháp luật tham gia vào. Chúng ta cần làm cho đến tận cùng vụ việc. Phải quy trách nhiệm cho những người lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc tham mưu và đi tới phê duyệt nói trên. Nếu có bằng chứng họ chạy dự án thì cũng đồng nghĩa các nhà đầu tư đã vi phạm luật pháp. Từ đó, việc tiến hành thương thảo cũng sẽ thuận lợi hơn, buộc họ phải thừa nhận việc làm của họ không hề bình thường. Như vậy, sẽ cho họ sự lựa chọn cách thức đàm phán mà nhà nước thì sẽ không ở thế bị động.

Nhân dân đang theo dõi và chờ mong Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan có trách nhiệm vào cuộc để lập lại trật tự kỷ cương trong quy trình đấu thầu dự án BOT giao thông sau này. Nếu chúng ta không làm nghiêm và rốt ráo thì sau này, sự việc tương tự vẫn còn tái diễn và còn để lại hậu quả cho các nhiệm kỳ Chính phủ tiếp theo.

Thà cho việc nhà nước hôm nay sẽ mất đi một khoản kinh phí (có thể sẽ không nhỏ) để đền bù khi hủy hợp đồng đi nữa, nhưng cái được vẫn sẽ lớn hơn cái mất. Phải làm đến cùng để tránh cho gánh nặng trên vai người đứng đầu Chính phủ được vơi đi áp lực mà nhiệm kỳ trước đã để lại cho ông. Đó chính là trách nhiệm của toàn xã hội chúng ta.

Tôi tin rằng, với tinh thần của một Chính phủ Hành động và Liêm chính hôm nay, vụ việc sẽ được hóa giải, không để bị phát sinh tiếp nếu đất nước muốn ổn định...

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: