Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Một bài cũ còn hay:

khủng bố trong văn học

        Cuối cùng thì khủng bố đã vào Việt Nam, may thay chỉ mới trong văn học và may hơn nữa chỉ mới trên báo Văn Nghệ và Văn Nghệ Trẻ, hai cơ quan trung ương của Hội Nhà Văn Việt Nam.
Tạp chí Ngày Nay , cơ quan ngôn luận của Hiệp hội UNESCO Việt Nam số ra tháng 10-2003, đăng ý kiến của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về xã hội Việt Nam ngày nay làm không ít người ngỡ ngàng:

” Tôi cứ nghĩ rằng thời của tiểu thuyết sẽ là thời của dân chủ, thời của những tư tưởng tự do, thời của sự ổn định chính trị và kinh tế: đấy cũng là thời mà chúng ta đang sống bây giờ. “

Có đúng thế không ? Có đúng “thời mà chúng ta đang sống” là “thời của những tư tưởng tự do “ không ? Chỉ không đầy 5 tháng sau, ý kiến của ông NHT đã được kiểm chứng tức thời  như một cái tát vả vào miệng. 
Quan điểm “ thời của những tư tưởng tự do” của ông Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu được “chạy thử” khi ông đăng bài “ Trò chuyện với hoa thuỷ tiên và những nhầm lẫn của nhà văn “lại cũng trên Tạp chí Ngày Nay số ra ngày 12-2, 1-3 và 15-3-2004. Quả thực bài viết của ông là một nhát búa tạ giáng vào bộ phận nhạy cảm nhất của xã hội, vào uy tín “khả kính” của Hội nhà văn Việt Nam :
“  Nhìn vào danh sách hơn 1000 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam người ta đều thấy đa số đều chỉ là những người già nua không có khả năng sáng tạo và hầu hết đều… “vô học”, tự phát mà thành danh…”
Ông NHT đã cẩn thận nhấn mạnh “ đa số đều chỉ là…”, tức không phải “tất cả”  và những nhà thơ trong  đám “đa số” đó thì   :
“Trong số này có tới hơn 80% là nhà thơ tức là những người chỉ dựa vào “cảm hứng” để tuỳ tiện viết ra những lời lẽ du dương phù phiếm vô nghĩa, nhìn chung là lăng nhăng, trừ có dăm ba thi sĩ tài năng thực sự (số này đếm trên đầu ngón tay) là còn ghi được dấu ấn ở trong trí nhớ người đời còn toàn bộ có thể nói là vứt đi cả”
tức không phải toàn bộ nhà văn, nhà thơ VN, còn một “thiểu số “ khác  không nằm trong diện ông chửi . Và suy cho cùng ý kiến ông NHT cũng chẳng lấy gì làm oan uổng đối với cái đám “đa số kia”.
Ấy vậy mà ngay lập tức báo Văn Nghệ số ra ngày 27-3 và và báo Văn Nghệ Trẻ số ra ngày 28-3  đăng một loạt bài đánh hội đồng tới tấp.
Trên báo Văn Nghệ, trong bài “ Có thật đa số các nhà văn Việt Nam đều vô học, các nhà thơ đều lưu manh – hay là “Hội chứng chửi có thưởng” thời nay” phê bình gia kiêm nhà thơ Trần Mạnh Hảo mang cả Đại tự điển Tiếng Việt của Bộ Giáo dục & Đào tạo ra tra nghĩa chữ “ vô học” để cấp tập ra đòn :
” Anh Thiệp nỡ lòng nào mắng cả Hội Nhà văn Việt Nam là đồ vô giáo dục, mắng các nhà thơ là phù phiếm, vô nghĩa, lăng nhăng, lưu manh, vứt đi cả? …Cả làng văn vốn lành tính không ai chòng ghẹo gì anh, không ai bắt trộm gà qué của anh, sao anh lại giãy lên đành đạch như đỉa phải vôi mà đứng chống nạnh xỉa xói làng nước thế? “.
Ô hay, ông NHT có chửi “cả làng nước“ đâu, chỉ chửi những thằng vô học, lăng nhăng, lưu manh…thôi chứ, sao ông TMH chụp cho ông NHT cái nón cối quá cỡ thợ mộc vậy ?
Trên báo Văn Nghệ Trẻ, ông Nguyễn Điệp Hoa và ông Đặng Huy Giang cũng phóng ngay một quả B40 bằng một bài có cái tít to tổ mẹ nghe mà kinh hãi :” Cảnh báo về một thái độ khủng bố trong văn chương” . Hai ông này viết :
 “ Cú choảng này ( chỉ bài viết của NHT)  khiến chúng tôi liên tưởng tới cú đấm bừa, thậm chí phạm luật cũng chơi , của một kẻ sắp thua, biết mình sắp mất tất cả, nhưng không quan trọng , miễn là ra được đòn, dù có phải dùng răng để cắn vào tai…Hãy phê bình cụ thể vào tác phẩm, không thoá mạ cả một nền thơ nói riêng và văn học nói chung một cách mơ hồ và võ đoán theo kiểu lấy được” .
Đao to búa lớn ghê gớm chưa ? Ngày nay khi cái mũ “phản động” xem ra không còn hợp thời, người ta tuỳ tiện gắn ngay nhãn “khủng bố” thì đến ông Mẽo  cũng phải khiếp. Vả lại, dù có thế nào, sự nghiệp văn chương của nhà văn NHT vẫn còn đó chứ có “sắp mất tất cả” như hai ông NĐH và ĐHG nói bừa đâu ? 
Cũng trên số báo này, trong bài viết có tựa đề “…Lấy số đo của mình mà đặt tiêu chí cho thiên hạ…”, ông Nguyễn Hoà viết :

”…đó là những cố gắng để đánh bóng tên tuổi mình…miệt thị không tiếc lời những người đang là đồng nghiệp, đang cùng đứng trong một hội nghề nghiệp với anh…Anh có thể không thích thơ của một nhà thơ, thơ của nhiều  nhà thơ, thậm chí thơ của tất cả các nhà thơ Việt Nam đương đại, nhưng không thể vì sự “không thích “ đó mà anh lại dành cho mình cái quyền miệt thị học vấn và nhân cách của họ..”

Để diễn tả thực trạng thơ hôm nay, Nguyễn Huy Thiệp viết :

“Giai thoại có một nhà thơ nói về tình cảnh thơ ở trong bài thơ sau đây (tôi đã đưa chuyện này vào trong tiểu thuyết của tôi vì nó quá hay) khá tiêu biểu cho thực tế đó: “Vợ tôi nửa tỉnh nửa mơ/ Hôm qua nó bảo: Dí thơ vào l…/ Vợ tôi nửa dại nửa khôn/ Hôm nay lại bảo: Dí l… vào thơ!”, tôi cũng không phủ nhận cảm tình của nhân dân đối với thơ nhưng quả thực trên thực tế cái danh nhà thơ là một thứ nhìn chung chỉ là nhăng nhít, hữu danh vô thực, chẳng ai muốn dây vào nó: nhà thơ đồng nghĩa với sự chập cheng, hâm hấp, quá khích, vớ vẩn, thậm chí còn lưu manh nữa.”

Tất nhiên, nói “dí l…vào thơ”  kể cũng khó lọt tai các cụ “bô lão”, nhưng NHT chỉ nhằm vào thứ thơ tào lao, xuất hiện nhan nhản trên các báo Văn Nghệ trung ương và địa phương thôi. Vậy mà TMH đã la làng, vu ngay cho NHT chửi bới  tuốt luốt cả tổ tiên :

“ Những lời thoá mạ nguyền rủa THƠ CA một cách vô tiền khoáng hậu trên của Nguyễn Huy Thiệp dành cho không chỉ các nhà thơ thời nay, mà còn cả các nhà thơ trong quá khứ. Nên nhớ rằng chúng ta mới có Văn xuôi từ thuở chữ Quốc ngữ thông dụng vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở Nam Kỳ; còn hơn 9 thế kỷ, cả nền văn học dân tộc đều đồng nghĩa với THI CA. Hồn Thơ của ca dao, của thơ Lý Trần, của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tố Hữu, Nguyễn Bính... kia có thể ví như BÀ MẸ TINH THẦN của dân tộc. Việc làm trên của một người tự nhận là nhà văn, là một nhà văn hoá, một nhà nghiên cứu như Nguyễn Huy Thiệp, có thể ví như hành vi của đứa con dám hắt nước vào chính mặt mẹ mình(!).”.

Rõ đúng là cái trò “lén bỏ thuốc phiện vào ruộng người ta” rồi rạch mặt la làng. Cứ cái đà viết này , không khéo ông NHT đáng tội khởi tố hình sự. Phụ hoạ theo TMH, hai ông NĐH và ĐHG kéo còi báo động :
” Chúng tôi nghĩ rằng có một thái độ khủng bố trong phê bình văn học bắt đầu manh nha từ Nguyễn Huy Thiệp…”.
làm người đọc phải buồn cười :” chẳng biết ai khủng bố ai “ nữa đây ?
Với “thái độ khủng bố” (?) , ông Nguyễn Huy Thiệp viết :

“…con trẻ ta ngốn những truyện tranh manga còn nhiều hơn sách văn học tỉ tỉ lần. Chúng không đọc “Những cánh buồm đỏ thắm” của Grimm, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài nữa mà dành thời gian đó cho “Đôrêmon” hoặc các siêu nhân.Trong Hội nghị Lý luận văn học ở Tam Đảo năm 2003, chẳng thấy có một tham luận nào dành cho văn học thực sự. Không còn ai cứu trẻ con nữa. Tất cả những người “hành nghề văn học” ở ta đều muốn “dĩ hoà vi quý”, đều muốn có những cuộc chơi đèm đẹp, chơi có thưởng, không ai muốn “hy sinh” nữa…”.

Những lời lẽ này, với những người còn đôi chút tâm huyết ắt phải giật mình hoặc chí ít cũng buông một tiếng thở dài chứ đâu phải “ chửi có thưởng” như  la lối của ông TMH ? Hay chính ông bị NHT “chọc” đúng tim đen ?
“Trò chuyện với hoa thuỷ tiên” , ông Nguyễn Huy Thiệp viết  :

“Ngày Tết, đi mua giò hoa thuỷ tiên tôi mới ngã ngửa ra rằng tất cả giống hoa thuỷ tiên ở ta đều được nhập từ Trung Quốc. Không phải thuỷ tiên mà rất nhiều loài hoa khác nữa, thậm chí cả đào! Đi vào các hiệu sách, vẫn thấy văn học hiện đại Trung Quốc chiếm thượng phong ở trên giá sách. Về nhà mở ti-vi, phim truyền hình Trung Quốc vẫn thu hút người xem đông nhất….Này hoa thuỷ tiên, tôi ước chi đây là giống hoa của người Việt Nam trồng ra trên đất Việt Nam. Vệ Tuệ, Miên Miên, Cửu Đan… ước gì đấy sẽ là những tên tuổi của các nhà văn Việt Nam? “

Những ưu tư đó là của “thất phu hữu trách” hay là lời lẽ của bọn khủng bố hả ông Trần Mạnh Hảo, ông Nguyễn Điệp Hoa , ông Đặng Huy Giang…và tất cả những ông đang xúm vào chia  cái bánh bổng lộc của Hội Nhà văn mà thực chất móc từ túi của dân ? Chỉ buồn cho ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, vừa mới đăng đàn tuyên bố :

“…thời của dân chủ, thời của những tư tưởng tự do, thời của sự ổn định chính trị và kinh tế: đấy cũng là thời mà chúng ta đang sống bây giờ. “
đã nhận ngay một quả linh nghiệm trời giáng, chẳng hiểu có làm ông trắng mắt mà uốn lưỡi cho đủ 7 lần trước khi  nói hay không ?


NT

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: