06:45 20/12/17
(GDVN) - "Anh quản lý như thế nào mà để cán bộ mắc từ sai phạm này đến sai phạm khác, nhưng vẫn được thăng chức? Lãnh đạo thế nào mà xử lý vi phạm như kiểu "phủi bui"?
Kỷ luật cho xong việc
Sau ông Đinh La Thăng, hàng loạt cán bộ, nguyên cán bộ cấp cao tại nhiều địa phương (Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Nam...) tiếp tục được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, làm rõ, kỷ luật nghiêm khắc vi phạm có liên quan tới công tác tổ chức cán bộ.
Đáng chú là việc ông Ngô Văn Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa vừa bị cách mọi chức vụ trong Đảng vì có nhiều vi phạm rất nghiêm trọng đặc biệt là việc "nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
Những tưởng sự việc sẽ được khép lại khi vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhận "án" kỷ luật khiển trách được nêu ra tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 9, Khóa XVIII trước đó.
Và những tưởng thông báo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa sau nhiều lần bị trì hoãn, sẽ làm yên dư luận thì việc Trung ương vào cuộc xem xét, kết quả kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa về việc thi hành kỷ luật đảng đối với ông Ngô Văn Tuấn cùng với việc đưa ra hình thức kỷ luật vị này khiến nhiều người đi từ bất ngờ tới tâm phục, khẩu phục.
Và từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dư luận cũng có thể hình dung được rằng, việc cơ quan có thẩm quyền tỉnh Thanh Hóa đánh giá vi phạm, xử lý kỷ luật đối với ông Tuấn có phần hời hợt, nếu không muốn nói là rất hình thức hoặc làm cho xong chuyện.
Công tác cán bộ của tỉnh không trong sáng, diễn ra trong nhiều năm như vậy, nhưng cán bộ vi phạm vẫn được bổ nhiệm lên chức vụ cao hơn gây mất lòng tin trong dân chúng.
Liệu một mình ông Tuấn có thể lộng quyền đến mức như vậy trong nhiều năm không?
Trách nhiệm của người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa ra sao trước những vi phạm của ông Ngô Văn Tuấn cần phải được làm rõ.
Ông Trịnh Văn Chiến có trách nhiệm gì?
Liên quan đến quá trình kỷ luật, xử lý cán bộ có vi phạm nghiêm trọng về công tác tổ chức cán bộ tại Thanh Hóa trong vụ việc nói trên, hôm 18/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến trong vụ việc nói trên.
"Người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trước về mặt quản lý, lãnh đạo vì để cán bộ thuộc diện quản lý vi phạm.
Do đó đồng chí Bí thư Tỉnh ủy không thể nào thoái thác được trách nhiệm của mình trước những vi phạm của cán bộ thuộc cấp Thường vụ Tỉnh ủy quản lý", ông Hùng nhận định.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đặt ra hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa:
"Anh lãnh đạo, quản lý như thế nào mà để cán bộ mắc từ sai phạm này đến sai phạm khác?
Một cán bộ như ông Tuấn có khuyết điểm ngay từ thời làm Giám đốc Sở Xây dựng mà vẫn được cất nhấc lên vị trí cao hơn.
Thế rồi, đến khi cán bộ bị phát hiện vi phạm thì lãnh đạo như thế nào mà lại xử lý như kiểu "phủi bụi".
Hành vi ấy, biểu hiện ấy đáng phải xem xét trách nhiệm", ông Hùng nêu quan điểm.
Ông Vũ Quốc Hùng cũng cho rằng, lãnh đạo tỉnh Thanh hóa cần làm rõ nguyên nhân trong quản lý, điều hành dẫn đến những vi phạm của ông Ngô Văn Tuấn và báo cáo Ban Bí thư.
"Vì sao đồng chí lại để xảy ra tình hình như thế? Anh là người đứng đầu tỉnh mà cái sai của ông Tuấn từ khi làm Giám đốc Sở Xây dựng, tại sao lại không nắm được?
Ở đây có sự quan liêu bao che hay phe phái, nhóm lợi ích không? Cần phải làm rõ nguyên nhân về việc này.
Bên cạnh đó, cán bộ đảng viên nhận thức về vi phạm của ông Tuấn thế nào mà lại để vi phạm kéo dài như vậy?
Tại sao sức chiến đấu của tổ chức Đảng cơ sở lại yếu kém như vậy?
Anh làm lãnh đạo nhưng trình kiểm tra, kiểm soát, quản lý cán bộ như vậy là lơi lỏng. Đến khi cần xem xét, xử lý cán bộ thì lại quá hời hợt.
Tôi cho rằng, vì quan liêu, nể nang, né tránh, hoặc "cùng hội cùng thuyền" nên mới xảy ra sự việc đáng tiếc như ở Thanh Hóa.
Trước những vi phạm trên, cấp ủy cần kiểm điểm, tập thể phải kiểm điểm, cá nhân phải kiểm điểm và báo cáo với Ban Bí thư xem xét", ông Hùng đề nghị.
Hoan nghênh Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Nói về việc cơ quan có thẩm quyền vào cuộc, kiểm tra, xử lý hàng loạt nguyên cán bộ, cán bộ, cấp cao thời gian gần đây, ông Vũ Quốc Hùng cho rằng đây là điều rất mừng, đáng hoan nghênh, đồng thời củng cố lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng.
"Qua những sự việc trên có thể thấy rằng, nếu chúng ta đã quyết tâm thì sẽ làm được.
Nhân dân hoan nghênh những việc Đảng đã làm được trong thời gian vừa qua và luôn ủng hộ Đảng để loại bỏ những thành phần gian xảo, tham nhũng ra khỏi bộ máy quản lý.
Tuy nhiên tất cả mới chỉ bắt đầu", ông Hùng nêu quan điểm.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng bày tỏ nỗi lo khi sức chiến đấu của một số tổ chức Đảng cơ sở còn yếu kém.
"Căn bệnh tham nhũng, vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên còn diễn ra ở khá nhiều nơi.
Trong khi thực tế nhiều tổ chức đảng về hình thức vẫn còn nhưng không còn tác dụng, hay nói cách khác là tê liệt.
Do vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần tiếp tục kiểm tra sâu hơn nữa, rộng hơn nữa và yêu cầu các Ủy ban Kiểm tra các cấp phải phục vụ tốt cho cấp ủy, làm đúng chức năng của cấp ủy.
Những nơi mà tổ chức đảng hoạt động kém thì phải kiện toàn lại để cho nó có sức sống. Những nơi tổ chức đảng kiệt quệ, không còn sức chiến đấu nữa thì phải thay thế, thay đổi", ông Hùng cho biết.
DU THIÊN
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét