Trường Sơn
25%
(VNTB) Trong một cuộc hội thảo gần đây, những quan chức về hưu như Nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn lần đầu tiên đã tiết lộ: năm 2013 cả nước bổ nhiệm 169 lãnh đạo cơ quan báo chí, trong số này chỉ có 43 người được điều từ ngành khác về, không có nghiệp vụ báo chí.
Tỷ lệ “nhà báo cơ cấu” như vậy chiếm đến 25% - một con số tuy chưa phản ánh hết thực tồn lãnh đạo và chỉ đạo ấu trĩ cùng một chiều của “một bộ phận không nhỏ” báo chí nhà nước, nhưng cũng cho thấy một mâu thuẫn rất lớn đã khuếch tán ghê gớm trong hệ thống báo chí quốc doanh: đa phần giới phóng viên và biên tập viên với trình độ nghề nghiệp hơn hẳn giới lãnh đạo, lại bị siết cương bởi những người hầu như chẳng biết làm báo là gì.
Còn nhớ vào thời chấp chính lãnh đạo báo chí, ông Đỗ Quý Doãn luôn bị giới phóng viên có tư tưởng tự do xem là “máy chém nhà báo”. Nhưng sự đổi khác về cách nhìn của những người như ông sau khi về vườn lại cho thấy chính họ cũng là nạn nhân của một cơ chế giáo điều, đóng kịch, ru ngủ và lừa mị lẫn nhau.
Bất chấp số liệu luôn được tung hứng với hơn 800 tờ báo quốc doanh cùng 18.000 thẻ nhà báo, năng lực thông tin sự thật của báo chí nhà nước vẫn bị chính những viên chức quản lý nhà nước xem là “thua kém khủng khiếp” so với giới truyền thông xã hội - bao gồm các trang mạng bị nhà nước coi là “lề trái”.
Hầu như chiếm giữ nguồn thông tin độc quyền do được tiếp cận các cơ quan nhà nước, nhưng báo chí quốc doanh đã chỉ khai thác những thông tin này trên bề mặt của chúng. Rất nhiều vụ việc tham nhũng và bất công xã hội đã bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông chủ ý ngăn chặn bằng cơ chế kiểm soát từ mềm đến cứng. Một số ít tờ báo có thái độ “vượt rào” đã phải trả giá: ban biên tập phải chịu kiểm điểm, còn cộng tác viên bị cắt cộng tác bài, phóng viên thậm chí bị đuổi việc.
Nhiều bài báo tâm huyết và nói lên sự thật cũng bởi thế đã không thể lên nổi mặt báo. Với tư cách “chính trị viên” của báo, nhiều tổng biên tập đã chỉ chuyên chú việc “giữ vững đường lối chính trị của đảng” và theo đó giữ ghế, thay cho việc phản ánh tiếng nói của người dân và xã hội để đối thoại với nhà chức trách.
“Lũ chúng ta nằm trong giường chiếu hẹp…”
Hệ quả tiếp liền của thực tế trên là nhiều năm trôi qua, báo chí nhà nước luôn giữ thái độ im lặng đến mức thành khẩn trước rào cản của cơ quan tuyên giáo đối với quá nhiều sự thật nhớp nhúa liên quan đến các nhóm lợi ích kinh tế và nhóm lợi ích chính sách. Ngay cả vụ việc 15 nhà máy thủy điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đồng loạt xả lũ mà đã “giết sống” hơn năm chục mạng dân nghèo vùng rốn lũ ở các tỉnh miền Trung vào cuối năm 2013, báo chí cũng không lên trang nổi một cái tên quan chức phải chịu tránh nhiệm, càng không có bất kỳ “đày tớ” nào phải ra trước vành móng ngựa.
Sự xa cách giữa thực tiễn và mặt báo là quá lớn, cũng như hố phân cách giữa giới phóng viên và khá nhiều tổng biên tập là quá sâu cay. Rất nhiều phóng viên, nhà báo tâm huyết đã phải bỏ nghề hoặc chấp nhận “viết giải trí”.
Tuy vẫn còn đó những tờ báo theo đuổi phong cách phản biện như Đất Việt, Thanh Niên, Pháp Luật TP.HCM, Người Lao Động, Vietnamnet…, nhưng chừng đó là quá ít so vơi hàng ngàn báo in và điện tử trên toàn quốc. Lại càng không thấm vào đâu trước thực tế ngồn ngộn những bất công khủng khiếp trong xã hội.
Bởi đại đa số báo chí nhà nước hiện thời vẫn hiện hữu nguyên vẹn trong tâm thế “Lũ chúng ta nằm trong giường chiếu hẹp…”, bất chấp cái hiện thực đời sống dân chúng đang sa vào vòng khốn quẫn đến thế nào…
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét