Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Vietnam Airlines lỗ gần 700 tỉ đồng vì giàn khoan Hải Dương

Các vụ tai nạn hàng không liên tiếp xảy ra trên thế giới đã có những tác động nhất định đến tâm lý hành khách, làm giảm nhu cầu đi lại, nhất là du lịch của người dân... Thanh Niên vừa phỏng vấn Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines (VNA) Phan Xuân Đức (ảnh) về ảnh hưởng của những sự cố này đến hoạt động của hãng. Ông Đức cho biết:
Hàng không vẫn là loại hình vận tải an toàn nhất
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không VN, nhìn lại các vụ tai nạn liên tiếp xảy ra gần đây, đa phần đều do yếu tố khách quan tác động nên hành khách trên thế giới chưa đến mức quay lưng lại với ngành hàng không. Với hàng không một tai nạn là quá nhiều, nhưng có thể thấy từ năm 2006 đến nay, theo thống kê của ICAO, tỷ lệ tai nạn trên chuyến bay của hàng không thế giới là 3 - 4/1 triệu chuyến bay. Hệ thống đảm bảo an toàn của hàng không rất chặt chẽ, hàng không vẫn là loại hình vận tải an toàn nhất. M.Hà (ghi)
Có một số thời điểm có tác động khá mạnh đến tâm lý hành khách. Các sự cố liên tiếp sau đó cũng gây nhiều ảnh hưởng, không chỉ với tâm lý hành khách mà cả đội ngũ tiếp viên của các hãng hàng không. Tôi cũng đang phải chuẩn bị thuyết trình với 2.000 tiếp viên và đội ngũ phi công của hãng để họ yên tâm về quy trình, mức độ an toàn kỹ thuật của VNA.

Ảnh hưởng của các vụ tai nạn máy bay liên tiếp trên thế giới có khiến mức độ khai thác, doanh thu của VNA bị giảm mạnh không, thưa ông?

Cũng có những tác động mạnh làm tăng nhiên liệu, tăng chi phí. Cụ thể, việc điều chỉnh đường bay để tránh diễn biến chiến sự và tránh hoàn toàn không phận Ukraine đã khiến hành trình bay xa hơn, thời gian bay tăng thêm 10 phút đối với các đường bay đến Frankfurt/Charles de Gaulle/Gatwick, dầu phải tra nạp thêm gần 3 tấn, tải thương mại giảm khoảng 500 kg và làm tốn thêm khoảng 10 tỉ đồng mỗi tháng, tương đương nửa triệu USD.

Tuy nhiên, thảm họa nổ máy bay MH17 cũng không làm giảm lượng khách bay đột ngột như vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng biển VN hồi đầu tháng 5. Chúng tôi tính là từ thời điểm đó đến nay mất trên 700 tỉ đồng doanh thu. Đó là sự mất cân đối nghiêm trọng. Chưa năm nào xảy ra tình trạng đó. Mức sụt giảm doanh thu chủ yếu là các chuyến bay đi/đến Trung Quốc, thứ nhì là Hồng Kông, thứ ba là Đài Loan. Hiện nay sau khi Trung Quốc rút giàn khoan đi thì các đường bay đến Hồng Kông và Đài Loan đã hồi phục.

Tình trạng sút giảm doanh thu mạnh như vậy có ảnh hưởng đến kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của VNA cuối năm nay không?

Chúng tôi hy vọng từ nay đến cuối năm vẫn đảm bảo cân đối cả năm. Hiện nay vẫn quyết tâm không điều chỉnh kế hoạch. Kế hoạch IPO của chúng tôi vẫn sẽ tiến hành như dự kiến. Hiện tại, chúng tôi đã hoàn thành báo cáo phương án cổ phần hóa, Bộ Giao thông vận tải cũng đã thông qua và chúng tôi đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Nếu có ảnh hưởng đến IPO là ảnh hưởng do kết quả sản xuất cuối năm. Vụ giàn khoan Hải Dương-981 tháng 5, tháng 6 làm chúng tôi lỗ mất gần 700 tỉ đồng, do vậy 6 tháng đầu năm chúng tôi chỉ lãi 100 tỉ đồng trước thuế. Hai tháng thôi mà nó làm mất gần hết thành quả của 4 tháng trước.

Mạnh Quân (thực hiện)
http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140801/vietnam-airlines-lo-gan-700-ti-dong-vi-gian-khoan-hai-duong-981.aspx
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: