Năm 1957, khi Nhà xuất bản Kim Đồng ra đời, tôi học lớp 6 (tương đương lớp 7 – 8, Trung học cơ sở bây giờ).
Trước đó, quả thật việc đọc sách chẳng có định hướng gì, gặp đâu đọc đấy. Có khi là những cuốn sách từ thời Hà Nội tạm chiếm như O chuột, Xóm giếng ngày xưa của Tô Hoài, rồi cả Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, …tìm được trong cửa hàng sách cũ; có lúc là mấy cuốn sách in trong kháng chiến chống Pháp ở Việt Bắc trên loại giấy thủ công xù xì màu xám như Nắng của Nguyễn Trinh Cơ, Tỉnh ủy bí mật của Phi-đô-rốp, …Từ khi có Kim Đồng, bọn trẻ chúng tôi có thêm những người bạn mới Tìm mẹ, Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng, Kim Đồng, Vừ A Dính của Tô Hoài, rồi truyện và thơ của Thy Thy Tống Ngọc, Phạm Hổ, Định Hải, Viết Linh…
Vài năm sau đó, tôi được đọc những truyện của Vũ Hùng từ khi còn là những trang bản thảo viết tay. Ông là em trai của Mẹ tôi, người đã được ông hồi tưởng trên những trang viết cảm động trong tập hồi ký Mái nhà xưa. Là đứa cháu lớn trong gia đình, ham đọc sách, Ông muốn qua tôi thăm dò tình cảm của bạn đọc nhỏ tuổi khi mới bước vào nghề văn. Cuốn sách đầu tay của Ông là “Mùa săn trên núi”, từ đó, Ông viết được cuốn nào, tôi cũng hân hạnh là một trong những người đọc đầu tiênn trước khi gửi tới nhà xuất bản. Truyện của Vũ Hùng mang tới cho tôi những cảm nhận mới lạ, thế giới mở ra trước mắt tôi không phải chỉ có những chuyện về lòng yêu nước, về lòng dũng cảm trước kẻ thù xâm lược hay cuộc sống nghèo đói của một thời chưa xa. Sách của ông mang lại cho người đọc rất nhiều những hiểu biết về thiên nhiên, về núi rừng, về các loài muông thú và hơn hết, bao trùm lên tất cả là cái tình người bao la, mênh mông. Tình với những cảnh sắc thiên nhiên được miêu tả bằng cảm quan vô cùng tinh tế, tình với những con thú hoang từ lớn đến nhỏ trong những cánh rừng già như với những người bạn thân thiết, tình giữa những con người gắn bó trong mỗi gia đình, trong làng xóm, giữa những người đồng ngũ, khi thô mộc chất phác, lúc nhẹ nhàng tinh tế nhưng bao trùm tất cả là lòng thương yêu, sẻ chia, đùm bọc.
Một hôm, khi đó đang học khoa Văn Đại học Sư phạm, Ông bảo tôi nhận xét về những trang viết, tôi thật sự lúng túng khi soi chiếu chúng với những thường thức về lý luận văn học tôi vừa được nghe giảng trong nhà trường hay qua những sách lý luận của Ti-mô-phê-ep, của Đô-brô-liu- bốp, và bao nhiêu các nhà lý luận mác-xít khác. Tôi không tìm đâu ra trong những trang viết đầy hấp dẫn ấy những “tính đảng”, “tính giai cấp”, “tính nhân dân”, những “phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa” hướng người đọc tới tương lai tươi sáng. Mãi sau này, tôi mới được biết, tất cả những điều đó đâu có phải là tiêu chí cho một tác phẩm văn học chân chính.
Hơn hai mươi năm gần đây, tôi vẫn thường xuyên lui tới những quầy sách của Nhà xuất bản Kim Đồng tìm sách cho mình, cho con, rồi cho cháu. Mỗi lần đứng trước những giá sách, nhìn những tập truyện, tập thơ của các tác giả mà tôi đã được đọc thời niên thiếu nay được in ấn bằng công nghệ mới hiện đại và cách trình bày đẹp mắt, tôi lại ngậm ngùi vì thiếu vắng những cuốn sách của Ông cho dù Ông đã có tới hơn 40 tác phẩm viết cho thiếu nhi ở nhiều nhà xuất bản khác nhau. Hóa ra, dù mang nội dung đầy tính nhân văn, luôn tôn vinh tình người thân thiết và rộng mở, những trang viết của Ông vẫn không vượt qua được sự hẹp hòi.
Được tới dự lễ ký kết Hợp đồng độc quyền sử dụng tác phẩm của Ông do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức, tôi xin cám ơn Nhà xuất bản, nơi đã cho tôi được đọc những cuốn sách có ích từ thời niên thiếu nay đã có một nghĩa cử chiêu tuyết cho nhà văn; xin cám ơn những đánh giá của Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản, và nhiều nhà văn khác không chỉ xác lập vị trí của nhà văn Vũ Hùng trong văn học viết cho thiếu nhi, mà còn giúp tôi khỏi nỗi băn khoăn “mẹ hát con khen hay” khi thầm nhận xét những trang viết tôi hằng ngưỡng mộ
Trong đời sống xô bồ và có phần nhiễu loạn hiện nay, trẻ em nước ta sẽ bớt đi một chút thiệt thòi khi được đọc những tác phẩm của nhà văn Vũ Hùng. Các em sẽ được biết núi rừng đất nước ta đã từng hoang sơ, đầy bí ẩn và đẹp đẽ ra sao, con người Việt Nam chúng ta đã từng sống với nhau trong tình đồng loại đầm ấm và thân thiết như thế nào và ngay cả với loài vật, biết bao các thế hệ đi trước cũng biết lắng nghe và đồng cảm như với những người bạn.
Tất cả những điều tưởng chừng là nhân tính đó tiếc thay giờ đây chỉ còn là những hoài niệm như trong cổ tích.
Blogger Ông giáo làngPhần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét