Từ một doanh nghiệp sở hữu thương hiệu kem đánh răng nổi tiếng nhất nhì thị trường, hoạt động sản xuất chính của CTCP P/S bây giờ là sản xuất, mua bán bao bì. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất lại kem đánh răng thương hiệu Hynos và sản phẩm quen thuộc nhất hiện nay có lẽ là tuýp kem đánh răng 5ml tại các khách sạn.
Đặt phòng nghỉ ở một số khách sạn từ bình dân đến 5 sao, ví dụ như Vinpearl, du khách sẽ bắt gặp một hình ảnh vừa quen vừa lạ trong phòng tắm. Đó là tuýp kem đánh răng nhỏ xíu bằng kim loại, vỏ màu xanh in hình một người đàn ông da đen cười hết cỡ, khoe hàm răng trắng tinh. Kem đánh răng mang thương hiệu Hynos từng rất nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước khi thống nhất đất nước và sau đó trở thành thương hiệu của P/S. Còn bây giờ người ta nhìn thấy Hynos nhiều nhất chính là trong phòng tắm của khách sạn.
Cuộc đời truân chuyên của anh Bảy Chà
Những tấm ảnh quảng cáo với hình ảnh người đàn ông da đen (được người Sài Gòn gọi là anh Bảy Chà) là dấu ấn của cuộc cách mạng Marketing do ông Vương Đạo Nghĩa – ông chủ của Hynos khởi xướng. Sau khi mua lại Hynos từ người sáng lập (một người Mỹ gốc Do Thái), ông Nghĩa đã làm Hynos bùng nổ tại Sài Gòn với các hình thức quảng cáo mới lạ.
Nổi tiếng nhất chính là bộ phim quảng cáo do Vương Vũ và La Liệt - 2 diễn viên Hồng Kong sáng giá những năm 70 thủ vai. Thuở đó chưa có ai dám thuê diễn viên Hồng Kong đóng phim quảng cáo tại Việt Nam bởi chi phí quá đắt.
Ông Nghĩa cũng phủ khắp các cung đường ở Sài Gòn bằng các pano, áp phích quảng cáo kem đánh răng Hynos, khiến cho hình ảnh ấn tượng của anh Bảy Chà xuất hiện khắp mọi nơi. Hynos chiếm lĩnh thị trường, trở thành loại kem đánh răng có mặt trong hầu hết các gia đình trên mảnh đất này.
Sự truân chuyên của anh Bảy Chà bắt đầu từ mối duyên với công ty nước ngoài.
Năm 1975, hãng Hynos được bàn giao lại cho Nhà nước, sáp nhập với Công ty Kolperlon thành Xí nghiệp Kem đánh răng Phong Lan rồi đổi thành Công ty Hóa phẩm P/S. Elida P/S - Công ty liên doanh giữa Unilever và Công ty Hóa phẩm P/S ra đời từ giữa năm 1997 để sản xuất kem đánh răng P/S với tổng vốn đầu tư 17,5 triệu USD, trong đó Công ty Hóa phẩm P/S góp 45% vốn.
Đến năm 2002, Công ty Hóa phẩm P/S chính thức chuyển nhượng phần vốn liên doanh tại Elida P/S và không được sử dụng nhãn hiệu P/S trên bất kỳ sản phẩm nào của Công ty. Câu chuyện kem đánh răng Phong Lan bán thương hiệu cho đối tác nước ngoài Unilever vẫn được nhắc đi nhắc lại như một nỗi đau của việc đánh mất thương hiệu Việt ngay tại Việt Nam.
P/S ngày nay
Từ một doanh nghiệp sở hữu thương hiệu kem đánh răng nổi tiếng nhất nhì thị trường, hoạt động sản xuất chính của CTCP P/S bây giờ là sản xuất, mua bán bao bì. Ngoài ra, công ty cũng sản xuất lại kem đánh răng thương hiệu Hynos và sản phẩm quen thuộc nhất hiện nay có lẽ là tuýp kem đánh răng 5ml tại các khách sạn.
Với mức vốn điều lệ 50 tỷ đồng, P/S thể hiện là một công ty an phận với hoạt động kinh doanh ổn định của mình và cũng không vay nợ do không có nhu cầu đầu tư. Trong 2 năm 2015 và 2016, doanh thu của P/S đạt trên dưới 80 tỷ đồng và riêng 6 tháng đầu năm 2017, P/S đạt 44,2 tỷ đồng. Sự tăng trưởng về lợi nhuận được ghi nhận trong năm 2016 với 15,6 tỷ đồng – tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước nhưng trong 6 tháng đầu năm 2017, P/S đạt 8,9 tỷ đồng lợi nhuận – chỉ tương đương cùng kỳ. Hàng năm công ty vẫn chia cổ tức với tỷ lệ 15% và 20% bằng tiền mặt.
Theo Trí thức trẻ
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét