Hòa hoãn với Liên Xô
Tháng 10 năm 1964, Hà Nội nhẹ nhỏm khi Khrushchev bị lật đổ, Brezhnev nắm lấy chức vụ bí thư thứ nhất. Khrushchev, bị Hà Nội gọi bằng “thằng đầu trọc”, đã trở thành tên xấu xa trong thời của chiến dịch chống chủ nghĩa xét lại. Vì chính sách chung sống hòa bình của ông mà hàng chục năm sau này Khrushchev vẫn còn bị nhiều lãnh đạo chính trị Việt Nam như Tố Hữu căm ghét không che giấu.
Nhưng còn quan trọng hơn lần lật đổ Khrushchev là tình hình chiến tranh leo thang ở Việt Nam. Tháng 3 năm 1965, tổng thống Hoa Kỳ Johnson tiến hành chiến tranh ném bom miền Bắc có hệ thống và đồng thời với cuộc chiến tranh ném bom, những đơn vị đầu tiên của quân đội mặt đất Hoa Kỳ đổ bộ lên bãi biển Đà Nẵng. Giới lãnh đạo Bắc Việt Nam bây giờ nhận ra rằng họ cần phải dựa vào sự giúp đỡ của Liên Xô để nhận được vũ khí tối tân.
Về phía mình, cùng với lần tham chiến trực tiếp của Hoa Kỳ ở Việt Nam, giới lãnh đạo mới của Liên bang Xô viết nhận ra rằng họ không còn có thể đứng ngoài cuộc xung đột này được nữa. Một mặt họ trợ giúp về quân sự và kinh tế cho miền Bắc, mặt khác họ ủng hộ những giải pháp đàm phán để không bị lôi kéo sâu thêm nữa vào trong cuộc xung đột này và không phải từ bỏ chính sách giảm căng thẳng với Phương Tây.
Giới lãnh đạo miền Bắc đối phó với sự tham chiến trực tiếp của Hoa Kỳ bằng một chiến lược hiếu chiến. Tướng Nguyễn Chí Thanh, lãnh đạo Trung Ương cục miền Nam, bảo vệ quan điểm cho rằng quân đội miền Bắc và quân Giải Phóng nhờ vào tinh thần chiến đấu cao mà có thể đối đầu được với quân đội Hoa Kỳ. Một quan điểm cũng được Lê Duẩn ủng hộ. Vì vậy, tướng Thanh tiến hành một chiến lược đối đầu trực tiếp mang lại nhiều tổn thất. Theo thông tin chính thức của Hoa Kỳ, cho tới cuối năm 1967 đã có tới 220.000 quân đối phương tử trận.
Chiến lược này của Lê Duẩn và Nguyễn Chí Thanh đã bị phê phán ngay từ cuối năm 1965, đặc biệt là từ những phe nhóm nghiêng về phía Liên Xô, những người mà bây giờ dám cất tiếng nói trở lại nhờ vào không khí cởi mở hơn đối với Liên Xô. Ví dụ như nhân viên của thông tấn xã Đông Đức, Erwin Borchers, đã tường thuật lại những cuộc trao đổi với Nguyễn Khánh Toàn, Lê Liêm, Phạm Viết, cũng như Vũ Đình Huỳnh. Trong một cuộc trao đổi với ông ấy, Nguyễn Khánh Toàn đã thừa nhận rằng miền Bắc đã đánh giá sai lầm sức chiến đấu của Hoa Kỳ. “Chúng tôi đã máy móc đặt người Mỹ ngang với người Pháp, những người mà chúng tôi đã đánh bại họ, mà không nhìn thấy rằng người Mỹ có sức mạnh kinh tế và quân sự lớn hơn người Pháp rất nhiều.”[1] Cũng theo Erwin Borchers, bên cạnh sự hào hứng với chiến tranh tại phần lớn giới trẻ cũng đã có những tiếng nói hoài nghi như của một người láng giềng: “… Tôi không hiểu tại sao người ta xây dựng mười năm trời và rồi lại đi tới chiến tranh.”[2]
Phe “chủ hòa” ở Hà Nội, gồm những cán bộ như Lê Liêm, được Liên Xô ủng hộ vì nước này không muốn gây nguy hiểm đến chính sách giảm căng thẳng với Phương Tây, tuy là họ vẫn viện trợ quân sự cho Hà Nội.
Phe “chủ chiến”, những người muốn tiếp tục tiến hành cuộc chiến và từ chối đàm phán, ngược lại nhận được sự hỗ trợ từ Bắc Kinh. Phạm Viết, biên tập viên của tờ báo Thời Mới tường thuật cho Erwin Borchers năm 1965 về một chuyến viếng thăm của Hồ Chí Minh ở Bắc Kinh mà trong đó phía Trung Quốc cương quyết từ chối mọi đàm phán với Hoa Kỳ.
Tháng 2 năm 1966, Lê Đức Thọ trong một bài xã luận trên tờ báo Đảng đã nói về “một số ít các đồng chí” có “những quan điểm sai lầm và lệch lạc”. Tháng 7 năm 1966 tướng Nguyễn Chí Thanh viết một bài báo đăng trên tờ Học Tập. Trong bài báo này ông bảo vệ chiến lược tấn công của mình và cảnh cáo không nên đánh giá quá cao sức mạnh của kẻ địch, phê phán “những phương pháp phân tích máy móc”, “hữu khuynh”. Ngoài ra ông còn phê phán “cách đánh giá trừu tượng sức chiến đấu của quân lính Mỹ”, cái không xem xét đến yếu tố của “cuộc đấu tranh chính trị” và trước hết là chỉ nhìn tới quân số của các lực lượng Mỹ ở miền Nam. Lời phê bình này của Thanh chĩa mũi dùi vào đối thủ cạnh tranh của ông là Võ Nguyên Giáp vì Tướng Giáp ủng hộ một chiến lược chống quân đội Mỹ cẩn trọng hơn để tránh phung phí “nguồn nhân lực và kỹ thuật”.
Nhưng cả bài báo này của Nguyễn Chí Thanh cũng không dập tắt được những thảo luận về đường lối tiến hành chiến tranh của ông ấy và về những khả năng của một giải pháp đàm phán. Liên bang Xô viết, thời gian sau này đã trở thành nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho miền Bắc, cố gắng dùng điều đó để gây ảnh hưởng lên chính trị. Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội cố gắng thúc giục giới lãnh đạo miền Bắc đi đến một giải pháp đàm phán, tăng cường tiếp xúc với những người mà họ cho rằng nghiên về phía Xô viết. Cuối năm 1966, Đại sứ quán nước CHDC Đức và thông tín viên của thông tấn xã Đông Đức Klaus Anton cũng xác nhận rằng phe “hòa hoãn” và “thân Liên Xô” đang tăng thanh thế.
Đây cũng là một phản ứng trước sức ép của Trung Quốc, yêu cầu Hà Nội không đàm phán với Hoa Kỳ và cố gắng mang Cách mạng Văn hóa vào miền Bắc.
Mặc dù tình hình đối nội ở Bắc Việt Nam đã giảm căng thẳng và các quan hệ của Hà Nội với Liên bang Xô viết và các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu khác đã được cải thiện nhưng giới lãnh đạo Hà Nội vẫn không hoàn toàn cởi mở với Liên Xô và không đưa cho họ nhiều thông minh quan trọng về diễn tiến của cuộc chiến, về các mối quan hệ với Trung Quốc và về tình hình đối nội. Nhân viên của đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội và các nhà ngoại giao của nước cộng hòa Dân chủ Đức bị các cơ quan an ninh của Việt Nam giám sát để ngăn chặn không cho họ tiếp xúc với người Việt. Bên phía Việt Nam, những người bị xem là “xét lại” cũng bị an ninh theo dõi, ví dụ như Trần Thu, Hoàng Thế Dũng, báo hiệu trước những gì sẽ xảy ra trong năm 1967.
Chiến tranh leo thang và vai trò của Trung Quốc
Bước sang năm 1967 chiến tranh leo thang cả ở miền Bắc với những cuộc ném bom được tăng cường lẫn ở miền Nam với những trận đánh gây nhiều tổn thất.
Ở miền Bắc, cộng thêm vào với sự tàn phá qua chiến tranh ném bom của người Mỹ là những khó khăn trong cung cấp lương thực thực phẩm. Trong một cuộc trao đổi với đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ Đức trong tháng 4 năm 1967 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ung Văn Khiêm đã tường thuật lại các ấn tượng của ông qua một chuyến đi thăm đất nước:
“Hậu quả thật đáng sợ, không thể tưởng tượng được… Người dân đã làm được những việc không thể tưởng tượng được. Nhưng cả ở đây cũng có ranh giới của nó: Tất cả mọi người đã chuyển sang ăn không có thịt. Hơn 3 triệu người chỉ có thể ăn mỗi ngày một bữa.”[3]
Việc cung cấp lương thực thực phẩm lại càng gặp thêm nhiều khó khăn vì thu hoạch vụ mùa năm 1966 rất kém, cung cấp từ Liên Xô và Trung Quốc thì bị cản trở bởi những hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hoá. Cuộc đi tản người dân thành phố về nông thôn vì chiến tranh ném bom của người Mỹ cũng càng lúc càng khó khăn hơn.
Trước bối cảnh đó, bầu không khí chính trị ở Bắc Việt Nam bắt đầu nóng lên từ đầu năm 1967, một phần cũng từ những nỗ lực của Đại Sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội nhằm mang cuộc Cách mạng Văn hóa sang Bắc Việt Nam. Nhân viên của thông tấn xã Đông Đức ADN tường thuật trong tháng 2 năm 1967 rằng sinh viên Trung Quốc đã quậy phá trước đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội. Công an Việt Nam bắt buộc phải can thiệp và dựng rào cản không cho tiếp cận đến cả hai đại sứ quán. Ngoài ra Công an Hà Nội còn tịch thu các tài liệu tuyên truyền mà công dân Việt Nam đã nhận được từ đại sứ quán Trung Quốc và cố gắng ngăn chặn không cho sứ quán Trung Quốc phát tán văn học Trung Hoa.
Đồng thời Trung Quốc cũng dựa vào lực lượng 240.000 lính của họ ở các tỉnh phía Bắc để gây áp lực lên Hà Nội và quảng bá cho cuộc Cách mạng Văn hóa. Vào giữa tháng hai của năm đó, một số lớn Hồng Vệ Binh từ Trung Quốc cái trang thành những nhóm lính xây dựng hành quân qua biên giới sang Lào Cai và tổ chức nhiều cuộc mít tinh lớn, dán nhiều “đại bích báo” khắp thành phố mà trên đó có những câu khẩu hiệu như “Mọi đàm phán đều là một sự phản bội dân tộc Việt Nam”. Sau khi thành phố Lào Cai can thiệp, các Hồng Vệ Binh, người nào cũng đều đeo một bức chân dung thật to của Mao ở trên lưng, lại đi trở về Trung Quốc.
Theo thông tin của đại sứ quán Đông Đức tại Hà Nội, người Trung Quốc phát truyền đơn ở Bắc Việt Nam loan tin rằng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp có kế hoạch đảo chính lật đổ Hồ Chí Minh. Đài phát thanh Quảng Châu và các tờ báo tường ở Nam Trung Quốc cũng nhắc lại những cáo buộc chống tướng Giáp tương tự như thế. Trong đó, Giáp “theo Liên Xô” đã bị gọi là “tên xét lại hàng đầu”. Theo ghi nhận của Đại sứ quán Đông Đức ở Bắc Kinh, trong những tài liệu nội bộ của Trung Quốc từ năm 1967 người ta đã quả quyết rằng đảng Lao Động bị chia rẽ ra thành hai nhóm mà trong đó “phe xét lại có lúc đã chiếm ưu thế”. Thông tin này được lan truyền trong tỉnh Quảng Tây nhiều cho tới mức Tổng lãnh sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại đó phải trình một thư phản đối.
Mặt khác, sự hỗn loạn của cuộc Cách mạng Văn hóa đã có ảnh hưởng xấu đến việc chuyên chở các thiết bị quân sự từ Liên Xô qua lãnh thổ Trung Quốc sang Việt Nam. Hồ Chí Minh và những người khác đã nhiều lần đề cập đến việc này tại các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Trung Quốc.
Tình hình ở Trung Quốc, cố gắng xuất khẩu Cách mạng Văn hóa sang Việt Nam của giới lãnh đạo Trung Quốc cũng như tình hình quân sự bất phân thắng bại nhưng lại đẫm máu trong miền Nam đã gây ra nhiều cuộc thảo luận căng thẳng trong Đảng Cộng sản. Một bên là phe chủ hoà, được Liên bang Xô viết ủng hộ, kêu gọi thương lượng với Hoa Kỳ. Một bên là phe chủ chiến, dưới ảnh hưởng của Trung Quốc không những muốn duy trì chiến lược tấn công mà còn kêu gọi chủ động tiến hành một cuộc tổng tiến công để phá vỡ tình hình trì trệ trên chiến trường miền Nam.
Bắt đầu từ tháng 5 năm 1967 có những dấu hiệu cho thấy rằng tại những cuộc thảo luận trong giới lãnh đạo Bắc Việt, phe chủ chiến đã bắt đầu thắng thế. Trong mùa hè năm 1967, Hà Nội bắt đầu có những kế hoạch cụ thể cho một cuộc tổng tiến công quân sự lớn ở miền Nam, cái cuối cùng đã bắt đầu vào ngày 30 tháng 1 năm 1968: Tết Mậu Thân.
Kế hoạch mới này được bàn thảo tại cuộc họp ngày 18 và 19 tháng 7 năm 1967 của Bộ Chính trị. Trong cuộc họp này, Võ Nguyên Giáp vẫn tiếp tục phản đối ý định tổng tấn công về quân sự và đã bị Lê Duẩn cáo buộc là “sợ Mỹ”. Hồ Chí Minh thì gọi kế hoạch đó là “chủ quan” tức có nghĩa là không thực tế. Mặc cho những phản đối của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, kế hoạch này vẫn được tiếp tục phát triển. Tình hình an ninh được siết chặt qua nhiều đợt bắt bớ.
Những đợt thanh trừng bắt bớ năm 1967
Vào ngày 27 tháng 7 Hoàng Minh Chính bị bắt cùng với Hoàng Thế Dũng (phó tổng biên tập trước đây của báo Quân Đội Nhân Dân), Phạm Viết (phó tổng biên tập báo Thời Mới ) và Trần Châu (biên tập viên báo Nhân Dân). Đợt thứ hai diễn ra vào 18/10 năm 1967. Phần lớn những người bị bắt đều là những người thân cận với Võ Nguyên Giáp như Đặng Kim Giang, Lê Liêm, Lê Trọng Nghĩa. Ngoài ra, Vũ Đình Huỳnh và Nguyễn Kiến Giang cũng bị bắt.
Trong một bản báo cáo nội bộ vào giữa tháng 12 năm 1967 Lê Đức Thọ cáo buộc Đặng Kim Giang, Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Trần Minh Việt và Phạm Kỳ Vân đã phạm tội “phản quốc” và cố “gây chia rẽ giữa đảng và quân đội”.
Một điệp viên Bắc Việt người năm 1969 bỏ ngũ chạy sang miền Nam đã xác nhận lời tố cáo phản quốc này. Theo thông tin của ông, ngay trong năm 1967, một uỷ ban đã được thiết lập bao gồm chính Lê Đức Thọ, Trần Quốc Hoàn, Song Hào và Lê Văn Lương nhằm tiến hành điều tra vụ việc mà bây giờ có tên gọi chính thức là “Vụ án xét lại chống đảng”.
Trong lúc đó, ngày 25 tháng 12 năm 1967 và những ngày tiếp theo sau, một loạt đảng viên và người ngoài Đảng tiếp tục bị bắt, theo một nguồn là từ 200 đến 300 người. Trong số những người bị bắt của đợt cuối cùng và lớn nhất này tiếp tục có những người cộng tác với tướng Giáp như Lê Minh Nghĩa và Đỗ Đức Kiên, một loạt ký giả như Phạm Kỳ Vân trước là phó tổng biên tập của tờ Học Tập, Đinh Chân, Trần Thư, Mai Luân, Mai Hiến và Đặng Đình Cẩn (báo Quân đội Nhân dân), Lưu Động (báo Nhân Dân), Trần Minh Việt phó bí thư đảng ủy Hà Nội và phó biên tập của báo Hà Nội Mới. Ngoài ra Nguyễn Gia Lộc và Phùng Văn Mỹ làm việc cho Viện Triết học cũng bị bắt. Cả những người như Bùi Công Trừng, từng là giám đốc Viện Kinh tế, cũng bị bắt. Cho tới tháng tư năm 1967, ông Trừng còn được một nhà ngoại giao Xô viết xem là một “nhà kinh tế học có tầm nhìn xa”. Tướng Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm chủ tịch Ủy ban Thống nhất Trung ương cũng như cựu bộ trưởng bộ ngoại giao Ung Văn khiêm cũng chịu cùng số phận.[4]
Trần Đĩnh và Chính Yên tuy không bị đi tù nhưng phải đi lao động cải tạo.
Lúc đầu những người này bị cáo buộc chung chung là phạm tội chống Đảng. Sau này họ mới bị cáo buộc một cách cụ thể là đã hợp tác với Liên bang Xô viết âm mưu lật đổ chính phủ.
Nguyên nhân Vụ án Xét lại chống Đảng
Ngay từ cuối năm 1967 Lê Đức Thọ đã lan truyền một thuyết âm mưu cho rằng Hoàng Minh Chính, Phạm Kim Giang, Phạm Viết và những người khác đã tiết lộ bí mật quốc gia cho đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội và đã cùng với viên đại sứ phát triển một kế hoạch nhằm lật đổ chính phủ. Theo đó, Phạm Viết đã tổ chức một cuộc gặp gỡ giữa tướng Đặng Kim Giang và viên thư ký Hồ Chí Minh với viên đại sứ Liên Xô. Trong cuộc gặp gỡ này, ba người Việt đã đề cập đến thái độ chống Liên Xô của một vài lãnh đạo của Đảng Lao Động. Ngoài ra, Hoàng Minh Chính bị cho rằng đã tiết lộ bí mật quốc gia cho viên đại sứ Liên Xô và thậm chí còn được hứa sẽ được tỵ nạn chính trị ở Liên Xô.
Thuyết âm mưu này được Lê Đức Thọ công khai trình bày lần đầu tiên tại một cuộc họp Trung ương Đảng trong tháng 1 năm 1972 và cho tới nay vẫn là cách giải thích chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế nhưng không có bằng chứng cho một kế hoạch cụ thể nhằm lật đổ chính phủ cũng như không thể chứng minh được việc một nhóm người có tổ chức tồn tại dưới quyền của Hoàng Minh Chính, cùng với Đại sứ quán Liên Xô chuẩn bị cho một âm mưu nào đó.
Bắt đầu từ năm 1966 Liên bang Xô viết cố gắng gây ảnh hưởng lên giới lãnh đạo miền Bắc để họ thật sự cố gắng hướng tới một giải pháp đàm phán. Đồng thời, sau khi chiến dịch chống chủ nghĩa xét lại chấm dứt và sau khi các mối quan hệ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông âu được cải thiện, những người tương đối hòa hoãn như Ung Văn Khiêm và Lê Liêm lại tích cực tìm cách tiếp xúc với các đại sứ quán Liên Xô, Đông Đức và các nhà báo nước ngoài. Năm 1967, khi nhóm lãnh đạo quanh Lê Duẩn quyết định tiến hành cuộc tổng tấn công ở miền Nam thì những đợt bắt bớ này là một tín hiệu cho Liên Xô, hàm ý rằng sự giúp đỡ về quân sự và kinh tế của họ được hoan nghênh nhưng các cố gắng gây áp lực của họ nhằm đẩy nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến bàn đàm phán với Hoa Kỳ thì không. Nó đồng thời cũng là một tín hiệu gửi cho Trung Quốc, nói rằng miền Bắc sẽ không nhân nhượng trước áp lực từ Moscow và cũng sẽ không dựa vào Liên Xô nhiều hơn nữa.
Sau này, sau khi Nguyễn Kiến Giang được trả tự do, chính Lê Đức Thọ cũng nói với ông ấy rằng mục đích của những cuộc bắt bớ này là để làm cho người Trung Quốc hiểu rõ miền Bắc vẫn tiếp tục chống chủ nghĩa xét lại không thay đổi, hay nói theo một cách khác là vẫn tiếp tục đi theo đường lối của Trung Quốc và tư tưởng của Mao Trạch Đông: “Các cậu ở tù cũng là tham gia chống Mỹ cứu nước!”[5].
Trong “Tử tù tự xử lý nội bộ”, Trần Thư cũng kể lại rằng ông bị quy tội làm gián điệp cho Liên xô chỉ vì gián tiếp thông qua một người bạn đã đề nghị Liên xô nên trao đổi với Sihanouk nhằm đưa viện trợ vào miền Nam qua cảng biển của Sihanoukville[6].
Năm 1995, Nguyễn Trung Thành cựu vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng cũng nói với Trần Đĩnh rằng vụ án này “là đặt ra, dựng lên… chứ sự thật không có gì cả” và “các cụ ‘cần’ thấy các anh là một tổ chức chống Ðảng”[7].
Các phân tích của đại sứ quán Đông Đức cũng dẫn đến kết luận rằng đợt bắt bớ năm 1967 là kết quả của một cuộc tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo ở miền Bắc và có liên kết chặt chẽ với cuộc tranh luận về việc tiếp tục tiến hành cuộc chiến như thế nào.
Giới lãnh đạo Đảng muốn vô hiệu hóa các phân tử hòa hoãn, những người không đồng ý với quyết định tổng tấn công ở miền Nam và đặc biệt là muốn ngăn trận trước không cho xảy ra một cuộc xung đột công khai như tại Hội nghị Trung ương lần thứ 9 của Đảng Lao Động vào cuối năm 1963, khi quyết định thống nhất đất nước bằng bạo lực vũ khí. Bộ máy an ninh của miền Bắc lợi dụng cơ hội này để vô hiệu hóa tất cả những người ngay từ đầu những năm 1960 đã không muốn tái thống nhất đất nước bằng con đường quân sự cũng như phản đối việc dựa quá nhiều vào Trung Quốc về mặt tư tưởng hệ.
Trần Đĩnh trong “Đèn Cù” cho rằng “…bắt đầu sợ Trung Quốc tanh bành vì Cách mạng Văn hoá, Hà Nội có cơ bị bỏ bơ vơ giữa ‘chợ’… chiến trường, Lê Duẩn đã nảy ý mau chóng giải phóng miền Nam bằng một cú đánh có tính quyết định hy vọng qua đó thoát sớm được cuộc đại hỗn loạn của đại hậu phương và thế là Duẩn xoá ngay kế hoạch của Võ Nguyên Giáp chỉ đánh Tây Nguyên lấy thanh thế rồi rút, biến ý đồ duy ý chí Tổng tiến công – Tổng nổi dậy Tết Mậu Thân thành mục tiêu chiến lược. Nhưng đánh mạnh thì có khả năng Mỹ nhảy ra ngoài Bắc, vậy phải tính đến khả năng vời đến quân chí nguyện Trung Quốc vốn luôn đóng trực ở biên giới – sẵn sàng can thiệp theo thoả thuận từ đầu của cả hai bên. Muốn thế phải có thế chấp lớn nộp gấp Bắc Kinh. Vụ án xét lại ra đời! Tháng 2-1968 đánh, tháng 7-1967 bắt mẻ đầu tiên.”[8]
Vũ Thư Hiên và nhiều tác giả khác cho rằng đợt bắt bớ năm 1967 cũng nhắm tới tướng Võ Nguyên Giáp, và Lê Duẩn muốn lợi dụng chiến dịch thành từng ngày để để loại trừ một đối thủ của ông. Việc bắt Đặng Kim Giang một người thân cận của tướng Giáp từ cuộc chiến tranh chống Pháp, và một loạt những người cộng tác khác của ông ấy trong đợt thứ hai và đợt thứ ba cho thấy mục đích cũng là làm suy yếu vị trí của Tướng Giáp trong giai đoạn mang tính quyết định này. Bản thân Tướng Giáp đã sang Hungary từ tháng mười năm 1967, vắng có mặt trong thời gian của hai đợt bắt bớ đó.
Theo một vài ý kiến, không những Lê Duẩn mà cả vị thế của Lê Đức Thọ cũng được củng cố qua vụ án xét lại chống đảng. Vũ Thư Hiên cũng như người vợ goá của Vũ Đình Huỳnh là Phạm Thị Tề cáo buộc Lê Đức Thọ cũng muốn qua những vụ bắt bớ này mà loại trừ những nhân chứng có thể đưa ra thông tin về quá khứ của ông ta, đặc biệt trong thời gian ở nhà tù Sơn La đầu những năm 1940. Theo Vũ Thư Hiên, cha ông và Đặng Kim Giang đã ở tù chung một thời gian với Lê Đức Thọ tại Sơn La. Và trong thời gian Lê Đức Thọ nằm tại trạm xá y tế của tù thì một loạt bí mật của Đảng đã bị phơi bày ra ánh sáng. Bà Phạm Thị Tài cho rằng chồng bà đã biết quá nhiều về Lê Đức Thọ và những điều đó đã gây tai họa cho ông ấy. Quả thật, bên cạnh Đặng Kim Giang và Vũ Đình Huỳnh, một loạt những người đã từng ở tù chung với Lê Đức Thọ tại Sơn La cũng bị bắt như Hoàng Minh Chính, Phạm Kỳ Vân và Lưu Động.
Tù đày và sau đó
Những người bị bắt đầu tiên bị giam giữ trong Hỏa Lò, sau đó họ bị chuyển đi đến các trại tù khác. Không một người nào được đưa ra tòa xét xử. Hoàng Minh Chính lần đầu ở tù 6 năm rồi bị quản thúc tại gia. Lần thứ nhì (1981) ông bị giam giữ cho tới năm 1987 và lần thứ ba từ 1995 tới 1996, tổng cộng 12 năm tù giam và 8 năm quản thúc. Vũ Thư Hiên bị giam 9 năm liên tục trong nhiều nhà tù và trại tập trung. Đặng Kim Giang, Vũ Đình Huỳnh, Trần Minh Việt bị tù 6 năm. Phạm Kỳ Vân vào tù mấy năm thì lâm trọng bệnh, được thả về với gia đình để chết ở nhà, đỡ tai tiếng. Kỳ Vân là đảng viên kỳ cựu từ thời 1936, xứ ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ.
Những người không bị bắt mà chỉ bị gọi lên tra hỏi cũng có một cuộc sống hết sức khó khăn. Ví dụ như nhà văn, nhà báo Lê Văn Dũng bắt đầu từ năm 1968 không còn được phép làm công việc trước đây của ông nữa mà phải kiếm sống bằng cách nuôi heo và làm những công việc khác. Những người khác kiếm tiền bằng cách đạp xích lô. Nhà báo Văn Doãn phẫn uất tự tử năm 1972. Phó chủ tịch Quốc hội Dương Bạch Mai đột tử ngày 4-4-1964 tại cuộc họp Quốc Hội, mà dư luận cho là bị đầu độc.
Nhiều người đã ôm hận qua đời như: Ðặng Kim Giang, Lê Liêm, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Minh Việt, Tuân Nguyễn,Vũ Huy Cương, Hoàng Thế Dũng.
Cảnh tù đày được những người trong cuộc sau này mô tả lại trong các tác phẩm như “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn, “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, “Một người tù xử lý nội bộ” ủa Trần Thư.
Đến những năm 1972,1973 những người bị bắt dần dần được thả, nhưng không được phép trở về Hà Nội mà bị quản thúc tại gia ở nông thôn cho đến 1976, 1977. Là những “kẻ thù của Đảng” họ bị cô lập trong xã hội. Bắt đầu từ khoảng năm 1977 phần lớn nạn nhân của chiến dịch thanh trừng này được phép trở về Hà Nội nhưng vẫn còn bị an ninh giám sát.
Năm 1981, vài tháng trước đại hội lần thứ 5 của Đảng Cộng sản, Đặng Kim Giang và Hoàng Minh Chính đưa đơn yêu cầu chính thức xét lại vụ án của họ. Hai người lại bị bắt giam sau đó. Hoàng Minh Chính bị giam giữ cho đến năm 1987. Đặng Kim Giang lâm bệnh nặng trong tù năm 1983 và chết tại nhà trong cùng năm đó vì không được chữa trị.
Sau khi ra tù Hoàng Minh Chính tiếp tục viết nhiều lá thư mở yêu cầu xét xử lại vụ án này và phục hồi cho ông. Vào thời gian này, sau cái chết của Lê Đức Thọ, nhiều người khác cũng bắt đầu viết đơn thỉnh cầu gửi cho các ủy ban đảng và nhà nước.
Năm 1995 Nguyễn Trung Thành, cựu vụ trưởng Vụ Bảo vệ Đảng, người trực tiếp xem xét vụ án này và làm việc dưới quyền của Lê Đức Thọ cho tới khi về hưu, trong một bức thư gửi cho với lãnh đạo đảng đã nói rằng các bằng chứng cáo buộc những người bị bắttrước kia là giả mạo và vì vậy mà yêu cầu phục hồi cho họ. Giới lãnh đạo Đảng dưới quyền của bí thư Đỗ Mười thời đó một lần nữa phản ứng hết sức gay gắt: Nguyễn Trung Thành bị khai trừ ra khỏi Đảng và những lá thư của ông bị tịch thu.
Tháng 7 năm 2017, Vũ Thư Hiên viết thư ngỏ thêm một lần nữa (“Vì lịch sử và công lý, chúng tôi lên tiếng“) nhưng vẫn rơi vào trong sự im lặng.
Cho tới ngày nay các nạn nhân của chiến dịch thanh trừng năm 1967 vẫn không được chính thức phục hồi.
Tài liệu tham khảo
- Die Partei und der Krieg, Martin Großheim, NXB Regiospectra, Berlin, 2009
- Đèn Cù, Trần Đĩnh, NXB Người Việt Books, 2014
- Hoàng Minh Chính. Từ nhà tù Sơn La đến trại giam B14 Hà Nội, Nguyễn Thanh Giang, 2001: https://phanba.wordpress.com/2017/11/11/hoang-minh-chinh-tu-nha-tu-son-la-den-trai-giam-b14-ha-noi/
- Lời Ai Điếu, Lê Phú Khải, NXB Người Việt Books, 2016
- Tử tù tự xử lý nội bộ. Trần Thư
- Thư ngỏ của công dân Hoàng Minh Chính:https://phanba.wordpress.com/2017/11/11/thu-ngo-cua-cong-dan-hoang-minh-chinh/
- Vì lịch sử và công lý, chúng tôi lên tiếng, Vũ Thư Hiên:https://phanba.wordpress.com/2017/07/27/ vu-thu-hien-vi-lich-su-va-cong-ly-chung-toi-len-tieng/
Đọc phần đầu: 50 năm Vụ án “Xét lại chống Đảng” (phần 1)
[1] Như trên, trang 196.
[2] Như trên, trang 195
[3] Như trên, trang 206.
[4] Xem thêm danh sách những người bị bắt trong bài “Hoàng Minh Chính. Từ nhà tù Sơn La đến trại giam B14 Hà Nội”:https://phanba.wordpress.com/2017/11/11/hoang-minh-chinh-tu-nha-tu-son-la-den-trai-giam-b14-ha-noi/
[5] Lời Ai Điếu, Lê Phú Khải, chương “Chấm phá chân dung các nhà dân chủ”, NXB Người Việt Books
[6] Tử tù tự xử lý nội bộ, Trần Thư, chương 14
[7] Đèn Cù, Trần Đĩnh, trang 347.
[8] Đèn Cù, Trần Đĩnh, Chương 27, trang 208
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét