Chúng ta đều biết thủy ngân có độc tính, tuy nhiên nó không đến nỗi gây chết người và vẫn được sử dụng trong các nhiệt kế dân dụng. Nhưng Dimetyl thủy ngân thì lại khác, loại hợp chất này được coi là một trong những chất độc nhất thế giới, chỉ vài phần nghìn ml rơi vào da thôi cũng đủ gây tử vong.
Dưới đây là câu chuyện của giáo sư Karen Wetterhahn, chuyên gia nghiên cứu về nhiễm độc kim loại, đã tử vong chỉ vì vài giọt Dimetyl thủy ngân rơi trên găng tay.
Năm 1996, khi giáo sư Karen Weterhahn đang nghiên cứu cách ion thủy ngân tương tác với protein sửa chữa DNA. Theo bà nhớ lại, bà đã đánh rơi một vài giọt lên chiếc găng tay cao su mà không hề nghĩ rằng mình có thể gặp nguy hiểm gì. Bà đã thực hiện đủ tất cả các lưu ý an toàn theo tiêu chuẩn vào thời điểm đó.
Nhưng một vài tháng sau, bà bắt đầu có các vấn đề về thăng bằng và giao tiếp. Cuối cùng bà đến phòng cấp cứu và phát hiện rằng mình đã bị nhiễm độc thủy ngân. Bác sĩ đã cố gắng lọc thủy ngân ra khỏi máu của bà, nhưng cuối cùng sau vài tháng bà vẫn qua đời.
Vì sao cái găng tay không có tác dụng và vì sao bà qua đời?
Về sau người ta làm thí nghiệm và phát hiện ra rằng dimethyl thủy ngân có thể thẩm thấu qua các loại găng tay cao su và chạm đến da chỉ sau 15 giây. Với đa số các ca nhiễm độc thủy ngân, nạn nhân phải bị phơi nhiễm với hóa chất sau nhiều tháng hay nhiều năm rồi mới bị nhiễm độc, nhưng lần này chỉ là vì một khoảng thời gian ngắn ngủi đó thôi.
Nhưng chưa hết, cho dù bác sĩ đã lọc được thủy ngân ra khỏi máu và làm nồng độ chất độc trong máu bà giảm hẳn, vì sao bà vẫn qua đời? Vấn đề ở đây là phần lớn lượng thủy ngân không nằm trong máu. Dù nồng độ thủy ngân trong máu bà đã gấp 4000 lần so với mức thông thường, nhưng đó chỉ là 5% lượng thủy ngân trong cơ thể bà. Dimethyl thủy ngân là chất dễ hòa tan trong chất béo và có thể dễ dàng lẫn vào trong chất béo của cơ thể. Không may cho giáo sư Weterhahn, thủy ngân đó đã đi thẳng tới một trong những cơ quan nhiều chất béo nhất trong cơ thể: bộ não.
60% bộ não là chất béo, và mỗi nơ-ron đều cần có một lớp vỏ chất béo myelin để truyền đi các xung. Thủy ngân không chỉ phá hủy nơ-ron trong não của bà mà còn phá hủy toàn bộ hệ thần kinh của bà.
Vài tuần sau khi vào phòng cấp cứu, giáo sư Weterhahn đã rơi vào tình trạng hôn mê. Sáu tháng sau bà qua đời. Toàn bộ quá trình diễn tra trong vòng chưa đầy 1 năm kể từ khi bà tiếp xúc với chất độc này.
Tuy vậy, cái chết của bà không vô ích, sự việc này khiến người ta phải đưa ra tiêu chuẩn an toàn khi sử dụng dimethyl thủy ngân. Hiện nay các nhà khoa học phải dùng loại găng tay nhiều lớp chống thấm mạnh bên trong lớp cao su để bảo vệ tốt hơn nữa, thậm chí người ta còn đề xuất ngừng sử dụng hoàn toàn dimethyl thủy ngân.
Hi vọng rằng với những điều chỉnh như vậy, giáo sư Weterhahn sẽ là nạn nhân cuối cùng của loại hóa chất này.
Thành Đô tổng hợp / TrithucVn
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét