Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 14 tháng 12, 2017

CUỘC CHIẾN "NỒI DA XÁO THỊT" TRONG GIỚI LUẬT SƯ CÓ VẺ NHƯ ĐANG BẮT ĐẦU?




Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc


Hôm qua nhiều trang FB đã đưa lên bản “KIẾN NGHỊ XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT ĐỐI VỚI LUẬT SƯ VÕ AN ĐÔN”, được nhiều luật sư và nhiều người ngoài giới luật sư đồng tình, ủng hộ.

Sáng nay, trên FB của một luật sư “khả kính” [Chính là Trần Đình Triển - Tễu Blog chú] dành hẳn một status để phản đối việc kiến nghị trên với một thái độ hằn học và đưa ra nhận xét thiếu thiện chí đối với việc làm của đồng nghiệp mình, thậm chí gọi đồng nghiệp là “ngáo đá”…

Có vẻ như "cuộc chiến nồi da xáo thịt" đang được khơi mào từ vị đồng nghiệp "khả kính" của tôi...!


Rất mong quý vị quan tâm theo dõi.
Rất buồn nhưng chẳng đặng đừng!
------------------------------

Luật sư Hồ Liên Thành

NÓI LUẬT SƯ “CHẠY ÁN” CÓ GÌ LÀ SAI?

“CHẠY ÁN”, là ngôn từ rất sáng tạo của dân gian, có nội hàm vừa bao quát, vừa mang tính mơ hồ, không định lượng, vừa mang ẩn ý, lại có tính gợi mở, phản ánh đúng thực trạng nền tư pháp Việt.

Nhắc đến từ chạy án, chúng ta liên tưởng ngay đến nhận xét của Luật sư VÕ AN ĐÔN về thực trạng luật sư tham gia chạy án và đó cũng là một trong các lý do chính khiến vị luật sư này bị kỷ luật xóa tên khỏi danh sách Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên và bị đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Nhiều luật sư đã ký tên vào bản KIẾN NGHỊ XEM XÉT LẠI QUYẾT ĐỊNH KỶ LUẬT ĐỐI VỚI LUẬT SƯ VÕ AN ĐÔN. Song cũng có một số luật sư tỏ vẻ hả hê trước quyết định kỷ luật đồng nghiệp mình. Cá biệt có luật sư “khả kinh” viết status trên FB phản đối việc kiến nghị với một thái độ hằn học và đưa ra nhận xét thiếu thiện chí về việc làm của đồng nghiệp mình, thậm chí gọi đồng nghiệp là “ngáo đá”…

Vậy, xin đặt ra câu hỏi: Nói luật sư chạy án, có gì sai?

Chạy án chứa đựng nhiều hành vi: chống lại bản án mà mình cho là bất công, trốn, né khỏi chế tài mà bản án mang lại, tìm cách giữ y bản án có lợi hoặc sửa, hủy bản án gây bất lợi, bao gồm từ vụ án hình sự, hành chính, dân sự, thương mại, hôn nhân gia đình…

Chạy án không chỉ “chạy” với bản án mà còn “chạy” với vụ án, nhằm để không bị khởi tố, không bị truy tố, không bị xét xử; để được đình chỉ, tạm đình chỉ, được tách vụ án, được nhập vụ án, được di lý vụ án, được ủy thác điều tra vụ án, được ủy thác tư pháp đối với vụ án có yếu tố nước ngoài…

Chạy án còn là “chạy” việc chấp hành bản án phạt tù, để được chuyển đến trại gần, trại sang, trại xét giảm án mạnh…; chạy việc thi hành bản án dân sự trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, khôi phục lại tình trạng ban đầu…; chạy việc áp dụng hoặc chống lại việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như cấm chuyển dịch tài sản, cấm xuất nhập cảnh…; chạy việc giảm án tù có thời hạn, chạy ân xá, đặc xá, chạy án tử thành án chung thân; chạy giấy chứng nhận có bệnh tâm thần để miễn trách nhiệm hình sự; chạy giấy chứng nhận mất năng lực hành vi dân sự để xù nợ…

Trong chạy án, còn có loại “chạy” danh giá hơn đó là chạy nhằm giải cứu người bị oan sai, tức phải bỏ tiền ra để mua công lý!


Thường nhiều người cứ nghĩ chạy án là chạy bằng tiền, bằng vàng, là đưa hối lộ nhưng ít ai để ý là nhiều khi chạy án mà không cần đến tiền, vàng; đó là chạy bằng chân, bằng miệng, bằng ngòi bút, bằng báo chí, truyền thông và bằng mối quan hệ. Chạy bằng chân, tức là bỏ sức lực ra để đi lại, tới lui, lên xuống các nơi có thẩm quyền để đệ đơn. Chạy bằng miệng là dùng 3 tấc lưỡi để thuyết phục hay kêu gào. Chạy bằng ngòi bút là dùng khả năng viết văn bản để làm rõ vụ án, gửi đơn yêu cầu, đơn khiếu nại, đơn xin cứu xét, đơn tường trình, đơn kiến nghị, đơn tố cáo… để giải cứu cho người cần chạy. Chạy bằng báo chí, truyền thông là cung cấp thông tin và nhờ cơ quan báo chí hay đưa lên mạng xã hội các câu chuyện đầy bi kịch và xung đột pháp lý để đánh thức và gây áp lực đối với các cơ quan chức năng. Chạy bằng mối quan hệ thì hơi khó nói, mỗi người bằng mối quan hệ riêng có của mình với giới chức thẩm quyền và các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước để cung cấp thông tin nóng, để vận động, thuyết phục họ quan tâm can thiệp giải quyết công việc theo mong muốn của mình…

Theo cách hiểu như trên, thì người tham gia chạy án không chỉ có luật sư mà có thể là tất cả những người có chức danh tư pháp khác và bất cứ ai có khả năng.

Theo cách hiểu đó thì chạy án không có nghĩa là đưa hối lộ hay môi giới hối lộ.

Trong môi trường đời sống pháp luật Việt Nam khi mà thực trạng án bỏ túi là phổ biến, “án dân sự xử sao cũng được” như lời ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao từng trả lời chất vấn trước Quốc hội và án xử “sáng đúng, chiều sai, đến mai lại đúng” như dân gian truyền tụng, thì việc “chạy án” không hoàn toàn là hành vi xấu.

Cũng theo cách hiểu đó, thú thật tôi cũng đã từng tham gia “chạy án”.

Liên Thành.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: