Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 31 tháng 8, 2014

Dù nói thế chứ nói nữa cũng chẳng ích gì, chẳng đi tới đâu với thứ "Bắt buộc phải thế "!






Hiện tại, cái gọi là "phê bình văn học" Việt Nam (trong nước) theo tôi có những điểm chính sau:

1. Các nhà "phê bình hiện thực xã hội chủ nghĩa": Đây là những nhà phê bình ăn lương nhà nước. Có cả một Hội đồng phê bình lý luận cấp trung ương nhưng cái tổ chức này già nua và giáo điều. Họ vẫn viết một cách công thức, gò bó, xa sự thật. Họ nhìn xã hội bằng con mắt giả trá, vẫn cứ đòi hỏi phải theo cái khuôn khổ cũ, vẫn mong mỏi tác giả tìm ra một “con người mới xã hội chủ nghĩa”, dù chính họ biết tỏng chẳng hề có thứ con người kỳ quái đó!

2. Các "nhà phê bình" (thường phóng viên, biên tập viên) trên báo: Họ thường bắt đầu giới thiệu một tác phẩm của một nhà văn bằng các loại câu đại khái: “Tôi quen X (nhà văn, gọi tên suồng sã cho ra vẻ thân tình) ở hội thảo, ở quán cà phê, ở… đâu đó v,v…), và sau đó là rất nhiều từ dùng để mô tả mối quan hệ này, mô tả X sống ra sao, đối xử với bạn bè hay và đẹp như thế nào, có sách là gọi ngay điện thoại để biếu tôi v.v…, và cuối cùng “hạ cố” giành cho một số lời khen chung chung, nhạt nhòa, thậm chí ngu xuẩn vì nó chẳng dính gì đến tác phẩm (bởi họ lười đọc, có đọc cũng đọc lướt qua). Và vì vậy người đọc nghiêm túc, chỉ nhận những thông tin vô bổ về tác phẩm, ngoại trừ cái bìa, hay trang 1 tác phẩm, nơi có … chữ ký nhà văn giành cho người viết cái gọi là “phê bình” đáng phỉ nhổ kia.

3. Các "nhà phê bình" là các cây bút chơi thân nhau trong các Hội nhà văn, các tờ báo. Một khi có tác phẩm của kẻ "cùng hội cùng thuyền" ra đời, họ nhất mực cất lên một giàn đồng ca thắm thiết. Họ thường ca ngợi tác giả ngoài cái họ đang phê bình, ví dụ như X đã đoạt những giải thưởng nào, sách của X được hồ hỡi đón nhận ra sao, X đã ra bao nhiêu đầu sách....Thường nếu đọc bài của họ, người đọc rất dễ nhầm lẫn, cứ tưởng đó là tác phẩm xứng đáng để đọc, nhưng phần lớn là gặp trò lừa đảo.

4. Các nhà phê bình làm dáng với chữ nghĩa: Đây thường là những cây bút quen thuộc, có ý thức làm mới, nhưng thích phô trương “sự học” của mình. Và vì vậy nhiều khi họ dùng quá nhiều từ mơ hồ để phê bình một tác phẩm… ít mơ hồ hơn họ. Những “ngoại biên”, “chiều kích” nào đó của tác phẩm được nhắc đến nhiều lần, nhưng để làm rõ (nhiệm vụ của phê bình) vì sao ngoại biên thì càng đọc, người đọc càng rối rắm!

5. Các nhà văn lớn (tuổi) viết phê bình: Loại này thường xem tác giả như… con em của mình, họ có khi chẳng đọc tác phẩm mà vẫn đưa ra những lời khuyên như kiểu xoa đầu. Thực ra hiện nay các nhà văn Việt Nam sinh trước 1975, không một ai đủ tư cách “xoa đầu” những nhà văn hiện đại. Bọn “ăn bóng” này rất tởm!

Tất nhiên ở đây không cần liệt kê những cây bút "phê bình" là kẻ ăn lương của các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách, bởi những bút nô này chỉ có một việc thuần nhất là ca ngợi.

Kết: Một số nhà văn thành danh của thế giới không ưa các nhà phê bình vì không chịu nổi sự công kích của họ. Nhưng tại Việt Nam, khi nền phê bình văn học gần như bằng không hiện nay, lại đẩy các tác phẩm nghiêm túc về mặt sáng tạo vào sự quên lãng của công chúng vì ít ai biết đến. Trong khi đó các loại sách nhảm nhí, thông tục lại được quảng bá rộng rãi nhằm thu lợi nhuận. Và giống như “ca sĩ Lệ Rơi”, có những cây bút tầm xoàng sau vài giờ đã thành “nhà văn nhà thơ” nổi tiếng, Hội chợ sách vừa qua tại Sài Gòn và vài cuốn sách vừa ra đời là một mình chứng cho điều tôi vừa nói.

Tất nhiên sống trong một xã hội đang suy đồi về mọi mặt, những cố gắng của một nhà văn ý thức rõ ràng về nghề nghiệp của mình đôi khi vô ích, nhưng họ vẫn miệt mài viết, chịu đựng và sáng tạo như một "nghiệp dĩ" của mình. Nếu những nhà văn đó không thỏa hiệp, không ca ngợi cái xấu vì lợi ích bản thân, tôi nghĩ tác phẩm họ xứng đáng được giới thiệu với công chúng bằng ngòi bút phê bình công tâm, thật sự đọc đến chiều sâu tác phẩm của họ.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: