Hình minh họa
Có người đã phản bác, cho rằng đó là cách nói đánh tráo lộn sòng một cách cố ý. Người khác thì cho rằng có lẽ chính người biên soạn sách đang tự diễn biến, muốn Đảng từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin và thể chế độc tài toàn trị, chuyển sang xã hội xã hội-dân chủ như Bắc Âu, nhưng sợ bị quy tội ly khai lý tưởng cộng sản nên nói lập lờ rằng Bắc Âu cũng theo chủ nghĩa xã hội, cần được giải thích rõ để không gây ra sự hiểu nhầm trong nhân dân.Cuối thế kỷ 20, khối các nước theo chủ nghĩa xã hội do Liên Xô dẫn đầu lung lay rồi tự sụp đổ là một đòn chí mạng giáng vào niềm tin rằng chủ nghĩa xã hội sẽ giúp xã hội đạt đến thịnh vượng và công bằng. Ở những nước cộng sản còn sống sót, nước thì ồ ạt mở cửa đón nhận kinh tế tư bản với thị trường tự do làm trung tâm. Nước chậm chân hơn, như Việt Nam còn cố bám giữ nền kinh tế chỉ huy tập trung thì càng lún sâu vào đói nghèo Venezuela và Brazil ở Mỹ La tinh thì đang chứng kiến xã hội đổ vỡ sau cuộc thử nghiệm triết lý của Lênin đem về từ nước Nga. Nhưng ở bán đảo Scandinavia, một thiên đường hiện thực đã hiện ra trước mắt cả thế giới. Ở đó xã hội vừa thịnh vượng vừa công bằng. Đó là điều tưởng như không thể mà lại có thật.
Ở nước Mỹ, trung tâm của thế giới tư bản, Bernie Sanders, Thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ, một nhân vật ra tranh cử Tổng thống năm 2016, đã nói trong một cuộc tranh luận trên truyền hình Mỹ: “Chúng ta nên nhìn vào những quốc gia như Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy và học ở họ những điều họ làm có lợi cho người lao động”, còn Hillary Clinton thì nói với Sanders: “Đúng, chúng ta phải cứu chủ nghĩa tư bản khỏi sự thất bại của chính nó. Các nước Bắc Âu thật tuyệt vời”.
Vì sao các nước Bắc Âu lại thành công, các nước khác lại thất bại? Người Bắc Âu đã trả lời: “Vì các nước Bắc Âu không phải là các nước theo chủ nghĩa xã hội!”.
Năm 1988, người phát ngôn của Đảng Xã hội-Dân chủ Thụy Điển đã giải thích cho Giáo sư Ngô Giang, Viện trưởng Viện chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc rằng Thụy Điển và Bắc Âu là các nước theo chủ nghĩa xã hội-dân chủ chứ không theo chủ nghĩa xã hội.
Do đó, xin giới thiệu bài này để bạn đọc tham khảo chỗ khác nhau về bản chất giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội-dân chủ:
Phần một: Chủ nghĩa xã hội và các nước xã hội chủ nghĩa
I. Chủ nghĩa xã hội là gì?
II. Thế giới đã có bao nhiêu nước tự nhân là quốc gia xã hội chủ nghĩa?
III. Khảo sát một nước nhóm II: nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka.
IV. Những đặc trưng của các nước theo chủ nghĩa xã hội
Phần hai: Chủ nghĩa xã hội-dân chủ và mô hình Thụy Điển
V. Chủ nghĩa xã hội-dân chủ là gì?
VI. Thành công và những thử thách đối với mô hình Thụy Điển.
Phần một: Chủ nghĩa xã hội và các nước xã hội chủ nghĩa
I. Chủ nghĩa xã hội là gì?
Thuật ngữ chủ nghĩa xã hội (tiếng Đức là Sozialimus, tiếng Anh là Socialism) ra đời từ thế kỷ 19 cùng với Chủ nghĩa tư bản ở thời kỳ sơ khai. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa nào rõ ràng về thuật ngữ này. Thuật ngữ chủ nghĩa xã hội chỉ nói ra một loạt những định hướng chính trị của phong trào công nhân, trong đó có những người chủ trương lật đổ chủ nghĩa tư bản bằng bạo lực và những người cải cách, không chủ trương lật đổ chủ nghĩa tư bản bằng bạo lực mà chấp nhận Thể chế đại nghị và Dân chủ. Tuy nhiên, dù là những trường phái khác nhau, giữa họ có một điểm chung nhấn mạnh đến giá trị cơ bản là bình đẳng về kinh tế và xã hội và hướng tới một trật tự xã hội và kinh tế công bằng.
Theo dòng lịch sử của các tư tưởng chính trị, mầm mống về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện từ trước khi chủ nghĩa tư bản ra đời. Trong Thời kỳ Khai sáng ở thế kỷ 18, sự phê bình về bất bình đẳng xã hội đã xuất hiện trong tác phẩm của nhà lý luận Jean Jacques Rousseau ở Pháp. Sau Cách mạng Pháp 1789, Francois Noel Babeuf đã từng ủng hộ mục tiêu thiết lập quyền sở hữu chung về đất đai và sự bình đẳng về kinh tế và chính trị giữa các công dân. Trong nửa đầu của thế kỷ 19, tư tưởng về chủ nghĩa xã hội đã xuất hiện trong tác phẩm Cộng hòa của Plato và trong tác phẩm Utopia (Thế giới không tưởng) của Thomas More, nói tới một xã hội quân bình. Từ đó dần dần khái quát ra lý luận về chủ nghĩa xã hội. Đến cuối thế kỷ 19, phong trào xã hội bắt nguồn từ phong trào công nhân Châu Âu đã dùng cụm từ chủ nghĩa xã hội để phê phán khái niệm sở hữu tư nhân của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa xã hội thường được hiểu là một hệ tư tưởng hoặc một hệ thống kinh tế đối lập với chủ nghĩa tư bản. Theo Karl Marx thì chủ nghĩa xã hội sẽ là một hệ thống kinh tế-xã hội mới, xuất hiện sau một cuộc cách mạng vô sản, chuyển quyền điều khiển các phương tiện sản xuất từ trong tay một số ít người sang tay một tập thể. Nhưng Friedrich Engels cho rằng phong trào xã hội chủ nghĩa ở Châu Âu năm 1848 là phong trào tư sản, chủ nghĩa cộng sản mới là phong trào của công nhân. Từ đó Marx và Engels chỉ nói đến chủ nghĩa cộng sản chứ ít nói đến chủ nghĩa xã hội. Mãi đến năm 1887, các công đoàn nước Anh mới tự nhận họ theo chủ nghĩa xã hội.
Như vậy là có rất nhiều tư tưởng và phong trào tự xưng là theo chủ nghĩa xã hội, nhưng suốt từ thế kỷ 19 đến nay những người theo chủ nghĩa xã hội đã không đưa ra được một tư tưởng chung, trái lại đã chia thành nhiều nhóm khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau.
Với mục đích lập ra một xã hội công bằng hơn xã hội tư bản nhưng bất đồng về quan điểm đối xử với chủ nghĩa tư bản (xóa bỏ hay cải tạo), về cách thức cải tạo chủ nghĩa tư bản, về mô hình nhà nước, về vai trò nhà nước trong nền kinh tế, về mô hình quản lý sản xuất, nên có nhiều quốc gia không theo chủ nghĩa Marx-Lenin, không theo chủ nghĩa xã hội, không do đảng cộng sản lãnh đạo và cầm quyền, đã tự nhận mình là quốc gia xã hội chủ nghĩa, để phân biệt với các nước tư bản. Nhưng các nước cộng sản, là quốc gia theo chủ nghĩa Marx-Lenin, theo chủ nghĩa xã hội, cũng tự xưng là quốc gia xã hội chủ nghĩa, nên cách dùng cụm từ “xã hội chủ nghĩa” có thể gây ra sự nhầm lẫn về bản chất khác nhau giữa hai loại quốc gia này.
II. Thế giới đã có bao nhiêu nước tự nhận là quốc gia xã hội chủ nghĩa?
Trong quá khứ và hiện tại đã có khoảng 63 quốc gia tự nhận là nước XHCN, trong số đó hình thành 02 nhóm:
a. Nhóm I: 29 quốc gia theo Chủ nghĩa Marx-Lenin, do đảng cộng sản lãnh đạo và cầm quyền.
* Trước đây, tính đến năm 1993, có 25 quốc gia, xếp tên theo thứ tự A-B-C, gồm:
1- CHDC Afganistan, 2- CHNDXHCN Albania, 3- CHND Angola (châu Phi 1975-1992), 4- CHND Ba Lan, 5- CHND Benin (châu Phi 1975-1990), 6- CHND Bulgaria, 7- CHND Congo (châu Phi 1970-1992), 8- CHND Campuchia (1979-1993), 9- CHDCND Ethiopia (châu Phi 1989-1991), 10- CHDC Đức, 11- Chính phủ cách mạng nhân dân Grenada (Mỹ La tinh 1979-1983), 12-CHND Hungary, 13- Ủy ban chính trị giải phóng dân tộc Hy Lạp (1947-1949), 14- CHND Mông Cổ (1924-1992), 15- CHND Mozambique (châu Phi 1975-1990), 16- CHLBXHCN Nam Tư, 17- CHXHCN Peru (Mỹ La tinh 1944-1976), 18- CHDC Phần Lan (1939-1940), 19- CHXHCN Rumania, 20- CHDC Somalia (châu Phi 1970-1991), 21- CHDCND Triều Tiên (Hiến pháp 1972 đã thay chủ nghĩa Marx-Lenin bằng Tư tưởng Chủ thể của Kim Nhật Thành), 22- CHND Tuva (châu Á 1921-1944), 23- VNDCCH (chỉ ở miền Bắc, từ 1945 đến 1975), 24-Liên bang CHXHCN Xô Viết, 25-CHDCND Yemen (châu Phi 1967-1990).
* Hiện nay còn tồn tại 4 quốc gia:
1- Cộng hòa Cuba (từ 1959 đến nay), 2- CHDCND Lào (từ tháng 12/1975 đến nay), 3- CHND Trung Hoa (từ 1949 đến nay), 4- CHXHCNVN (tính cả miền Nam, từ 1975 đến nay).
b. Nhóm II: 34 quốc gia tự nhận là nước XHCN nhưng không theo Chủ nghĩa Marx-Lenin, không do đảng cộng sản lãnh đạo và cầm quyền
* Trước đây có 24 quốc gia, xếp tên theo thứ tự A-B-C, gồm:
1- CHDCND Algeria (châu Phi), 2- Cộng hòa Ả Rập thống nhất (châu Á), 3- Cộng hòa Bolivia (Mỹ La tinh), 4- CHXHCN Chile (Mỹ Lt), 5- Burkina Faso (Phi), 6- Cộng hòa liên bang Myanmar, 7- Cộng hòa Ghana (Phi), 8- Cộng hòa Guinea (Phi), 9- Cộng hòa Guinea-Bissau, 10- Cộng hòa Indonesia, 11- Cộng hòa Iraq, 12- CHDC Madagascar (Ấn Độ dương), 13- Cộng hòa Mali (Phi), 14- Cộng hòa Nicaragua (Mỹ Lt), 15- CHDC Sao Tomé và Pricipe (Đảo quốc gần châu Phi), 16- Cộng hòa Senegal (Phi), 17- Cộng hòa Seychelles (Ấn Độ Dương), 18- CHDC Sudan (Phi), 19- Cộng hòa Suriname (Mỹ Lt), 20- Cộng hòa Tunisi (Phi), 21- Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, 22- Cộng hòa Uganda (Phi), 23- Cộng hòa Cape Verde (Đại Tây Dương), 24- Cộng hòa nhân dân Zanzibar (nay là một phần của Tanzania, châu Phi).
* Hiện nay có 10 quốc gia:
1- Cộng hòa Ả Rập Ai Cập (châu Phi), 2- Cộng hòa Ấn Độ, 3- Cộng hòa nhân dân Bangladesh, 4- Cộng hòa Bồ Đào Nha, 5- Cộng hòa Guyana (Mỹ Lt), 6- Jamahiriya Ả Rập Lybia Nhân dân Xã hội chủ nghĩa vĩ đại (Phi), 7- Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa dân chủ Sri Lanka (châu Á), 8- Cộng hòa Ả Rập Syri (châu Á), 9- Cộng hòa Thống nhất Tanzania (Phi), 10- Cộng hòa Bolivar Venezuela (Mỹ Latinh).
III. Khảo sát một nước nhóm II: Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Dân chủ Sri Lanka.
Sri Lanka là một đảo quốc, nằm ở Ấn Độ Dương, phía nam Ấn Độ, diện tích 65.610 km2, dân số 2016 khoảng 21,6 triệu người. Tên gọi của Sri Lanka trước năm 1952 là Ceylon, vốn là thuộc địa của Vương quốc Anh, được Anh trao trả độc lập vào năm 1948.
Sri Lanka có 9 tỉnh, thủ đô là Colombo. Đa số dân theo đạo Phật. Người Sinhala chiếm 74,8%, ngoài ra là các sắc tộc Tamil, Moor, Burgher. Ngôn ngữ chính là tiếng Sinhala và tiếng Tamil. Ngoại ngữ chính là tiếng Anh.
Sri Lanka có nhiều cánh rừng nhiệt đới, cây xanh tốt quanh năm, nhiều voi, hươu, nai và chim công. Nhiều bãi biển, phong cảnh đẹp, di sản văn hóa phong phú, nổi tiếng về dịch vụ du lịch.
Hệ thống chính trị của Sri Lanka:
-Thể chế: Cộng hòa bán tổng thống (dạng pha trộn giữa thể chế Tổng thống và thể chế Nghị viện). Tổng thống là nguyên thủ quốc gia, do dân bầu trực tiếp bằng phổ thông đầu phiếu và theo đại diện tỷ lệ, với nhiệm kỳ 6 năm. Tổng thống nắm quyền hành pháp và lãnh đạo Chính phủ, đồng thời là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang (Lục quân, Không quân và Hải quân). Tổng thống chịu trách nhiệm trước Quốc hội, có quyền chỉ định các Bộ trưởng, đồng thời có quyền giải tán Quốc hội. Quốc hội là Nghị viện 1 Viện, có 225 nghị sĩ, là cơ quan lập pháp, được dân bầu theo cách phổ thông đầu phiếu và theo đại diện tỉ lệ, nhiệm kỳ 6 năm. Thủ tướng là người lãnh đạo đảng đa số trong Quốc hội, do dân bầu, giúp việc cho Tổng thống với vai trò người Phó của Tổng thống, chịu một số trách nhiệm về hành pháp, chủ yếu về nội trị. Các ngành Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp được tổ chức theo học thuyết tam quyền phân lập.
- Hệ thống Luật pháp của Sri Lanka dựa theo Bộ luật của Vương quốc Anh và Luật của Italia và CHLB Đức.
- Chính trị ở Sri Lanka theo chế độ dân chủ đa đảng, được giám sát bởi các đảng đối lập trong Quốc hội. Các đảng lớn là Đảng Thống nhất quốc gia (thiên hữu), Đảng Tự do (thiên tả), Liên minh Tự do thống nhất. Ngoài ra còn một số đảng nhỏ: Đảng Phật giáo, Đảng XHCN, Đảng quốc gia Tamil. Do được các đảng đối lập giám sát nên đảng cầm quyền ở Sri Lanka ít tham nhũng hơn so với ĐCSVN. Theo Tổ chức minh bạch quốc tế công bố năm 2007 thì Sri Lanka được xếp hạng ít tham nhũng hơn Việt Nam. Sri Lanka hạng 94 trên 179 nước được khảo sát về tham nhũng, Việt Nam hạng 123/179 (xếp hạng thấp hơn Sri Lanka 29 bậc).
- Chính sách đối ngoại: Sau ngày độc lập, Sri Lanka đã tham gia Khối Thịnh vượng chung(*) và Liên Hiệp Quốc. Tuy chủ trương không liên kết nhưng trên thực tế, Sri Lanka thân với Mỹ và Tây Âu.
- Sri Lanka đã trải qua cuộc nội chiến từ năm 2001, giữa quân đội Chính phủ với các phần tử du kích tự xưng những người Mác-xít JVP và sau là lực lượng Hổ Tamil (LTTE), kéo dài đến cuối năm 2002.
Giáo dục và kinh tế ở Sri Lanka:
Giáo dục: Mặc dầu bị ảnh hưởng bởi cuộc nội chiến, so với ngày được độc lập, nền giáo dục ở Sri Lanka đã được phát triển và mở rộng. Hiện nay 96% dân số biết đọc, biết viết. Hệ thống giáo dục phổ thông miễn phí đã bao phủ đến vùng nông thôn. Chương trình giáo dục phổ thông thông dụng ở Sri Lanka là Tú tài quốc tế và Chứng nhận giáo dục phổ thông cấp hai Edexcel. Hầu hết trẻ em Sri Lanka đã hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập 7 năm.
Sri Lanka có khá nhiều trường đại học công và tư hoạt động theo mô hình Đại học và Cao đẳng Anh quốc. Trường đại học nổi tiếng của Sri Lanka là Royal College Colombo, thành lập từ thời thuộc Anh, năm 1835. Các trường đại học khác nổi bật trong nước là Đại học Colombo, ĐH Kelaniya, ĐH Sri Ja Yewardenepura, ĐH Moratuwa, ĐH Peradeniya, ĐH Japbna, ĐH Ruhana, ĐH đông Sri Lanka.
Kinh tế: Sri Lanka là một đảo quốc, từ thời thuộc Anh đã có Cảng biển hiện đại và là một trong những trung tâm thương mại lớn. Sau ngày độc lập, từ 1948 đến 1977, chính sách kinh tế của Sri Lanka chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa xã hội, đã quốc hữu hóa ngành nông nghiệp và ngành công nghiệp. Từ đó nền kinh tế trở nên kém hiệu quả, chậm tăng trưởng và thiếu sự đầu tư từ nước ngoài. Từ năm 1978, Chính phủ UNP bắt đầu thực hiện cải cách, tiến hành tư nhân hóa, giảm bớt sự kiểm soát của nhà nước lên nền kinh tế, khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân, chuyển dần sang nền kinh tế công nghiệp hóa, phát triển ngành chế biến nông sản, dệt may, viễn thông và tài chính.
Năm 2001 Sri Lanka bị giảm phát, đồng thời nổ ra cuộc nội chiến kéo dài đến năm 2002. Năm 2003, kinh tế Sri Lanka bắt đầu phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng. Từ tháng 4 năm 2004, Liên minh giữa Đảng Tự do và Liên minh Tự do Thống nhất Nhân dân lên cầm quyền đã thay đổi chính sách kinh tế, ngưng quá trình tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cải cách lĩnh vực công, thực hiện chương trình trợ cấp kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hiện nay cơ cấu lao động ở Sri Lanka là: nông nghiệp 31,8%, công nghiệp 25,8%, dịch vụ 42,4%. Sản phẩm nông nghiệp có: Gạo, ngũ cốc, hạt có dầu, mía đường, dừa, da sống, thịt bò, cá. Chè Ceylon của Sri Lanka ngon nổi tiếng thế giới. Sản phẩm công nghiệp có: Chè, đường mía, cao su, thuốc lá, quần áo may sẵn, xi măng, sản phẩm lọc dầu. Dịch vụ đáp ứng các nhu cầu về công nghệ thông tin, vận tải, ngân hàng, xây dựng, du lịch.
Trong giá trị xuất khẩu, hàng nông sản góp vào 20% (năm 1970 là 93%), ngành dệt may góp vào 63%. Năm 2016, GDP danh nghĩa bình quân đầu người là 3.927 USD (VN là 2.164 USD). Tiêu chuẩn sống và trình độ văn hóa của người dân, so với ngày độc lập đã cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ bình quân hiện nay của người dân Sri Lanka là 72, 6 tuổi.
IV. Các điểm đặc trưng của các nước theo chủ nghĩa xã hội
Khi còn sống, Marx chỉ nói đến chủ nghĩa cộng sản, ít khi nói đến chủ nghĩa xã hội. Tại Quốc tế I (1964-1876), Marx quảng bá cuốn Tư bản tập I và truyền bá Chủ nghĩa Marx trong phong trào công nhân. Tuyên ngôn của Quốc tế I khẳng định chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được giai cấp công nhân. Tại Quốc tế II (1889-1901) Engels khẳng định chủ nghĩa cộng sản là cơ sở tư tưởng của phong trào công nhân và mục đích cuối cùng của giai cấp công nhân là giành chính quyền từ trong tay giai cấp tư sản, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Khi tổng kết kinh nghiệm thất bại của cách mạng Pháp (1848-1850) Marx viết: “Thời cơ của cách mạng vô sản hoàn toàn được quyết định bởi những nhân tố xã hội mới được ươm mầm trong lòng xã hội tư bản, nghĩa là khi sức sản xuất và nền văn minh ở xã hội tư bản đã phát triển rất cao và nền chính trị xã hội đã dân chủ hóa”.
Khi những người Bolshevick Nga do Lenin lãnh đạo giành được chính quyền vào năm 1917 thì ở nước Nga chưa có những nhân tố như Marx đã chỉ dẫn. Lenin là người đầu tiên dùng và giải thích thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội”, coi chủ nghĩa xã hội là giai đoạn giữa của quá trình từ chủ nghĩa tư bản chuyển sang chủ nghĩa cộng sản, hoặc gọi đó là giai đoạn trước của chủ nghĩa cộng sản, với vai trò tạo ra cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa cộng sản. Ở giai đoạn chủ nghĩa xã hội việc sản xuất và phân phối của cải xã hội tuân theo nguyên tắc “Làm theo năng lực, hưởng theo lao động”. Ở giai đoạn cuối là chủ nghĩa cộng sản, năng suất lao động đã rất cao, của cải hết sức dồi dào thì sản xuất và phân phối tuân theo nguyên tắc “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”.
Cả Marx và Engels chưa bao giờ mô tả chi tiết chủ nghĩa cộng sản sẽ thực hành như thế nào trong vai trò một hệ thống kinh tế. Nhưng Lênin và những người Bonshevick ngầm hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản bao gồm sự sở hữu công cộng các tư liệu sản xuất của xã hội, nhằm xóa bỏ tư hữu. Phương tiện để thực hiện là chuyên chính vô sản và sự triệt tiêu chủ nghĩa tư bản tư nhân được coi là tiêu chuẩn chủ yếu của chủ nghĩa xã hội. Quốc tế III (tức Quốc tế cộng sản) do Lenin thành lập năm 1919 đã thông qua Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx và Engels công bố năm 1848. Các nước cộng sản khác do đảng cộng sản lãnh đạo và cầm quyền đều áp dụng mô hình của Liên Xô.
Nói đến đặc trưng của các nước theo chủ nghĩa xã hội là nói đến thể chế chính trị thực tế do đảng cộng sản giữ quyền lãnh đạo và cầm quyền thực hiện, đưa đất nước đi theo chủ nghĩa xã hội, hướng tới chủ nghĩa cộng sản, vì thế các nước không đi theo chủ nghĩa Marx-Lênin gọi các nước này là các nước cộng sản.
Theo nhà kinh tế chính trị học Kornai János, các đặc trưng của nó gồm có:
1- Hệ tư tưởng chính thống là chủ nghĩa Marx-Lenin.
2 - Đảng và quyền lực: đảng cộng sản đóng vai trò thể chế căn bản của cơ cấu quyền lực. Các nước theo chủ nghĩa xã hội chỉ có một đảng cộng sản duy nhất lãnh đạo và cầm quyền, không chấp nhận đảng đối lập. Quyền lực của đảng cộng sản là độc tôn (ở Liên Xô thể hiện ở điều 6 Hiến pháp, ở Việt Nam thể hiện ở điều 4 Hiến pháp).
Nguyên tắc tổ chức của đảng cộng sản là tập trung dân chủ. Ban lãnh đạo đảng được bầu tại đại hội tổ chức cơ sở theo từng nhiệm kỳ. Lãnh đạo mỗi tổ chức cơ sở là một bí thư. Các cơ sở chịu sự lãnh đạo của tổ chức đảng cao hơn, thường được tổ chức theo phạm vi lãnh thổ.
Lãnh đạo cấp trung ương có bộ tham mưu rất lớn, tạo ra hệ thống thứ bậc quan liêu, bao gồm những người đứng đầu các ban, phó ban và viên chức. Theo quy định chính thức thì quan chức được chỉ định của đảng không có quyền lực, quyền quyết định thuộc về các cơ quan được bầu ra nhưng trên thực tế những người được chỉ định có ảnh hưởng rất lớn đến sự quản lý các hoạt động của đảng. Các cán bộ lãnh đạo được bầu làm việc chuyên trách và công chức của đảng thường được biết đến như bộ máy của đảng. Việc khai trừ đảng viên cũng nằm trong tay của đảng, được hợp thức hóa bằng các hình thức thủ tục của cơ quan được bầu. Như vậy, trên thực tế, cơ quan được bầu không được chọn thành viên của bộ máy, mà bộ máy lựa chọn những người sẽ tham gia cơ quan được bầu cho lần bầu cử tiếp theo.
3- Nhà nước: Theo hiến pháp, pháp luật và các quy phạm pháp luật thì nhà nước ở các nước theo chủ nghĩa xã hội cũng tương tự các nhà nước hiện đại khác, chia thành 3 nhánh là lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng khác ở chỗ không thực hiện tam quyền phân lập và trong thực tế quyền phán quyết của đảng bao trùm cả 3 nhánh. Thể hiện:
- Đảng là người bổ nhiệm, thăng chức, giáng chức trong các cơ quan đảng và trong các cơ quan quản lý hành chính nhà nước và các vị trí quản lý trọng yếu của nền kinh tế.
- Các tổ chức đảng ra quyết định về tất cả các công việc chủ yếu của nhà nước trước khi cơ quan nhà nước quyết định.
- Bộ máy của đảng có quan hệ trực tiếp với bộ máy nhà nước. Một công chức nào đó hoặc một nhóm công chức trong bộ máy của đảng chịu trách nhiệm về các lĩnh vực hoạt động quan trọng của nhà nước.
4- Các tổ chức chính trị xã hội:
- Ở các nước này có nhiều tổ chức, hiệp hội và được gọi chung là các tổ chức quần chúng. Mỗi tổ chức đươc quản lý về mặt xã hội trong một lĩnh vực nhất định để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của đảng đã được định sẵn, vì thế các tổ chức quần chúng này được coi như cánh tay nối dài của đảng. Đây là nét đặc trưng của hệ thống chính trị không chấp nhận đa nguyên. Các tổ chức đó không thể hoạt động khách quan để bảo vệ quyền lợi của những tầng lớp nhân dân mà họ cử ra làm đại diện cho họ và không thể nói lên trung thực tiếng nói của họ.
Ở Việt Nam có những tổ chức quần chúng sau đây được coi là hợp pháp: Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên cộng sản HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân.
5- Quan hệ sở hữu: Trước khi khối các nước theo chủ nghĩa xã hội Đông Âu và Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 chỉ có sở hữu nhà nước và sở hữu hợp tác xã mới được công nhận, không tồn tại các doanh nghiệp tư nhân thuê mướn lao động làm thuê.
Từ sau năm 1991, tại các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội còn tồn tại, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, các đặc trưng kể trên đã bị biến dạng. Mức độ biến dạng lớn nhất là ở Trung Quốc. Tại đó chủ nghĩa dân tộc mà thực chất là chủ nghĩa dân tộc Hán đang thay thế luận điểm về giai cấp và đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx. Sở hữu tư nhân đã được phát triển mức độ cao. Nền kinh tế được điều hành theo cơ chế thị trường do đảng cộng sản định hướng gọi là cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đã xuất hiện ngày càng nhiều phần tử “tư bản đỏ” tham lam vô độ như ở chủ nghĩa tư bản thời kỳ hoang dã thế kỷ 19. Nhiều quan chức cộng sản dựa vào quyền lực để tham nhũng tạo vốn lớn, hùn hạp với doanh nghiệp tư nhân để kiếm lời, giống như các nhà tư bản tài chính. Phân cực giàu-nghèo lớn hơn ở Mỹ, bất bình đẳng về kinh tế và xã hội ngày càng thêm trầm trọng. Đó là những điều trái ngược với những tuyên ngôn trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản của Marx và Engels.
Phần hai: Chủ nghĩa xã hội -Dân chủ và mô hình Thụy Điển
V. Chủ nghĩa xã hội-dân chủ là gì?
72 năm sau ngày thành lập Quốc tế II vào năm 1889, ngày 30/6/1951, Quốc tế xã hội chủ nghĩa (Socialist International, viết tắt là SI) của các Đảng Xã hội-Dân chủ, các Đảng Xã hội chủ nghĩa, các công đảng đang hoạt động ở các nước tư bản đã được thành lập. Quốc tế xã hội chủ nghĩa là hiện thân của trào lưu xã hội-dân chủ hiện đại. Tại đại hội thành lập, Quốc tế xã hội chủ nghĩa đã ra tuyên bố có tính chất cương lĩnh với nhan đề “Về mục tiêu và nhiệm vụ của chủ nghĩa xã hội-dân chủ”, trong đó có định nghĩa thuật ngữ “chủ nghĩa xã hội-dân chủ: Quốc tế xã hội chủ nghĩa đề cao vấn đề dân chủ trong mọi mặt đời sống xã hội, trước hết là dân chủ về xã hội. Các đảng tham gia Quốc tế Xã hội chủ nghĩa đồng lòng chủ trương thực hiện các biện pháp dân chủ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống để cải cách chủ nghĩa tư bản chứ không chủ trương xóa bỏ chủ nghĩa tư bản như Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã được Quốc tế III (tức Quốc tế cộng sản) thông qua. Năm 1986 các đảng thuộc trào lưu xã hội-dân chủ đã có hơn 16 triệu đảng viên và đã thu hút được khoảng 100 triệu cử tri và đạt được số phiếu bầu đáng kể trong các cuộc bầu cử vào các Nghị viện. Quốc tế XHCN đã thành lập một tổ chức mới là “Liên minh các đảng xã hội-dân chủ thuộc cộng đồng Châu Âu”, đối trọng với các đảng cộng sản trong khối các nước theo CNXH ở Đông Âu và Liên Xô. Đại hội lần thứ 13 của Quốc tế XHCN đã kiện toàn Ban lãnh đạo với tinh thần đổi mới, Chủ tịch là ông Bơ-ran, 14 phó chủ tịch, trong đó 7 phó chủ tịch đại diện cho các đảng ở Châu Âu, với nhiều chính khách có tên tuổi, có đầu óc thực tế như Mít-tơ-răng, Ôlốp Pan-mơ, B. Craixki...
Quốc tế XHCN đã có 2 cương lĩnh: Cương lĩnh 1951 ra đời trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chủ trương đa nguyên thế giới quan, đoạn tuyệt với thế giới quan của chủ nghĩa Marx, công khai thừa nhận và đề cao Chế độ dân chủ đại nghị mà Lenin phê phán là của giai cấp tư sản, từ bỏ yêu sách giai cấp vô sản giành chính quyền trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản. Cương lĩnh mới năm 1989 cùng với bản Tuyên ngôn 1989 về những nguyên tắc hoạt động của Quốc tế XHCN đã chỉ đạo hoạt động của các đảng kể từ đó đến hết thế kỷ 20 và chuẩn bị bước sang thế kỷ 21. Tuyên ngôn 1989 của Quốc tế XHCN có nhiều thay đổi đáng kể về quan niệm tư duy và định hướng hoạt động, chẳng hạn nhận định về tính chất phụ thuộc lẫn nhau giữa các nước trên cùng hành tinh, những tác động to lớn của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ, những khả năng mới đem lại cho con người và những thảm họa tiềm ẩn, mâu thuẫn giữa các nước giàu với những nước nghèo, giữa những nước phát triển và những nước đang phát triển và đặc biệt nhấn mạnh đến các giá trị chung của loài người như Hòa bình, Tự do, Dân chủ, Bình đẳng, Công bằng, Nhân đạo, Đoàn kết.
Quốc tế XHCN đã đề ra những kiến giải và biện pháp cụ thể, những mong muốn của chủ nghĩa xã hội-dân chủ nhằm mục tiêu đạt được một thiết chế quốc tế tăng cường những giá trị cơ bản, những bảo đảm cho các quyền công dân và quyền con người trong một xã hội dân chủ. Tuyên ngôn nhấn mạnh tính đa nguyên trong quan niệm và tổ chức của những người xã hội-dân chủ, đồng thời kêu gọi thực hiện dân chủ hóa và tự do hóa ở các nước theo chủ nghĩa xã hội.
Quốc tế XHCN đã cố gắng đáp ứng những vấn đề xã hội và vấn đề toàn cầu. Các đảng xã hội-dân chủ, nhất là các đảng đang nắm chính quyền trong các nước tư bản đã có những chính sách đáp ứng một số lợi ích của người lao động. Họ đã nhạy cảm được với những tác động của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ hiện đại, về cả những yếu tố tích cực và tiêu cực của nó đến đời sống kinh tế-xã hội, đưa ra những chính sách hợp lý về tăng lương cho công nhân, giảm bớt thất nghiệp, trợ cấp thất nghiệp, nâng cao trợ cấp hưu trí, giảm bớt giờ lao động trong tuần, tăng thêm thời gian nghỉ ngơi hàng năm cho người lao động, đòi giới kinh doanh thực hiện những chính sách có lợi cho người lao động.
Nhiều đảng xã hội-dân chủ cầm quyền ở Thụy Điển, Áo, CHLB Đức đã có những chính sách hạn chế mặt tiêu cực của tư bản độc quyền, đòi chủ tư bản nhân đạo hóa trong việc tuyển mộ và sử dụng lao động, hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế thị trường và tăng thêm các chính sách xã hội. Liên minh 13 đảng xã hội-dân chủ trong Cộng đồng Châu Âu, với 4 triệu đảng viên đang nỗ lực hoạt động theo hướng này.
Đối với các nước theo CNXH, Quốc tế XHCN chủ trương đối thoại nhưng giữa họ còn những bất đồng cơ bản: những người xã hội-dân chủ phủ nhận chủ nghĩa Marx-Lenin, khẳng định con đường thứ ba, còn những người cộng sản thì ngược lại. Đối với các nước đang phát triển, Quốc tế XHCN đã thay đổi chiến lược, tích cực tạo mọi điều kiện thâm nhập vào các nước Á, Phi và Mỹ La tinh. Quốc tế XHCN đã thành lập một Ban thư ký khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và đặt trụ sở tại Tokyo. Quốc tế XHCN cũng đã mở cuộc họp ở Tuy-ni-zi để thành lập Ban thư ký Quốc tế XHCN ở Châu Phi và đã có Chủ tịch Ban thư ký là người Xê-nê-gan.
VI. Thành công và những thách thức của mô hình Thụy Điển và Bắc Âu
Cách đây 186 năm, vào năm 1831, một nhà triết học Pháp xuất thân từ tầng lớp quý tộc là Alexis de Tocqueville đã sang Mỹ làm một cuộc khảo sát dài hạn. Kết quả chuyến đi là ông đã cho ra đời cuốn sách Nền dân chủ Mỹ “và trở thành người dẫn đầu Châu Âu cổ xúy cho nền dân chủ. 173 năm sau, vào năm 2004, một triết gia Pháp khác, cũng xuất thân từ tầng lớp quý tộc là Bernard Henry Lévy lại sang khảo sát nền dân chủ Mỹ, theo lời mời của tạp chí Mỹ Atlantic Monthly. Kết thúc hành trình, Lévy đã viết một phóng sự có tên là Ngỡ ngàng nước Mỹ. Bên cạnh những phát hiện về sức mạnh của nền dân chủ Mỹ, ông băn khoăn thấy số người thu nhập thấp ở Mỹ chiếm tỷ lệ khá cao trong khi xã hội Mỹ cực kỳ xa hoa và ông cũng phát hiện người Mỹ ngày nay đang băn khoăn về nền văn hóa của mình so với thời Tocqueville sang Mỹ.
Những người Mỹ thiên tả có cảm tình đặc biệt với các nước Bắc Âu. Năm 1976 tạp chí Time của Mỹ viết xã luận về Thụy Điển, trong đó viết: “Người dân ở đó được hưởng tiêu chuẩn xếp vào hàng đầu thế giới. Không vấn đề nào, như kém sức khỏe, thất nghiệp, tuổi già gây ra gánh nặng tài chính với họ. Hệ thống phúc lợi trọn đời của Thụy Điển là có một không hai đối với bất kỳ xã hội tự do nào”. Năm 2010, Đài phát thanh quốc gia Mỹ ca ngợi Đan Mạch: “Bất chấp thuế cao, Đan Mạch vẫn phát triển”. Đài NPR của Mỹ nói “Đan Mach đã phá vỡ quy luật của kinh tế học. Họ đã làm được những điều mà người khác cho là bất khả thi”. Nhưng chính người Thụy Điển và người Đan Mạch lại cải chính những lời khen này.
Quả thực, trong một thời gian dài, 4 quốc gia vùng bán đảo Scandinavia đã thành công trên nhiều mặt. Họ xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng của quốc tế. Hãy xem bảng xếp hạng, so sánh giữa các quốc gia năm 2015:
1- Về GDP danh nghĩa bình quân đầu người tính theo USD: Thụy Điển 51.603 USD; Đan Mạch 53.262; Na Uy 73.450; Phần Lan 42.614; Mỹ 57.220 USD; Việt Nam 2.146 USD.
2- Về chỉ số phát triển con người HDI, chỉ số này càng cao càng tốt. HDI của Thụy Điển là 0,907; Đan Mạch 0,923; Na Uy 0,944; Phần Lan 0,879 (hạng cao); Mỹ 0,915 (rất cao); Việt Nam 0,683, (hạng trung bình).
3- Về chỉ số Gini, đánh giá mức độ bất bình đẳng thu nhập trong xã hội và khoảng cách giầu-nghèo, chỉ số này càng cao thể hiện mức bất bình đẳng càng lớn. Gini của Thụy Điển là 25,4 (thấp); Đan Mạch 27,5; Na Uy 23,5; Phần Lan 25,6 (thấp); Mỹ 40,8 (cao); Việt Nam 38,7 (trung bình).
4- Về hệ số FSI đánh giá mức độ bền vững hay thất bại của một nhà nước, hệ số càng thấp chứng tỏ càng bền vững, càng cao càng kém bền vững, FSI cao trên 90 lả quốc gia thất bại. FSI của Thụy Điển lả 20,2; Đan Mach 21,5; Na Uy 20,8; Phần Lan 17,5; Mỹ 35,5; Việt Nam 72,4 (Quốc gia có hệ số FSI cao nhất là Nam Sudan ở Châu Phi FSI= 115).
5- Về chỉ số mức độ tham nhũng, do Tổ chức minh bạch quốc tế khảo sát 180 quốc gia và công bố xếp hạng, điểm càng thấp chứng tỏ mức độ tham nhũng càng cao. Điểm của Thụy Điển là 9,3 xếp hạng 4/180 nước; Đan Mạch 9,4 xếp hạng 1/180; Na Uy 8,7 hạng 9/180; Phần Lan 9,4 hạng 1/180; Mỹ 7,2 hạng 20/180; Việt Nam 2,6 xếp hạng 123/180.
Các học giả ở Bắc Âu nói họ không có phép mầu nào. Họ cũng không phá vỡ các quy luật của kinh tế học. Theo họ xã hội chỉ an bình khi có sự công bằng trong phân phối thu nhập nhưng xã hội không thể tiêu xài vượt quá khả năng tạo ra của cải vật chất cho mình. Nền kinh tế có tăng trưởng thì mới có của cải để phân phối, để có phúc lợi xã hội. Các nước Bắc Âu kiên trì đi con đường xã hội-dân chủ, đã từng có những thử nghiệm, rút ra những bài học và không ngừng cải cách để có thành công như ngày nay.
Năm 2015, Thủ tướng Đan Mạch Lors Lokke Rasmussen khẳng định nguyên nhân chính để Đan Mach thành công là Đan Mạch không theo con đường chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế của Đan Mạch là nền kinh tế thị trường chứ không phải là nền kinh tế chỉ huy theo kế hoạch như ở Liên Xô. Học giả Thụy Điển Nima Sanandaji giải thích: “Sự giầu có của các xã hội Bắc Âu để từ đó xây dựng các chính sách nhà nước phúc lợi không phải là sản phẩm của chủ nghĩa xã hội. Sự thịnh vượng của Thụy Điển được tạo ra trong thời gian thực hiện các chính sách tôn trọng thị trường tự do, đánh thuế ở mức thấp hoặc trung bình và chính phủ ít can thiệp vào nền kinh tế. Các yếu tố tạo ra sự giàu có nhanh chóng của Thụy Điển xuất hiện vào những năm hệ thống tư bản hoạt động năng động ở thập kỷ 1870. Khi đó quyền tư hữu tài sản, thị trường tự do và pháp quyền kết hợp với thế hệ những kỹ sư và doanh nhân được giáo dục tốt. Vì có những yếu tố này, từ 1870 đến 1936 Thụy Điển có tốc độ phát triển kinh tế cao nhất trong các quốc gia công nghiệp Tây Âu. Cuối năm 1960, các chính phủ ở Bắc Âu chuyển sang cánh tả cầm quyền. Đến năm 1970 tăng thuế, phúc lợi xã hội hào phóng thì trái lại tinh thần khởi nghiệp quốc gia giảm sút, có rất ít doanh nghiệp xuất xắc. Năm 1975, GDP bình quân đầu người của Thụy Điển đứng thứ tư trên thế giới nhưng đến năm 1993 thì tụt xuống hạng thứ 14. Đó là cuộc thử nghiệm chủ nghĩa xã hội thất bại ở Thụy Điển. Chỉ sau khi sửa chữa được sai lầm này, kinh tế Thụy Điển và Bắc Âu mới ngóc đầu lên được.
Quá trình thăng trầm của Thụy Điển có thể tóm tắt vào 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1 (1830-1936) là thời kỳ thị trường tự do, Thụy Điển có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh thứ 4 so thế giới.
- Giai đoạn 2 (1937-1970: Cánh tả cầm quyền tốc độ tăng trưởng rớt xuống mức trung bình ở Tây Âu.
- Giai đoạn 3 (1970-1991): Vẫn do cánh tả cầm quyền, là thời kỳ thực hiện kinh tế chỉ huy theo kế hoạch như ở các nước theo chủ nghĩa xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế rớt xuống gần hạng chót ở Tây Âu.
- Giai đoạn 4 (từ 1991 trở đi): Chính phủ cánh tả ở Thụy Điển đã bị thay thế bằng một cuộc bầu cử, chuyển quyền sang phái trung dung (không tả cũng không hữu), Thụy Điển trở lại nền kinh tế thị trường tự do và nền kinh tế lập tức được vực dậy và có tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ hai Tây Âu.
Đan Mạch cũng rút ra được bài học như Thụy Điển, dẫn đến tình trạng lạm dụng phúc lợi xã hội, đạo đức làm việc giảm sút và trong cuộc bầu cử gần đây, chính phủ cánh tả ở Đan Mạch đã bị thay thế bởi một chính phủ trung hữu.
Thụy Điển và các nước Bắc Âu cũng đã rút ra được nhiều bài học về Nhà nước phúc lợi. Vào những năm 70 của thế kỷ 20, phúc lợi xã hội của các nước Bắc Âu ngoài 4 loại chính tương tự các nước Tây Âu là bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm thất nghiệp, Thụy Điển còn có nhiều loại hình bảo hiểm khác, khiến người ta hình dung ở nước này, người dân được bảo hiểm suốt đời kể từ lúc sinh ra đến lúc chết. Quỹ phúc lợi xã hội được thành lập nhờ vào thuế. Ở Bắc Âu cũng như ở nhiều quốc gia khác, sự phân phối thu nhập được thực hiện 2 lần. Lần thứ nhất tại các cơ sở, các doanh nghiệp phân phối dựa vào chủ trương khuyến khích năng xuất và hiệu quả làm việc của người lao động. Lần phân phối thứ 2 do nhà nước thực hiện gọi là phân phối lại, bằng cách thu thuế thu nhập để lập quỹ phúc lợi xã hội, điều tiết thu nhập, không để có khoảng cách quá lớn về thu nhập giữa những người lao động. Trong những năm 1980 phúc lợi xã hội của Thụy Điển lớn nhất thế giới nhưng mức thuế cũng cao nhất thế giới, nên nhà nước có thu nhập tài chính rất lớn, lên đến 60% GDP, nghĩa là tập trung trong tay đến 3/5 toàn bộ của cải của xã hội, coi như nhà nước thu lại gần hết số tiền của người lao động đã làm việc vất và để tạo ra nó, để lại cho doanh nghiệp và người lao động quá ít. Điều này đã gây ra tác động ngược là làm giảm tính tích cực sáng tạo của người lao động. Họ không muốn làm thêm giờ ngoài giờ quy định chính thức theo pháp luật vì số tiền làm thêm đã ít, cũng phải đóng thuế nên còn lại không bao nhiêu. Những người có tài, chăm chỉ thành đạt thì tìm cách ra nước ngoài. Một tác động ngược khác là do phúc lợi xã hội cao đã xuất hiện những kẻ lợi dụng để kiếm những khoản thu mà họ không đáng được hưởng. Ở Đan Mạch đã xảy ra một chuyện lạ, tưởng như bịa đặt nhưng lại có thật. Sinh viên đại học và cao đẳng đã được miễn học phí lại còn được chính phủ trợ cấp sinh hoạt mỗi tháng 1.000 USD (một ngàn đô la). Kết quả là rất nhiều sinh viên đã kéo dài 6 năm, thậm chí 6 năm rưỡi để hoàn thành chương trình 5 năm. Đi đôi với việc tăng mức thuế là năng suất lao động giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, đã tác động trở lại, làm thiếu hụt nguồn thu để thực hiện chính sách phúc lợi xã hội, tạo ra một vòng luẩn quẩn.
Các nước Bắc Âu đã nhận ra được sai lầm này, dũng cảm cải cách để tồn tại và đạt được thành công như ngày nay. Hiện nay chính phủ Đan Mach không quy định mức lương tối thiểu mà để công đoàn và chủ doanh nghiệp thương lượng và thỏa thuận, có sự giám sát của chính phủ.
Nguyên nhân đưa đến thành công của Thụy Điển, Đan Mạch và các nước Bắc Âu khác đã được các học giả giải thích ở phần trên, ngoài ra thành công đó còn nhờ một nguyên nhân đặc biệt hết sức quan trọng là giá trị văn hóa của người Bắc Âu. Đó là một mối liên kết cộng đồng cố kết lâu đời, tinh thần trách nhiệm cao, trọng chữ Tín và lòng trung thực, kết hợp với tính công khai minh bạch của chính phủ, sự giám sát của dư luận xã hội và các đảng đối lập đối với đảng cầm quyền, pháp luật nghiêm minh và lòng tin của người dân vào pháp luật. Văn hóa của người Bắc Âu còn thể hiện ở lối sống của họ. Họ thường nói đến “chất lượng cuộc sống”. Người Thụy Điển nói với nhau: “Bạn có thể để dành tiền nhưng bạn không thể để dành thời gian. Chất lượng cuộc sống của cuộc đời bạn sẽ quyết định ở cách bạn dùng thời gian của bạn”. Nếu phải chọn một trong hai bức tranh về lối sống là “cuộc sống có đầy đủ vợ chồng, con cái, sân vườn” hoặc “cuộc sống có đầy đủ nhà cao cửa rộng, tiền bạc rủng rỉnh và xe hơi sang trọng” thì đa số sẽ chọn bức tranh thứ nhất. Họ không muốn cuộc sống phải luôn luôn vội vã tất bật kiếm tiền mà ưa cuộc sống đơn giản, tự nhiên, an bình và hạnh phúc.
Ngày 17/11/2017 vừa rồi, tại thành phố Goteborg, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp Châu Âu về mô hình Thụy Điển đã khai mạc, với sự tham gia của các nguyên thủ, những người đứng đầu chính phủ các nước thành viên của Liên Âu cùng với các đối tác xã hội. Mô hình Nhà nước phúc lợi của Thụy Điển đã được Pháp và nhiều quốc gia hâm mộ nhưng cũng thấy những thách thức rất lớn đối với mô hình Thụy Điển. Khi robot dần dần thay thế con người thì làm thế nào để vừa giải phóng được thị trường lao động lại vừa duy trì được các hệ thống hệ thống bảo trợ xã hội cần thiết. Đây không chỉ là thách thức đối với Thụy Điển mà còn là thách thức chung đối với nhiều quốc gia Châu Âu. Cải cách đã cho phép Thụy Điển trở lại một quốc gia thịnh vượng. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 7% nhưng nhiều loại trợ cấp đã bị cắt giảm, từ đó lại xuất hiện bất bình đẳng xã hội. Mô hình Thụy Điển vẫn rất được ca ngợi nhưng nó không còn nguyên vẹn như trước. Nhưng chắc chắn có một thứ sẽ không thay đổi. Đó là những cải cách sẽ tiếp tục, do cả cánh tả và cánh hữu dẫn dắt, với sự cộng tác mật thiết của các đối tác xã hội. Ở đây việc phối hợp, thương thuyết được diễn ra thường xuyên với các quy tắc đàm phán được quy định rõ ràng.
Phan Lê Vũ
__________
Chú thích:
(*) Khối thịnh vượng chung (Commonwealth of Nations) gồm 53 quốc gia thành viên tự do và bình đẳng, trụ sở tại London nước Anh. Năm 2014, GDP (PPP) bình quân đầu người của toàn khối này là 6.220 USD.
Nguồn tham khảo:
1- Một số bài viết về chủ nghĩa xã hội và trào lưu xã hội-dân chủ đăng trên Wikipedia, Tạp chí Tri thức và Talawas;
2- Thượng đỉnh Liên Âu: Thành công và khó khăn của mô hình Thụy Điển, RFI, ngày 17/11/2017;
3- Nước Mỹ trong con mắt người Pháp; Nghiên cứu quốc tế, ngày 27/11/2017;
4- Mô hình hệ thống chính trị của Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đức và Thụy Điển, báo Dân Quyền, 14/10/2017;
5- Vì sao chủ nghĩa dân tộc dân túy trỗi dậy vào lúc này, Nghiên cứu quốc tế, 6/12/2017;
6- Chủ nghĩa Marx còn lại những gì?, BauxiteVN, ngày 4-5 và 6/11/2017
7- Làm sao để cứu đảng của ông Vũ Ngọc Hoàng khỏi tha hóa quyền lực và tự sụp đổ, Basam news ngày 30/9/2016.
(Bauxite VN)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét