Ngân Anh
VNN - Câu chuyện đang nóng - vợ chồng “cán bộ” đổ vấy việc lấy đồ trên máy bay, hết cho nhân viên hàng không đến chính con gái mình – chỉ là một sự việc minh họa thêm cho danh sách những thói hư tật xấu (và không thể sửa?) của người Việt.
Thói quen “nhặt nhạnh” của… trí thức, công chức
Chị Hà Thu từng muối mặt tâm sự với bạn thân về lý do chia tay người yêu của mình. Đó là khi soạn đồ từ vali của người yêu - làm việc tại một Bộ lớn - sau khi đi công tác về, chị choáng váng khi thấy một loạt kem đánh răng, lược, bàn chải, xà phòng, dầu tắm, dầu gội mang tên… khách sạn mà anh chàng vừa ở.
Trong một chuyến đi công tác Hàn Quốc của chị Ngọc Anh, khi xe chuẩn bị đưa đoàn ra sân bay trở về Việt Nam, nhân viên khách sạn tức tốc ra gọi lại để hỏi xin lại một chiếc điện thoại. Đây là đoàn được đặc biệt ưu đãi, khi đến khách sạn mỗi người được cung cấp một điện thoại có thể thoải mái gọi về Việt Nam. Trước khi về, người dẫn đoàn đã nhắc đi nhắc lại việc trả lại điện thoại cho khách sạn. Thế mà nhân viên kiểm phòng thấy thiếu đồ phải chặn xe lại. Các thành viên trong đoàn tái mặt vì ngượng. Còn nhân vật chinh của câu chuyện này chống chế định ra đến sân bay gọi nốt về cho người nhà rồi sẽ gửi trả lại khách sạn.
Anh Nam Sơn, làm việc cho một dự án nước ngoài, có “thói quen” sưu tập cốc thủy tinh của các hãng hàng không. Theo anh này, cốc của Singapore Airlines với Thai Airways là đẹp nhất.
Văn phòng của chị Thu Giang thuộc một dự án lớn, có hơn chục người thì hầu như người nào cũng có chăn hàng không lấy từ một chuyến bay nào đó.
Trong chuyến đi du lịch Trung Quốc do cơ quan tổ chức, trước khi di chuyển sang thành phố khác, đoàn của anh Minh Thành cũng phải mất tới hơn nửa tiếng vì còn bận cãi nhau với nhân viên khách sạn. Sau khi kiểm phòng nhân viên này thấy thiếu 2 móc áo nên truy tìm. 2 thành viên ở phòng đó lúc đầu bảo không biết, nhưng do nhân viên khách sạn kiên quyết bắt đền, thì cũng lúng túng vờ tìm và tìm thấy trong… vali. Lý do đưa ra bào chữa ở đây là “tại không để ý”.
Trẻ không dạy, lớn…thành quen?
Cách đây chưa lâu, vụ học sinh ăn trộm sách ở siêu thị bị nhân viên siêu thị “xử” bằng cách dán băng dính và chụp ảnh đưa lên mạng, đã gây ra dư luận trái chiều. Dư luận nói chung và những người có liên quan nói riêng khi đó có thể đã đẩy sự việc sang một cực khác, tập trung chĩa mũi tấn công vào các nhân viên siêu thị mà quên đi hành vi trộm sách của em học sinh đó.
Tuy nhiên, khi bà giám đốc Sở GD-ĐT lên tiếng “ăn cắp cũng có nhiều loại, và ăn cắp sách có thể coi là "ăn cắp văn hóa” để làm giàu văn hóa cho mình", cùng với đòi hỏi “lãnh đạo siêu thị cùng các nhân viên liên quan vụ việc đến trường em S. vào ngày thứ 2, có giờ chào cờ, đứng xếp hàng xin lỗi em S. trước toàn bộ học sinh trong trường, và cũng phải xin lỗi nhà trường vì đã làm ảnh hưởng đến nhà trường”, thì không ít người thấy ngỡ ngàng và giật mình trước quan điểm của người chịu trách nhiệm quản lý việc giáo dục của cả một địa phương.
Cha mẹ, ông bà là những người thầy dạy đạo đức đầu tiên của con cháu. Dân gian có câu "Rau nào sâu nấy", "Cha nào con nấy", "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy", hay "Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh…".
Trên các diễn đàn xã hội, không ít phụ huynh đăng tải những topic xin học hỏi kinh nghiệm để trị bệnh ăn cắp vặt của con em mình. Nhưng thử hỏi, khi nhìn thấy những người lớn xung quanh mình, những người lớn gần gũi nhất với mình ra công nhặt nhạnh hay bào chữa cho tính tham như vậy, đọng lại trong con trẻ sẽ là gì? Vết sẹo khó xóa, sự coi thường, khó dạy hay bắt chước?
***
Tham lợi dẫn đến vô cảm *
Chứng bệnh [tham lam]ấy, người các nước tuy có ít nhiều, nhưng người nước ta 25 triệu ai nấy cũng có.
Tục ngữ có câu: “Cơm ai đầy nồi nấy”, lại có câu “thử thân bất độ, độ hà thân” (1), lại có câu rằng “Con vua vua dấu con chấu chấu yêu”.
Đọc bấy nhiêu lời thì biết rằng trong ruột người nước ta viết dọc viết ngang, vach xuôi vạch ngược chỉ có một chữ tham; mà ở trong chữ tham chỉ có vài nét lợi riêng là vừa hết bút mực.
(1) thân này không cứu vớt thì cứu vớt thân nào?
Phan Bội Châu
Việt Nam quốc sử khảo, 1908
* Trích từ chuyên mục Người xưa cảnh tỉnh đã in trên Thể thao và văn hóa
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét