Dân đói, các nguồn tài chính của đất nước bị phong tỏa, nhưng chính quyền Kim Jong Un vẫn tiếp tục đốt tiền vào tham vọng vũ khí và thực hiện vụ phóng tên lửa lần thứ 16 trong năm nay.
Cuộc thử nghiệm ngày 29/11 thể hiện sự bất cần của Triều Tiên khi đất nước cô lập này đối mặt với các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế. Ba thế hệ lãnh đạo ông – cha – con họ Kim đã chi hàng tỷ USD để xây dựng chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, trong khi phần đông dân số vật lộn trong cảnh đói khát, lầm than.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) dự kiến sẽ họp bàn về cuộc thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào ngày 15/12, theo ông Koro Bessho, Chủ tịch Hội đồng Bảo an kiêm Đại sứ Nhật Bản tại LHQ.
Trước khi vấn đề tên lửa được bàn đến, LHQ cũng sẽ thảo luận về tình trạng nhân quyền của Triều Tiên vào ngày 11/12.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho biết hàng thập kỷ qua người dân Triều Tiên phải chịu đựng những vi phạm nhân quyền khủng khiếp như bị sát hại, hãm hiếp, bạo lực tình dục, tra tấn, giam cầm và đói khát.
Những người đào thoát khỏi Triều Tiên tiết lộ thông tin về cuộc sống bên trong đất nước bí hiểm nhất thế giới, những điều tưởng như chỉ có thể tồn tại nơi địa ngục, nhưng lại là điều quá đỗi bình thường dưới chính quyền họ Kim.
Những người từng trải qua cảnh tù đày ở Triều Tiên cho biết phần lớn các tù nhân bị bắt giữ một cách tùy tiện, hành vi phạm tội của họ có thể là để ảnh của nhà “lãnh đạo tối cao” bị bụi bẩn, hay theo một tôn giáo nào đó hoặc nghe đài nước ngoài.
Trung Quốc giúp triều đại họ Kim bức hại người dân
Hãng tin Reuters cho biết Trung Quốc đã từng tìm cách ngăn chặn 3 cuộc họp về nhân quyền của Triều Tiên tại LHQ nhưng bất thành. Cuộc họp về nhân quyền của Triều Tiên năm nay có sự ủng hộ của 9 thành viên Hội đồng Bảo an là Mỹ, Pháp, Anh, Italia, Nhật Bản, Senegal, Thụy Điển, Ucraina và Uruguay.
Không có chính phủ nào khác lại tạo điều kiện cho hoạt động áp bức của Bình Nhưỡng hơn Trung Quốc, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khẳng định trong báo cáo ngày 26/1/2017. Bắc Kinh lo ngại sự sụp đổ của chính phủ Bình Nhưỡng có thể khiến bán đảo Triều Tiên thống nhất về Hàn Quốc, và nền dân chủ của Hàn Quốc sẽ được mở rộng đến sát biên giới Trung Quốc.
Vào tháng 12 năm 2016, khi Đại hội đồng LHQ thông qua một nghị quyết đồng thuận lên án các hoạt động vi phạm nhân quyền tràn lan ở Triều Tiên, Trung Quốc đã tự tách rời khỏi sự nhất trí đó, HRW cho biết. Bắc Kinh phản đối nghị quyết và lặp lại một “lời kêu gọi vô nghĩa” về việc “đối thoại”, dù biết rằng Bình Nhưỡng đã liên tục từ chối đối thoại với LHQ về nhân quyền.
Theo HRW, Bắc Kinh cũng không mấy quan tâm đến việc “đối thoại” về những người Triều Tiên chạy trốn khỏi cuộc đàn áp ở quê nhà.
Hàng nghìn người Triều Tiên thống khổ đã liều mạng chạy trốn sang Trung Quốc, với hy vọng có cơ hội đến được Hàn Quốc, nơi họ được chính quyền Seoul chào đón. Tuy nhiên, Trung Quốc thường xuyên vi phạm Công ước Tị nạn LHQ năm 1951 bằng cách đưa người Triều Tiên trở về nước, dù biết những người này sẽ bị tra tấn, thậm chí giết hại vì tội bỏ trốn, theo ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của HRW.
Tổ chức nhân quyền này cũng cho biết giới chức Trung Quốc từ chối cho phép các đại diện của Cao ủy Tị nạn LHQ tiếp cận với những người Triều Tiên xin tị nạn. Người tị nạn Triều Tiên có rất ít hy vọng đạt được bất kỳ tư cách nào ở Trung Quốc, dù nếu họ kết hôn với công dân Trung Quốc.
Theo HRW, Trung Quốc đã thể hiện rõ tại Hội đồng Bảo an rằng họ sẽ phủ quyết bất kỳ nỗ lực quốc tế nào đề cập đến khả năng đưa tình hình ở Triều Tiên tới Tòa án Hình sự Quốc tế. Bắc Kinh cũng đã từ chối hợp tác với các cuộc điều tra của Ủy ban LHQ Điều tra về vi phạm nhân quyền ở Triều Tiên.
Vậy vì sao Bắc Kinh lại ra sức bảo vệ chính quyền họ Kim khỏi chịu trách nhiệm về tội ác đối với người dân? Điều này không quá khó hiểu, vì:
Điều tương tự đang diễn ra tại Trung Quốc
Các cuộc bức hại dân thường được tiến hành theo chu kỳ tại Trung Quốc suốt hàng chục năm qua, theo cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour.
Phát biểu tại diễn đàn TEDxMünchen 2015, ông Kilgour cho biết: “Cứ mỗi 10 năm hoặc lâu hơn, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiến hành đàn áp một nhóm người thiểu số, và tôi nghĩ mục đích chính là để gieo rắc nỗi sợ hãi cho phần đông dân chúng.”
“Chỉ xét 3 chiến dịch đàn áp đã diễn ra kể từ năm 1950. Cái gọi là Đại Nhảy Vọt đã khiến cho khoảng 40 triệu người chết đói. Cuộc Cách mạng Văn hóa, mà tôi chắc các bạn đều biết, diễn ra từ năm 1966 đến năm 1976, có lẽ đã giết thêm 2 triệu người nữa.”
Kế đến là Thảm sát Thiên An Môn năm 1989, ông Kilgour cho biết “quân đội [Trung Quốc] đã giết chết hàng ngàn người chỉ vì họ tìm kiếm sự công khai và dân chủ.”
Trong bài phát biểu công bố báo cáo Tự do Tín ngưỡng Quốc tế vào ngày 15/8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đề cập đến một trong các vi phạm nhân quyền lớn nhất hiện nay của Trung Quốc: Cuộc đàn áp nhằm loại bỏ Pháp Luân Công (Pháp Luân Đại Pháp), môn khí công gồm 5 bài tập và các bài giảng về nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
“Pháp Luân Đại Pháp là một môn tập đem lại sức khỏe tốt hơn và nội tâm an hòa cho hàng triệu người trên khắp thế giới”, Thượng viện New York (Mỹ) cho biết trong Nghị quyết chào mừng ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới 13/5/2017.
Trái ngược với Mỹ và phần lớn các quốc gia trên thế giới, chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công từ năm 1999 khi cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân biết số lượng người tập Pháp Luân Công vượt quá số lượng Đảng viên.
Theo lệnh của ông Giang, 70-100 triệu người tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc bỗng trở thành mục tiêu của cuộc bức hại toàn quốc. Các nhà điều tra đã chỉ ra một loạt những vi phạm nhân quyền đối với các học viên Pháp Luân Công, họ bị bắt bớ, sỉ nhục, tra tấn, cưỡng bức lao động, thậm chí bị giết hại để lấy nội tạng cho ngành cấy ghép trị giá hàng tỷ đô la của Trung Quốc.
Với những điểm tương đồng về cách hành xử với người dân, cả Triều Tiên và Trung Quốc đều đối mặt với sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Tháng 6 năm ngoái, Hạ viện Mỹ đã ra Nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền Trung Quốc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công và hoạt động mổ cướp nội tạng. Một tháng sau, Nghị viện châu Âu cũng có động thái tương tự.
Đối với Triều Tiên, một cuộc đối thoại với Bình Nhưỡng về nhân quyền vẫn là một giấc mơ xa vời. Nếu có một sự kiện như vậy, nhân dân Triều Tiên vốn mòn mỏi suốt hàng chục năm qua xứng đáng được tham gia để chất vấn về sự thờ ơ của Bình Nhưỡng và Bắc Kinh về tình cảnh của họ, theo báo cáo ngày 26/1 của HRW.
Các quan chức cao cấp ở Bình Nhưỡng cũng biết rằng cuộc đàn áp của chính phủ không thể tiếp tục vô thời hạn và Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với thực tế đó, HRW khẳng định.
Chính quyền Trung Quốc cũng sẽ phải chấm dứt cuộc bức hại đối với những người Pháp Luân Công, theo nhận định của một số chuyên gia. Ông Kilgour cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ cứng rắn hơn với Trung Quốc, và chính quyền Bắc Kinh sẽ phải chịu trách nhiệm về những tội ác họ gây ra trong cuộc thảm sát này.
Mai Liên
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét